Đi xem Nữ thần Tự Do

Ảnh: luke-stackpoole-unsplash
Share:

Mùa hè, nếu đang tìm một chỗ đi chơi, mời bạn đến xem tượng Nữ Thần Tự Do ở Liberty Island thuộc thành phố New York.  Đây là nơi du khách đến quanh năm nhưng mùa hè rất lý tưởng vì gần cửa biển nên rất mát mẻ.

Để đến Liberty Island (NY), du khách có thể bắt đầu chuyến phà ở Battery Park (NY), tuy nhiên nếu đi từ Liberty Park ở New Jersey thì ít người hơn đỡ phải sắp hàng lâu. Liberty Park cũng là một công viên khá đẹp, thường được người mẫu chọn làm nơi để chụp ảnh có phông nền sông nước và thành phố New York.

Từ Liberty Park (NJ) phà sẽ đến Ellis Island, sau đó đến Liberty Island, và trở về Liberty Park. Khi lên phà, chuyến đi đến Liberty Island, hãy chọn hàng ghế gần cửa sổ bên tay phải, nhìn từ bên trong khoang tàu ra mũi phà, bạn sẽ có chỗ tốt để chụp ảnh tượng Nữ Thần Tự Do. Nếu chuyến đi bạn không tìm được chỗ, chuyến về hãy chọn chỗ ngồi bên tay trái.

Tượng Nữ Thần Tự Do dựa trên khuôn mẫu nữ thần La Mã Libertas được nhìn thấy trên những đồng tiền cổ Galba, cuối thập niên 0060 sau Công Nguyên, một tay cầm trượng, tay kia cầm cái mũ nhung tượng trưng cho sự giải phóng người nô lệ.

Tượng Nữ Thần Tự Do chụp từ trên phà (ảnh: N.T. Hải Hà)

Tượng Nữ Thần Tự Do hiện nay một tay cầm ngọn đuốc giơ cao khỏi đầu. Tay kia cầm một cái bảng có in hàng chữ JULY IV MDCCLXXVI (July 4, 1776) ngày Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ ra đời. Nữ thần đang ở tư thế bước tới về phía trước, dưới chân là sợi xích bị đứt và cái gông bị vỡ, biểu tượng của sự chấm dứt chế độ nô lệ. Bên cạnh là biểu tượng của sự tự do và Hoa Kỳ, tượng Nữ Thần Tự Do còn là hình ảnh chào đón người di dân đến nước Mỹ theo đường biển.

Đi chừng vài trăm bước về phía tay phải từ cổng vào, men theo đường viền của đảo, du khách sẽ gặp năm bức tượng đồng đen. Đó là tượng của Édouard de Laboulaye, Frédéric Auguste Bartholdi, Gustave Eiffel, Joseph Pulitzer, và Emma Lazarus. Ba người đầu tiên có công thiết kế tượng. Hai người sau có công vinh danh và đưa tượng lên bệ đài cho công chúng thưởng ngoạn.

Édouard René Lefèbrve de Laboulaye là người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập một bức tượng để vinh danh nền tự do, xác định sự đồng minh giữa Pháp và Hoa Kỳ, và đánh dấu 100 năm độc lập của Hoa Kỳ.  Nhân sự chấm dứt chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ, Laboulaye cũng muốn kêu gọi dân chúng Pháp quay lại chế độ dân chủ sau mấy mươi năm sống dưới chế độ của hoàng gia Pháp. Sau cuộc cách mạng Hoa Kỳ, người Pháp và Mỹ thường dùng hình ảnh của Libertas, nữ thần La Mã tượng trưng cho sự tự do, người đại diện cho luật pháp ngăn ngừa bạo loạn.

Bảng chữ (Tabula ansata) trên tay trái của tượng Nữ Thần Tự Do (ảnh: N.T. Hải Hà)

Frédéric Auguste Bartholdi, họa sĩ và điêu khắc gia Pháp, là người đắp da thịt cho bức tượng đồng Nữ Thần Tự Do. Bức tượng này là quà của dân Pháp tặng cho Hoa Kỳ.  Bartholdi chọn đảo Bedloe, đảo riêng của một người châu Âu tên là Isaack Bedloe, làm nơi đặt tượng. Năm 1956, Thượng Viện Hoa Kỳ đổi tên đảo thành Liberty Island. Người bản địa Lenape sống ở đảo này, trước khi bị người châu Âu chiếm ngự. Nhiều cổ vật Lenape được tìm thấy trên đảo.

Đảo từng được dùng làm nơi cô lập bệnh nhân, trại tù, nhà thương, và là nơi nghỉ hè.  Những năm 1807-1811, Hoa Kỳ có xây Fort Wood, để bảo vệ hải cảng New York. Fort Wood có hình dáng của ngôi sao, rất thích hợp để làm chỗ đặt tượng Nữ Thần Tự Do. Bartholdi từng bảo rằng, “tham vọng duy nhất của tôi là được khắc tên tôi dưới chân những người vĩ đại và họ là người phục vụ những ý tưởng vĩ đại của nhân loại.”

Bartholdi lấy ý tưởng thiết kế tượng Nữ Thần Tự Do từ bức tượng The Colossus of Rhodes, một trong Bảy Kỳ Quan Cổ của thế giới. Bức tượng không còn nhưng bức tranh vẽ năm 1679 cho thấy bức tượng khổng lồ của thần Hy Lạp Helios tay giơ cao ngọn đuốc, hai chân đặt trên hai bờ hải cảng Rhodes. Theo phân tích của người bây giờ, tượng Helios có thể cao 110-120 ft. tương đương với 33-36 mét. Nữ thần tự do Libertas thường được miêu tả với cái mũ nhung “Phrygian.” Người nô lệ La Mã thời xưa đội mũ này khi được tự do. Bartholdi thay thế cái mũ này bằng bảy tia sáng hào quang. Tay của Nữ Thần Tự Do giơ cao ngọn đuốc làm sáng tỏ ý nghĩa tên của bức tượng “Liberty Enlightning The World.”

Gustave Eiffel, nhà thiết kế ngọn tháp tượng trưng cho thành phố Paris, là người tạo nên khung sườn của tượng Nữ Thần Tự Do.

Những người sáng tạo nên bức tượng Nữ Thần Tự Do muốn đây là kết quả của sự hợp tác của hai quốc gia. Người Pháp chịu phí tổn cho bức tượng. Hoa Kỳ chịu trách nhiệm việc xây bệ để đặt tượng lên. Năm 1877 Hoa Kỳ tổ chức gây quỹ để xây đài. Mặc dù nhiều người giàu có gửi tặng tiền, phần lớn số tiền thu được là nhờ sự đóng góp của dân chúng. Số người đóng góp tiền kể cả trẻ em khoảng 120,000 người.

Joseph Pulitzer, nhà xuất bản tờ báo New York World, người đứng đầu cuộc quyên tiền để xây bệ đặt tượng, muốn đạt mục tiêu $100,000 tương đương với $3,257,000 năm 2022.  Ông hứa sẽ đăng tên người đóng góp tiền không kể số tiền nhỏ hay lớn. Hành động gây quỹ của Pulitzer vừa bày tỏ lòng yêu nước, vừa biểu lộ ông là một chủ báo khôn ngoan. Số người đặt mua báo tăng 200,000 trong vòng hai năm. Số báo New York World xuất bản ngày 11 Tháng Tám 1885 tuyên bố kết quả quyên tiền rất thành công. Người đóng góp bao gồm đủ mọi thành phần, di dân, người da đen, và hầu hết là những người có cuộc sống rất khiêm tốn về mặt tài chánh.

Và Emma Lazarus là nhà thơ nổi tiếng với câu thơ “give me your tired, your poors,…” có nghĩa là hãy giao phó cho ta những người kiệt lực và những người nghèo khó của các quí vị.  Emma Lazarus (1849-1887) làm thơ, viết văn và cũng là dịch giả. Bà dùng ngọn bút của mình để giúp đỡ những người Do Thái bị kỳ thị. Một khổ thơ trong bài “The New Colossus” được nhà soạn nhạc lừng danh Irving Berlin viết thành vở nhạc kịch “Miss Liberty” năm 1949.

Ngoài tượng Nữ Thần Tự Do, trên đảo còn có viện bảo tàng Statue of Liberty Museum.  Trong viện bảo tàng du khách sẽ tìm thấy rất nhiều chi tiết và hoàn cảnh thời thế chung quanh tượng Nữ Thần Tự Do; những kỷ niệm, lịch sử, những dữ liệu, con số về chiều cao sức nặng của tượng và cấu trúc của tượng lẫn đài. Có cả cái đuốc cũ bị hư hỏng bây giờ được trưng bày. Đứng ở bên ngoài viện bảo tàng du khách có thể nhìn thấy thành phố New York với những kiến trúc chọc trời lộng lẫy và tân kỳ.

Ngọn đuốc ban đầu được xem là biểu tượng của nước Hoa Kỳ và cũng là biểu tượng của bức tượng Nữ Thần Tự Do. Ngọn đuốc này thay đổi kiểu nhiều lần từ khi xuất hiện năm 1886, bị hư không còn sửa chữa được nên được lấy xuống từ năm từ năm 1984, giờ được trưng bày trong Viện Bảo Tàng. Đây là kiểu mẫu đầu tiên do chính ông Bartholdi thiết kế.

Ảnh: mateus-maia-unsplash
Ngọn đuốc cũ (ảnh: N.T. Hải Hà)

Vào viện bảo tàng, du khách không phải mua vé vì tiền vé đã cộng vào tiền phà. Tuy nhiên du khách phải trả thêm một khoản tiền nhỏ để lên tượng Nữ Thần Tự Do. Đường lên cái đuốc trên tay của tượng đã bị cấm từ năm 1919. Du khách có thể dùng thang máy nhưng để lên chỗ cao nhất được phép đến hiện nay là những cái cửa sổ bằng kính phía dưới vòng vương miện tượng trưng cho bảy tia ánh sáng. Du khách phải đi bộ lên 363 bậc thang.

Vì là đảo nên du khách sẽ gặp rất nhiều loại chim, vịt biển bơi từng đàn chung quanh đảo.  Ngoài loại hải âu có vòng đỏ ở mỏ, còn có loại hải âu màu nâu, chim cốc, vịt Mallard, ngỗng Canada, và vài loại chim biển khác. Du khách thích chụp ảnh tha hồ sử dụng máy ảnh. Có một vài nơi, du khách đứng lên bệ cao để được chụp đứng cạnh tượng Nữ Thần. Chỗ này quyến rũ du khách đủ mọi thành phần và giai cấp quần là áo lụa, điện thoại và máy chụp ảnh trên tay.

Chung quanh đảo có nhiều thứ để ngắm nhìn như hoa và cảnh quan. Hôm tôi đến vào khoảng Tháng Tư, hoa đào nở trắng một góc công viên. Vòng quanh phía sau đảo là những bức tường thấp trên có tên các nạn nhân của biến cố 9/11. Xa xa là cửa biển, cầu Manhattan, cầu Brooklyn, những người phóng jetski nhanh như sao xẹt nước bắn tung tóe. Dọc theo đường viền đảo Manhattan có ai đó dựng lên một hàng chữ thật to “I Want to Thank You.” Tôi tự hỏi, ai cám ơn ai, cám ơn vì điều gì?

Mỏi chân, du khách có thể ngồi quán cà phê, ăn kem, và các món ăn nhanh nhẹ ở nhà hàng trên đảo. Chia sẻ chỗ ngồi với lũ hải âu dạn dĩ, đây cũng là chỗ lý tưởng để du khách suy nghĩ thêm và có thể có nhiều câu hỏi cần tự trả lời.

Khi ngồi đây để hưởng thụ một buổi chiều nhàn nhã, tôi đã tự hỏi vì sao bài thơ của Emma Lazarus được dùng để vinh danh tượng Nữ Thần Tự Do lại có những câu bày tỏ lòng thương xót dành cho người di dân. Những tài liệu trên đảo và trong viện bảo tàng cho thấy, bà Lazarus đã nhiều lần viết bài bênh vực người Do Thái bị đàn áp ở Đông Âu, phần đất bây giờ thuộc Ukraine và Nga. Vào lúc bà được yêu cầu viết bài thơ vào dịp mừng 100 năm ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, làn sóng tị nạn đi thuyền qua cửa biển New York cũng đang dâng cao.

Tự Do là gì? (ảnh: N.T. Hải Hà)

Du khách có thể tự hỏi: Tự Do là gì? Nhà văn James Baldwin đã từng thảng thốt hỏi: “Tự do là gì? Chà! Đó là một câu hỏi đáng giá. Tôi độ chừng hầu hết chúng ta chẳng ai tự hỏi mình câu hỏi này.”

Tôi có tự hỏi mình nhưng quả thật là chỉ sau khi tôi đọc lời của James Baldwin. Người sinh ra lớn lên với chế độ tự do, tự do bình thường như không khí chung quanh họ, hít ra thở vào nhưng không hề quan tâm. Người sinh ra lớn lên dưới chế độ độc tài có lẽ cũng không biết tự do là gì để tự hỏi mình. Một người sống với chế độ tự do, và sau đó vì lẽ gì đó bị tước đoạt tự do sẽ có khái niệm tự do là gì và biết đến sự quí báu của nó. Có lẽ vì là nhà văn da đen, từng đau đớn với chế độ nô lệ, ý nghĩa chữ Tự Do trở nên sáng tỏ sâu đậm hơn với nhà văn.

Ý nghĩa của chữ tự do vẫn còn là chủ đề để người ta tranh luận bất tận. Trong mỗi người sẽ có một quan niệm về tự do. Và rất có thể quan niệm tự do của những người sống cùng một chế độ sẽ trái ngược nhau.

Buổi chiều ngồi trên đảo nhìn những chuyến phà cập bến đổ du khách xuống và rước đi. Có chiếc phà mang tên Miss Liberty, có chiếc mang tên Miss Freedom. Tôi lẩn thẩn tự hỏi nghĩa của hai chữ này có khác nhau không. Đem câu hỏi này ra hỏi Bing Chat, được trang bị với trí thông minh nhân tạo, tôi nhận được câu trả lời.

Đầu tiên, Bing Chat khen tôi có câu hỏi hay.  Và sau đó là câu giải thích của Bing Chat ngắn gọn như sau. Thường thường người ta dùng hai chữ này không phân biệt. Tuy vậy sự khác biệt của hai chữ này được ngầm hiểu và khá tinh tế.

Chữ liberty được dùng khi không có sự kềm chế của giới quyền uy áp đặt lên cách sống, hành động, hay quan điểm chính trị của cá nhân.

Chữ freedom được dùng cho quyền được phản ứng, được nói, được suy nghĩ theo ý muốn của mỗi cá nhân.

Liberty được xem là “negative rights”, quyền của người dân mà nhà cầm quyền không thể tước đoạt. 

Trong khi freedom hay “positive rights” được dùng để chỉ quyền tự có trong mỗi cá nhân.

Tôi cũng tự hỏi tại sao nữ thần Tự Do được gọi là “Miss”, chữ dùng để gọi một người không có chồng.

Tượng Nữ Thần Tự Do đánh thức trong chúng ta ý nghĩa hai chữ Tự Do. Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng. Tự do của quốc gia và đoàn thể. Tự do của mỗi cá nhân. Chúng ta dùng hình ảnh tượng Nữ Thần Tự Do mỗi khi đi tranh đấu, và những khi ăn mừng lễ lớn của quốc gia. Chúng ta tranh đấu cho quyền của cá nhân, quyền của con người, và quyền bình đẳng. Mỗi du khách đến tham quan đảo Liberty Island cùng chia sẻ, tiếp nối, và làm tăng trưởng một cuộc đối thoại không bao giờ chấm dứt về ý nghĩa của hai chữ Tự Do.

Bring it on (ảnh: N.T. Hải Hà)

Tự do thì quan trọng, ai cũng có thể đồng ý điều này không cần phải tranh luận. Tuy vậy trong nhiều khía cạnh của tự do, tôi cho rằng có khía cạnh này quan trọng hơn tự do khác. Có lẽ, đối với người viết, tự do ngôn luận thì quan trọng nhất. Bạn có thể tự do suy nghĩ, nhưng không được phát biểu, hoặc không được dùng ngôn ngữ chính để diễn đạt ý nghĩ, thì đó là một quyền tự do bị giới hạn.

Quyền tự do suy nghĩ sẽ dần dần suy yếu, nếu người ta không có quyền tự do ngôn luận. Để tránh phiền toái, trừng phạt khi phát biểu một điều gì không được nhà cầm quyền tán đồng, người ta có thể tránh né, không suy nghĩ sâu xa hơn về một vấn đề bị cấm đoán. Quyền tự do ngôn luận của người dân có thể bị giết chết nếu người viết không có quyền tự do xuất bản những tác phẩm của họ.

Quyền tự do ngôn luận bao gồm quyền được bày tỏ sự bất đồng ý kiến. Bên trong viện bảo tàng tượng Nữ Thần Tự Do tôi nhìn thấy một tấm bảng trưng bày câu phát biểu: “Bring it on. Dissent is central to any democracy.” Câu nói này của Harry Belafonte theo tôi hiểu là “Hãy mạnh dạn lên. Bất đồng ý kiến là điểm chính của bất cứ nền dân chủ nào”. Harry Belafonte là ca sĩ chuyên hát nhạc kiểu Carribean và cũng là người tranh đấu cho quyền tự do và bình đẳng.

Như đã viết từ đầu bài, nếu bạn có một buổi chiều thong thả, Liberty Island và tượng Nữ Thần Tự Do là một nơi thú vị để ghé thăm, chơi, đi vòng quanh trên đảo, ngắm chim, chụp ảnh, và suy nghĩ về hai chữ TỰ DO.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: