Câu chuyện chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn $11,000 cuối cùng đã đến “hồi kết” bằng một kịch bản rất dở do Công an TP. Phú Quốc thực hiện: Nó bị “rớt”!
Nó “rớt”, nhưng công an không cho biết chiếc đồng hồ này “rớt” ở đâu, và làm sao họ tìm thấy được nó sau hơn năm tháng tìm kiếm?
Theo khai báo của chị Mạc Thanh Thảo (SN 1988, thường trú tại Hoa Kỳ), và cũng được video an ninh tại phi trường Phú Quốc ghi lại, chuyện chiếc đồng hồ Patek Philippe của chị bị “rớt” như thế này:
Khoảng 9:30 ngày 25 Tháng Mười Hai 2022, chị Thảo cùng chồng đi trên chuyến bay VN6526/18D từ Phú Quốc đi Sài Gòn. Khi chuẩn bị qua cửa kiểm tra an ninh, chị Thảo tháo chiếc đồng hồ đang mang trên tay ra, bỏ vào túi xách, đóng lại cẩn thận, trước khi bỏ nó vào khay để đưa qua máy soi chiếu.
Chị Thảo đi qua cửa kiểm tra an ninh bình thường, lấy lại túi xách tay, mở túi ra tính lấy chiếc đồng hồ mang lại vào tay thì không thấy đâu nữa. Chị cùng chồng tìm lại những chiếc khay chung quanh nhưng không thấy, nên báo với lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay là bị mất một đồng hồ đeo tay hiệu Patek Philippe (mặt đồng hồ hình chữ nhật, nền trong màu nâu nhạt, dây đồng hồ bằng kim loại màu bạc) trị giá $11,124 (khoảng 278 triệu đồng).
Nhân viên an ninh ở đây cũng tổ chức đi tìm chung quanh khu vực này nhưng vẫn không thấy. Sự việc được báo lên Công an TP. Phú Quốc, và Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Cơ quan điều tra sau đó cho biết, sau thời gian tích cực triển khai đồng bộ các công tác xác minh, tìm kiếm, cơ quan Công an đã “tiếp nhận” được đồng hồ Patek Philippe mà chị Thảo trình báo bị mất tại sân bay Phú Quốc.
Do chị Thảo đang ở nước ngoài nên đã ủy quyền anh Mạc Chí Công (SN 1985) – anh ruột của chị Thảo đến cơ quan Công an làm thủ tục tiếp nhận tài sản bị mất ngày 25 Tháng Mười Hai 2022.
Tại buổi bàn giao, anh Mạc Chí Công đã xác định chiếc đồng hồ được trả lại đúng là chiếc đồng hồ chị Thảo bị mất tại sân bay Phú Quốc.
Qua câu chuyện, có nhiều câu hỏi được đặt ra, vì cách giải thích của cơ quan công an “huyền bí” quá, thường dân không thể hiểu.
Thứ nhất, chiếc đồng hồ này không có bánh xe, cũng chẳng có chân, để khi bị rớt xuống khu vực có mấy anh an ninh ngồi đó, rồi từ chạy, hay bò đi… trốn! Nó mà có rớt, thì chắc chắn nằm một chỗ.
Thứ hai, nếu nói chị Thảo đánh rơi ở nơi khác thì cũng không đúng, vì camera an ninh xác nhận chị Thảo có tháo chiếc đồng hồ này ra, bỏ vào túi xách, rồi kéo cái zipper đóng túi xách tay này lại rất cẩn thận.
Công an Phú Quốc nói họ đã “tiếp nhận” được chiếc đồng hồ của chị Thảo, nhưng không cho biết “tiếp nhận” như thế nào? Ai là người giao, ai là người nhận? Chứ chẳng lẽ chiếc đồng hồ tự dưng “nhảy” vào tay một anh công an nào đó?
Sẽ rất hợp lý nếu chúng ta cho chiếc đồng hồ đắt tiền này một… đôi chân để giải thích sự việc:
Sau khi chiếc đồng hồ được chị Thảo bỏ vào túi xách, Patek Philippe (tên chiếc đồng hồ) cảm thấy rất ngột ngạt. Nó mở zipper chui ra khỏi túi xách, rồi đóng zipper lại cẩn thận để chị Thảo không biết là nó đã “trốn nhà theo trai”.
Trong khu vực tối thui của băng chuyền kiểm tra an ninh, trước khi tia X-ray quét tới để kiểm tra, nó đã kịp buông mình rớt xuống dưới đất, rồi mau chóng chạy ra khỏi khu vực đó tìm chỗ núp.
Ở chỗ đó, nó quan sát và thấy mọi người nhốn nháo đi tìm, nhưng nó im lặng. Đến khi mọi chuyện lắng xuống, nó mới bỏ ra ngoài ngắm nhìn những chiếc máy bay lên, xuống.
Mấy tháng nay, chiếc đồng hồ này cứ rong chơi ở sân bay Phú Quốc như thế mà chẳng ai chịu nhìn xuống tìm nó. Cho đến một ngày, nó chợt nhớ cô chủ của nó, người đã đeo nó trên tay mấy năm nay. Cô ấy cưng chiều nó lắm, không để một hạt bụi nào bám trên người nó, chứ đâu như bây giờ, người nó lem luốc, bẩn thỉu.
Thế là nó trở lại khu vực an ninh, nơi mà nó trốn đi. Nó cố tình nằm phơi mình ra chỗ sáng nhất, thoáng nhất để mấy người an ninh trông thấy. Một lúc sau thì có người an ninh trông thấy nó. Anh ta cúi xuống nhặt nó lên, nhìn nhãn hiệu rồi ánh mắt anh ta nhìn láo liên, tay tính cất nó vào túi, thế nhưng bất chợt có tiếng nói phía sau: “Đồng chí nhặt được cái gì đấy?” làm anh ta giật mình, đánh rớt nó xuống đất.
Cả đám an ninh đứng gần đó nghe thủ trưởng hỏi to quá nên quay lại nhìn. Đến khi họ nhìn thấy chiếc đồng hồ dưới đất thì gần như đồng loạt la lớn: “Patek Philippe!”
Nó nghĩ nhờ nhiều người thấy nó, nên nó mới được trả lại cho khổ chủ, chứ nếu chỉ có một, hai người nhìn thấy thôi, không chừng nó phải đổi chủ.
Đó là câu chuyện giải thích sự trở về của chiếc đồng hồ Patek Philippe. Đương nhiên nó tào lao, nhưng chỉ có thế sự việc mới được giải thích rõ ràng.
Nếu giải thích theo cách nhìn của dân “xã hội” thì như thế này:
Khi chiếc túi xách đựng chiếc đồng hồ Patek Philippe chạy qua máy dò, một người an ninh dừng băng chuyền lại để kiểm tra. Anh ta nhanh chóng xác định giá trị của chiếc đồng hồ nên nháy mắt cho đồng chí của mình. Một bàn tay nhám nhúa thò vào trong mở chiếc túi xách, rồi nhẹ nhàng lấy chiếc đồng hồ ra đút vào túi quần. Người công an điều khiển máy cho băng chuyền chạy tiếp, còn người cầm chiếc đồng hồ thì bỏ ra ngoài, cất nó ở một nơi kín đáo, xa hiện trường.
Đến khi câu chuyện bị làm rùm beng lên, qua hệ thống camera an ninh, cơ quan công an dễ dàng điều tra ai là người lấy chiếc đồng hồ này, ai là đồng lõa. Thế nhưng họ chọn cách im lặng, vì tố cáo nhau đã là xấu mặt rồi, hơn nữa mấy tổ an ninh ở đấy “ăn chia sòng phẳng, biết trên, biết dưới” lắm. Bắt một hai cán bộ chịu tội cũng chẳng được gì, mà còn làm hại tập thể nữa.
Thế nên cơ quan an ninh quyết định cứ tạm giữ nó, chờ cho chuyện này “nguội” đi rồi trả lại cho chị Thảo, chứ trả liền cũng không tốt, mà lấy luôn thì lại càng không được. Nhiều người biết quá, chia chác chẳng được bao nhiều, ngộ lỡ chia không đều, có thằng xấu tính nói ra ngoài thì vừa mất chức, vừa phải ra tòa thì “rách việc”.
Nói vậy chứ, giải thích như thế là áp đặt lắm, vì chẳng có chút cơ sở nào cả. Thế nên cuối cùng, cứ nên dựa vào nguồn tin của công an, họ bất ngờ “tiếp nhận” được chiếc đồng hồ Patek Philippe, và tổ chức trao lại cho anh Mạc Chí Công, anh ruột của chị Mạc Thanh Thảo ngay sau đó.
Đừng ai hỏi gì thêm, vì công an sẽ không trả lời đâu. Câu chuyện tới đây đóng lại là được rồi.