Bị buộc phải dừng tổ chức khóa tu mùa hè thứ ba tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), bà Phạm Thị Thu, trưởng ban tổ chức khóa tu ở chùa này, đã mời phụ huynh tham gia khóa tu ở… resort.
Theo Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Sáu, sau khi viết tâm thư sám hối về việc đã ém nhẹm một học sinh 11 tuổi bị bạn đánh trong khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà và bị buộc phải sao kê số tiền “cúng dường” thu được từ các khóa tu, bà Phạm Thị Thu, trưởng ban tổ chức khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà đã mời phụ huynh cho con tham gia khóa tu thứ ba tổ chức ở một resort.
Nội dung thông báo của bà Thu gửi cho phụ huynh trên một nhóm Zalo như sau: “Bản thân chúng ta tự làm chủ được chính mình. Con chúng ta sẽ sống vươn cánh như đại bàng, sống được ở mọi môi trường như thiếu nước, thiếu điện, không gian eo hẹp… vẫn vươn cao đầu mọi thử thách.
Khóa tu mùa hè K3 “HƯỚNG NGHIỆP” sẽ cho các con sự trải nghiệm tuyệt vời, thực tế ở những khu rì sọt (resort), các con sẽ được học và thực hành thực tế.
Các con sẽ được xe đưa đón từ chùa Cự Đà, số lượng khóa ba được đăng ký chuẩn 300 em. Vậy cô thông báo quý phụ huynh nào thực sự đã cho con trải nghiệm khóa tu, thực sự tin tưởng BTC thì đăng ký cho con em mình.
Còn quý phụ huynh nào cảm thấy không tin tưởng và không theo khóa tu nữa thì nhắn tin riêng cho cô, nếu cúng dàng Tam Bảo thì cô sẽ chuyển vào Tam Bảo, nếu không cúng dàng thì cô sẽ gửi lại tiền”.
Thay vì phải hoàn trả học phí khóa tu thứ ba vì đã bị buộc dừng tổ chức tại chùa, bà Thu tìm cách tổ chức ở chỗ khác, nhằm giữ lại số tiền đã thu!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại đức Thích Di Kiên, sư trụ trì chùa Cự Đà cho biết từ trưa 18 Tháng Sáu khi nhận được thông tin, nhà chùa đã yêu cầu bà Thu gỡ bỏ thông báo và có văn bản chính thức tới cơ quan chức năng để đính chính thông tin.
Về số tiền “cúng dường” cho khóa tu thứ ba dự định sẽ tổ chức, bà Thu đã chuyển khoản cho chùa 86 triệu đồng, đại đức Thích Di Kiên nói sẽ yêu cầu kế toán tổng hợp thu chi và báo cáo chi tiết. Ông sư này biện bạch: “Số tiền được thu để chi vào ăn uống, cơ sở vật chất, điện nước, phục vụ khóa tu, đồng phục, vệ sinh, trang thiết bị…
Bà Thu đảm nhiệm tổ chức khóa tu hai năm qua. Từ nay về sau, bà Phạm Thị Thu không liên quan đến bất kỳ công việc nào tại chùa. Mọi việc thu, chi của chùa đều có hóa đơn và biên lai ghi nhận, với số tiền đã nhận từ khóa tu thứ ba sẽ trả lại cho các phụ huynh”.
Bình luận về thông báo của bà Thu tổ chức khóa tu ở một resort, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch Ủy ban huyện Thanh Oai, cho biết huyện không liên quan vì địa điểm tổ chức không nằm trên địa phận huyện và người tổ chức (bà Thu) không phải cư dân của huyện.
Trả lời Tiền Phong ngày 18 Tháng Sáu, đại đức Thích Di Kiên cho biết, việc tuyển sinh khoá tu hè thứ ba do phật tử Thu (Phạm Thị Thu) phụ trách trong thời gian sư thầy đang “An cư kiết hạ”, không sử dụng điện thoại (!?) Hết thời gian “an cư kiết hạ” sư thầy mới biết nên nhà chùa đang gấp rút hoàn thiện thủ tục để hoàn trả lại tiền cho các phụ huynh.
Sư trụ trì chùa Cự Đà cũng phủ nhận sự liên quan đến bà Thu: “Từ nay phật tử Thu không còn liên quan đến mọi hoạt động của chùa, sau ngày 18 Tháng Sáu, quý phụ huynh nào chuyển khoản cho phật tử Thu liên quan đến các khoá hè, thầy không chịu trách nhiệm”.
Vị sư thầy này không hề đề cập đến trách nhiệm của mình khi cho bà Thu đại diện cho chùa, tổ chức nhiều khóa tu mùa hè cho trẻ, cũng không nhận lỗi đã “khoán trắng” cho bà phật tử này chăm sóc các tu sinh trong điều kiện sinh hoạt tồi tệ, để xảy ra chuyện các tu sinh đánh nhau mà vẫn ém nhẹm.
Và quan trọng hơn hết, vị sư thầy này không giải thích lý do tại sao chùa Cự Đà là chùa của sư ông (không phải chùa của sư bà) mà lại có sự xuất hiện của bà Thu trong vai trò tổ chức các khóa tu mùa hè cho trẻ em tại đây?
Bà Thu có phải là người mượn danh chùa, mượn địa điểm chùa để kinh doanh, khi thực tế bà này đứng ra thu tiền sau đó chuyển khoản lại cho chùa mà không có sao kê thu – chi rõ ràng. Đến khi bị nhà cầm quyền chỉ thị dừng mở các khóa tu, nhà chùa mới đòi bà này sao kê?
Rõ ràng, với việc thông báo tổ chức khóa tu mùa hè thứ ba ở resort, bà Thu là người kinh doanh các khóa tu mùa hè, nhìn thấy cơ hội kiếm tiền quá dễ dàng, vì sự dễ dãi của phụ huynh – phật tử, sẵn sàng gửi tiền và gửi con, mà không cần kiểm tra, kiểm soát xem cách tổ chức có phù hợp với con mình hay không?
Hiện nay, vào các mùa hè, phụ huynh Việt Nam bối rối với rất nhiều lời mời chào cho con tham gia khóa tu mùa hè ở chùa, trại hè ở nước ngoài hay học kỳ quân đội tại nhiều công ty.
Lao Động ngày 6 Tháng Sáu 2023 từng cảnh báo các bậc phụ huynh nên cẩn thận trước “ma trận” khoá học kỹ năng, trại hè, khóa tu, học kỳ quân đội… với mức phí từ vài triệu tới hàng trăm triệu đồng, mà phụ huynh không thẩm định được chất lượng, không biết phải dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn mô hình an toàn, phù hợp với con mình.
Ngay cả các khóa tu mùa hè tại chùa, tiếng là 0 đồng nhưng “cúng dường tùy tâm” thì cũng chả biết phải bỏ bao nhiêu cho khỏi phí vì chương trình học mỗi nơi một phách, tụ tập trẻ đông mà lại cho sinh hoạt chung đụng trong một không gian, thiếu đi sự an toàn và riêng tư.
Cuối cùng, Lao Động dẫn lời PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia giáo dục, trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tư vấn: Việc lựa chọn khoá học, chương trình phải dựa trên sự phù hợp với từng cá nhân đứa trẻ, đó là dựa trên sự hứng thú, điểm mạnh của con. Phụ huynh cũng không nên tuyệt đối hoá việc học, bắt ép con tham gia khoá học từ sáng đến tối trong thời gian nghỉ hè để con “tuyệt giao” với thế giới công nghệ.
Theo ông Nam, sự xuất hiện của các trại hè nên được nhìn dưới góc độ là một mô hình tham khảo, sự nhắc nhở phụ huynh về việc quan tâm hơn tới nhu cầu giao tiếp, trải nghiệm của con. Vì thế, có khi không nhất thiết phải đi xa, chính mỗi gia đình cũng có thể là một trại hè, một sân chơi bổ ích và hấp dẫn. Chính cha mẹ có thể là người hướng dẫn tuyệt vời mà các con cần.
Nhiều nhóm gia đình đông anh chị em, bằng hữu đã họp lại và thành lập các câu lạc bộ liên gia đình. Trong thời gian nghỉ hè, mỗi tuần các gia đình sẽ giao cho một nhà phụ trách trẻ của tất cả nhà khác, với những thử thách nho nhỏ nhưng mới lạ như trồng cây, nuôi thú cưng, tập thể dục, học vẽ, âm nhạc, chơi đá bóng.
Trại hè tốt nhất với trẻ em là trại hè ở đó, các em được chơi đùa, học hỏi cùng những người thân yêu. Bởi một khi các chùa trở thành nơi kinh doanh thì nên xem lại việc đưa trẻ đến chùa để học, có khi lại tác dụng ngược.