Ted Kaczynski, kẻ gieo rắc kinh hoàng khắp nước Mỹ, chết ở tuổi 81

Ted Kaczynski, Tháng Tư 1996 (ảnh: Bureau of Prisons/Getty Images)

Suốt gần hai thập niên, một kẻ ẩn mặt chuyên gài bom khủng bố tại các trường đại học và sân bay Mỹ đã làm mất ăn mất ngủ FBI. Gần 20 vụ đặt bom của hắn đã tạo nên không khí hỗn loạn và căng thẳng khắp các thành phố lớn.

Mọi người đều cho rằng gã khủng bố chuyên nghiệp ấy hẳn là một tay được đào tạo chính qui trong một trung tâm huấn luyện nào đó, nhưng không ai có thể ngờ kẻ được mệnh danh là Unabomer lại là một tiến sĩ toán học có trí thông minh siêu việt. Hắn là Ted Kaczynski…

Ngày 10 Tháng Sáu 2023, Ted Kaczynski, 81 tuổi, chết tại Trung tâm y tế nhà tù liên bang ở Butner, North Carolina. Trước khi được chuyển đến đây, hắn bị giam tại nhà tù Supermax ở Florence, Colorado kể từ Tháng Năm 1998, khi bị kết án với bốn bản án chung thân cộng thêm 30 năm.

Những vụ khủng bố của Unabomer 

Ngày 25 Tháng Năm 1978 là thời điểm mở đầu cho một loạt khủng bố bằng bom của Ted Kaczynski – tên thật của Unabomer. Lần ấy, Ted Kaczynski gửi đến Ðại học Northwestern Evanston (Illinios) một gói hàng chứa sẵn quả bom tự tạo. Gói hàng nổ tung, làm bị thương một người bảo vệ.

Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 9 Tháng Năm 1979, bom được cài trong viện công nghệ của một trường đại học, làm bị thương một sinh viên.

Và vụ thứ ba được xem là hồi chuông báo động trên toàn nước Mỹ, xảy ra vào ngày 15 Tháng Mười Một 1979, với quả bom gài trong chiếc máy bay của Hãng hàng không Mỹ đang trên đường từ Chicago đến Washington. Lệnh hạ cánh khẩn cấp được ban hành khi người ta phát hiện có tia lửa cháy trong phòng chứa hành lý. May mắn không ai tử thương nhưng vụ “dằn mặt” này làm 12 người suýt chết vì nghẹt hơi khói. Khi xem xét quả bom suýt nổ trên chiếc máy bay, chuyên gia Chris Ronay nhận thấy bom được cài chung với một đồng hồ đo độ cao, sẽ nổ khi máy bay đạt đến độ cao nhất định nào đó.

Chưa từng gặp trường hợp tương tự, Chris liên tưởng ngay kẻ thực hiện vụ đánh bom này phải là một tên cực giỏi. Do chuyến bay cất cánh từ Chicago nên FBI đề nghị cảnh sát Chicago tập trung điều tra những vụ đánh bom trước đó. Báo cáo nhận được là một số khu đại học địa phương từng bị cài hai quả bom: Một quả được đặt trong thùng gỗ tự tạo; quả kia trong hộp thuốc xì gà – cả hai quả được chế toàn bằng đồ vất đi, như đai chậu rửa bát, những cái ống nước hoặc nhiều vật dụng vớ vẩn khác…

Năm 1985, kẻ khủng bố ẩn mặt lại gây một vụ chấn động trong Ðại học Berkeley. Hôm ấy, trong phòng vi tính của trường, một phi công vũ trụ tên là John Hauser mở cái hộp nhựa và rồi một tiếng nổ mạnh như động đất bùng lên. Sức nổ kinh khủng đến độ xé toạc người của Hauser, làm chiếc nhẫn khắc chữ ACADEMY trên ngón tay nạn nhân bay đập vào tường và hằn lại tại điểm chạm rõ từng mẫu tự của chữ ấy.

Giáo sư David Gelernter, Đại học Yale, bị thương nặng sau một vụ tấn công bằng bom thư của Ted Kaczynski (ảnh: James Leynse/Corbis via Getty Images)

Vài ngày sau, hung thủ gửi đến phòng điều tra San Francisco một lá thư, trong đó hắn nói rằng mình đang làm việc cho một nhóm khủng bố gọi là Câu lạc bộ Tự do, với tuyên ngôn là phản kháng tất cả – nhất là chống lại khoa học và công nghệ. Từ lúc đó, các nhân viên điều tra thường thấy chữ FC được khắc trên tất cả những quả bom của hắn. Chính từ lúc này, người ta đặt cho hắn cái tên: Unabomer (kẻ đánh bom trường đại học và sân bay), bởi đây là hai mục tiêu hắn thường chọn (UN – university, A – airlines).

Ngày 11 Tháng Mười Hai 1985, lần đầu tiên tên khủng bố nhận rằng chính hắn là thủ phạm gây ra cái chết cho Hugh Scrutton, khi nạn nhân mở cái túi giấy chứa quả bom được cài tại cửa hàng vi tính của ông ta ở Sacramento. FBI vẫn chưa biết được gì thêm mặc dù nhận được hàng khối thông tin do người dân cung cấp. Tuy vậy, quá trình điều tra dường như đạt thêm một bước tiến khi xuất hiện lời trình báo tại thành phố Salt Lake vào Tháng Hai 1987. Một phụ nữ cho biết khi nhìn ra ô cửa sổ, bà thấy một gã dáng dấp khả nghi, mặc chiếc áo sơ mi trùm đầu, xách một túi gì đấy trông như túi của tiệm giặt ủi, trong đó có nhiều mảnh gỗ.

Ted Kaczynski vào thời điểm làm giáo sư, University of California, Berkeley, Tháng Sáu 1968 (ảnh: Sygma/Sygma via Getty Images)

Dường như hắn muốn để cái túi lại tại nơi trống trong bãi đỗ xe. Bà ta vội vàng đập mạnh vào cửa sổ để hắn sợ bỏ đi, nhưng hắn bình tĩnh nhặt cái túi lên, lẩn mất. Không đầy một tiếng sau, một ông chủ cửa hàng máy tính bị trọng thương khi bước ra phía ngoài nhặt một cái túi. FBI bổ nhào xuống hiện trường, kiểm tra các trạm xe buýt và nhà trọ bình dân. Không phát hiện được gì, nhưng người ta có thể phác họa chân dung kẻ khủng bố: Mặc áo sơ mi choàng đầu, đeo kính đen và râu ria rậm rạp.

Sáu năm sau, tăm hơi tên khủng bố mờ nhạt dần. Hắn đột ngột ngưng hành động. Niềm hy vọng tìm ra hắn cũng dần lu mờ, vì FBI không tìm ra manh mối nào sáng sủa. Nhóm FBI-AFT (đặc trách săn lùng tên khủng bố) gần như phân rã, cho đến khi một vụ đánh bom lại xảy ra vào Tháng Sáu 1993. Dường như hắn bị kích thích bởi vụ đánh bom tại Trung tâm Thương mại Thế giới và vụ thảm sát ở Waco.

Unabomer đánh động FBI bằng vụ cài bom thư làm bị thương nhà di truyền học Charles Epstein tại Tiburon (California) vào ngày 22 Tháng Sáu 1993 và chỉ hai ngày sau lại khiến nhà khoa học máy tính David Genernter bị thương khi cho phát nổ tại Ðại học Yale (lần khủng bố thứ 14). Càng ngày, tên khủng bố càng tỏ ra vô nhân tính, bởi tính chất man rợ của những vụ thảm sát. Lúc 2g19 ngày 24 Tháng Tư 1995, nhân viên điều hành của Hội lâm nghiệp California – Gilbert Murray – mở một cái túi trong văn phòng của mình và không còn nhận biết thêm gì được nữa: Quả bom trong túi phát nổ, mạnh đến nổi làm tan xác Gilbert mà sau đó người ta phải dùng đến 11 cái túi để chứa các mảnh xác của nạn nhân này.

Gậy ông đập lưng ông

Tuy cực kỳ thông minh, hành động luôn được tính toán cân nhắc thận trọng, nhưng Unabomer-Ted Kaczynski đã mắc phải một sai lầm lớn khi viết “bản tuyên ngôn”dài 35,000 từ, gửi cho hai tờ báo New York Times và Washington Post vào Tháng Sáu 1995, với nội dung đe dọa sẽ đưa nước Mỹ trở về thời “tự nhiên hoang dã”. Hắn cho biết nếu không đăng lá thư, những cuộc đánh bom sẽ lại được thực hiện. Một số người trong tòa soạn hai báo trên và cả trong Bộ tư pháp Mỹ cho rằng nếu đăng thì xem như đã đầu hàng hắn, nhưng vài ý kiến khác thuyết phục rằng có thể xuất hiện đầu mối hữu ích nào đó trong việc nhận dạng Unabomer khi cho đăng công khai. Cuối cùng, vào Tháng Chín 1995, nhà chức trách cho phép đăng.

Ngày 19 Tháng Chín 1995, tờ The Washington Post đăng “bản tuyên ngôn” hơn 35,000 từ của Ted Kaczynski (The Washington Post via Getty Images Archive)

Quả nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, nhiều người đã lên tiếng họ có thể biết được manh mối để truy tìm tên khủng bố – trong số ấy có em ruột kẻ sát nhân, tên là David Kaczynski. Là một nhân viên hoạt động công tác xã hội, đang sống với vợ ở Schenectady (New York), David bắt đầu cảm thấy bất an khi đọc lá thư của Unabomer trên báo. Tháng Giêng 1996, khi phụ mẹ dọn ngôi nhà ở Chicago để đến nơi khác, David tìm thấy hàng trăm bức thư của anh mình mang nội dung tương tự “bản tuyên ngôn”. Hết sức đau khổ, nhưng David buộc lòng đến trình báo FBI. Sử dụng một luật sư làm người trung gian, David đề nghị rằng anh chỉ giúp đỡ quá trình điều tra với điều kiện không được công bố tên mình và không áp dụng bản án tử hình cho Ted Kaczynski.

Bắt đầu từ Tháng Ba 1996, một nhóm nhân viên FBI luôn túc trực theo dõi túp lều tồi tàn tại ngôi làng quê vắng vẻ Lincoln ở Montana. Những nhân viên này thuộc nhóm cứu hộ con tin – thành phần thiện chiến nhất của FBI – được trang bị bằng những thiết bị theo dõi hiện đại. Ban đêm, họ ẩn trong các lùm cây, quan sát túp lều bằng kính nhìn trong bóng đêm, lắng tai nghe tín hiệu phản hồi từ các dụng cụ nghe trộm cực nhạy có thể bắt được cả tiếng lầm bầm. Mọi người tỏ vẻ kiên nhẫn bởi biết đang đối đầu với một kẻ cực kỳ khôn ngoan và liều lĩnh. Nhưng đài truyền hình CBS thúc giục nên tiến hành bắt Ted Kaczynski sớm hơn, vì nguồn tin theo dõi có nguy cơ rò rỉ.

Căn lều của kẻ khủng bố Ted Kaczynski (ảnh: MICHAEL MACOR/The San Francisco Chronicle via Getty Images)

Thứ Tư, ngày 3 Tháng Tư 1996, các nhân viên FBI bất ngờ đột nhập vào túp lều của Ted Kaczynski, thấy cả một phòng thí nghiệm dã chiến chế tạo bom bên trong, với nhiều tập sách khoa học, 10 quyển nháp vẽ đầy các biểu đồ chế tạo bom, vô số lọ hóa chất cùng các thỏi kim loại dùng làm chất nổ, pin và dây điện; ngoài ra, còn có hai cái máy đánh chữ đời cũ trong đó có một cái mà FBI tin rằng Ted Kaczynski đã dùng để đánh lá thư gửi cho tờ New York Times và Washington Post.

Chưa hết, có cả một quả bom đã được chế tạo hoàn chỉnh, gói cẩn thận trong tình trạng chờ gửi. Ðây hẳn là quả bom cuối cùng trong một chuỗi những quả bom được làm từ năm 1978 đến nay, giết chết ba người và làm 20 người khác bị thương, được cài 16 lần tại 16 nơi khác nhau trên khắp nước Mỹ. Quá trình điều tra làm hao tổn ngân sách nhà nước hơn $50 triệu; sử dụng một lực lượng nhân viên thiện chiến gồm 80 người từ FBI, ATF và nhân viên bưu điện; lập một kho lưu trữ chứa đến 12 triệu byte thông tin liên quan đến kẻ sát nhân Ted Kaczynski.

Theodore ‘Ted’ Kaczynski lúc bị bắt, ngày 3 Tháng Tư 1996 (ảnh: Michael Macor/The San Francisco Chronicle via Getty Images)

Chân dung Unabomer

Unabomer tên thật là Ted Kaczynski, sinh ngày 22 Tháng Năm 1942 tại khu ngoại ô bình dân Evergreen Park ở Chicago (tiểu bang Illinois), con của ông bà Wanda và Theodore Kaczynski. Học nhảy lớp hai lần trong trường trung học, nên năm mới 16 tuổi, Ted Kaczynski đã là sinh viên Ðại học Harvard.

Trong thời gian theo học tại Harvard, Ted Kaczynski đã có nhiều biểu hiện kỳ lạ. Một cựu sinh viên đồng học kể lại có lần giận điều gì đó, Ted Kaczynski dùng thỏi xà phòng vẽ hình con lợn và viết câu chửi tục trên tấm gương trong phòng tắm. Giường ngủ của hắn trong ký túc xá trông như một bãi rác khổng lồ và sặc hơi hôi thối với mùi sữa và bánh sandwich mốc meo. Nhưng không ai hoài nghi thiên khiếu về toán học của hắn. Ted Kaczynski tốt nghiệp Ðại học Harvard Tháng Sáu 1962, lấy bằng tiến sĩ toán tại Ðại học Michigan và đi dạy thời gian ngắn tại Ðại học Berkerley năm 1967.

Ted Kaczynski thật sự là kẻ có bộ não phi thường. Chỉ số thông minh của hắn đạt 167. Tại Đại học Michigan, Ted Kaczynski có lúc vùi đầu nghiên cứu một lĩnh vực toán học bí hiểm đến nỗi một thành viên trong hội đồng luận văn cho rằng chỉ có 10 hoặc 12 người ở nước Mỹ hiểu được. Năm 25 tuổi, Ted Kaczynski là trợ lý giáo sư tại Đại học California, Berkeley.

Các nhà tội phạm học thoạt đầu cho rằng hẳn có nguyên cớ gì đó từ thời còn trẻ làm ảnh hưởng mạnh đến cá tính của Ted Kaczynski khi trưởng thành, nhưng khi nghiên cứu quá trình phát triển bản thân của hắn người ta không hề thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ hắn bị ức chế tâm lý hay bị ngược đãi. Suốt cuộc đời, hắn không có bạn thân, thậm chí người yêu cũng không.

Ted Kaczynski tại nhà tù liên bang ADX Supermax ở Florence, Colorado, ngày 30 Tháng Tám 1999 (ảnh: Stephen J. Dubner/Getty Images)

Năm 1969, hắn đột nhiên xin nghỉ dạy và rút lui vào cuộc sống ẩn dật, tách rời mọi hoạt động xã hội. Cảm giác của Ted Kaczynski như thế nào khi thực hiện những vụ đánh bom? Trong lá thư gửi các báo, hắn cho biết: “Thật chẳng vui sướng gì khi bỏ hết cả những buổi chiều và ngày nghỉ cuối tuần để pha chế những hợp chất nguy hiểm, chế những ngòi nổ từ các mảnh thép vụn rồi đến dãy núi đá tìm nơi vắng vẻ thử quả bom”. Ðúng là Ted Kaczynski thuộc một dạng bệnh lý liên quan đến thần kinh khó có thể giải thích. Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ về Ted Kaczynski…

Thời gian trong tù, Ted Kaczynski kết thân với những kẻ khủng bố nguy hiểm nhất lịch sử khủng bố nước Mỹ, nằm ở các phòng giam gần mình, từ Ramzi Ahmed Yousef, kẻ đã đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993, đến Timothy J. McVeigh, kẻ đánh bom thành phố Oklahoma. Năm 2017 và 2020, Netflix từng tung ra bộ phim tài liệu về Ted Kaczynski. Từ trong tù, hắn vẫn trao đổi thư từ qua đường bưu điện với hàng nghìn người, nhà báo, sinh viên và cả những kẻ hâm mộ mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: