Vụ án Thiền Am – những tiết lộ chưa từng công bố

Chính quyền địa phương trong một lần “làm việc” với những người thuộc Thiền Am (ảnh: NLĐ)

LTS: Với bất kỳ ai theo dõi thời sự, tên tuổi của luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng không còn xa lạ. Trong nhiều năm, họ là hình ảnh quen thuộc đại diện cho những người thấp cổ bé họng trước cường quyền độc tài. Vụ án Thiền Am mà họ tham gia bào chữa là một trong những vụ như vậy. Tuy nhiên, cũng chính bởi vụ này mà nhóm luật sư nhân quyền nói trên đã bị chính quyền truy bức.

Tháng Ba 2023, theo báo Tuổi Trẻ, Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, cho thấy các luật sư này đã “có những hành vi phát tán trên không gian mạng xã hội những đoạn video clip, những hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tuy nhiên, thực hư cái gọi là “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” của nhóm luật sư Đặng Đình Mạnh-Nguyễn Văn Miếng trong vụ án Thiền Am như thế nào?

Bài viết dưới đây là những tiết lộ chưa từng công bố mà người trong cuộc – luật sư Đặng Đình Mạnh – vừa gửi đến Saigon Nhỏ… Đây mới là sự thật rất cần được biết. Đây mới là những gì cần được đưa ra ánh sáng…

Luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Đặng Đình Mạnh (ảnh: Facebook Manh Dang)

BỐI CẢNH SỰ VIỆC

Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (tức Tịnh Thất Bồng Lai – tên gọi cũ) là một nơi tu hành tại gia của một nhóm người tọa lạc tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Khởi đầu, công chúng biết đến nơi này qua các sinh hoạt văn nghệ đầy tài năng của họ trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là YouTube. Nhiều thầy cô tu hành ở đây có giọng ca truyền cảm mượt mà, thích hợp với dòng nhạc Boléro vốn phổ biến trong cả nước. Đặc biệt, họ đã đào tạo nhiều cháu nhỏ mồ côi trở thành những ngôi sao giải trí đoạt giải trong các show diễn truyền hình chính thức. Sau khi đoạt các giải cao trong hoạt động văn nghệ giải trí được công chúng hâm mộ, thì các clip âm nhạc, kịch nghệ do họ tự dàn dựng, biểu diễn đã thường xuyên nhanh chóng đạt số theo dõi, yêu thích rất cao. Thậm chí, từ vài trăm ngàn đến hàng triệu số xem (view) các clip ấy.

Khi ấy, ông Thích Nhật Từ (tức Trần Ngọc Thảo) một chức sắc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đồng thời cũng là một YouTuber, sáng lập doanh nghiệp “Đạo Phật Ngày Nay” đã tiếp cận, tặng quà và chiêu mộ họ tham gia vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và cơ sở chùa Giác Ngộ của ông ấy tại Sài Gòn, nhưng đã bị ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu Thiền Am từ chối. Đó là lúc tai họa bắt đầu ập xuống nơi tu hành của họ.

Thật vậy, tuy chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh vực văn nghệ, nhưng sự khước từ gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do chính quyền chi phối thì việc có khả năng hiệu triệu, thu hút quần chúng của Thiền Am nhanh chóng lớn mạnh đã trở thành một thách thức an ninh tiềm ẩn đối với chế độ. Với chính quyền, điều này không thể để kéo dài mà phải triệt tiêu ngay từ trong trứng nước.

Những chú tiểu của Thiền Am (MXH)

Thế là các chiêu trò bẩn được tung ra. Cho đến trước Tháng Giêng 2021, mạng xã hội râm ran lời đồn đầy thị phi nhưng vô căn cứ cho rằng có tình trạng loạn luân trong Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Thậm chí, trong số các YouTuber được trả công để đưa tin. Người nhiệt tình tham gia đưa ra lời đồn có cả cá nhân ông Thích Nhật Từ. Ông ấy đã trực tiếp sử dụng các kênh YouTube của mình để liên tục loan tin, bình luận đầy ác ý đối với Thiền Am suốt thời gian dài.

Các thành viên Thiền Am đã phản ứng lại bằng cách gởi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, bao gồm cả Bộ Công an, Công an TP.HCM, Công An tỉnh Long An nhưng đều không có phản hồi.

Một trong những lần lên không gian mạng để phản ứng, một thành viên của Thiền Am đã dẫn lời sư phụ của mình cho rằng “Thích Nhật Từ ngu như bò!”. Câu nói này lại trở thành một trong những “bằng chứng” chống lại họ, dẫn họ đến vòng lao lý.

Đến thời điểm Tháng Giêng 2021, ông Văn Công Minh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An kiêm Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh họp báo, chính thức công bố với truyền thông Nhà nước về việc khởi tố, bắt giữ một số thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (Thiền Am) theo tội danh điều 331 Bộ luật Hình sự, do họ có các phát ngôn xúc phạm cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.

Khi ấy, dù các thành viên của Thiền Am không bị khởi tố hình sự về tội danh lừa đảo, loạn luân, thế nhưng, đại diện công an tỉnh Long An vẫn “vô tư” cung cấp thông tin cho rằng công an đang điều tra liên quan việc tố giác tội danh lừa đảo, loạn luân đối với Thiền Am.

Đồng thời, theo cách cố ý, một trang photocopy văn bản kết quả xét nghiệm giám định DNA của công an và một bảng phả hệ gia đình có nêu về quan hệ tính dục, huyết thống tại Thiền Am được tung tràn lan lên mạng xã hội. Theo đó, các dư luận viên đã chia sẻ rầm rộ với mục đích không cần che giấu: Bôi nhọ Thiền Am để định hướng dư luận về tính chính đáng của việc khởi tố, bắt giữ các thành viên Thiền Am. Vì lẽ, đối với công chúng, việc khởi tố các tội danh về phát ngôn hoặc lừa đảo đối với Thiền Am, một nơi công chúng hâm mộ dành nhiều tình cảm, đều quá phi lý, đầy thiên kiến, thiếu khách quan.

Thế nên, dù đã thu thập DNA khá nhiều lần mà vẫn không có chứng cứ xác đáng, Công an tỉnh Long An vẫn phải cố tình lợi dụng vấn đề loạn luân để đưa lên truyền thông vào mỗi lần họp báo, đổ riệt cho Thiền Am một tội ác ghê tởm, trái với luân thường đạo lý, đi ngược với đạo đức xã hội, để mong thuyết phục công chúng về tính chính đáng khi khởi tố Thiền Am.

Để tăng tính thuyết phục, Công an tỉnh Long An đã soạn một trang phả hệ gia đình có nêu về quan hệ tính dục, huyết thống tại Thiền Am để tung lên mạng, trong đó, ông Lê Tùng Vân được gán ghép cho rằng đã có quan hệ gần gũi với sáu phụ nữ, sinh ra 11 người con. Trong sáu phụ nữ được cho là gần gũi với ông Lê Tùng Vân, thì có một người là em gái ruột và hai người khác là con gái ruột. Ba phụ nữ này vừa là người thân thích, vừa là “vợ” đã sinh ra bốn người con trong 11 người kể trên.

Ngoại trừ những người tỉnh táo, hiểu biết, nhiều trải nghiệm cuộc sống vì từng nhiều lần chứng kiến sự kém trung thực của cơ quan công an khi họ thông tin về các sự việc, thì vẫn có không ít người dao động, với cách suy nghĩ phổ biến “không có lửa sao có khói?”.

Thế thì, thực hư về chuyện loạn luân đối với Thiền Am có thật hay không dưới khía cạnh pháp lý? Chúng ta không cần quan tâm đến khía cạnh thực tế, vì điều đó hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của tất cả chúng ta, kể cả các cơ quan tiến hành tố tụng. Mà điều cần thiết, hợp pháp và khả thi, là chúng ta đánh giá sự việc trên khía cạnh pháp lý, căn cứ theo những quy định tố tụng hình sự hiện hành.

Luật sư Đặng Đình Mạnh khi tham gia bào chữa vụ án Thiền Am (ảnh: Facebook Manh Dang)

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Loạn luân là một tội danh hình sự. Thế nên, nếu có tố giác của công dân, thì cơ quan điều tra có thể lựa chọn các hành vi tố tụng, tùy từng trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nếu đã có chứng cứ về dấu hiệu tội phạm kèm theo tin tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự hoặc khởi tố bị can để điều tra về tội danh loạn luân. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, cơ quan điều tra còn có thể xem xét việc bắt giữ, tạm giam, khám xét, kê biên tài sản…

Trường hợp 2: Nếu chỉ có tin tố giác tội phạm mà chưa có chứng cứ về dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan điều tra chỉ có thể thực hiện điều tra về tin báo tội phạm mà thôi.

Mỗi lựa chọn như trên đều kèm theo quyền hạn khác nhau cũng như tư cách của người bị tố giác cũng rất khác.

Đối với trường hợp Thiền Am, cho đến tận thời điểm này (Tháng Bảy 2023), thì cơ quan điều tra vẫn chưa từng có động thái khởi tố vụ án về tội danh loạn luân. Cho nên, cơ quan điều tra chỉ có quyền hạn trong trường hợp hai mà thôi.

Cơ quan điều tra có thể lập giấy mời những người bị tố giác đến trụ sở cơ quan điều tra để thực hiện điều tra, chứ không có quyền lập giấy triệu tập họ, vì quyền triệu tập chỉ có thể thực hiện khi đã có quyết định khởi tố hình sự.

Cơ quan điều tra phải thông báo cho người bị tố giác biết về nội dung đơn tố giác tội phạm, thông báo về lịch mời điều tra cũng như tiến hành các bước tố tụng khác (nếu có). Trong các buổi làm việc, cơ quan điều tra phải thông báo cho người bị tố giác biết về những quyền và trách nhiệm của họ. Để ít nhất, người bị tố giác có thể nhờ luật sư tư vấn, bảo vệ cho mình.

Ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai” tại ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An (MXH)

CƠ QUAN ĐIỀU TRA ĐÃ THỰC HIỆN QUYỀN HẠN CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?

Qua hồ sơ vụ án cho thấy, ít nhất thì cơ quan điều tra tỉnh Long An đã cưỡng chế lấy DNA của các thành viên Thiền Am đến ba lần:

Lần 1: Vào hạ tuần Tháng Bảy 2020, một người đàn ông nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến Thiền Am tặng quà. Người này sau đó bị lực lượng chức năng bắt đi cách ly y tế, kéo theo việc 17 thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai cũng buộc đưa đi cách ly và kiểm tra y tế. Trong khi kiểm tra y tế, tất nhiên có việc xét nghiệm Covid 19 và kèm theo đó là “nghiệp vụ” lấy mẫu tế bào niêm mạc miệng để có cơ sở giám định DNA về quan hệ huyết thống giữa họ.

Điều đó cho thấy, người đàn ông nhập cảnh trái phép đến Thiền Am tặng quà chỉ là “con chim mồi” tạo cớ để cơ quan công an thực hiện “biện pháp nghiệp vụ” thu thập DNA của các thành viên Thiền Am mà thôi.

Lần 2: Vào ngày 4 Tháng Giêng 2021, khi Công an tỉnh Long An ập vào Thiền Am công bố các quyết định khởi tố, bắt giữ, tạm giam, khám xét chỗ ở về tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự, đồng thời họ cũng tiến hành cưỡng chế thu thập DNA tất cả các thành viên Thiền Am đang có mặt.

Điều đáng nói, khi công bố các quyết định khởi tố, bắt giữ, tạm giam, khám xét chỗ ở về điều tra tội danh theo điều 331, thì họ lại tùy tiện thu thập DNA của tất cả thành viên Thiền Am, kể cả các cháu bé. Cho dù khi ấy không hề có quyết định điều tra về tội danh loạn luân!?

Lần 3: Vào ngày 24 Tháng Chín 2022, không hề thông báo trước, hơn 50 công an tự tiện, đột ngột xông vào Thiền Am. Họ bẻ tay, bóp cổ, đè đầu tất cả thành viên Thiền Am đang có mặt để thu thập DNA (bức tóc) cho dù ông Lê Tùng Vân và hầu hết thành viên Thiền Am, kể cả các cháu bé đều không đồng ý và có phản ứng.

Một lần nữa, điều đáng nói là việc cưỡng chế thu thập DNA vẫn thực hiện khi không có quyết định khởi tố vụ án về tội danh loạn luân!?

Trong ba lần, một lần lừa bằng nghiệp vụ và hai lần cưỡng chế thu thập DNA, thì cơ quan điều tra:

-Chưa từng thực hiện trách nhiệm thông báo về nội dung đơn tố giác tội phạm cho người bị tố giác biết bằng văn bản chính thức là vi phạm quy định tố tụng hình sự.

-Chưa từng thực hiện trách nhiệm giải thích về quyền của người bị tố giác cho người bị tố giác biết trước các buổi làm việc là hành vi vi phạm quy định tố tụng hình sự.

-Chưa từng thông báo trước cho người bị tố giác biết về lịch làm việc của cơ quan điều tra đối với mình. Mà thực tế, cơ quan điều tra thường tự tiện xộc vào nơi cư trú hợp pháp của các thành viên Thiền Am để làm việc là vi phạm quy định tố tụng hình sự và thể hiện thái độ cửa quyền, xem thường công dân.

-Chưa từng thực hiện trách nhiệm giải thích quy định về DNA của một người là thuộc về quyền nhân thân, thân thể của người ấy và chỉ họ mới có quyền định đoạt cho thu thập hay không, cho dù họ có là bị can trong một vụ án đã khởi tố, huống chi họ chỉ mới là người bị tố giác mà thôi.

-Chưa từng xin phép người giám hộ hợp pháp của 10 cháu nhỏ chưa trưởng thành khi thực hiện hành vi tố tụng là thu giữ DNA bằng cách cưỡng chế giữ tay, đè đầu bức tóc của các cháu nhỏ này là hành vi bất hợp pháp.

10 cháu nhỏ chưa trưởng thành không phải là những người bị tố giác tội phạm, cũng không có tư cách tố tụng gì cả nên không có trách nhiệm tuân hành theo các thủ tục tố tụng. Nhưng cơ quan điều tra vẫn tự tiện cưỡng chế thu thập DNA của các cháu bé ấy là hành vi bất hợp pháp.

10 cháu nhỏ đều mặc áo màu khói lam hoặc nâu sồng, đầu cạo trọc nên ngoại hình trông giống nhau. Cơ quan điều tra thu thập DNA trong khi không hề biết tên các cháu thì sẽ lưu danh tính mẫu DNA ấy như thế nào để phân biệt, tránh nhầm lẫn? Cho thấy cách thức thu thập DNA cực kỳ cẩu thả, tùy tiện, không bảo đảm chính xác.

Ngày 24 Tháng Chín 2022, trong 28 thành viên đang cư trú tại Thiền Am, có một người vắng mặt. Thế nhưng, khi công bố với truyền thông số mẫu DNA thu thập thì cơ quan điều tra vẫn khẳng định đã thu thập 28 mẫu DNA là hành vi gian dối, cố ý làm sai lệch hồ sơ điều tra.

Căn cứ vào quy định tố tụng hình sự, thì người bị tố giác chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là “… phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác” mà thôi. Đối chiếu trong thực tế, cơ quan điều tra đã không thực hiện các trách nhiệm của mình theo pháp luật quy định đã đành, mà trái lại, họ lại thực hiện vượt những quyền mà pháp luật quy định khi điều tra về người bị tố giác. Đó là sự lạm quyền hiển nhiên.

Chưa kể rằng, cơ quan công an điều tra thu thập mẫu DNA và cũng chính cơ quan công an là người xét nghiệm, giám định, kết luận về DNA là có xung đột về thẩm quyền. Không còn bảo đảm tính vô tư, khách quan khi điều tra.

Qua trình bày trên cho thấy: Việc cơ quan điều tra tỉnh Long An thu thập DNA tùy tiện, không đúng đối tượng tố tụng, cẩu thả, trốn tránh sự kiểm chứng, bất hợp pháp… hoàn toàn có khả năng làm oan người vô tội. Thế nên, dưới khía cạnh pháp lý, bất luận kết quả xét nghiệm DNA như thế nào đi nữa cũng đều không có giá trị pháp lý gì trước pháp luật.

___________

Đặng Đình Mạnh

Tháng Bảy 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: