Những người biết đến ông Đào Văn Đồng thường nói đùa rằng ông chọn sách là bạn đường của mình, kể từ khi định cư ở Hoa Kỳ. Thế nhưng, trong câu chuyện ông Đồng kể lại, sách chọn ông, như chọn một người dựng lên tàng thư chất chứa những điều đã qua, và dựng lên những điều mới mẻ trong thế giới văn hóa của người Việt sau năm 1975.
Con đường đến với sách
Năm 1976, ông Đồng ra biển, tìm về một vùng đất mới sau khi Sài Gòn rơi vào cú địa chấn lịch sử: Con người, văn hóa, tôn giáo… đều tung tóe văng về nhiều hướng. Như nhiều người, ông Đồng cố giữ mình tồn tại sau những cuộc đổi thay đau đớn. Người Việt tha hương lần mò ráp nối lại với nhau, tìm về tiếng nói, tập quán, miếng ăn… để trở thành một cộng đồng nương tựa nhau trong những tháng ngày xao xác.
Ở tuổi 17, ông Đồng bước qua trung học ở Ohio, Hoa Kỳ. Một ngày ông chợt nhận ra sự rung động khôn cùng khi vô tình tìm thấy cuốn tuần san Hồn Việt do nhà báo Ngọc Hoài Phương chủ trương. Tờ báo không hiểu vì sao đi từ miền Nam California, rồi đến tận Ohio, nơi ông Đồng đang định cư như một cú hích của định mệnh của đời ông.
Cầm được tờ Hồn Việt, ông Đồng kể, ông đọc ngấu nghiến, lật cầm chừng vì sợ tờ báo đó hết mất. Những ngày đầu hình thành thủ phủ Little Saigon của cộng đồng người Việt ở Mỹ, Hồn Việt là một trong những tập san đầu tiên tìm gọi cộng tác viết bài, đăng tải thơ văn, chính luận, tin tức… nối lại một phong cách báo chí vốn rất quen thuộc của người Việt Sài Gòn cũ. Nhà báo Ngọc Hoài Phương là một trong những người cầm trịch vững tay, do ông từng lăn lộn nhiều năm trong nghề báo, làm Phụ tá Tổng thư ký nhật báo Thời Luận của giáo sư Nghiêm Xuân Thiện từ năm 1964. Chuyện nhà, chuyện người, chuyện người Việt chia sẻ đau thương… là một trong những tính cách hợp quần tinh thần người Việt.
“Lúc đó, mình thấy là sao thương tiếng Việt đến vậy”, ông Đồng nhớ lại, và kể trong ký ức hạnh phúc. Thương tiếng Việt trong một thế giới mênh mông mới lạ, và tiếng Việt chỉ có thể vọng lại từ tâm hồn của những ai yêu nước, yêu dân tộc không thể nói thành lời.
Một năm sau, ông Đồng có chuyến đi đến thủ đô nước Mỹ và dạo chơi trong các thư viện lớn. Bất ngờ, ông tìm thấy có một khu sách của người Việt, bên cạnh những ngôn ngữ châu Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc… Rồi ông lại tìm thấy một đĩa nhựa in nhạc Phạm Duy.
“Tôi xúc động đến nổi cả da gà khi cầm chiếc đĩa nhạc đó. Tôi cảm động và hãnh diện vì người Việt cũng có mặt trong các kệ sách xa xôi cách quê nhà hàng ngàn dặm”. Ông Đồng cầm chiếc đĩa và đến hỏi người trực thư viện rằng ông có thể mượn về nhà không, mặc dù lúc đó ông không có chiếc máy hát đĩa nào cả.
Sự chấn động thầm lặng trong tâm hồn chàng thanh niên Đào Văn Đồng đã mở ra lời hứa thầm lặng với bản thân: Ông nguyện đem văn hóa Việt đi xa hơn, nhiều hơn, gìn giữ và bảo vệ nó ở một phương trời khác. Đó chính là lý do sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tử ở San Diego, thay vì chọn công việc thịnh hành và có thể an nhàn mãi về sau, năm 1987, ông Đồng theo người quen, về lo việc phát hành sách cho nhà xuất bản Đại Nam – một cái nghề khiến ông luôn ngược xuôi suốt cả phần đời về sau chỉ vì niềm tự hào giữ gìn và truyền bá ngôn ngữ ông cha.
Trong khi ở Mỹ, giới trí thức gốc Việt và những người ủng hộ công việc của ông Đồng vật vã sưu tập, tìm kiếm và phát hành lại những ấn phẩm cũ, thì ở Việt Nam sau 1976, chiến dịch hủy diệt sách và văn hóa miền Nam Việt Nam diễn ra rầm rộ. Hơn 2,500 nhà sách có giấy phép buôn bán ở miền Nam bị đóng cửa. Sách bị tịch thu và đốt. Chỉ tính riêng kho sách của ông Khai Trí đã hơn 20,000 đầu sách. Công an đến và ra lệnh cho “ông Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương phải kiểm kê trong vòng một tuần để chọn ra những quyển nào không bị hủy.
Ông Đồng nhắn gửi người quen ở Việt Nam, cứ gom lại, ông sẽ mua, để lưu trữ hoặc bán cho những người Việt thèm đọc chữ Việt như ông. Sách triết học, tôn giáo, văn chương… bị vứt ra trước cửa nhà, hoặc bị bán tống bán tháo tại phố sách cũ ở đường Ký Con, Quận 1. Thời đó, dù đói ăn vàng mắt nhưng sách vẫn kiêu hãnh đợi độc giả tìm đến. Mua sách cũ ở Việt Nam đã khó, mua sách cũ mang sang Mỹ còn khó hơn. Mấy lá thư bằng giấy pelure mỏng tanh gửi đi đã là 70 đồng, bằng tiền đi chợ cả tuần. Sách bị chính quyền cộng sản dán nhãn là “biệt kích văn hóa” thì gửi càng khó.
Kể về những ngày tháng sách lao đao, nhà văn Nguyễn Thụy Long viết:
“Tiệm sách tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước quản lý, nay mang tên Fahasa của nhà nước. Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy.
“Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954.
“Nhiều vị học giả, nhiều nhà văn nhà thơ, tất cả đều quí mến ông. Có vị nói với tôi, ‘Ông Khai Trí không khen được thì thôi, chớ có gì đâu để mà nói xấu, để chê bai’. Ðúng vậy, ông Khai Trí là người làm sách, làm văn hóa, kinh doanh mặt hàng ấy, nhưng không thể coi ông là hàng ‘đầu nậu’ xuất bản sách, trái lại rất trân trọng, vì tư cách của ông, con người vừa khiêm nhượng vừa tốt lành của ông”.
Một lời cám ơn, Tự Lực Bookstore
Nếu ông Đồng còn ở Việt Nam, và có tấm lòng với sách như ông Khai Trí, ắt hẳn ông cũng có thể mang số phận đen đủi không kém. Từ người làm việc cho nhà xuất bản Đại Nam, ông Đồng dần phát triển sự nghiệp. Năm 1991, ông quyết định mua lại tiệm sách Tự Lực ở 14318 Brookhurst St., Garden Grove, và trở thành chủ nhân, tận tụy với sách non một phần tư thế kỷ. Ông xắn tay áo làm việc không nghỉ. Nhiều người kinh ngạc khi thấy ông thức gần như suốt đêm để dọn sách, chuẩn bị những cuốn mang về bán cho cộng đồng.
Ông Đồng còn bắt tay vào việc phát hành sách chữ Việt đến các thư viện trên khắp nước Mỹ, với ước mơ người Việt ở đâu cũng có thể tìm được ngôn ngữ quê hương mình. Theo thông lệ của các thư viện Hoa Kỳ, hàng năm mỗi nơi đều được cấp ngân sách nhất định để bổ sung sách mới, đặc biệt sách của cộng đồng thiểu số. Trước khi ông Đồng bắt tay thực hiện việc cung cấp sách cho thư viện Mỹ thì người Hoa thống trị việc này.
Để có thể vượt qua rào cản đó, ông Đồng đã chọn chấp nhận giao cho các thư viện nhiều đầu sách hơn so với số tiền mà họ phải trả. Mục đích của ông là làm giàu kho sách người Việt trên các kệ sách thư viện người bản xứ. Chính vì quyết định không đặt nặng lợi nhuận mà là phát triển văn hóa nên dần dần trong năm năm, nhiều thư viện vốn chọn sách của các ông chủ người Hoa sau đã quay sang gửi thư cho ông Đồng về kế hoạch bổ sung sách hàng năm.
“Làm công việc đó mệt và công phu lắm”, ông Đồng kể, “khi gửi sách cho thư viện, mình phải tóm tắt nội dung sách, dịch sang tiếng Anh, và phải lựa chọn cho đúng theo tiêu chí định sẵn của từng thư viện”. Tin tức về sách báo của VNCH, một nhà nước từng một thời có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, đang bị tiêu hủy trong nước, cũng khiến nhiều thư viện Mỹ và trên thế giới chọn Tự Lực giúp cập nhật và giữ gìn.
Nhà báo Đoàn Hưng kể, có lần một thư viện bên Úc liên lạc với Tự Lực để đặt mua sách tiếng Việt. Người quản thư bên Úc cho biết ngân sách họ rất hạn hẹp, mà nhu cầu các chủng loại thì nhiều, tiền chỉ đủ trả cho phí vận chuyển. Thế là Tự Lực quyết định chỉ lấy tiền vận chuyển, còn sách thì biếu không. Phía Úc thật sự bất ngờ khi biết một người làm ăn mà “có văn hóa” đến vậy nên sau đó họ cất công sang Mỹ để cám ơn và tìm hiểu thêm về nhà sách Tự Lực của ông Đồng.
Năm 2008, nhà sách Tự Lực dự hội chợ sách thư viện tại Los Angeles, với sự tham gia của các nhà phát hành đến từ nhiều nơi trên thế giới. Gian hàng của ông Đồng là gian hàng sách tiếng Việt duy nhất ở hội chợ này. Sách nhiều và phong phú đến mức một số người không tin Tự Lực là một nhà phát hành của người Việt ở Mỹ mà nghĩ rằng gian hàng này là của chính phủ Việt Nam đưa sang.
Ngoài việc bảo tồn sách bị bỏ đi, mất mát, thất lạc, Tự Lực còn là nơi các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu… tìm đến để nhờ phát hành giùm tác phẩm của họ. Vốn có nghề là kỹ sư điện tử nên ông Đồng sớm đưa nhà sách Tự Lực và hệ thống buôn bán lên mạng internet. Nếu tính trong nước Mỹ, Tự Lực là nhà phát hành đầu tiên và sớm nhất của người Việt thực hiện các giao dịch buôn bán, phân phối sách, và thanh toán qua internet. “Nghĩ về giai đoạn đó, tôi thực sự tự hào về chuyện đi đầu trong việc bán sách với e-commerce”, ông Đồng kể, “chỉ riêng tiền phí internet mỗi tháng lúc đó đã là $1,500”.
Đi qua giai đoạn in lại, tái phát hành những tác phẩm vốn được biết đến ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, đến sau thập niên 2000, Tự Lực bắt đầu góp sức phát hành những tác phẩm không được phép xuất bản ở Việt Nam. Những năm đó, sách mang tâm tư của giới trí thức bất đồng bắt đầu vượt biên giới tìm đến các cơ sở in ấn và phát hành của người Việt tự do. Ông Đồng nhắc lại với vẻ mặt háo hức, “lúc đó, chúng tôi bán ngày đêm, sách in 2,000-3,000 cuốn, mang về là hết ngay. Lúc đó, lần đầu tiên tôi chứng kiến khách đến mua sách mà xếp hàng, lòng vui không tả nổi”.
Trong trí nhớ của ông Đồng, cuốn sách bán chạy đến bất ngờ của Tự Lực Bookstore là Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập của ông Nguyễn Tiến Hưng, theo tiết lộ của phía in ấn là in đến 80,000 bản (hiện giờ không còn bản nào bán bên ngoài). Tác phẩm kế là Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, với khoảng 5,000 bản bán ra. “Nói là 5,000 bản nhưng đó chỉ là con số chính thức mà báo Người Việt hợp tác với Tự Lực phát hành. Ngoài ra nhiều nơi vẫn có bản in lậu. Tôi nghĩ nếu tính hết, gộp lại thì cuốn đó chắc cũng bán khoảng gần 20,000 bản”, ông Đồng nói. Với bộ Bên Thắng Cuộc của Huy Đức cũng do Người Việt in và phát hành, Tự Lực Bookstore bán được khoảng 3,000 cuốn.
Hàng chục năm đi cùng với sách, sống với chữ Việt, thở với tâm tư Việt Nam trong thời đại mới, ông Đồng nhận ra, hành trình của ông đã đạt được phần nào ước vọng đem sách Việt đến muôn nơi. Hơn như vậy, ông là một trong những cánh tay chìa ra với giới trí thức trong nước, vốn nhiều năm vùng vẫy trong tuyệt vọng vì không thể gửi chữ nghĩa của mình ra ngoài vòng rào kiểm duyệt. Tự Lực Bookstore cùng ông Đào Văn Đồng, không chỉ góp mặt vào một phần lịch sử văn hóa dựng nên Little Saigon mà có thể được xem là nhân tố tạo nên điểm tựa của văn hóa người Việt tự do qua bao năm tháng.
Sách đang không còn ở những ngày tháng rực rỡ của nó. Không chỉ Tự Lực, ngành in ấn phát hành sách trên toàn thế giới đang ngày càng mệt mỏi trước sự lấn át của công nghệ giải trí và mạng xã hội. Tự Lực Bookstore hôm nay phải bắt đầu nghĩ đến những phương thức kinh doanh đi kèm, nhằm giữ cho sách còn được một chỗ đứng. Ông Đồng, trong phút tư lự, nói rằng ông luôn cám ơn cộng đồng, cám ơn những người đọc sách đã cho ông những ngày tháng thỏa chí với ước mơ của mình, dẫu ngày mai, sách chỉ còn là kỷ niệm.
Nhưng nếu là một người Việt, từng biết đến nhà sách Tự Lực, ắt chúng ta sẽ phải nhớ, và thầm cám ơn một nhà sách nhỏ mang trái tim lớn – như con tàu nhỏ lênh đênh trên đại dương ngày hôm qua và luôn kiên chí với một bến bờ.
____________