Quả như Hoàng đã nói, sáng hôm ấy thầy Trung đang cặm cụi làm việc thì người tùy phái lạ mặt đến hãng thầy hỏi thăm thầy, rồi trao cho thầy một bức thư kẹp trong quyển sổ chuyển giao văn kiện của báo Rạng Đông.
Thư gửi cho cô Nguyễn-Thị-Nghĩa tự Bích-Lệ, nhờ ông Trung hãng Sudiwimport trao lại. Ông mở thư ra xem thì mới hay con gái ông đã qua được vòng loại và được nhà báo cùng hãng rượu Bồ Đào mời đi dự tiệc tuyển trạch chung kết chiều hôm sau đó.
Cứ theo lời thơ thì sẽ có mười bốn thiếu nữ được dự cuộc tuyển trạch nầy và hội đồng giám khảo sẽ gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi như là ông A, ông B, ông C, v.v… toàn những tên mà thầy Trung nhớ mang máng nghe ở đâu rồi.
Sau cuộc tuyển lựa, một dạ hội mở ra ngay tại phòng tuyển lựa để liên hoan mừng Hoa hậu Bồ Đào, sau đó nữa một bữa tiệc to sẽ chấm dứt đêm liên hoan.
Kèm theo bức thơ cho Hiếu, một bức thơ thứ nhì mời ông cụ bà cụ thân sinh “cô Bích-Lệ” cùng dự tiệc vui đó từ đầu đến chí cuối, tức là từ lúc khởi đầu tuyển lựa cho đến tàn bữa tiệc liên hoan.
Đọc xong thơ, thầy Trung muốn reo to lên rồi loan tin quan trọng ấy cho cả hãng đều hay, nhưng kịp nghĩ lại thầy cố nén phấn khởi của thầy xuống. Còn tuyển lựa, tức là Hiếu chưa phải là hoa hậu và chưa chắc sẽ là hoa hậu. Tuy được vào chung kết cũng là một danh dự nhưng đó chỉ là danh dự tương đối thôi chớ chưa phải là một đắc thắng, một vinh quang.
Nhưng dầu sao buổi sáng ấy thầy Trung cũng không làm việc được. Thầy sống tối tăm đã hai mươi năm rồi, tất cả các bạn đồng sở với thầy, ai cũng tìm cách lên được cả, không lên nẻo nầy cũng lên nẻo khác, chỉ có thầy là không hề được ai biết đến tên tuổi hết, thì nay…
Có những người bạn đồng liêu, không lên được cái gì, cũng cố vận động để lãnh một chức kiểm soát viên ở một hội tương tế nào đó; có người hy sinh kinh hồn một số bạc quá to tát đối với chức phận, đã biếu vài mươi ngàn cho một hội cựu học sinh của trường nào ấy để được làm hội viên danh dự, tên tuổi dầu sao cũng được in vào các tập nội qui, điều lệ, còn thầy thì hoàn toàn vô danh trong cái xã hội cao sang quanh thầy.
Hôm nay, danh vọng sắp đến, tuy đó chỉ là danh vọng, cho con thầy thôi, nhưng sao cha lại không thơm lây cái thơm của con? Và có bức thơ kia nữa chớ, bức thơ mà ông chủ nhà nhựt trình cùng ký với ông chủ hãng rượu, mời đích danh ông bà Nguyễn-Văn-Trung, thân sinh của cô Bích-Lệ, chớ không phải mời thầy Nguyễn-Văn-Trung thơ ký đánh máy đâu nhé. Đã thơm lây rồi đó mà! Người ta mời cái ông Trung thứ nhì trong xã hội, ông Trung có con gái sắp được bầu làm hoa hậu.
Bối rối quá, thầy đứng lên đi vào phòng của ông chủ để xin phép về trước hai tiếng đồng hồ, vì việc nhà. Hiếu mấy hôm nay không đi dượt đánh máy nữa vì lười, nên thầy muốn cho con hay tin sớm một chút cho nó mừng.
Bậy một cái là hôm nay về sớm, không đi cọp xe thầy Nam được như mọi hôm, nên thầy phải tốn tiền xe buýt, lại phải cuốc bộ hơi xa từ chợ Tân-Định vào nhà.
Tuy nhiên, về tới cuối xóm, đồng hồ tay của thầy mới chỉ mười giờ rưỡi thôi.
Nghe tiếng em reo trên nhà, Hiếu đang nạo dừa khô phụ với mẹ dưới bếp, vội buông bàn nạo chạy lên. Thấy mặt cha nàng ngạc nhiên và hơi hoảng, ngỡ cha đau ốm gì, hỏi:
-Sao nay ba…
-Ừ, ba về sớm có việc cần. Má nó ơi, lên đây.
Thầy Trung xoa đầu mấy đứa bé, cười rất là yêu đời, tay thò vào túi móc phong thơ, nhưng chưa chịu lấy ra, còn đợi bà Trung. Nhưng lâu quá, không thấy mặt vợ, thầy lại réo:
-Ụa, má nó sao mà rúc mãi dưới bếp vậy kìa?
Vừa dứt lời, thầy thấy vợ hiện ra nơi khung cửa hông trổ xuống nhà bếp. Mặt bà Trung lọ lem, và tay bà không rời con dao bếp mà lưỡi dính lá hành hương:
-Gì đó ông?
Bấy giờ ông Trung mới chịu lòi phong thơ ra, trao cho Hiếu, nhưng nói với vợ:
-Tin mừng bà ơi, ta trúng số rồi.
Bà Trung nhoẻn miệng cười, tỏ vẻ không tin.
-Thiệt mà, con Hiếu nó sắp trúng số độc đắc.
-Nếu sắp thì ai cũng sắp hết thảy chớ không riêng gì con Hiếu đâu. Thiên hạ đang đứng xắp hàng, nối đuôi nhau để chờ tới phiên trúng số mỗi tháng bốn kỳ.
-Không phải mà, nó dự thi ảnh đẹp và sắp được bầu làm hoa khôi.
-Ối, tưởng gì, cái thứ đó thì làm vương làm tướng gì.
-Cũng thích chớ má, vì được hưởng mười ngàn đồng, Hiếu cãi.
-Họ xí gạt mầy, chớ tiền đâu người ta đem cho không kẻ chỉ có một cái công nhỏ xíu là đẹp mà thôi. Mà mầy đẹp lắm hay sao mà dám mong như vậy?
-Gì không biết, ông Trung nói, chớ chiều mai bà với tôi được nhà nhựt trình mời đi dự lễ và dự tiệc.
-Ông đi đâu thì đi, chớ tôi thì làm không hở tay còn tiệc với tùng gì.
Giữa những câu đối thoại của hai ông bà. Hiếu đọc cả hai bức thơ gởi cho nàng và cho ông Trung. Nàng lặng người đi vì quá mừng, không dám tin rằng thơ ấy gởi cho nàng và gia đình nàng, rồi qua khỏi cơn xúc động ban đầu, nàng vứt thơ, cầm hai tấm thiếp mời múa men cuồng loạn và hát vang lên:
“Đời đẹp lắm ai ơi, Nắng chiếu ngay tim, Tim quẳng ưu phiền.”
Bà Trung không phấn khởi, bỏ hai cha con ở đó trở xuống nhà bếp với công việc của bà. Hiếu vừa hát vừa nối gót theo mẹ, nàng hát cho đến khi cầm nửa trái dừa khô, úp lên lưỡi dao nạo nằm ngửa, mới sực nhớ đến những phiền phức về ngày mai. Nàng không có y phục đẹp, cũng chẳng có món nữ trang nào tranh đua với hàng chục cô gái đẹp khác mà chỉ bằng những cái gì trời cho sẵn cho nàng, biết sẽ chiến thắng hay không? Tìm đến con bạn cho mượn áo lúc đi thi vấn đáp, xem ra không ổn vì nếu trợt vỏ chuối nữa, nó sẽ cười cho. Vả lại, áo của nó xui xẻo lắm, thi rớt có lẽ cũng vì áo ấy phần nào.
Chỉ có người bạn chí thân, Hoàng, là người không hề cười chê nàng, nhưng Hoàng lại nghèo khó quá, chính nó cũng chỉ biết nhờ cậy trời ban cho chớ không có được “phụ tùng” nào để trợ lực nhan sắc nó cả.
Nhứt định chiều nay phải đi thăm Trọng, cách mặt mấy hôm rồi, Trọng mà nàng nhớ lắm và chắc hắn cũng nhớ nàng không yên. Nếu Trọng chưa hay tin chàng sẽ hay tin và hai đứa sẽ cùng mừng với nhau. Ngày mai là ngày vui nhứt đời nàng, thì Trọng phải có mặt nơi phòng tuyển lựa, phải có mặt trong dạ hội liên hoan và bữa đại yến ấy mới được.
Bà Trung bình tĩnh như không có gì xảy ra, lui cui nấu nướng, như đã làm bếp từ hơn hai mươi năm nay. Mãi cho đến lúc ngồi lại ăn cơm với chồng con, bà vẫn không đá động đến bức thơ đã làm chấn động tinh thần ông Trung và cô Hiếu.
-Bà nghĩ sao? Thình lình ông Trung hỏi như vậy, khiến bà chưng hửng.
-Nghĩ sao về vụ gì?
-Về vụ họ mời mình đi dự tiệc.
-Nói vậy vụ đó có thật à?
-Trời ơi, bà chiêm bao sao chớ!
-Ai biết đâu, tôi cứ tưởng ba nó nói cà rỡn cho vui nhà.
-Thật đó chớ!
-Như vậy thì cha con ông làm gì thì cứ làm. Tôi phần đàn bà, tôi lo nồi cơm trách cá chớ có biết gì mà tính.
-Bậy nà! Đàn bà ngày nay ai cũng ra đứng đợt với đời. Riêng trường hợp của ta đây, tôi nghĩ lại thì má nó phải giúp tôi mới được. Tôi không có đồ lớn, không thể dự hội, dự tiệc gì cả. Má nó đi là hơn.
-Đồ lớn là đồ làm sao?
-Là một bộ y phục có cả áo bành-tô.
-Ba nó có mà. Mấy lần đi đám ma, đám cưới, ba nó bận đó.
-Má nó nói làm tôi thêm tủi. Tôi có áo, nhưng áo không phải là một thứ vải với vải quần. Màu cũng khác màu quần rất xa. Kiểu áo năm 1946, cổ áo gần tưa rồi, làm sao tôi dám vác mặt vào một nơi như vậy.
-Sao ba không may áo khác ba? Hiếu hỏi.
-Con tính, mỗi năm chỉ có một hoặc hai dịp mặc áo, không lẽ vác bạc ngàn ra để may một món phục sức ít dùng như vậy. Mà không phải một mình ba không có áo đâu nhé, cả sở mấy mươi người, chưa chắc có hơn năm người có áo. Mình ít giao thiệp, may đồ lớn làm gì cho tốn.
Bà Trung suy nghĩ một hơi rồi nói:
-Áo xống của tôi cũng cũ hết. Tôi lại quê dốt…
-Cái đó vô hại. Đàn bà mà có nghèo, hay quê dốt, cũng ít kỳ hơn đàn ông.
-Chớ để nó đi một mình không được hay sao?
-Má nó tánh rất cẩn thận sao lại nói sai dữ vậy. Sở dĩ họ mời ta là họ biết điều lắm đó. Họ biết ta cần đi theo con gái ta vì yến tiệc kéo dài đến khuya, không ai mà bỏ con cái đi một mình như vậy.
-À, tôi quên nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi cứ ngại, vì tôi quê dốt lắm.
-Có ai bắt bà đọc đít-cua, đít-càng gì đâu mà lo. Tới cho có mặt với con, ăn tiệc rồi về, khỏi phải nói tiếng nào hết kia mà.
-Y phục tôi lôi thôi có kém gì y phục của ông đâu.
-Cứ nói cái đó mãi. Đã bảo áo đàn bà có cũ, có xấu đến đâu xem cũng không kỳ cục như áo đàn ông mà không ăn màu ăn vải với quần kia mà!
-Thôi má đi với con má!
Theo bản năng, Hiếu nài nỉ như vậy, vì người con nào, trong những giờ phút nghiêm trọng, cũng nghĩ ngay đến mẹ, tin cậy nơi sự bảo vệ của mẹ hơn.
Bà Trung không nói gì cả, và ông và Hiếu đều ngầm hiểu rằng bà bằng lòng nhận cái khổ dịch ấy, hay ít ra cũng sẽ nhận vào phút chót. Gì nữa kia mà bà còn hy sinh, huống hồ chỉ một việc như vậy.
Bà xong bữa trước, uống nước, rửa miệng và đi lấy ít trầu đem lại bàn ăn. Bà hỏi:
-Nhưng không biết vào đó có ăn trầu được hay không?
Ông Trung và Hiếu bật cười vì ám ảnh to nhứt của bà rõ ra không phải là mặc cảm áo xấu, mặc cảm quê dốt, mà là cái ghiền trầu của bà. Ông Trung cười ha hả rồi nói:
-Người ta tuyển lựa rạp Thống Nhứt, mở dạ hội cũng ở đó, nhưng kéo nhau đi ăn trong Chợ-Lớn. Bà có thể ăn trầu suốt buổi, trừ lúc lên tửu lầu, vì nơi đó ăn trầu sẽ làm cho thực khách nhờm. Nhưng phải mang theo cái ống nhổ nhỏ.
-Như vậy, vào tửu lầu, giấu ống nhổ ở đâu?
-Con nghĩ ra rồi má, má cứ đem theo một cái lon, xong, má quăng đi.
Xế lại, Hiếu ra sở thăm bạn. Trái hẳn với những gì nàng tưởng tượng, nào là Trọng vừa nhảy vừa reo khi thấy mặt nàng, nào là Trọng đưa nàng vào trong khoe với chủ hãng, với đồng nghiệp của chàng, Trọng bắt nàng đợi lâu quá.
Người tùy phái vào trong báo tin đã hơn mười lắm phút rồi mà chưa thấy dạng chàng đâu hết, và khi chàng ló mặt ra thì đó là bộ mặt đưa đám ma.
Hiếu giận dỗi nhìn mặt bàn, tay mân mê lọ mực của người tùy phái.
-Hổm nay em bận lắm phải không?
Hiếu không đáp lại vì câu hỏi khá lạnh và đượm mỉa mai của bạn làm cho nàng càng hờn thêm. Thấy bạn làm thinh, Trọng càng tức nói nữa:
-Biết mà, em bận tập dượt để làm đào, và em sắp lên hoàng hậu nên em…
Trọng không nói “hoa hậu” mà cố ý nói sai ra là “hoàng hậu”, nhưng chàng không dứt câu nói vì bỗng nhiên chàng thương xót bạn vô cùng khi thấy Hiếu rưng rưng nước mắt.
-Em ra ngoài anh hỏi thăm cái nầy. Đi em…
Chàng nắm lấy tay bạn kéo đi, vì Hiếu chôn chân trước bàn viết của anh tùy phái, không chịu nhúc nhích như đã không chịu thốt ra một lời.
Trọng đi xa một đỗi đường trên vỉa hè để tránh mắt tò mò của bạn đồng sở rồi dịu giọng nói:
-Anh xin lỗi em đã chua cay như vậy. Thật ra anh chỉ tức em bặt tin hổm nay.
Hiếu kéo vạt áo lên toan lau nước mắt, như thuở bé ở nhà, nhưng ý thức lại là nàng đã lớn khôn, và đang đứng giữa đám đông người qua lại, nàng buông áo và mở ví rút khăn tay ra. Nàng chậm nước mắt, hỉ mũi và mếu máo nói:
-Ngày vui của em mà anh nỡ…
-Anh xin lỗi em, anh lạy em quên thái độ không đẹp của anh vừa rồi. Cũng bởi anh yêu em nhiều lắm nên anh mới sốt ruột như vậy.
Hiếu cũng nghe nàng yêu bạn hơn sau cơn sóng gió nho nhỏ ấy. Đó là món gia vị giúp cho tình yêu của cặp nhân tình, những đôi vợ chồng đậm đà hơn lên. Những mối tình suông sẻ quá, trơn tru quá, dễ đâm ra nhạt mùi.
-Chiều nay anh có mặt với em nha anh.
-Anh thấy bất tiện lắm. Anh không được mời!
-À, em quên điều đó mất. Hay là để em can thiệp cho họ gởi giấy mời anh…
-Vô ích em à. Thật ra thì trong những đám như vậy, ai vào cũng được. Đến phút chót, khi họ thấy còn ghế trống nhiều quá, mà chắc sẽ còn, thì họ không xem thiếp mời nữa, thả giàn cho thiên hạ vào thật đông cho rậm đám. Nhưng nếu em được chọn làm hoa hậu, anh sẽ bị bỏ rơi lúc đi ăn tiệc. Thì có tủi cho anh hay không?
-Có chắc gì em được chọn đâu. Nhưng nếu được thì phút vui mừng của em là phút được, chớ không phải ở trong bữa tiệc. Anh có mặt trong phút vui mừng ấy là đủ cho ta lắm rồi.
Trọng làm thinh rất lâu rồi thở dài nói:
-Anh thú thật với em những gì anh ngại nói ra. Nhưng không nói được. Em nè, kể từ phút mà em được chọn làm hoa hậu, em sẽ không còn là của anh nữa rồi. Anh không muốn có mặt trong cái giây phút rất có thể là giây phút vĩnh biệt của đôi ta.
Hiếu cười chua chát:
-Anh tưởng em bội bạc như vậy à ? Thế là anh đã vội vàng chọn lầm em à?
-Không…
-Sao lại không? Anh không tin được bụng em kia mà.
-Tin chớ! Em đã đáp lại tình yêu của anh, và anh chắc chắn là hiện giờ em yêu anh lắm. Và cho cả lúc em bước lên đài vinh quang và những ngày sau đó, em cũng vẫn còn yêu anh. Nhưng mà rồi tình yêu của em sẽ lợt lạt lần vì em sẽ có dịp so sánh, khi em không còn là cô gái khuê môn bất xuất nữa.
Một hoa hậu, không phải người ta khám phá ra để mà giấu trong buồng. Người ta lôi em ra, mà chính em sẽ thích được lôi ra nữa. Rồi bao nhiêu người săn đón em, em có muốn thế đâu, nhưng em vẫn nghe thích. Rồi em sẽ suy nghĩ…
-Anh tin chắc như vậy à?
-Anh không tin lắm. Anh cũng còn trẻ tuổi như em, chưa kinh nghiệm bao nhiêu về lòng người. Nhưng người lớn, họ suy luận có lý, nên anh không thể không lo.
-Ai suy luận như vậy ?
-Em không cần biết.
-Em cần biết để em xé xác họ ra…
-Thôi đi em. Người ta có nói xấu em đâu, nếu em mà như vậy thì cũng chẳng qua là do thời cơ đưa đẩy thôi.
-Giờ anh tính sao?
-Anh còn biết tính sao nữa?
-Anh nghĩ gì về em?
-Anh yêu em.
-Anh có giận hờn gì về em hay không?
-Không.
-Nhưng anh không vui?
-Nếu phải thành thật thì anh nói trắng trợn ra rằng anh mong thầm em không được chọn làm hoa hậu.
-Anh ích kỷ lắm.
-Anh nhận là anh ích kỷ, bởi vì anh yêu em và muốn em còn là của anh mãi mãi.
-Thì em là của anh và sẽ là của anh mãi mãi chớ sao.
-Em thành thật, anh tin em lắm. Nhưng biết đâu rồi mặc dầu không muốn, em cũng phải không còn là của anh.
-Anh lôi thôi lắm, rắc rối lắm. Mai anh đến với em mà anh!
-Anh muốn ghê lắm chớ. Nhưng anh không có can đảm.
-Anh chưa tin em, rõ ràng như vậy rồi. Nhưng em sẽ làm sao để xé lòng em ra được cho anh xem.
-Không, anh tin em như tin chính anh. Nhưng…
-Chừng nào em ở bạc, chừng ấy anh hãy có thái độ không được hay sao?
-Thì như vậy. Hiện giờ, thì giữa chúng ta đã có gì thay đổi đâu. Anh không đi chỉ vì tủi thân thôi.
-Má đi với em má có tủi thân đâu.
Tự nhiên Trọng bước gần sát bạn. Hiếu đã chịu nói tiếng “má” trống không ấy, nghe rất là dịu êm chớ không nói “má em” như từ thuở giờ nữa. Chàng cảm động quá và càng nghe yêu Hiếu hơn lên, càng tức sao lại có sự rủi ro thi hoa hậu xen vào hạnh phúc của chàng.
-Té ra má cũng đi nữa à em?
-Chớ đâu có để em đi một mình đêm hôm tăm tối. Có giấy mời má nữa.
-Má thương em khác, anh thương em khác, em ơi. Em lên, má cũng lên. Nhưng em làm hoa hậu cả Sài Gòn giàu sang đều dòm ngó em, thì anh thư ký nầy sẽ nhỏ nhoi không biết bao nhiêu trước mắt em.
-Là tại anh hay nghi kỵ ngỡ như vậy chớ chuyện chưa có xảy ra mà.
-Thôi nói nhiều cũng vô ích. Em nên nhớ rằng anh yêu em yêu nhiều lắm là đủ rồi.
-Hôm nay em ra đây ngỡ vui, không dè buồn. Thôi xin phép anh em về.
Hiếu không lưu luyến như mọi hôm, đẩy xe đạp xuống đường mà không quay nhìn lại. Trọng không biết nói sao cho bạn khỏi hờn nên cũng đẩy xe chàng xuống để đưa bạn một đỗi đường trong câm lặng. Thật là “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế!”.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP