Sự kiện một thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết ngày 27 Tháng Sáu 2023 đang trở thành mồi lửa khiến nước Pháp lại ngập trong loạt hỏa hoạn – nghĩa bóng lẫn đen, mà ông “chỉ huy tối cao của đội cứu hỏa”, Tổng thống Emmanuel Macron, đang lúng túng không biết dập lửa như thế nào…
Paris đang cháy đen cháy đỏ. Trên khắp nước Pháp, khoảng 40,000 cảnh sát đã được triển khai. Ít nhất 250 cảnh sát đã bị thương từ những cuộc đụng độ với những người biểu tình giận dữ. Một số dịch vụ xe buýt và xe điện ở Paris và ngoại ô đã ngừng hoạt động lúc 21:00 giờ địa phương vào Thứ Năm 29 Tháng Sáu. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được áp dụng ở một số khu vực ngoại ô. Tại thị trấn Nanterre, nơi thiếu niên thiệt mạng, một đám cháy lớn nhấn chìm tầng trệt của một tòa nhà nơi có trụ sở một ngân hàng.
Video và hình ảnh trên mạng xã hội cũng cho thấy những đống rác bốc cháy nhiều nơi… Khói hơi cay và xe hơi bị đốt cháy ngùn ngụt ở Nanterre, nơi hàng ngàn người tập trung để bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của nạn nhân. Nhiều người mặc áo phông có dòng chữ “Công lý cho Nahel. ”
Thủ tướng Élisabeth Borne nói rằng bà thấu hiểu cảm xúc bùng nổ sau cái chết của nạn nhân 17 tuổi được báo chí viết là “Nahel M.”, nhưng bà Élisabeth Borne đồng thời lên án nạn đập phá, đốt cháy và bạo loạn. “Không có gì biện minh cho bạo lực cả,” bà nói. Cái chết của cậu thiếu niên đã làm dấy lên tranh cãi dữ dội về quyền lực của cảnh sát và mối quan hệ giữa chính quyền và người dân từ các vùng ngoại ô của Pháp, những người cảm thấy bị tách biệt khỏi các trung tâm thành phố thịnh vượng của nước Pháp.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết trên Twitter vào đầu ngày Thứ Sáu 30 Tháng Sáu, chính quyền Pháp đã bắt giữ hơn 660 người sau đêm biểu tình thứ ba, sau gần 200 vụ bắt giữ vào hai ngày trước. Ở Đông Bắc Paris, người biểu tình và cảnh sát đã đụng độ dữ dội với nhau suốt ba tiếng đồng hồ, theo tờ Le Monde. Một trường mẫu giáo bị phá hư và xe cảnh sát bị đốt cháy ở Neuilly-sur-Marne, khu vực ngoại ô Paris. Tại Toulouse, Nam nước Pháp, những người biểu tình đã bắn pháo về phía cảnh sát. Dịch vụ xe lửa tiếp tục bị gián đoạn vào Thứ Năm 29 Tháng Sáu tại Lille, miền Bắc nước Pháp, sau một “hành động phá hoại”.
Tại Marseille, miền Nam nước Pháp, cảnh sát địa phương cho biết vào tối Thứ Năm 29 Tháng Sáu họ đã thực hiện 14 vụ bắt giữ, với lý do gây rối trật tự công cộng. Đêm Thứ Tư 28 Tháng Sáu, Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, nói: “Đây là đêm bạo loạn tồi tệ nhất ở các vùng ngoại ô đa chủng tộc của Pháp trong 18 năm”. Năm 2005, bạo loạn đã nổ ra sau cái chết của hai cậu bé bị điện giật khi trốn cảnh sát tại một nhà máy điện bên ngoài Paris. Tình trạng bất ổn khiến Tổng thống lúc đó là Jacques Chirac phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tình trạng bạo lực đang đặt ra một thách thức chính trị lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Macron chịu áp lực khi cùng lúc phải xoa dịu cơn thịnh nộ công chúng nhưng cùng lúc lại trấn áp những kẻ bạo loạn bằng lệnh giới nghiêm và bắt giữ hàng loạt.
Sự việc xảy ra khi nạn nhân Nahel bị một sĩ quan cảnh sát bắn vào sáng Thứ Ba 27 Tháng Sáu. Theo Pascal Prache, công tố viên của vùng Nanterre, hai cảnh sát giao thông đi tuần bằng xe môtô thấy một chiếc Mercedes chạy rất nhanh trong làn đường dành cho xe buýt, trên xe có hai hành khách. Cảnh sát yêu cầu tài xế dừng xe để được kiểm tra giấy tờ nhưng chiếc Mercedes vẫn phóng chạy.
Sau khi đuổi theo một hồi, cảnh sát tấp vào bên hông Mercedes khi nó đậu tại một nút giao thông. Cảnh sát rút súng, ngắm vào tài xế chiếc Mercedes – tức Nahel – yêu cầu không được tiếp tục chạy. Đạn nổ khi cảnh sát nhận thấy chiếc xe lại chuẩn bị vọt. Nahel bị trúng đạn, được cấp cứu tức thời nhưng được ghi nhận tắt thở lúc 9:15g sáng. Một hành khách trên xe bị tạm giam; người còn lại mở cửa xe phóng chạy tẩu thoát. Công tố viên Pascal Prache cho biết, khám nghiệm tử thi cho thấy Nahel tử vong bởi một phát đạn duy nhất. Viên đạn xuyên qua cánh tay trái và ngực nạn nhân.
Sự tức giận chống lại cơ quan thực thi pháp luật ở Pháp lần này trở nên trầm trọng bởi điều mà các nhóm nhân quyền mô tả là phản ứng quá mạnh tay và đôi khi bạo lực đối với các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ Emmanuel Macron. Trong vụ Nahel, sự phẫn nộ bùng phát sau khi một đoạn video do một người tình cờ quay được và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy một số chi tiết trái ngược với lời khai ban đầu của cảnh sát, khi họ cho rằng Nahel đã cố đâm chiếc Mercedes vào cảnh sát. Đoạn video cho thấy một cảnh sát chĩa súng vào một chiếc xe hơi đang đứng yên và bóp cò ở cự ly gần khi chiếc xe bắt đầu lao đi.
Yassine Bouzrou, luật sư của gia đình Nahel, cáo buộc viên cảnh sát bắn Nahel đã khai man và có “ý định giết người”. Luật sư Bouzrou nói rằng, trong video, người ta có thể nghe thấy cảnh sát nói với người lái xe (Nahel): “Tao sẽ cắm một viên đạn vào đầu mày.”
Vụ nổ súng khiến người ta lại tranh luận một đạo luật năm 2017 nới lỏng các hạn chế về thời điểm mà cảnh sát có thể khai hỏa. Các chính trị gia cánh tả, giới hoạt động xã hội và một bài xã luận trên tờ Le Monde đã kêu gọi bãi bỏ hoặc sửa đổi luật này, vốn được thông qua sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris và Nice, qui định rằng cảnh sát có thể bắn vào các phương tiện đang di chuyển nếu họ cho rằng chúng gây nguy hiểm chết người cho chính họ hoặc người khác. Theo Sebastian Roche, giáo sư Đại học Grenoble-Alpes, người nghiên cứu các chính sách trị an và việc sử dụng vũ khí của cảnh sát, kể từ khi luật này được thông qua, số người bị bắn chết trong xe của họ đã tăng gấp năm lần.