Trong những khu đất vàng tại Hà Nội, rất nhiều tiểu thương đã phải chấp nhận mất hàng chục triệu đồng tiền cọc, khi trả lại mặt bằng trước thời hạn cho chủ phố, vì họ không còn sức gồng gánh nữa.
Hiện nay, trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội như phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm), đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy), phố Đào Tấn (quận Ba Đình), phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)… người ta đếm không xuể những mặt bằng kinh doanh đang phải đóng cửa bỏ trống, treo biển sang nhượng, cho thuê.
Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh chưa kịp hồi phục, thì các chủ phố đã tăng giá thuê mặt bằng liên tục, khiến nhiều tiểu thương than trời. Anh Trịnh Văn Thịnh (SN 1985, kinh doanh quán ăn trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội) buộc lòng phải sang nhượng cửa hàng gấp để chuyển đi nơi khác. Nhưng điều này không dễ chút nào. Anh chia sẻ:
“Tôi đang nhượng lại mặt bằng kinh doanh quán ăn có diện tích 50m2, mặt tiền rộng 5m nhưng ba tháng nay chưa có người thuê. Hợp đồng thuê nhà còn 6 tháng, nếu chuyển trước thời hạn thì tôi sẽ mất 18 triệu đồng tiền đặt cọc ban đầu”.
Anh Thịnh cho biết thêm, do tiền thuê nhà hiện đã tăng quá mức chịu đựng, khi lượng khách hàng vẫn chưa thể đều đặn như thời gian trước dịch Covid-19, nên từ đầu năm đến nay, nhà hàng của anh liên tục phải gánh lỗ.
Chị Hoa (kinh doanh đồ lưu niệm trên phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng phải chấp nhận mất khoản tiền cọc 20 triệu đồng ban đầu. Chị cho biết do tiền thuê nhà quá lớn trong khi doanh thu không đủ chi trả tiền thuê nhà, nhân viên. Rất nhiều cửa hàng trên phố cổ hiện tại cũng đã phải treo biển thông báo chuyển đến địa điểm, con phố khác có mức giá thuê hợp lý hơn.
Chị Hoa phân tích, lượng khách du lịch quốc tế đang phục hồi rất nhỏ giọt nên gần như toàn bộ tiền lời lãi, kinh doanh của cửa hàng mấy tháng nay đều dồn hết để trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Có không ít cửa hàng tại đây đã phải trả lại mặt bằng, chấp nhận mất tiền cọc hàng chục triệu đồng để chuyển sang địa điểm khác.
Trường hợp của anh Thịnh, chị Hoa cùng nhiều người kinh doanh lâu năm khác vẫn không đáng buồn bằng một số cửa hàng vừa khai trương mấy tháng trước. Họ đã tiêu tốn cả trăm triệu đồng để sửa sang, trang trí cửa hàng, nhưng chỉ hoạt động được 1 – 2 tháng đầu năm 2023 cũng phải thoái lui và ôm một cục nợ lớn.
Anh Trần Hoàng (nhân viên một công ty tư vấn bất động sản tại Hà Nội) nhận định, một trong những vấn đề ảnh hưởng đến thị trường thuê mặt bằng nhà phố tại Hà Nội chính là sức mua của người tiêu dùng. Trước đây, nhiều hộ kinh doanh thường tập trung vào các tuyến đường lớn vừa buôn bán, quảng cáo, tiếp cận khách hàng, nhưng giờ các hộ kinh doanh sẽ có xu hướng rút lui về những mặt bằng trong ngõ hẻm, vùng ven để tiết kiệm chi phí.
“Mấy chục năm kinh doanh ở đây, tôi chưa bao giờ thấy Hà Nội thê thảm như lúc này”, một bà chủ tiệm quần áo thời trang chia sẻ: “Tôi ráng 2 tháng nữa cho hết hợp đồng rồi đem đồ về nhà cho con cái bán online thôi. Đã ế ẩm mà chủ nhà cứ tăng tiền thuê nhà như muốn đuổi, thì ai chịu đựng nổi”.