Mạng xã hội vài ngày vừa qua tràn ngập tấm ảnh được cho là chụp lưu niệm buổi lễ tiễn Đội tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia lên đường đi thi đấu giải World Cup tổ chức tại Australia và New Zealand ngày 20 Tháng Bảy. Tiếng là đội tuyển nữ nhưng ngay phía trước là một hàng quan chức comple-cà vạt rất trịnh trọng, dàn hàng ngang chường mặt ra với người xem, còn cầu thủ nữ lấp ló phía sau không ai thấy mặt. Kết quả là tấm ảnh ấy đi vào lịch sử với hàng chục triệu người xem kèm theo hàng triệu lời mắng mỏ.
Thì ra cái thói ăn theo của quan chức Việt đã thành văn hóa, “văn hóa đu đeo”. Cứ mâm nào có mùi của danh phận thì những quan văn võ trực thuộc ngành ấy không ngại ngùng gì mà không đeo bám để thiên hạ thấy cái bản mặt rất “phì nhiêu” của họ. Trong tấm ảnh được đề cập nói trên, báo chí đã “hãnh diện” liệt kê tên tuổi của những chức sắc ấy, nào là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Tôn Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao; cùng quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Công việc của những người này là đến tham dự lễ xuất quân của đội tuyển nữ. Nếu có phát biểu gì về thành tích, phấn đấu hay “ngạo nghễ” Việt Nam gì thì là điều ai cũng biết và cũng chẳng thèm quan tâm. Tuy nhiên, đằng này, họ tranh chỗ đứng của mấy đứa nhỏ thì coi kỳ quá. Bị chửi là phải. Làm người tử tế đã khó, làm quan ngồi trên đầu hàng triệu người tử tế lại càng khó hơn.
Ai cũng biết để có mặt tại các vị trí này, mấy ông bà nọ đã trải qua không biết bao nhiêu là cam go tranh đấu. Tranh vào đảng, vào những nơi dễ được Bộ Chính trị chú ý, và tranh nhau ngay khi có một chiếc ghế đột nhiên trống chỗ. Lúc ấy mấy ông bà không ngại dùng mọi kỹ năng được đảng “trui rèn” để đem ra thi thố, từ quà cáp, đến những hứa hẹn trung thành, từ bưng bô sếp to đến nói xấu “đồng chí” đối thủ…
Và khi có ghế rồi thì tranh thủ gỡ vốn, lặp lại quy trình mua bán ghế vốn dĩ luôn là “hoạt động nghị trường” cực kỳ sôi nổi trong hậu trường chính trị độc đảng nhưng nhung nhúc phe cánh. Không khí chính trị nhộn nhịp ấy còn thể hiện ở việc tranh giành một suất đi nước ngoài. Các đồng chí lại hí hửng và hùng hục giành giật để được điền tên mình vào danh sách đi “nghiên cứu”, “tập huấn” hoặc làm “quan sát viên”… Tuy nhiên, trong vụ đang bàn này, việc tranh chỗ chụp hình với “các cháu vận động viên” thì lố quá.
Tấm ảnh trên cuối cùng đã bị Tuyên giáo yêu cầu gỡ xuống khỏi tất cả các báo. Nhưng muộn rồi. Nó đã lan truyền khắp nơi. Có người cho rằng tấm ảnh là trò chơi khăm của giới báo chí, muốn đẩy mấy tay quan chức ăn theo về phía trước cho mọi người “chiêm ngưỡng” để họ bị thiên hạ chửi cho bõ ghét. Mà vốn dĩ người dân chẳng lạ gì văn hóa tranh công nhưng lại thiếu trách nhiệm của họ. Cứ mỗi lần Việt Nam giành được chiến thắng nào đó thì họ xuất hiện một cách ồn ào và kệch cỡm, trong khi đối với việc chăm lo cho đời sống thường nhật của vận động viên thì họ lảng tránh như thể không phải phần việc của mình. Vậy đó, đất nước này quá sức lạ lùng và không có trò kệch cỡm nào không thể xảy ra.