Một bức ảnh cho thấy cô sinh viên trẻ nằm úp mặt xuống đất trong bộ lễ phục tốt nghiệp, chiếc mũ tua rua của cô bị vứt sang một bên. Những ảnh khác cho thấy cô ngồi sụp xuống ghế, gục vào tường đu đưa vô hồn trên lan can cầu thang. Nhưng các nhân vật trong những hình ảnh này không hề bị tổn thương thể chất hay thần kinh mà đây là những bức ảnh tốt nghiệp đang trở thành phong trào với chủ đề theo chú thích là “chết còn hơn sống”.
Những con rối người bị bẻ gãy
Những tuần gần đây, các phương tiện truyền thông xã hội TQ tràn ngập hình ảnh bi quan được đăng bởi những sinh viên mới tốt nghiệp. Thay vì chọn những góc ảnh bóng bẩy, yêu đời như trước đây, nhiều sinh viên chuyển sang những kiểu ảnh mà họ cho là phản ánh chân thực hơn về thực tế khó khăn mà giới trẻ nói chung và sinh viên mới tốt nghiệp nói riêng đang phải đối mặt – CNN cho biết.
Con số kỷ lục 11.6 triệu sinh viên đại học sẽ tham gia thị trường việc làm vào mùa hè này và triển vọng của họ vô cùng ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị đang ở mức kỷ lục, lên đến 20.8% trong Tháng Năm. Làn sóng người tìm việc mới sẽ áp lực thêm lên thị trường việc mà cho đến nay chính phủ TQ vẫn không thể giải quyết vấn đề mà lỗi một phần do chính họ tạo ra. Nền kinh tế bị chậm lại bởi chính sách nghiêm ngặt zero-Covid chưa phục hồi thì được bồi thêm bằng một cuộc đàn áp kinh tế tư nhân, khu vực tạo ra 80% việc làm trên toàn quốc.
Trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghệ và giáo dục vốn thường thu hút rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp. Tất cả cùng nhau tạo nên một bức tranh đen tối cho thế hệ trẻ và nhiều người cảm thấy kiệt sức và chán nản sau khi hệ thống giáo dục cạnh tranh khét tiếng của TQ điều hướng liên tục nhưng lại rơi vào hố thẳm hôm nay. “Cuối cùng tôi đã lấy được bằng thạc sĩ và… để đó ngó!” – một sinh viên viết trên mạng xã hội Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu – 小红书), bên cạnh bức ảnh chụp cô nằm trên mặt đất, buông lơi chiếc mũ tốt nghiệp và tập luận văn. Trong một bức ảnh khác, cô giả vờ ném luận án của mình vào thùng rác tái chế.
Trong các bình luận, một số sinh viên nhỏ tuổi tranh luận về việc liệu có đáng tiếp tục học lên cao học không với sự thông cảm của thế hệ trước. Một người nhận xét: “Bài viết tuyệt vời, nó phản ánh hoàn hảo tâm trạng bi quan của các sinh viên mới tốt nghiệp”.
So với nhiều thập niên qua, giới trẻ TQ hiện nay có có trình độ học vấn cao nhất với số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Nhưng đa số bắng cấp không phù hợp với các kỹ năng xã hội cần, không đáp ứng được kỳ vọng thoát nghèo của sinh viên và cũng không tạo ra cơ hội cho họ.
Với số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm mỗi năm, nhiều sinh viên tin rằng bằng cấp kỹ sư, cử nhân của họ không còn được người sử dụng lao động quan tâm như trước. Để được chú ý, nhiều người học thêm sau đại học để lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Kết quả, 6.5 triệu bằng thạc sĩ và hơn 600,000 bằng tiến sĩ đã được cấp trong thập niên qua (theo Bộ Giáo dục TQ). “Bội thực” thạc sĩ, tiến sĩ, chính phủ phải ra lệnh cho các trường đại học tiếp nhận nhiều ứng viên thạc sĩ hơn so với năm 2020. Nhưng ngay cả bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không đảm bảo có việc làm.
Li Nian, một nghiên cứu sinh vừa tốt nghiệp tuần trước thuộc số người theo phong cách “chết còn hơn sống”. Ban đầu cô dự định đi làm ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân nhưng quyết định học lên tiến sĩ. “Tưởng ngần ấy năm học đã là khá đủ, tôi gửi vô số hồ sơ xin việc nhưng không có nhà tuyển dụng nào trả lời. Bởi vì họ không thiếu người” – cô tâm sự. Li nhớ lại lần tham dự một hội chợ việc làm ở trường của mình, và thấy tận mắt các nhà tuyển dụng ném “một đống hồ sơ xin việc dày cộp vào thùng rác”. Giờ đây, cô dự định ra nước ngoài theo học chương trình sau tiến sĩ, hy vọng kinh nghiệm quốc tế có thể giúp cô có cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà.
“Trung Quốc mộng” và một thế hệ vỡ mộng
Bất chấp tương lai u ám của các sinh viên tốt nghiệp, phong trào “chết còn hơn sống” đã làm nổi bật sự “hài hước đen” khi sinh viên phải đối mặt với những thách thức không lường.
Sau khi được truyền cảm hứng từ những gì nhìn thấy trên mạng, Li đã chụp bộ ảnh tốt nghiệp với dáng vẻ mệt mỏi nhưng pha chút hài hước. Trong một bức ảnh, cô rũ người ra sau băng ghế công viên trong bộ lễ phục tốt nghiệp. Một bức khác cô nằm trên mặt đất, bị gập làm đôi như con rối đứt dây.
Có ảnh sinh viên cười toe toét được chỉnh sửa trước một tòa nhà đang cháy với ngón tay cái giơ lên. Một số sinh viên tốt nghiệp xem phong trào “chết còn hơn sống” chỉ là một bước ngoặt thú vị thay cho những bức ảnh tốt nghiệp “khuôn mẫu” với tay cầm mảnh bằng và bó hoa quá nhàm chán. Tuy nhiên, Li nghĩ là còn một lý do khác khiến nhiều người đồng cảm với phong trào này. “Tôi thấy có người thích ảnh của mình. Thậm chí, có một câu nói phổ biến, bất cứ ai học tiến sĩ đều bị điên!”.
TQ không phải là quốc gia duy nhất có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Như các nhà phân tích của Goldman Sachs đã chỉ ra trong một báo cáo gần đây, các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Ý cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 20%. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đặc điểm nhân khẩu học độc đáo của TQ khiến ảnh hưởng của thất nghiệp cao hơn nhiều, vì dân số trẻ được xem là cột trụ của nền kinh tế nước này.
Giới trẻ là những người chi tiêu lớn cho tiền thuê nhà, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc và giải trí. Khi thanh niên thất nghiệp đông, không có tiền tức là chi tiêu ít hơn và nền kinh tế sẽ yếu hơn.
Cứ năm thanh niên sống ở các thành phố TQ thì có một người không có việc làm. Với dân số khoảng 1.4 tỷ người, TQ đang già đi nhanh chóng nên nền kinh tế rất cần nhiều lao động trẻ để hỗ trợ các nhu cầu sức khỏe và xã hội của nhóm người cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng. Nhưng nhiều người trẻ tuổi đang trì hoãn hoặc quyết định không lập gia đình do khó khăn kinh tế khiến họ khó gánh nổi trọng trách thế hệ trước giao.
Thất nghiệp chỉ là một phần lý do khiến nhiều người trẻ ngày càng cảm thấy vỡ mộng và mất niềm tin vào chính quyền. Thất vọng vì tiền lương trì trệ, cơ hội tiến thân hạn chế, nhà ở không phù hợp túi tiền và chi phí sinh hoạt tăng cao dễ dẫn đến biến động xã hội, châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Khi “thế hệ vỡ mộng” này lớn lên, một số thậm chí đã thề sẽ là “thế hệ cuối cùng” như cách phản kháng đảng cầm quyền. Báo cáo của Goldman Sachs cảnh báo tình hình việc làm tại TQ sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới và TQ sẽ tiếp tục chứng kiến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao trong vài năm tới.