Thích gì làm nấy, mua sắm vô độ, không thích học hỏi lịch sử và văn hóa khi đến vùng đất mới… là thói xấu của du khách Việt Nam.
Thói xấu khi đi du lịch của dân Việt Nam đã được truyền thông trong nước đề cập từ 2015, nhưng vẫn chưa sửa đổi được bao nhiêu nên ngày 8 Tháng Sáu 2023, tác giả Trần Trung Dân, một du khách khác biệt, lại có bài phàn nàn trên Tuổi Trẻ về vấn đề này.
Ông Trần Trung Dân kể: Một lần cùng đoàn đi tham quan đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ra tới nơi, thấy không có chỗ để “ăn chơi tới bến”, nhiều vị khách nhất quyết đòi về lại Đà Nẵng trong đêm, chấp nhận mất thêm tiền. “Nhớ lại mà ngao ngán”, ông Dân than.
Còn khi tham gia đoàn du lịch Hà Tĩnh, có khách đòi hủy chương trình thăm khu di tích và viếng mộ thi hào Nguyễn Du. Có người nói đi rồi, không muốn đi nữa, có người nói không biết Nguyễn Du là ai nên chọn về khách sạn nghỉ, chờ ăn trưa rồi lên phi cơ về.
Còn ra nước ngoài thì sao? Một lần tham gia đoàn đi châu Âu, ông Dân phải cậy nhờ sự quen biết để phó thị trưởng Paris (Pháp) tiếp không chính thức đoàn du khách Việt, thế mà gần giờ hẹn, cả đoàn đổi ý, hủy gặp vị phó thị trưởng để đi xem show Lido!
Đến Amsterdam (Hòa Lan), thì không du khách nào chịu đi du thuyền để khám phá tại sao quốc gia này có nền đất thấp hơn mực nước biển mà vẫn tồn tại những kênh đào trong xanh tuyệt đẹp mà nằng nặc đòi đi xem “phố đèn đỏ” (khu bán dâm)!
Khi đến Roma (Vatican), đoàn du khách Việt chỉ muốn chụp ảnh bên ngoài rồi đi mua hàng hiệu chứ không vào tham quan nhà thờ Thánh Peter. Ông Dân phải giả vờ lạc đoàn để vào xem nhà thờ và các điểm tham quan khác. Đến Venice (Ý) cũng vậy, ông Dân cũng phải “lạc” đoàn để tham quan riêng.
Còn khi tham gia tour “Cung đường vàng Nhật Bản”, trong khi ông Dân đến đâu cũng muốn tìm hiểu lịch sử và văn hóa thì cả đoàn chỉ thích đứng ngoài cổng chụp ảnh, sau đó vội đi mua sắm, có ba tiếng mua sắm vẫn chê ít.
Ngày gần cuối, đoàn tham quan Hoàng cung Tokyo và công viên Kitanomaru rất đẹp. Cây và cỏ mượt mà đẹp như tranh vẽ, chỗ nào cũng có bảng nhắc “Keep out” và hình minh họa, thế nhưng du khách Việt vẫn ào vô giẫm lên cỏ, ôm cây, níu cành, tạo dáng chụp hình rất ồn ào.
Nhìn thấy du khách ngoại quốc ở các đoàn khác tỏ vẻ khó chịu, ông Dân nhắc thì bị hướng dẫn viên người Việt quát lại: “Không phải chuyện của ông”! Hóa ra hướng dẫn viên người Việt cũng phải chiều theo thói quen của du khách Việt, nếu là hướng dẫn viên Nhật có lẽ đã khác.
Ông Dân đặt câu hỏi: Tại sao nhà hàng ở nước ngoài cảnh báo bằng tiếng Việt về thói xấu của người Việt khi ăn buffet: “Xin lấy thức ăn đủ dùng. Thừa 100gr phạt 50USD”; tại sao có siêu thị còn cảnh báo bằng tiếng Việt “Có camera an ninh” để ngăn chặn lòng tham của du khách Việt; tại sao Thái Lan còn xếp Việt Nam vào “black list” ở biên giới đường bộ Poipet (Cambodia) – Aranyaprathet (Thái Lan)? Rõ là tiếng lành đồn một thì tiếng xấu đồn 10.
Hồi Tháng Tám 2021, VnExpress đăng ý kiến của hai tác giả (một là Phan Lâm, nhà báo ban quốc tế và một là Ngọc Lâm, giảng viên ngành du lịch, cả hai đều có kinh nghiệm du lịch hơn 50 quốc gia) nhận định về những thói quen khiến du khách Việt bị kỳ thị khi đi tour như sau:
1/Thường tạo tiếng ồn, du khách Việt du lịch theo đoàn thường rất ồn ào, gây khó chịu cho thực khách châu Âu;
2/Sử dụng dao nĩa trên bàn ăn không đúng cách, du khách Việt thường dùng nhầm muỗng ăn đồ tráng miệng thành ăn súp, nên khi có đồ tráng miệng hết muỗng lại… tùy tiện đi lấy ở các bàn bên cạnh mà không biết đây là việc tối kỵ trong các nhà hàng nước ngoài;
3/Tha lôi đồ ăn phụ từ bên ngoài vào nhà hàng (như muối mè, chà bông, nước mắm…), điều cấm kỵ ở các nhà hàng châu Âu và các nước châu Á phát triển, vì họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm;
4/Du khách Việt có nhiều yêu cầu và luôn đòi hỏi trong bữa ăn khiến hướng dẫn viên buộc lòng phải giải quyết, dẫn đến họ không có thời gian dùng bữa của họ;
5/Hút thuốc lá và thiếu lịch sự nơi công cộng: Du khách Việt nhất là đàn ông khi ăn xong thường tụ nhau hút thuốc lá và dùng tăm xỉa răng, có khi tụ trước cửa nhà hàng, khiến chủ nhà hàng và hướng dẫn viên dở khóc dở cười…
Tóm lại, điểm tệ nhất của du khách Việt là văn hóa giao tiếp và ứng xử nơi công cộng ở xứ người, vì đã quen với việc hành xử tùy tiện khi đi du lịch trong nước.
Nhân vụ việc hai công dân Việt (diễn viên Hồng Đăng 37 tuổi và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh 42 tuổi) bị cảnh sát Tây Ban Nha cáo buộc “tấn công tình dục” một nữ du khách người Anh 17 tuổi hồi đầu Tháng Bảy 2022, Dân Trí ngày 6 Tháng Bảy 2022 đã liệt kê những vụ án về du khách Việt ở nước ngoài.
Đó là Tháng Bảy 2015, cảnh sát thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đã bắt giữ hai du khách Việt vì nghi ngờ họ trộm ba cái kính hiệu Gucci và Louis Vuitton, có trị giá hơn $300 mỗi cái, sau đó đeo hai trong số ba cái kính đánh cắp ra khỏi cửa hàng. Hai người ăn cắp đã phải nộp phạt 1,000 franc Thụy Sĩ (hơn 23 triệu đồng thời gian đó) trước khi được thả tự do.
Vụ thứ hai là giữa Tháng Chín 2018, bốn du khách Việt Nam bị cáo buộc ăn trộm gần 1,400 sản phẩm thời trang, có tổng trị giá 44,600 SGD (hơn $32,000) ở Singapore và dùng các túi có lót giấy bạc chứa đồ ăn trộm để qua mặt máy quét chống trộm tại cửa hàng. Nhóm bốn du khách này đã phải ngồi tù ở Singapore.
Cuối năm 2018, 152 du khách Việt biến mất khi du lịch Đài Loan với mục đích cư trú bất hợp pháp đã bị cảnh sát Đài Loan lùng sục, bắt được một số trục xuất về Việt Nam và cấm nhập cảnh Đài Loan.
Dân Trí cũng dẫn lời luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, nhận định việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị xử án ở nước ngoài không phải là chuyện hiếm. Thông tin từ Bộ Công an cho biết từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận hơn 25,000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất.