Một nghiên cứu mới cho thấy chúng ta thường liên kết máy tính xách tay với “cuộc sống nghề nghiệp” (professional live) và điện thoại di động với “cuộc sống cá nhân” (personal live). Sự phân biệt khá rạch ròi.
Tùy thuộc vào thiết bị công nghệ đang sử dụng (máy tính xách tay hay điện thoại di động), cách chúng ta tương tác với người khác cũng khác. Phát hiện này cho thấy bạn sẽ… nói dối nhiều hơn khi thao tác trên máy tính xách tay hơn là trên điện thoại di động. Chúng ta có thói quen liên kết máy tính xách tay với “cuộc sống nghề nghiệp”, mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Cuộc sống cá nhân ít được nhắm đến hơn.
“Điều thú vị chúng tôi phát hiện trong nghiên cứu mới là ảnh hưởng khác nhau của loại thiết bị bạn đang sử dụng. Trong khi điện thoại dùng để giao tiếp với bạn bè và gia đình rất ít khi nói dối thì máy tính xách tay dùng cho công việc lại nói dối nhiều hơn!” – Terri Kurtzberg (giáo sư quản lý và kinh doanh toàn cầu tại trường Rutgers Business School ở New Jersey, người thực hiện nghiên cứu mới cùng với Charles E. Naquin, phó giáo sư quản lý tại trường kinh doanh Driehaus College of Business thuộc Đại học DePaul và Mason Ameri, phó giáo sư thực hành chuyên nghiệp tại Trường Kinh doanh Rutgers) nêu rõ – dẫn lại từ Wall Street Journal.
Trong thí nghiệm đầu tiên, 137 sinh viên mới tốt nghiệp tham gia một bài tập “thương lượng chia tiền” và được yêu cầu sử dụng máy tính xách tay hoặc điện thoại di động gửi email cho một người nhận ngẫu nhiên để đề nghị chia một hũ tiền ảo (fictitious pot of money). Kết quả, những người sử dụng máy tính xách tay nói dối nhiều hơn với người nhận email về số tiền trong hũ (với hy vọng phần chia cho mình nhiều hơn), trong khi những người sử dụng điện thoại di động nói dối ít hơn!
Hai thí nghiệm tiếp theo nhằm xác định các động cơ thúc đẩy hành vi nói dối. Thí nghiệm thứ hai để xem có phải người dùng thường liên kết điện thoại di động với “cuộc sống cá nhân” và máy tính xách tay với “cuộc sống nghề nghiệp”.
Những người tham gia được yêu cầu phân loại các từ thuộc về “nghề nghiệp” hoặc “cá nhân”. Hầu hết các từ như “lợi nhuận” và “nhiệm vụ” được đưa vào danh mục “nghề nghiệp” trong khi các từ như “xã hội”, “trò chuyện” và “quan hệ” được đưa vào danh mục “cá nhân”.
Sau đó, những người tham gia được yêu cầu tuỳ ý đưa từ nào vào máy tính xách tay, từ nào vào điện thoại di động. Kết quả, phần lớn các từ “nghề nghiệp” được dành cho máy tính xách tay và các từ “cá nhân” được dành cho điện thoại di động. Như vậy, rõ ràng, chính chúng ta tự mặc định máy tính xách tay phải dành cho “cuộc sống công việc” còn điện thoại di động phải dành cho “cuộc sống cá nhân”.
Khi kiểm tra giả thuyết “bản thân thiết bị không hề thúc đẩy việc nói dối” bằng thí nghiệm thứ ba, các nhà nghiên cứu phát hiện bản thân thiết bị không gây ra nói dối mà là cách chúng ta sử dụng chúng. Kurtzberg lưu ý:
“Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi không khuyến cáo nên tránh sử dụng máy tính xách tay để giảm hành vi lừa đảo. Lý do mọi người có thể lừa dối nhiều hơn trong cuộc sống nghề nghiệp (tức là trên máy tính xách tay) có thể liên quan đến việc “kinh doanh” khi chúng ta xem thành công quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác. Đó là tư duy kiểu ‘mục đích biện minh cho phương tiện’ (the ends justify the means). Với công nghệ không ngừng phát triển, nghiên cứu mới còn đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi khác như: Việc sử dụng máy tính bảng có làm thay đổi tư duy ‘nói dối’ của chúng ta? Còn việc sử dụng bàn phím so với màn hình cảm ứng thì sao? Trong thời gian chờ đợi kết luận, tôi nghĩ mọi người cần nhớ là chúng ta không hoàn toàn giống nhau, không đưa ra những quyết định giống nhau dù thiết bị chúng ta sử dụng là gì”.