Hoa hậu Bồ Đào (14)

Hoa Hậu Bồ Đào ứa nước mắt, không phải vì vui mừng được chức hoa hậu mà cảm động vì thái độ không ganh tị của tám người bạn mà một phút trước đó, nàng không nghe cảm tình gì với họ cả, và còn không ưa họ nữa là khác, vì nàng bị mặc cảm trước sự bảnh bao của họ.

Hiếu đưa hai tay ra xoa đầu từng người bạn một và nước mắt nàng bây giờ đã chảy đầm đìa.

Trong khi đó thì màn từ từ hạ và không ai mách nước cho, Hiếu tự nhiên biết cúi đầu chào để cảm ơn khán giả.

Họ kéo nhau vào hậu trường. Bấy giờ các nghệ sĩ đã tới đông đủ và thay phiên nhau ra ngoài sân khấu để biểu diễn. Tất cả những người có mặt nơi hậu trường rạp Thống-Nhứt đều vây quanh lấy cô hoa hậu rụt rè đã gây cảm tình nơi mọi tấm lòng chính nhờ cái ngây thơ của cô ta.

Vòng thứ nhứt là tám hoa hậu hụt. Họ hạ xuống người bạn mà họ đỡ trên tay từ nãy giờ rồi không muốn cho ai xáp lại gần cục cưng của họ hết.

Sở dĩ họ không ganh tị, vì lòng tốt của họ cũng có mà cũng vì cuộc tuyển lựa đã may mắn chọn đúng một thiếu nữ xinh đẹp thật sự, hơn hẳn họ rõ rệt, và nhứt là thiếu nữ ấy còn quá ngây thơ, khờ khạo, khiến họ lại được mặc cảm tự tôn, nghe như là vừa có thêm một đứa em dại để mà bảo vệ.

Lần sau, khi Hiếu đã sành đời rồi, đã trở nên một địch thủ đáng sợ của họ trên đường tiến thân hay trên đường tình thì chẳng may nàng được bầu làm hoa hậu lần thứ nhì, thứ ba, trong cuộc thi nào hoặc trong dạ hội, trong đêm liên hoan nào, thì họ sẽ không tha nàng đâu.

Vòng thứ nhì là những bà mẹ, tò mò xem kỹ con ai lại khéo đẻ hơn con của các bà. Ban tổ chức và các nghệ sĩ chỉ đứng được ở vòng thứ ba thôi, mặc dầu họ cố chen vào để khen ngợi người mà họ đã nâng đỡ và sẽ nâng đỡ lại họ trong chiến dịch quảng cáo của họ.

Ông chủ hãng Bồ Đào, tay cầm tấm ngân phiếu mười ngàn đồng, miệng nói:

-Quí bà quí cô cho chúng tôi vô để cụ thể hóa giải thưởng chớ!

Nhưng các hoa hậu họ cứ bất kể, vì họ bận vui đùa quanh người bạn mới:

-Chị ơi, chị được kén làm hoa hậu, xin tiến dẫn cho em làm thứ phi nha chị!

-Nó Tây phi, tôi là Đông phi nha bồ!

-Tao là phó hoàng hậu, hay hơn tụi bây!

-À ông chủ hãng rượu, ông có say hay không mà chỉ thấy ông cầm có một tấm ngân phiếu thôi? Theo thể lệ, chị em chúng tôi, mỗi đứa được một ngàn đồng tiền xe pháo chớ.

-Có, có tất cả quí cô, ông chủ hãng rượu từ ngoài đáp vọng vào. Nhưng vì số tiền ít nên tôi sẽ xin trao tiền mặt để quí cô khỏi phải đi ngân hàng mất công.

-Hoan nghinh rượu Bồ Đào.

Ngoài kia một nữ ca sĩ cũng vừa ca xong bản “Bồ Đào mỹ nữ” rồi một nhóm ca sĩ lại rập nhau mà ca bản “Bồ Đào mỹ tửu” mà hãng rượu đã nhờ một nhạc sĩ túng tiền sáng tác theo chỉ thị của hãng.

Văn nghệ hôm nay rực nồng mùi thương mãi và sự hợp tác “thương nghệ” nghe ra có vẽ miễn cưỡng vô cùng.

Ban tổ chức, dẫn đầu là ông Bồ Đào, xung phong chen vào được bên trong, nói:

-Lát nữa đây, xin mời tất cả các cụ, các cô đi dự tiệc với chúng tôi, và giờ xin trao tặng giải thưởng cho quí cô. Nếu chúng tôi trao tặng ngay ngoài sân khấu thì cử chỉ ấy quảng cáo cho chúng tôi nhiều lắm. Nhưng lại không đẹp. Như vậy tất cả bà con có mặt ở đây đều nhìn nhận rằng chúng tôi tổ chức giải hoa hậu nầy là vì nghệ thuật thuần túy chớ không vì tư lợi chút nào…

Ông Bồ Đào vừa nói tới đó thì bên ngoài cửa nhỏ tràn vào non mười người đàn ông, người nào tay cũng ôm một bó hoa, và bốn nhiếp ảnh viên mà khi nãy ngoài sân khấu, họ không sao ghi được cảnh thân mật như ở đây.

Ông Bồ Đào chào chung những người mới đến bằng một tiếng “Rua” và một cái vẫy tay rồi lo trao sét và trao tiền cho “hoàng hậu và các thứ phi”. Xong đâu đấy, ông mời:

-Giờ xin mời các cô, xuống dưới xem trình diễn văn nghệ.

-Đâu có được, ông chủ, còn tụi tôi nữa chi, sao ông xấu bụng dữ vậy.

Cái ông cao niên hơn hết trong đám ôm hoa, phản đối như vậy rồi chui vào. Tới nơi, ông ta nghiêng mình trước hoa hậu và tự giới thiệu:

-Trần-Minh-Đẩu, chủ nhơn hãng phim Ao Nhà.

Hiếu chỉ biết mỉm cười cúi đầu chào lại ông ấy rồi làm thinh. Ông ấy nói:

-Xin tặng hoa hậu bó hoa mọn nầy và sẽ rất hân hạnh được hoa hậu biết đến.

Lão vừa nói vừa trao hoa tới, Hiếu bối rối nhìn mẹ mà cầu cứu. Nhưng chính bạn hữu nàng ở sau lưng nàng giựt dây. Họ mách nhỏ, “Đưa tay ra nhận, cảm ơn, rồi nói: Hân hạnh”.

Hiếu hành động và lập lại lời bạn mách, y như một diễn viên tập tuồng chưa xong, chưa thuộc vở, chỉ biết đọc lại lời ông nhưn.

Lão ta còn muốn nói gì nữa, nhưng một ông khác đã tiến đến.

Chủ tiệm may Chức Nữ, thưa hoa hậu. Chúng tôi chuyên may y phục phụ nữ và rất mong một ngày gần đây, hoa hậu sẽ làm cho áo chúng tôi đẹp ra. Ngược lại áo chúng tôi may cũng sẽ làm cho hậu trở nên… siêu hoa hậu…

Thiên hạ cười rộ lên sau câu pha trò ấy, và nhìn lại ông ta, Hiếu rất buồn cười vì con người ấy ăn mặc xoàng nhứt đám, thế mà lại làm chủ một hiệu may to nhứt thủ đô đã quảng cáo rùm lên là “tất cả nữ nghệ sĩ đều may mặc ở hiệu chúng tôi”. Nàng nghĩ đến câu tục ngữ của ta: thợ rèn không dao ăn trầu, và rất vui lòng mà nhận hoa của con người dễ mến nầy.

Tiếp liền theo ông chủ hiệu may là một ông gầy khô nét, da mặt xanh xao:

-Chủ nhơn hiệu thuốc hoàn “Phụ nữ khang kiện bổ huyết tố”. Thưa cô, tất cả mỹ nhơn trong nước, muốn sắc đẹp được bền dai với thời gian, đều uống thuốc của chúng tôi. Rất hân hạnh được tiếp xúc với hoa hậu về sau nầy.

Ông Bồ Đào tức lắm, nghĩ thầm: “Mẻ cái lũ nầy! Thế nào chúng nó cũng đề nghị với Bích-Lệ lấy tên nàng mà làm quảng cáo. Té ra mình hao công tốn của cho chúng nó ở không mà hưởng à?”.

Lão ta toan can thiệp vào để đánh bạt bọn đầu cơ sắc đẹp nầy thì một thanh niên lướt tới. Hắn trạc ba mươi tuổi, khá đẹp trai, ăn mặc cực kỳ sang trọng. Hắn ăn nói như người muôn xưa, chắc là đã học thuộc lòng câu nói ở quyển tiểu thuyết kiếm hiệp nào:

-Thưa quí nương, tiện sinh là thương gia ở thủ đô nầy, tiện sinh không có tài mọn nào cả, cũng chẳng có được món hàng quí báu nào mà mong quí nương chiếu cố đến vì tiện sinh chỉ nhập cảng sắt tròn, sắt vuông thôi. Nhưng tiện sinh có một tấm lòng ái mộ những trang kỳ nữ nên tiện sinh mới đến xin kính chào quí nương và dám mong được quen biết với quí nương lâu dài.

Hiếu bối rối vô cùng không phải vì câu nói văn vẻ khiến nàng không biết trả lời thế nào cho xứng. Nàng đã thấy rằng không cần trả lời, chỉ mỉm cười đáp lễ, cảm ơn một tiếng là đủ rồi.

Nhưng người đàn ông đẹp trai và ăn mặc chải chuốt nầy đã để giọng tán tỉnh trong câu nói của hắn, và đây là lần đầu tiên mà nàng bị, hay được tán tỉnh. Trọng chưa tán nàng bao giờ cả. Đôi bạn chỉ ngầm hiểu nhau, rồi lần lần ra mặt hiểu nhau và yêu nhau thôi.

Lần nầy trái lại, ông Bồ Đào thích chí hết sức. Thế là hoa hậu Bồ Đào đã ăn khách, ăn khách ngay sau lúc vừa đắc cử. Mà nàng càng nổi danh tài sắc một thì, hiệu lực quảng cáo của nàng càng mạnh.

Ông ta giới thiệu thêm:

-Đây là nhà triệu phú trẻ tuổi của nước Việt-Nam, ông Nguyễn-Ngọc-Long, nhà xuất nhập cảng.

Thật ra Long không phải là triệu phú. Hắn chỉ là con một nhà triệu phú thôi. Và Sài Gòn nầy đếm được năm ba ông triệu phú kiểu đó, được cha mẹ cho năm ba trăm ngàn để mở công cuộc làm ăn vớ vẩn với mục đích: Cho mấy ông con ấy tập làm ăn; sơn phết bề ngoài của các ổng cho đẹp ra để dễ cưới vợ giàu; ông nào đã có vợ, thì được đỡ mang tiếng là đã lớn rồi mà còn ăn bám cha mẹ.

Số vốn năm ba trăm ngàn ấy đã bay đi mất từ khi lấy môn bài, nhưng cửa hiệu thì cứ còn hoài, và các ổng có tiền xài hoài theo mức sống của các thương gia.

Hiếu làm thinh và Long không biết nói thêm gì nên hắn rất mừng mà bị người khác chen lấn bước vào, giúp hắn đỡ trơ.

Người vừa chen lấn vào ấy chỉ mặc sơ-mi ca-rô và quần ka-ki bạc màu thôi. Hắn lạ hoắc đối với mọi người, trừ ra với vài nghệ sĩ đang đứng vòng ngoài, đợi phiên để ra sân khấu trình diễn.

-A, thằng Nghi.

Nó ngỡ tìm được người mẫu chắc!

Thanh niên ấy còn trẻ như Trọng, nhưng vẻ mặt già dặn hơn. Hắn có đẹp trai hay không, Hiếu không biết nữa vì nàng như chạm phải một sợi dây điện vô hình nào từ lúc hắn xuất hiện đến giờ, nghĩa là từ độ mười giây đồng hồ rồi.

Không, từ thuở giờ nàng chưa gặp một người con trai nào làm nàng xúc động như thế cả. Chàng có một cái gì đặc biệt nàng không thể nói ra được bây giờ và cả về sau nữa, nhưng chàng khác rất xa nhà “triệu phú” chải chuốt khi nãy từ y phục đến tóc tai và vẻ đẹp nơi người hắn ta trông cố ý, nhân tạo chớ không tự nhiên như hoa dại giữa đồng nơi thanh niên nầy.

Cho đến cả cái nghiêng mình thi lễ của chàng cũng đặc biệt, dịu cái dịu mạnh khỏe của giống đực, và vẻ hiên ngang nơi chàng lại mạnh một cách êm ái như cái mạnh của những đại thọ, mạnh mà không thô bạo.

-Thưa cô, hắn nói, một họa sĩ không tên không tuổi tìm đến để thấy mặt cô, một lần thôi cũng đủ lắm rồi, nếu không may mắn bao giờ tái ngộ nữa.

Chỉ có lần nầy là Hiếu muốn nói cái gì, nhưng nàng lại không nói được, không phải tìm không ra một ý xoàng nào mà vì nàng nghe ngộp thở và nghẹn nơi cổ họng.

Và chỉ có lần nầy là nàng bất lịch sự quên rước lấy bó hoa, khiến người tặng phải đợi lâu quá và khi rước xong bó hoa ấy, lại quên mỉm cười, quên nói cám ơn.

Thanh niên không đòi hỏi gì cả, cúi chào rồi xây lưng mà đi, Hiếu thẫn thờ nhìn theo hắn, chỉ thấy lưng và ót của hắn thôi, rồi khi hắn khuất sau khung cửa nhỏ, nàng suýt đánh rơi bó hoa vừa nhận.

Màn ở đây chưa hạ được vì sau người họa sĩ kỳ dị, một người đàn ông đã cao niên nhưng rất đẹp người và ăn mặc sang trọng lướt đến.

Ông ta không tự giới thiệu như những người khác có lẽ vì ông ta nghĩ rằng ai cũng có bổn phận phải biết ông ta hết, chỉ nghiêng mình sơ rồi trao hoa thôi.

-Chào ông Cao-Đức-Bảo, ông Bồ Đào bước đến để ngầm giới thiệu ông ấy với Hiếu, nhưng Hoa hậu Bồ Đào chưa nghe tên vị phú thương ấy lần nào hết nên không khiếp đảm, trái lại cơn xúc động vừa qua còn chôn chặt nơi nàng với vẻ mặt thẫn thờ của nàng.

Ông Bồ Đào tức lắm, vì ông quan niệm Hiếu là nhân viên của ông, ông muốn nàng phải niềm nở chủ nhơn của năm bảy cuộc làm ăn đồ sộ trong nước ấy.

Kịp nghĩ lại là mình vô lý quá, ông ta đành nhẫn nại cười pha trò.

-Cô Bích-Lệ nè, ông Cao-Đức-Bảo có thể tặng cô một bó hoa toàn bằng vàng nạm kim cương mà ngân quỹ gia đình ông chỉ bị sứt mẻ có một phần trăm thôi. Nhưng ông lại tặng bó hoa thường, bởi đó là cử chỉ đẹp ông quen làm.

Như chợt tỉnh, Hiếu mỉm cười, ngả đầu chào người tặng hoa cuối cùng và nói:

-Cám ơn ông Cao-Đức-Bảo.

Vị phú thương cười to rồi vỗ tay mà rằng:

-Tôi hoan hô tôi, hoan hô cái may mắn của tôi, được người đẹp trao cho một lời, một lời độc nhứt trong buổi nầy.

Ông ta hãnh diện thật sự, và nhìn qua khắp mấy vòng người, vẻ mặt đắc thắng đến nỗi Hiếu hối hận đã nói cái câu ngắn khiến cho người khó thương ấy khai thác.

-Thôi, xin mời các cụ, các cô xuống dưới xem trình diễn văn nghệ.

Ông Bồ Đào nói xong dẫn đầu cả đoàn người dẫn hàng hai, hàng ba đi theo ông ta để ra ngã hông rạp hát.

Họ vào rạp giữa lúc buông màn, và khán giả đã quay lại để hoan hô người đẹp vào đây với họ. Hiếu không thấy rõ người và vật. Tất cả đều như không thật, và nàng đang bơi trong khối gì như là nước, là khói mà cái gì cũng huyền ảo cả.

Con trai đẹp, con gái đẹp, trang phục sang trọng, cái gì nàng cũng đã thấy rồi, nhưng chưa gần, nhứt là chưa gần một cuộc tập trung khổng lồ những thứ đẹp và sang ấy. Nàng nghe nàng nhỏ nhoi quá và khó lòng mà hiểu được cuộc hoan hô của hàng ngàn người khi nàng bước vào đây.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: