Điều khoản (Section) 241 của Tiêu đề 18 (Title 18) trong Bộ luật Hoa Kỳ (U.S. Code) được thông qua vào năm 1870 là nhằm bảo vệ các quyền mới được luật hóa của công dân da đen sau Nội chiến (Civil War). Mới đây điều khoản này đã đưa một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội vào tù vì tội lan truyền thông tin sai lệch nhằm ngăn cản người khác bỏ phiếu. Nay, đến lượt cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là đối tượng của Section 241.
Không bất ngờ khi Mục 241 được vận dụng truy tố Trump
Khi bị truy tố và có nguy cơ bị kết tội cố gắng phá hoại kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump nằm trong nhóm bị cáo bị truy tố theo một đạo luật hình sự có từ thời Tái thiết (Reconstruction). Điều khoản 241 ban đầu là một phần của Đạo luật Thực thi (Enforcement Act) được thông qua năm 1870. Đây là biện pháp đầu tiên trong một loạt “Luật Ku Klux Klan” (KKK Acts) được thiết kế để bảo vệ các quyền đã được quy định trong Tu chính án thứ 13, 14, 15 (gọi chung là các Tu chính án thời Tái thiết-Reconstruction Amendments).
Điều khoản 241 xem việc “âm mưu gây thương tích, áp bức hoặc đe dọa bất kỳ người nào”, vốn đang thực hiện một quyền được Hiến pháp hoặc luật liên bang bảo vệ, sẽ là hành vi phạm tội. Bản cáo trạng dài 45 trang do cố vấn đặc biệt Jack Smith soạn cáo buộc Trump có “âm mưu chống lại quyền bầu cử và kiểm phiếu của người khác”, vi phạm điều khoản 241.
Tội danh này nằm trong bốn tội danh được đưa vào bản cáo trạng, nêu rõ Trump cùng với sáu đồng phạm không nêu tên, đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào quá trình điều hành cuộc bầu cử và “theo đuổi các biện pháp bất hợp pháp để giảm giá trị các phiếu bầu hợp pháp và phá hoại kết quả bầu cử”.
Theo bản cáo trạng, những biện pháp bất hợp pháp gồm việc “strong-arming” (võ trang mạnh) cho các quan chức tiểu bang để thay đổi số phiếu đại cử tri mà ứng cử viên Joe Biden giành được và tuyển dùng “những đại cử tri gian lận” ở các tiểu bang dao động để chuẩn bị bác bỏ ý nguyện của cử tri.
Âm mưu bị cáo buộc gồm cả sử dụng thẩm quyền của Bộ Tư pháp để gây nghi ngờ kết quả bầu cử và khuyến khích giới thiệu các đại cử tri bất hợp pháp như “lựa chọn thay thế” cho những đại cử tri hợp lệ của Biden.
Bản cáo trạng cũng đề cập đến việc gây sức ép buộc Phó Tổng thống Mike Pence trì hoãn hoặc cản trở việc xác nhận chiến thắng của Biden vào ngày 6 Tháng Một 2021, đồng thời lợi dụng bạo lực bùng phát trong ngày hôm đó để “đưa ra những tuyên bố sai trái gian lận bầu cử và thuyết phục các thành viên của Quốc hội tiếp tục trì hoãn việc chứng nhận kết quả bầu cử dựa trên những tuyên bố đó”.
Ban đầu, điều khoản 241 được sử dụng để chống lại KKK, những kẻ đã ngăn cản người da đen mới được giải phóng khỏi ách nô lệ thực hiện quyền bầu cử của họ. Nó cũng được sử dụng để truy tố một loạt các hành vi lật đổ bầu cử gồm cả đe dọa cử tri, mạo danh cử tri, phá hủy phiếu bầu và ngăn chặn việc kiểm phiếu chính thức. Điều khoản này cũng trở thành chỗ dựa quan trọng trong việc thực thi quyền công dân rộng lớn hơn và được dùng để truy tố các tội ác thù hận và hành vi sai trái của cơ quan thực thi pháp luật.
Derek Chauvin, viên cảnh sát đã dùng đầu gối chèn cổ George Floyd ở Minneapolis nhận tội vào năm 2021 vì vi phạm điều khoản 242 (Section 242) có liên quan đến điều khoản 241. Điều khoản này xem việc các quan chức nhà nước trong khi thực thi nhiệm vụ không tôn trọng quyền hiến pháp của người khác là phạm tội.
Frederick M. Lawrence, cựu công tố viên liên bang ở Manhattan và là một tác giả cuốn “Punishing Hate: Bias Crimes Under American Law”, nhận định: “Việc một cựu lãnh đạo hành pháp bị buộc tội vi phạm luật liên bang liên quan đến các quyền được liên bang quy định là điều đáng kinh ngạc”.
Timothy J. Heaphy, điều tra viên chính của ủy ban và là cựu luật sư Hoa Kỳ của Quận hạt West Virginia, nhận xét: “Diễn biến mới cho thấy Bộ Tư pháp có thể mới phát hiện ra Trump đã tước quyền bầu cử tự do và công bằng của người dân Mỹ được luật liên bang bảo vệ. Trước đây, chúng tôi không đưa điều khoản đó vào đề nghị truy tố của mình, nhưng nay có lẽ Bộ Tư pháp đã xác định được đầy đủ lý lẽ để đưa nó vào”.
Sự kiện đang thu hút sự chú ý của dư luận và giới truyền thông Mỹ (ảnh chụp màn hình một số website lớn ngày 2 Tháng Tám 2023)
__________________________
__________________________
__________________________
__________________________
__________________________
__________________________
__________________________
__________________________
Lịch sử vận dụng điều khoản 241
Các Tu chính án thời Tái thiết và luật được thông qua để thực thi chúng đã đánh dấu sự mở rộng đáng kể quyền lực liên bang trong việc bảo vệ các quyền dân sự và chính trị, một sự đại tu Hiến pháp sâu sắc đến mức các nhà sử học đã gọi đó là “Lập quốc lần thứ hai”.
Nhưng các tòa án đã sớm hạ thấp giá trị của điều khoản 241 và các Tu chính án thời Tái thiết. Cụ thể, năm 1876, Tối cao Pháp viện đã đảo ngược bản án hình sự đối với một số thành viên của đám đông da trắng nổi dậy chống lại chính quyền Tái thiết Louisiana khi họ giết người da đen trong vụ thảm sát Colfax nổi tiếng.
Bước qua thế kỷ 20, luật quyền công dân mở rộng và được thực thi mạnh mẽ đã thổi luồng sinh khí mới vào điều khoản 241 khi nó được sử dụng để truy tố các thành viên của KKK, thủ phạm của vụ giết người trong vụ “Freedom Summer” năm 1964. Năm 1981, bốn người đàn ông da trắng hành hung một thanh niên da đen và người vợ da trắng khi nạn nhân lái xe qua Alabama đã bị buộc tội theo điều khoản 241. Năm 1999, một thành viên KKK chủ mưu đốt thánh giá ở sân trước của một người đàn ông Puerto Rico và người vợ Mexico của anh ta cũng bị truy tố vào theo điều khoản 241.
Trong hơn một thế kỷ, điều khoản 241 đã được sử dụng để trừng phạt hành vi can thiệp bầu cử, chẳng hạn vụ ủy ban bầu cử Oklahoma cố ý bỏ qua một số đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử quốc hội và việc một thị trưởng ở Kentucky dính líu đến gian lận, mua phiếu bầu và đánh cắp danh tính.
Đạo luật “George Floyd Justice in Policing Act” được Hạ viện thông qua năm 2021 có cả $25 triệu chi ra để tăng cường việc thực thi điều khoản 241 và điều khoản 242. Tuy nhiên, nó không được Thượng viện do đảng Cộng hoà kiểm soát thông qua. Quinta Jurecic, một thành viên của Viện Brookings, nhận định: “Các công tố viên liên bang năm nay đã thành công trong một vụ án dựa vào điều khoản 241, nên hồ sơ tòa án cũng như các phán quyết tư pháp trong vụ án này có thể được dùng làm chỉ dẫn cho vụ kiện của Bộ Tư pháp chống lại Trump”.
Ông muốn nhắc lại vụ Douglass Mackey (biệt danh Ricky Vaughn) đang chờ tuyên án vào Tháng Mười sau khi bị bồi thẩm đoàn liên bang Brooklyn kết tội “âm mưu tước bỏ quyền bầu cử theo hiến pháp của những người khác”.
Theo hồ sơ công tố, Mackey là một người dùng Twitter cực hữu có ảnh hưởng tích cực trong cuộc bầu cử năm 2016. Y thường xuyên lên các tài khoản cực hữu như @TEN_GOP, được đặt tên theo GOP Tennessee nhưng được điều hành bởi một trang trại của người Nga. Y cũng quảng bá cho một chiến dịch lừa đảo trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn cử tri da đen đi bầu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton bằng cách khuyến khích những người bị lừa hãy “bỏ phiếu tại nhà” qua tin nhắn văn bản hoặc mạng xã hội (hai cách bầu không hợp lệ).
Mackey bị buộc tội vào ngày 22 Tháng Một, 2021 sau khi phía công tố cáo buộc “hoạt động trực tuyến của Mackey đã vượt quá ranh giới của quyền tự do ngôn luận và là hành vi tội phạm nhằm phá hoại hòm phiếu và ngăn chặn bỏ phiếu”. Các công tố viên viện dẫn điều khoản 241 và tiền lệ của Tối cao Pháp viện bảo vệ cả quyền bỏ phiếu và kiểm đếm lá phiếu của công dân. Mackey lập luận y rằng không được cảnh báo công bằng hành vi của mình là phạm pháp theo “một điều khoản mới lạ mà tôi không biết”.
Nhưng công tố phản bác, cho rằng điều khoản 241 có thể áp dụng cả cho cả trường hợp của y vì xâm phạm quyền của người khác. Thẩm phán liên bang Ann M. Donnelly chủ toạ phiên toà xử Mackey đồng ý với công tố: “Trong hơn một thế kỷ, các tòa án luôn cho rằng điều khoản 241 nghiêm cấm mọi âm mưu gây tổn hại đến quyền bầu cử trong nhiều bối cảnh khác và được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau”.
Vi phạm điều khoản 241 là trọng tội và có thể lãnh án tới 10 năm tù hoặc lâu hơn nếu có ai đó bị giết, kể cả khi âm mưu không thành công. Jeannine Bell, giáo sư Trường Luật Chicago thuộc Đại học Loyola, người đã nghiên cứu tầm quan trọng của điều khoản 242 trong việc trừng phạt các tội chống hội nhập chủng tộc như đốt thánh giá, cho biết việc áp dụng điều khoản này đối với cựu tổng thống Trump không phải là “không chính thống”. Bà nói: “Điều khoản 241 được biết đến nhiều nhất để chống lại những kẻ cực đoan và bạo lực KKK, nhưng nó cũng từng được sử dụng cho cả những người khác” – dẫn lại từ The Washington Post.