Hoa hậu Bồ Đào (4)

Không biết vì lý do nào mà hầu hết các trường dạy đánh máy chữ ở Sài Gòn đều qui tụ chung quanh chợ Thái-Bình, ở hai con phố Cống-Quỳnh và Phạm-Ngũ-Lão.

Trước khi chia tay, họ đứng trên vỉa hè đường Cống-Quỳnh trước trường, để nói với nhau năm ba câu chuyện. Vỉa hè bị con đường mở lớn, lấn ép chỉ còn rộng bằng bàn tay xòe thôi.

Cô gái Việt-Ấn tự giới thiệu với Hiếu:

-Tôi là Hoàng, còn bà?

-Hiếu, Nguyễn-Thị-Hiếu. Tức thì Hoàng la to lên:

-Các bồ ơi, bồ mới có tên Hiếu đấy nhé.

Vì vỉa hè hẹp, mà đường thì đông đúc xe cộ, họ không dám xuống đó, nên đứng ở trên thành một hàng dài, Hoàng phải hét lên như vậy những người ở mút đầu hàng mới nghe.

-Hoan nghinh bồ mới.

-Chào thân ái chị Hiếu.

Họ chia tay nhau và Hoàng và Hiếu đạp xe qua khỏi chợ Thái-Bình.

Đến trước nhà thờ Huyện Sĩ, đường vắng, họ đi hàng hai và Hoàng tâm sự ngay:

-Tôi gốc Chà, như bồ đã thấy…

Không biết Hoàng dễ cởi mở hay là vì muốn tự thú nguồn gốc tức thì dễ gây cảm tình hầu xóa những ý nghĩ không hay mà Hiếu có thể có về nàng.

-Hồi tôi còn bé, thiên hạ kêu tôi là con Bi, Bi là danh từ của ta, để đặt chung cho tất cả mọi người Ấn-Độ trẻ tuổi, bồ biết chớ?

-Biết.

-Lớn lên, tôi đi học, không có giấy khai sanh. Thầy tôi thương tình, đặt cho tôi tên và họ. Thầy đặt là Nguyễn-Thị-Huỳnh. Nguyễn là cái họ phổ thông của Việt-Nam ta, còn…

Tự nhiên Hiếu nghe thương bạn ngay do cái tiếng “ta” cảm động ấy, Hoàng biết nguồn gốc của mình nhưng quyết tâm theo Việt nên mới dùng tiếng “ta” ấy.

-… Còn Huỳnh là vàng. Bồ có biết tại sao ổng lại đặt tên tôi là Vàng hay không? Người Ấn-Độ thích ăn cà-ry, mà cà-ry màu vàng. Dầu sao tôi cũng cảm ơn ổng đã biến danh từ Vàng ra Huỳnh, kín đáo hơn, nhờ bí hiểm hơn.

-Rồi sao bây giờ lại là Hoàng?

-A, Huỳnh hay Hoàng cũng thế thôi, mà Hoàng thì nghe hay hơn, nên thơ hơn.

Đôi bạn cười với nhau và thắng xe lại vì bị kẹt đèn tại ngã tư Hồng-Thập-Tự, Lê-Văn-Duyệt.

Mặc dầu đường đã đông xe cộ, họ cứ đi hàng hai theo tật xấu bất trị của bọn trẻ tuổi, Hoàng hàng trong Hiếu hàng ngoài.

Sau lưng họ, đủ cả các thứ xe nối nuôi nhau mà chờ một sự thay đổi màu sắc, hình ảnh trung thực của cuộc đời, dưới một hình thức mới: con người tiến tới hay dừng chân đều nhắm vào màu sắc của thời cuộc cả.

Sát lưng họ là hai chiếc xe hơi và một chiếc xích-lô máy. Nhưng xe đạp lại lợi dụng ưu thế gọn ghẽ của nó mà len lỏi vượt lên, và một người con trai dừng lại bên trái Hiếu, đứng thành hàng ba, sánh với hai người con gái.

-Chị học trường nào chị?

Anh con trai hỏi ngay khi vừa chống chơn xuống đất, như là đã quen đâu với Hiếu từ lâu rồi. Hiếu toan trả lời thì Hoàng đã hớt trước:

-Đèn đỏ!

Nàng nói hai tiếng đó với anh con trai ấy, và Hiếu thấy anh ta mỉm cười hỏi lại:

-Thật không? Mà có phải chuyện của chị đâu.

-Đèn đỏ và chấm hết, không cần phải cắt nghĩa lôi thôi.

-Vậy à! Vậy thì thôi.

Trong khi anh con trai cụt hứng, tiu nghỉu chống chơn chờ đèn thì Hiếu băn khoăn hết sức, không hiểu hai người họ nói với nhau cái gì, và không hiểu sao Hoàng lại ngăn cản nàng đáp lời anh con trai có bộ dễ mến ấy.

Đèn vàng đã phựt, dòng suối bị ngăn, không chờ được nữa, bắt đầu từ từ chảy.

-Rướn tới rồi vào hàng trong!

Hoàng nói bằng một giọng ra lịnh và Hiếu riu ríu vâng lời bạn. Bấy giờ họ vẫn tiến theo hàng hai mà lần nầy thì Hoàng chạy bên ngoài, nàng nói:

-Bồ thật thà, đi ở ngoài tụi nó tán bồ, nên tôi phải bảo vệ bồ mới được.

-À, ra vậy. Còn gì mà đèn đỏ?

Đèn đỏ có nghĩa là bồ là một đám đất cấm, trái tim không còn rảnh rang nữa, nó phải dừng bước, nếu lướt tới càn là tôi thổi còi phạt ngay!

-Nhưng tim tôi có…

-Biết vậy, nhưng phải nói như tôi, nó mới chịu im chớ.

À, thì ra đây là cuộc đời, một phía mặt của cuộc đời, mà nàng vừa được biết. Thì ra, có những trái tim đeo đèn đỏ, có những trái tim đeo đèn xanh, và công dụng của những lồng đèn giả thật bất ngờ: rảnh rang mà huơi đèn đỏ lên, thiên hạ cứ phải nể mà tránh đi và vườn hoa có chủ mà lại chớp đèn xanh thì ngựa xe như nước sẽ đua nhau tiến đến.

Ước lệ thay, mà đèn tình cảm không diễn tả đúng chút nào thực trạng của những con tim.

Hiếu thán phục người bạn mới nầy hết sức. Nàng có vẻ oanh liệt lắm, và Hiếu cảm nghe sung sướng mà được bạn che chở cho. Hoàng nói tiếp:

-Mấy năm trước tôi cũng khờ khạo như bồ nên bị tụi nó ăn hiếp dữ quá, giờ thì đố đứa nào mà dám rớ tới chị hai nó.

-Chị bảnh lắm!

Tự nhiên Hiếu đổi lối xưng hô, và tiếng chị mà nàng dùng, không phải là tiếng chị lịch sự. Nàng tôn Hoàng làm chị thật tình, một người chị đủ bản lĩnh bảo vệ nàng.

Bấy giờ họ đã tới Công-Trường Dân-Chủ. Một chị nhân viên hỏa xa xách cờ đỏ chạy ra giữa đường chặn xe lại, vì thế mà Hoàng cùng quẹo vào đầu đường Yên-Đổ với Hiếu rồi đôi bạn xuống xe tại đó.

Hoàng cầm lấy tay bạn trong một cử chỉ thương yêu, và ngang nhiên nhận sự suy tặng của bạn mà rằng:

-Và chị quyết bảo vệ em cho đến khi nào em hết ngơ ngác trước cuộc đời.

-Cám ơn chị.

-Em nè, năm xưa chị bị mặc cảm da đen, chị khổ sở lắm. Nhưng giờ thì hết rồi. Chị biết ra thì đàn ông và con trai họ đã thay đổi sở thích, chuộng vẻ đẹp muôn màu, da trắng thì họ ưa mà da đen họ lại càng ưa hơn. Giờ thì chị làm sếp sòng trong nhiều đám chớ không phải nép mình tủi hổ như trước. Em trắng, chị đen, ta sẽ là một cặp bài trùng làm chúa tể đất Sài Gòn nầy.

Hiếu cười:

-Nhưng em ngu lắm, làm chúa ai được.

-Ậy, có chị, lo gì.

-Chị à, chị thôi học năm nào?

-Lâu lắm. Chị đâu có học trung học như em, chị chỉ lên lớp nhứt rồi thôi.

-Vậy à? Té ra chị đã sống…

-Phải, chị đã sống đời người lớn từ sáu bảy năm nay.

Đôi mắt đen huyền và tròn vo của cô gái Việt-Ấn nhìn Hiếu một cách ranh mãnh và nàng cười, bày ra hai hàm răng trắng như thạch-cao.

-Em đừng có hoảng lắm. Chị đã sống đời sống người lớn nhưng chị che chở cho em giữ sự ngây thơ được lâu chừng nào hay chừng nấy, chớ không lôi cuốn em theo chị đâu.

Xe lửa đã qua khỏi đó từ lâu và bao nhiêu là dòng nước đã hết tràn ứ, tuôn chảy lưu loát như thường.

-Thôi tạm biệt, chiều sẽ gặp lại nhau.

Đời sống người lớn! Không, Hoàng không biết sự thật trong lòng Hiếu. Nàng đang nô nức muốn sống đời sống ấy, chớ không sợ nó như Hoàng ngỡ. Hay là Hoàng không ngỡ gì hết, hơn thế, nàng vẫn biết sự thật, vì nàng đã sống qua đoạn đời ngây thơ ấy. Nhưng nàng cứ bảo vệ bạn vì thấy sống sớm quá, chẳng lợi ích gì cả.

Lần đầu tiên trong đời Hiếu, nàng biết một người con gái đã sống! Mẹ nàng đã sống, những người cô, người dì của nàng đã sống. Bao nhiêu người đàn bà khác quanh nàng đã sống, nhưng nàng không thấy đó là một sự lạ, và họ không phải là những người hay ho đối với nàng.

Chỉ có cô gái Việt-Ấn nầy đây mới là cái ảo ảnh mà nàng nhìn say mê như trẻ con nhìn mống trời. Đã là người lớn rồi thì không còn gì hay ho nữa cả. Hoàng là con gái mà sống đời sống của người lớn, cái mới là quyến rũ.

Hiếu đi xe đạp từ Công-Trường Dân-Chủ lên đến chợ Hòa-Hưng, tốn gần một tiếng đồng hồ. Đó là khúc đường kẹt xe nhứt trong đô thành. Được cái là qua khỏi chợ rồi thì đỡ nghẹt nên nàng đạp khá mau.

***

Hiếu lên đây lần thứ nhứt, đi theo sự chỉ dẫn cặn kẽ của Hoàng hôm trong tuần. Nàng đã xin phép cha mẹ ở với Hoàng suốt ngày chúa nhựt hôm nay tại nhà Hoàng theo lời cô gái Việt-Ấn mời lúc nàng tới chơi nhà Hiếu.

Tới ngã tư ông Tạ, Hiếu quẹo qua tay mặt và bắt đầu xem lại bức họa đồ Hoàng vẽ cho hôm nọ. Qua khỏi những dãy nhà đông đúc gần sát mặt đường Hiếu mới gặp thiên nhiên mong ước mà Hoàng đã khoe và nàng đã thèm: vệ đường cỏ mọc xanh rì như đường nhà quê, trên vệ đường có trồng cây bóng râm mát và hai bên đường những sở cải minh mông xa và sâu trong ấy, đây đó đứng co ro vài nếp nhà lá xám xịt.

Hoàng nó vẽ họa đồ tỉ mỉ lắm nên dễ nhận hết sức. Vả lại, nó đang đứng tưới cải gần đường thì khỏi phải xem dấu vết nào khác nữa mới tìm ra nhà nó.

-Hello!

Cái tiếng hello ấy là tiếng của Hoàng thường dùng để gọi bạn đằng xa, và cô Hiếu thật thà, nhút nhát nay lại dùng nó trong một buổi mai vui tính.

Nghe kêu, Hoàng ngẩng đầu lên, nhe răng cười và hét:

-Good-morning, vô đây!

Hoàng mặc quần vải đen, ống quần vo tròn lên tới bắp vế. Hai chơn nàng như chơn của những pho tượng đồng đen tạc các nữ thần Ấn-Độ.

Thấy bạn trố mắt nhìn nàng, Hoàng cười nói:

-Chị biết em ngạc nhiên về cái gì.

-Em ngạc nhiên về cái gì? Chị đoán thử xem.

Một cô gái ăn diện có hạng, tuy da đen nhưng đẹp cũng có hạng, ngồi đánh máy ngoài Sài Gòn, có vẻ sang trọng lắm, khác xa không biết bao nhiêu cô gái mặc vải đen, xăn quần đi tưới cải phải không?

Hoàng vừa nói vừa đặt xuống đất đôi thùng mà từ hông chĩa ra hai ống trúc dùng làm vòi tưới. Hiếu làm thinh không đáp, Hoàng không cần gạn hỏi bạn thêm gì. Nàng ngồi trên chiếc đòn gánh gác qua hai thùng rồi nói tiếp:

-Em chưa thấy chớ nhiều cô gái đẹp bằng mười chị, đẹp hơn em nữa kia…

-Em mà đẹp gì…

-Hứ, em đẹp đến chị cũng bắt mê em. Ừ, họ đẹp hơn em nữa kia, và họ sang trọng như nàng công chúa, thế mà họ ở trong những xóm nhà mà vừa mới để chơn vào, người ta muốn thối ngược trở ra…

-Sao lạ quá vậy chị?

-Ừ, ông trời xếp đặt lạ như vậy. Chị nói chưa hết câu. Trong khi đó thì trong nhiều biệt thự, nhiều tiểu thơ lại xấu như ma. Thôi đi vô nhà chơi, chị giới thiệu em với ngoại.

Bà ngoại của Hoàng, chưa già lắm, chỉ trạc sáu mươi thôi, và còn rất sõi với cái tuổi của bà.

Có lẽ Hiếu là người bạn học độc nhứt mà Hoàng lôi được về nhà, nên bà ngoại mừng rối rít và hãnh diện vô cùng.

Một người đờn bà nghèo khổ quá đến đỗi gả con cho một người Ấn-Độ nghèo thì chắc chắn không bao giờ được hân hạnh tiếp khách sạch sẽ cỡ cô nữ sinh hôm nay.

Bà cuống cuồng lên, muốn thân mật với khách của cháu, nhưng lại sợ mình không xứng đáng thân mật với nó, muốn vồn vã, nhưng lại sợ người ta nguội rồi phải tủi thân.

-Thưa ngoại, con đến thăm ngoại.

Không hiểu sao Hiếu lại xưng hô như vậy, vì thật ra nàng chưa thân lắm với Hoàng. Có lẽ giúp cho bà cụ hết mặc cảm.

Bà cụ cảm động đến ứa nước mắt và quả nhiên được mở lòng, bà tuôn ra với Hiếu tất cả thương yêu dành riêng cho Hoàng. Và lo món ăn là dấu hiệu thương mến lớn nhứt, rõ rệt nhứt của các cụ đối với con cháu. Hoàng nói:

-Giờ thì ngoại vùi đầu vào bếp, không còn gì nói nữa với ta. Em theo chị trở ra vườn, chị tưới nốt liếp cải cuối cùng.

Ra tới sân, Hoàng quảy lên vai đôi thùng có vòi tưới nước rồi chầm chậm so bước với Hiếu, nàng vừa đi vừa kể:

-Trước chiến tranh mà ngay cả sau nầy, đến cho những năm 1953-1954, từ ngã ba Ông Tạ vào đây là hoang địa, đồng rộng minh mông. Nghe như là ngày xưa ba của chị làm nghề nuôi bò sữa nên mới ở đây, một là có cỏ cho bò ăn, hai là gần Sài Gòn dễ bán sữa.

Ba chị chết đi rồi, má chị vẫn tiếp tục nghề bò sữa ấy mãi cho đến năm chị lên bảy, má chị lại nối gót theo ba chị, bà ngoại mới dẹp cái nghề mà bà không thông thạo.

Em nè, em có tưởng tượng được những cay đắng của một đứa con gái của một người Chà nghèo nàn hay không?

Gương mặt thường xuyên vui tươi với nụ cười hóm hỉnh thường trực trên môi ấy, bỗng nhiên lại trong niềm căm hận dồn ép lâu ngày vừa trỗi dậy, và cô gái Việt-Ấn ném mạnh đôi thùng xuống nền đất ẩm ướt đen như có trộn than cà nhuyễn trong ấy.

Hiếu sợ hãi vì vừa thoáng thấy tất cả sự man rợ nổi loạn, sự man rợ của một dòng máu da đen thuộc một nền văn minh ngàn năm bí hiểm. Đoán được tâm trạng của bạn, Hoàng tươi cười nét mặt và dịu giọng nói:

-Không em, chị không có ý định trả thù. Bây giờ chị yêu đời lắm, vì được đời ưu đãi chị.

Giọng vẫn còn run run vì kinh sợ chưa hết, Hiếu chỉ cái giếng và bộ máy cần vọt gần đó hỏi:

-Ở đây giếng sâu lắm hả chị ?

-Không, từ mặt đất xuống đến mặt nước chỉ có hai sải thôi.

-Nhưng sao lại phải dùng cần vọt?

-Vì lười. Em nên biết rằng dân của các đô thành lớn, cho dẫu là dân ngoại ô xa, lười lắm, thích nhờ máy móc hơn là nhờ sức mạnh của các bắp thịt.

Trong khi Hoàng cho cần vọt làm việc, Hiếu đứng trên những chiếc vỏ sò nạm cẩn mô đất quanh miệng giếng cho mặt đất ở nơi đó đỡ nhầy nhụa bởi vì úng nước thường xuyên. Nàng hỏi bạn:

-Nghề cải có có đủ sống không chị ?

-Đủ sống, nhưng phải vất vả như thế nầy. Nhưng sáu tháng nữa, chủ đất sẽ lấy đất lại, bà ngoại và chị không biết lấy gì mà sống đây.

Hoàng cười, khoe trọn hai hàm răng thật đều và thật trắng ra:

-Chủ đất là đồng bào của chị ở ngoài Chợ Cũ é, mà đồng bào của chị thì em dư biết cái khắc nghiệt về tiền nong, về đất cát của họ rồi.

Hiếu cứ băn khoăn về kế sanh sống tương lai của bạn nàng, và suốt buổi tưới cải, nàng chỉ bước theo bạn, trí nhơi mãi ý nghĩ về bước khó khăn mà bạn nàng sẽ gặp.

-Rồi chị làm sao?

Để thoát khỏi ám ảnh, Hiếu hỏi như vậy.

-Làm sao cái gì?

-Làm sao mà sống?

Bà ngoại đang xin làm gác-dan, một nghĩa địa tỉnh bên kia đường.

-Nghĩa địa tỉnh là nghĩa địa gì?

-Khu nầy là khu nghĩa địa của người Ăng-Lê, nghĩa địa của Trung-Việt, 21 nghĩa địa của hăm mốt tỉnh của miền Nam. Nếu bà ngoại làm gác-dan được bên ấy thì bà ngoại sẽ nuôi gà, còn chị thì đi làm, kiếm thêm chút ít. Lát trưa, chị sẽ đưa em đi viếng nghĩa địa nầy.

Hoàng đã xong công việc và đôi bạn lại vào nhà. Nhà bà ngoại Hoàng rộng được hai căn và một cái chái nhỏ dùng để nấu ăn. Tuy nói là hai căn, nhưng bề ngang chỉ có bốn thước thôi và sâu sáu thước. Bàn thờ, chõng tre và võng: từ khí trong nhà chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

Hiếu đề nghị:

-Ta xuống bếp phụ nấu ăn với ngoại nè chị.

-Ngoại không cho đâu. Vả lại cũng chẳng phải nấu nướng gì cho nhiều. Ngoại làm thịt gà nhà, rô-ti cho mình ăn thì chỉ phải lo có một món thôi, ngoại muốn cho chị rảnh tay để tiếp em trọn ngày.

Đôi bạn cùng nằm trên chiếc võng bao bố mắc ở hai đầu cột. Sức nặng của hai cô gái đang lớn lên, làm cho cây gỗ của cả giàn sườn nhà kêu răng rắc và khi Hoàng đưa võng thì cả nếp nhà bị lung lay. Hiếu hoảng sợ dợm bước xuống.

-Cứ nằm đây, không sập đâu mà lo. Nhưng rủi có chết thì chết chung chớ gì.

Hoàng vừa nói vừa ngồi dậy, chồm qua hun lên má Hiếu nghe đánh chụt một cái, khiến Hiếu thẹn đỏ cả mặt mày.

-Ngọt như đường phèn!

Hoàng nói rồi cười ngất khi nhìn thấy bạn nàng mắc cỡ đến không dám ngó nàng nữa. Nàng véo nhẹ má của Hiếu và nói:

-Thấy ghét lắm, em càng xấu hổ, trông càng đẹp hơn lên và càng dễ mê hơn lên. Anh trai nào được em thì sung sướng nhứt thế gian. Yêu cái sắc đẹp của em mới là đáng yêu bởi vì em thơm, em ngọt còn yêu chị thì…

-Chị cũng đẹp lắm chớ !

-Nhưng em ngọt thanh tao như bột khoai bún tàu, còn chị, nếu có ngọt, chỉ ngọt như bánh ít lá gai đường hạ mà thôi.

Hiếu nắm lấy tay bạn để tỏ lòng thương mến và thương… xót. Hoàng hiểu được những ý nghĩa của cái nắm tay ấy nên cười nói:

-Em khỏi phải tội nghiệp chị, vì trên đời nầy cũng nhiều người ưa bánh ít lá gai đường hạ lắm. Chị không nghèo túng ở mặt tình cảm đâu. Còn trái lại nữa. Chị được họ săn đón cho đến đỗi chị rối trí không biết làm sao mà chọn.

Hiếu nghe mê những lời khơi mào cho câu chuyện người lớn mà nàng khao khát biết. Tuy nhiên, nàng xấu hổ không dám hỏi tới nữa. Hoàng nín lặng một lát rồi tiếp:

-Chị đã nói với em là sở thích của người đời nay thay đổi, họ hết ưa con gái mình hạc xương mai và da trắng một màu trắng bịnh hoạn, và phần lớn đờn ông con trai đã bắt đầu biết thưởng thức vẻ đẹp rắn chắc của một sức khỏe dồi dào. Chị nói thầm điều nầy em đừng có buồn nôn nhé! Hãy níu lấy chị kẻo hoảng quá, ngất xỉu bây giờ!

Nhưng Hoàng chỉ cười thôi mà chưa chịu nói, nàng ẹo cổ mà cười, ngửa cổ ra mà cười. Lâu lắm nàng nín được.

-Mấy năm trước chị cũng ngây thơ như em bây giờ và trông vẻ ngơ ngác của em chị bùi ngùi nhớ lại cái ta của chị thuở đó quá. Em nè, đờn ông con trai bây giờ họ thích phụ nữ lẳng và họ tin rằng nước da đen của chị, đôi con mắt Ấn-Độ huyền bí của chị, tấm thân chắc nịch của chị là dấu hiệu của tánh cách mà chị vừa nói lên ra hồi nãy và không dám lập lại thường lắm, sợ em nhờm.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: