Ngày qua, ngày qua rồi ngày qua. Hiếu đã biết trình bày một bức thơ có mỹ thuật, chớ không “may áo khỉ” như hôm mới vào. “May áo khỉ” là từ ngữ lóng mà học viên ở đây ra để đùa những bức thơ chỉ nằm trọn ở phân nửa trên của tờ giấy, còn phân nửa dưới thì trống trơn, y như là chiếc áo khỉ ngắn ngủn của phụ nữ thôn quê miền Nam.
Ngày qua ngày qua rồi ngày qua, Hoàng đã lấy bằng cấp để lăn xả vào cuộc đời hầu tranh sống.
Cái ngày mà Hoàng từ giã bạn đồng song, Hiếu nghe trơ trọi hơn bao giờ cả trong đời nàng. Con gà con bị mẹ cắn mổ phá bầy, tuy thế mà còn thấy mẹ quanh quẩn trong sân, còn ỷ lại được mẹ phần nào. Chỉ như Hiếu, nàng nghe mình chới với không biết bám vào đâu nữa cả.
Bạn đồng khóa của nàng cũng đã ra trường hết, và nàng ngồi lại trong tuần lễ cuối cùng với những gương mặt mới, có lẽ hay hơn, nhưng không làm sao bằng được mối tình bè bạn buổi đầu nhập học.
Chiều hôm ấy, sau buổi học tập, Hiếu vừa ra khỏi trường thì bỗng thấy Trọng ngừng xe xì-cút-tơ lại trước đó. Lần nầy Trọng đi từ hướng bến xe Miền Đông lên chợ, nên thuận phía, hắn đậu xe bên nầy, sát cửa trường. Chỉ được giới thiệu sơ có một lần với Trọng, Hiếu toan làm mặt lạ đi luôn, mặc dầu không sao nàng quên được người thanh niên ấy, hắn có một cái gì đặc biệt, nàng không nói ra được, nhưng nghe cảm tình với vẻ khác lạ của hắn lắm.
-Chào cô Hiếu! Cô Hoàng đã mãn khóa rồi chắc? Cô còn nhớ tôi hay không?
-Anh Trọng!
Gọi tên người con trai xong, nàng hối hận lắm. Nàng nghe rằng làm bộ ngơ ngác, để chàng nhắc nhở tỉ mỉ lần gặp gỡ đầu tiên rồi mới giả vờ sực nhớ lại, có thế người ta mới không khinh rẻ mình. Nhưng đã lỡ rồi, vả lại hắn đã nhớ được tên nàng thì hắn cũng không cao cả gì đó mà phải ngại tự ái nàng bị va chạm.
-À, cô còn nhớ tôi. Hân hạnh lắm, cám ơn cô lắm.
Hiếu bối rối không biết nói gì nữa sau cái tên buột mồm nói ra ấy. Còn Trọng thì vừa hỏi thăm người bạn học cũ là Hoàng lại không cần tha thiết chờ đợi câu trả lời, mà hỏi sang chuyện khác:
-Cô về bằng gì cô Hiếu?
-Dạ, bằng xe đạp như anh đã thấy hôm trước.
-Cô ở đâu cô Hiếu?
-Dạ em ở Tân Định, đường Yên-Đổ, xóm Cù Lao.
Đáp xong câu nầy, Hiếu giựt mình và tức giận cho sự ngu ngốc của nàng lắm. Hoàng đã căn dặn nàng hằng trăm lần là không nên cho bọn con trai biết vùng mình ở. Nàng cứ nhớ mình là nữ sinh, đang trò chuyện với bạn gái, hay dại dột tưởng người con trai nầy tin cậy được, nên khai tuốt hết từng chi tiết nhỏ, cho đến tên cái xóm nàng cũng cung khai, chỉ còn thiếu số nhà và tên cha mẹ của nàng thôi.
Thật là nguy! Chỉ có hôm nay Hiếu mới nhận thức đúng mức sự khó khăn ở đời, và sự cần thiết của một người dìu dắt trong bước đầu tiên của đường đời.
-Cô còn bao lâu nữa mới mãn khóa?
-Dạ, một tuần lễ nữa.
-Để tôi cố gắng tìm cho cô một chỗ làm trong sở tôi.
-Cám ơn anh lắm. Và anh đừng quên chị Hoàng nữa nhé. Bấy giờ Trọng mới sực nhớ đến Hoàng.
-Tôi không quên chị ấy. Nhưng chỗ làm hiếm hoi lắm, chưa chắc tôi đã tìm ra được một chỗ, nói gì đến hai chỗ. À nè cô Hiếu, tôi không dám làm mất nhiều thì giờ của cô, thôi, ta đi và nói chuyện dọc đường cũng được.
-Nhưng xe anh chạy mau.
-Có hề gì. Tôi chấp cô chạy trước rồi tôi rút vài giây là theo kịp cô.
Trọng chỉ muốn tránh chỗ nầy, có nhiều con mắt tò mò, nên khi đến đường Bùi-Chu vắng vẻ, chàng phóng xe qua mặt Hiếu rồi dừng lại.
Hiếu do dự không biết phải có thái độ nào thì chàng đã nói:
-Cô Hiếu xuống xe cho tôi hỏi thăm cái nầy.
Hiếu chưa quên những bài học về chuyện đời mà Hoàng đã dạy nàng, nhưng cũng không quên rằng Hoàng đã cho Trọng một cái chứng chỉ thật tốt. Vả lại, tự nhiên không hiểu sao, nàng cũng cứ muốn dừng bước với Trọng.
Trọng xem ra không nhút nhát lắm, nhưng đến lúc quyết liệt chàng lại đâm ra sợ. Chỉ nói có một câu như thế nầy mà chàng ấp úng rất lâu và lời chàng thì cứ ú ớ trong cổ họng chàng, Hiếu phải đoán mà hiểu.
-Cô Hiếu ơi! Thỉnh thoảng cô cho phép tôi ghé trường thăm cô một chút, hoặc đón đường như thế nầy mà thăm cô một chút nhé?
Thật là không có lý do, sự thăm viếng nầy. Họ chưa là bạn nhau, cũng chưa quen nhau nhiều, nên trong sự thức tỉnh của bản năng tự vệ, Hiếu đáp:
-Em tưởng không cần gì phải thăm. Ta chưa…
-Ta chưa là bạn nhau. Nhưng nếu không thăm nhau làm sao thành bạn nhau được. Nhưng thôi, nếu cô cũng không cho tôi làm quen thân thêm với cô thì tôi không dám nài nỉ. Tuy nhiên, tôi có thể gặp cô giữa đường, chào cô và được cô chào lại chớ?
Hiếu mỉm cười:
-Điều đó anh khỏi đòi hỏi, ai lại bất lịch sự đến đỗi không chào đáp lễ!
-Bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi cho tôi, và tôi cảm ơn cô hết sức. Thôi, xin phép cô.
Hiếu ngẩn người ra nhìn Trọng khuất dạng nơi cua Bùi-Chu – Ngô-Tùng-Châu. Nàng tiếc đã quá giữ gìn và lo sợ không bao giờ được gặp lại người con trai đã đến trong đời nàng và xem chừng như khó lòng mà nàng để hắn ra khỏi nơi đó.
***
Lần đầu tiên Hiếu thẫn thờ, không nghe, không thấy rõ những gì quanh nàng, khiến bà Trung phải ngạc nhiên giây lát. Nhưng bỗng nhớ lại thời niên thiếu của bà, nhớ lại những mơ mộng ban đầu của người con gái mới lớn lên, bà bùi ngùi nhìn con, băn khoăn tự hỏi đó là mộng suông, là bâng khuâng vơ vẩn hay là một cuộc bắt đầu đau khổ vì yêu.
Hôm đó Hiếu không nô đùa với em nữa. Nàng không còn nghe thích thú trong câu chuyện và trong cuộc chơi giỡn với trẻ. Đây là biên giới của giai đoạn cũ và giai đoạn mới của đời nàng, biên giới mà đêm thi rớt, nàng tìm mãi không thấy và hôm nay vượt biên giới ấy lại không hay.
Khi một chiếc phi cơ phản lực vượt qua khỏi bức tường âm thanh, người phi công lái chiếc máy bay phản lực ấy cũng chẳng hay biết gì cả. Nhưng người ngoại cuộc lại nhận thấy ngay nhờ tiếng nổ kinh thiên động địa mà cuộc vượt biên giới âm thanh gây ra.
Người ngoại cuộc đây là bà Trung. Bà nhìn trộm đôi mắt của Hiếu rồi đâm sợ, Hiếu như trông xa lắm, ngó vào một thế giới kỳ ảo nào, rồi thỉnh thoảng lại thở dài. Bắt đầu từ hôm đó, mỗi đêm bà Trung mỗi rình con. Hiếu để ra nhiều thì giờ hơn mọi ngày để chải gỡ, để săn sóc móng tay, và áo quần của nó, nó ủi kỹ lưỡng hơn, một làn nếp sai nho nhỏ cũng làm nó khó chịu lắm. Ủi lại cho mất dấu sai ấy nó mới nghe.
Về đêm, bà lắng nghe tiếng con cựa mình trằn trọc. Lắm hôm, Hiếu thao thức mãi đến hai giờ sáng, trái với thường ngày, gánh nước xong, vào khoảng mười một giờ rưỡi là nàng đi nằm giây lát rồi ngủ khò, hợp với thói hay ăn hay ngủ của con gái mới lớn lên.
Ban ngày, dặn gì một lát là Hiếu quên mất và nhứt là nó hay đập bể chén bát. Nó chỉ ừ hử với em nó chớ không trả lời vì nó có nghe em nó nói gì đâu!
Bà Trung hơi an lòng. Đó là dấu hiệu mới bâng khuâng vì một hình bóng hoàng tử đẹp trai còn mờ ảo phi ngựa đằng chơn trời xa, chớ chưa phải là yêu, vì khi yêu, người ta vui rộn lên. Cũng không phải đau khổ vì yêu, bởi vì nếu đau khổ nó đã để lộ những dấu hiệu tánh cách khác hẳn rồi.
Hiếu càng thẫn thờ hơn là vì người con trai mà nàng từ chối lời xin thăm viếng, không trở lại. Nàng đã lỡ dại quá giữ gìn (lỡ dại là nàng nghĩ thế, chớ nếu các nhà đạo đức mà nghe vậy, đã khen rằng nàng đã khôn ngoan mà hành động đúng phép); nhưng đáng lý gì chàng phải bất kể lời cấm đoán của nàng mà cứ cố lì, trở lại như thường, y như những anh si tình trong tiểu thuyết, để cho nàng phải sợ hãi, phải bực bội, rồi nhờ đeo đuổi một cách dai dẳng, nhẫn nại lạ kỳ mà…
Chiều hôm nay, còn hai ngày nữa, là mãn khóa, Hiếu uể oải đạp xe về nhà; thành phố hôm nay sao mà buồn bã kỳ lạ; xe cộ, đường xá, nhà cửa, người đi đường, tất cả bỗng dưng như xám màu lại. Và lòng nàng sao mà nghe chán nản như nàng đã sống qua hàng mấy mươi năm.
Chỉ còn có hai hôm nữa thôi, rồi bặt tin nhạn cá, không làm sao mà chàng biết được nàng ở đâu để tìm thăm.
Tất cả cái háo hức sống như lụn đi và cuộc đời chưa nếm mà đã nghe như là vô vị lạ kỳ.
Ngã tư đường Hồng-Thập-Tự, ngã tư Phan-Đình-Phùng, Công trường Dân-Chủ. Tới đây Hiếu hơi bùi ngùi nhớ người bạn da nâu bây giờ không biết có tìm được chỗ làm hay chưa, hay vẫn còn tưới cải.
Nàng rẽ tay phải và khi đâm đầu vào đầu đường Yên-Đổ thì suýt ngã xe vì quá bối rối. Người con trai nàng mong đợi, đang đứng trên lề cỏ, tay vịn một chiếc xe đạp bằng sắt đã han rỉ, cúi đầu chào nàng rất lễ phép và rất nghiêm trang.
Chàng không thốt ra lời nào cả, không dám kêu gọi gì hết và Hiếu chào đáp rồi đi luôn. Nhưng qua khỏi đó độ chừng vài bước, không có duyên cớ gì cả, tự nhiên Hiếu ngã xe, ngã thật tình lần nầy.
Mãi cho đến ngày sau xa, Hiếu vẫn không biết tại sao hôm đó nàng lại té. Không, nàng không giả té đâu. Có lẽ nàng muốn ngừng xe lại quá, và ý muốn mãnh liệt quá cho đến đỗi cử động nàng bị ảnh hưởng.
May quá, lúc ấy đường vắng hoe, và Hiếu xấu hổ lồm cồm ngồi dậy thật lẹ, không bị tai nạn nào khác nữa.
Trọng kêu rú lên một tiếng thất thanh, buông xe của chàng và nhảy lại có mấy bước là tới nơi. Nhưng chàng không dám đỡ Hiếu mà chỉ xàng quây quanh đó và nhìn Hiếu tự lực đứng lên.
-Cô có sao không ?
-Cám ơn anh, không hề gì.
Bấy giờ Trọng mới dám dựng xe của Hiếu lên, vừa dựng vừa nói:
-Hình như tay của cô rướm máu.
Quả thật thế, lòng bàn tay của Hiếu có lẽ vì chụp xuống mặt đường có cát rồi chuồi trên ấy nên bị trầy sơ, Hiếu nhìn bàn tay của mình và bây giờ mới nghe đau.
-Tôi xin lỗi cô.
-Không, anh có lỗi gì đâu.
-Tại tôi chào cô, khiến cho cô phải lơ đãng.
Hiếu sợ Trọng nhìn thấu được lòng nàng, hoảng sợ cãi:
-Không, không phải vậy. Tôi đã đi xa rồi kia mà.
Trọng đẩy xe của nàng vào sát lề và Hiếu thấy xe hơi đằng xa chạy tới, cũng hoảng mới nhớ lại rằng nàng đang đứng giữa đường.
Hai người không biết nói gì với nhau nữa cả nhưng không ai chào ai để mà đi. Trọng thì cứ giữ riết chiếc xe đạp của Hiếu làm như đó là xe của chàng, còn Hiếu thì cứ đứng đó như đợi Trọng sửa giùm xe.
Trọng nuốt nước miếng mấy lần mới nói được một câu bị ngắt làm ba đoạn:
-Cô Hiếu ơi… bữa nay tôi đi xe đạp… để cùng đi với cô.
Nói rồi chàng đâm hoảng, day mặt đi chỗ khác, Hiếu nghe lòng nàng xao xuyến lạ kỳ, mặc dầu đó là một câu nói rất thường chớ chẳng phải là một cuộc tỏ tình.
Nhưng nếu không nói gì, hoặc nếu giữ gìn như trước, Trọng sẽ đi luôn rồi không còn làm sao mà gặp lại nhau nữa nên giọng run run, nàng nói thật khẽ:
-Nhưng anh đâu có về cùng đường với em.
Đây là tiếng EM đầu tiên mà Hiếu dùng để xưng hô với một người con trai không phải là anh họ của nàng.
-Phải, nhưng thưa cô, tôi cũng đi Tân-Định có việc.
-Nhưng anh đi với em, ngang qua xóm em, bất tiện lắm.
-Có gì đâu mà bất tiện? Gần tới xóm Cù-Lao, tôi thụt lại sau, cô đâu còn phải ngại.
Trọng không có lý do gì để đòi đi cùng với Hiếu cả. Nhưng Hiếu đã không phản đối mà chỉ đưa những cớ rất yếu để thối thác, tức là mặc nhận cho chàng cùng đi với. Nhưng đến phút chót, sau một hồi lâu do dự nàng lại không khứng cho Trọng cùng đi:
-Thôi anh, ở đây nói gì thì nói rồi anh về.
Trọng mừng hết sức, nhưng lại không biết nói gì. Chàng hỏi:
-Vết thương cô nghe làm sao?
-Bây giờ thấm nên nghe rát lắm.
-Chỉ tại tôi.
-Không phải tại anh.
-Tôi xin lỗi cô.
-Không, anh có lỗi gì đâu.
Thật là nói bâng quơ, nói chỉ để cho khỏi làm thinh rồi sanh ngượng. Nhưng họ cũng không tìm được cho nhiều những lời tầm ruồng như vậy cho đủ số mà trám đầy thời gian trống không ấy.
-Cô… cô… còn ba, má, đủ.. chớ?
-Dạ, còn đủ. Còn anh?
-Tôi chỉ có má thôi.
-À, anh ở đâu?
-Tôi ở trong Bàu Sen.
Lần này họ đã biết nói những câu hơi có ý nghĩa một chút.
-Xa quá!
-Ừ! Tân-Định với Bàu Sen xa nhau quá! Nhưng không xa…
Ý chàng muốn nói: “Nhưng lắm khi Bà-Rịa với Cần-Thơ, vốn xa nhau hơn, mà có những trai gái ở hai nơi đó lại thành vợ chồng với nhau được”, nhưng chàng không dám nói cho hết câu, thành ra lời của chàng thật mâu thuẫn.
Hiếu nghe cái gì mà kỳ cục quá: xa, nhưng không xa, nên nàng bật cười. Trọng cũng cười mà rằng:
-Xa mà gặp nhau thì hết xa.
-À, anh nè…
-Sao cô…
-Ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa…
-Trời ơi, sao lại vậy?
-Vì mốt nầy em mãn khóa, không còn đi học nữa.
Trọng thừ người ra, đứng lặng rất lâu, như là một cái gì vừa sụp đổ trong lòng chàng. Lâu lắm chàng mới nghĩ ra được một mẹo:
-Số dây nói của tôi là 22.578, cô cứ gọi là có tôi ở đầu dây ngay.
-Nhưng em lại không có điện thoại mà cũng không biết sử dụng điện thoại.
Trọng lại tần ngần đứng lặng rất lâu rồi đề nghị:
-Hay là như thế nầy. Năm hôm nữa, vào giờ nầy, ta sẽ gặp nhau nơi đây, để hỏi thăm tin tức về thi cử lấy bằng của cô, được hay không cô?
-Giờ nầy là giờ cơm nước, em không thể bỏ nhà mà đi, trừ đi học. Em đi buổi trưa được, từ hai giờ rưỡi đến bốn giờ, nói là đi tìm việc, hay đi thăm bạn.
-Cũng hay…
-Nhưng anh lại mắc giờ làm.
-Không hề gì, tôi muốn đi lúc nào tùy ý tôi.
-Vậy ba giờ trưa, hôm đó, em sẽ có mặt tại đây…
Hiếu lên xe, đạp vài tua rồi ngó ngoái lại thì thấy Trọng vịn xe chàng, đứng đó ngó mông theo. Nàng đâm ngượng và nghe nhồn nhột sau lưng, rất khó chịu mãi cho đến lúc chắc bụng rằng mình đã khuất dạng sau một khúc đường cong, thần kinh của nàng mới giãn ra được.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP