Sài Gòn: Tăng 35,000 học sinh và thiếu gần 5,000 giáo viên

Một lớp học. (Hình minh họa: Tiền Phong)

Niên học 2023-2024, Sài Gòn tăng 35,000 học sinh và cần tuyển thêm 4,700 giáo viên.

Ngày 14 Tháng Bảy 2023, báo chí trong nước đưa tin không riêng gì Hà Nội mà tại Sài Gòn cũng chung tình trạng số học sinh tăng nhưng thiếu phòng học, thiếu giáo viên.

Tại buổi họp báo chiều 13 Tháng Bảy, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục thành phố, cho biết niên học 2023-2024, số học sinh tăng 35,055 học sinh, gồm 22,592 học sinh công lập và 12,463 ngoài công lập. Trong số này, bậc mầm non tăng 7,932 học sinh, tiểu học giảm 28,165 học sinh, bậc trung học cơ sở tăng 34,107 học sinh và trung học phổ thông tăng 21,181 học sinh.

Bỏ qua tiểu học vì số học sinh giảm (không rõ sao giảm), thì các cấp đều tăng học sinh, nếu mầm non tăng 7,932 em thì hai cấp trung học (cấp 2 và cấp 3) số học sinh tăng đến hơn 55,000 em, chủ yếu tập trung ở TP.Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Từ 1.66 triệu học sinh của năm ngoái, niên học tới, Sài Gòn sẽ có hơn 1.7 triệu học sinh.

Niên học 2023-2024, Sài Gòn tăng 35,000 học sinh và thiếu gần 5,000 giáo viên – Ảnh: Tiền Phong

Còn số phòng học thì sao?

Cũng theo ông Minh, trong năm 2023, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 48 dự án trường học với 672 phòng học mới, với tổng mức đầu tư hơn 1,500 tỷ đồng.

Trong đó, dự định sẽ đưa vào sử dụng ngày 5 Tháng Chín 2023 là 27 dự án với 441 phòng học mới (mầm non 68, tiểu học 197, trung học cơ sở 88, trung học phổ thông 88). Còn lại 21 dự án sẽ đưa vào sử dụng từ sau 5 Tháng Chín đến hết Tháng Mười Hai 2023, bao gồm mầm non 30, tiểu học 148 và trung học cơ sở 53.

Toàn thành phố, số trường từ 2,310 sẽ tăng lên 2,325 cơ sở (tăng 15 cơ sở). Trong đó, bậc mầm non tăng 8 trường, tiểu học tăng 5 trường, trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ tăng mỗi cấp một trường! Như vậy, số học sinh trung học ở hai cấp tăng hơn 55,000 em mà chỉ tăng thêm hai trường mới, cũng không rõ là mỗi trường có quy mô bao nhiêu phòng học, có đủ chỗ cho tất cả các em hay không?

Còn với cấp tiểu học, dù số học sinh giảm hơn 28,000 em nhưng nhu cầu về phòng học, giáo viên vẫn rất lớn do Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu học sinh tiểu học phải học bán trú, hai buổi/ngày.

Số học sinh tăng, số giáo viên lại thiếu. Ngành giáo dục Sài Gòn có nhu cầu tuyển dụng thêm 4,466 giáo viên ở tất cả các cấp học. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu 986, giáo viên tiểu học thiếu 1,667, giáo viên trung học cơ sở thiếu 1,748, còn giáo viên chuyên biệt thiếu 65.

Hai bộ môn thiếu nhiều giáo viên nhất là Tin học và tiếng Anh do mức thu nhập chưa tương xứng.

Đồ họa của Dân Trí về số học sinh Sài Gòn tăng/giảm ở các cấp học, tăng nhiều nhất là học sinh trung học

Ngày 21 Tháng Hai 2023, Tiền Phong phản ảnh nhiều trường tiểu học ở Sài Gòn phải tổ chức các lớp học online hoặc lớp học “chạy” vì thiếu phòng/lớp học, thiếu giáo viên.

Lớp học “chạy” hay lớp học “động” là hình thức tận dụng phòng trống của những lớp có giờ học bên ngoài để dạy những học sinh bị thiếu phòng học. Chẳng hạn như quận Gò Vấp, TP.Thủ Đức, vì học sinh quá đông nên nhiều trường phải tận dụng phòng trống tại những lớp có giờ thể dục/âm nhạc/tin học… (học chỗ khác) để lấy phòng dạy buổi 2 cho lớp khác. Nghĩa là sẽ có những học sinh vì thiếu chỗ học phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia (trong cùng trường) để học.

Như thế vẫn còn đỡ hơn học sinh lớp 5 của trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12, Sài Gòn). Có 10 lớp 5 của trường này phải sang học nhờ tại trường trung học cơ sở Tô Ngọc Vân, cách trường Hà Huy Giáp khoảng 2km.

Còn những trường ở vùng xa như xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) hoặc Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) thì phải tổ chức học online môn tiếng Anh và môn tin học, vì thiếu giáo viên đứng lớp.

Theo quy định, số học sinh tiểu học không được quá 35 em/lớp nhưng hiện tại trường nào ở Sài Gòn cũng có sĩ số học sinh vượt mức – Ảnh: Tiền Phong

Bình luận về thông tin này, Facebook Kiem Mai Ba (cựu nhà báo Mai Bá Kiếm của báo Phụ Nữ) mỉa mai:

“TRÒ TĂNG NHƯ NƯỚC SÔNG ĐÀ, LỚP TĂNG NHỎ GIỌT NHƯ CÀ PHÊ PHIN!

Niên học 2023-2024, Sở GD-ĐT cho biết số lượng học sinh tăng chủ yếu ở cấp THCS (tăng 34.107 em), THPT (tăng 21.181 em) nhưng quy mô chỉ tăng 1 trường mỗi cấp, thành ra “Trò tăng như nước sông Đà, lớp tăng nhỏ giọt như cà phê phin”!

Sở GD&ĐT cho biết, học sinh tăng nhiều chủ yếu tại TP Thủ Đức và Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, lý do đây là khu vực đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Nhưng Sở GD&ĐT không cho biết tại sao ở TP Thủ Đức, 3 quận và 2 huyện này, đất nông nghiệp bị đô thị hóa nhanh, mà đất giáo dục không có, hay có đất xây trường mà không có ngân sách để xây?

Cho dù lý do gì thì các trường công THCS và THPT hiện hữu sẽ ngày càng quá tải! Trong đợt tuyển sinh lớp 10 năm 2023, TPHCM có khoảng 100.000 thí sinh dự thi, các trường THPT tuyển khoảng 77.200 thí sinh, do đó có khoảng 22.800 thí sinh phải học trường tư!

Mỗi năm, TP xây được 1 trường công THPT trong khi chất lượng trường tư THPT không được phụ huynh tín nhiệm, thì liệu có ai dám đầu tư xây trường? Với tiến độ mỗi năm xây 1 trường công THCS, thì bao nhiêu năm nữa, tỷ lệ chọi vào lớp 6 trường công sẽ giống như tỷ lệ chọi vào lớp 10 trường công hiện nay?

Cho nên, đại biểu HĐND TPHCM phải đặt vấn đề với UBND TP là có kinh phí và đất xây trường hay không, trong khi kinh phí và đất xây nhà hát giao hưởng thì luôn có sẵn?”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: