Viết từ xứ người: Ai muốn cứu ai?

Ảnh ghép do tác giả gửi

[C]on có tưởng tượng được không,… Tay bố to, còng không vừa, chúng nó cố ních khóa vào đến bật máu ra mà chúng nó vẫn cố khóa bằng được. Đến khi biết không khóa nổi, chúng nó lấy thừng trói giật cánh khuỷu rồi điệu bố ra xe bịt bùng chở đi.

Nhân vật “bố” và “chúng nó” là ai? Xin thưa với quý vị đây là chuyện thực, không phải trích đoạn văn chương. Nhưng trước khi biết rõ danh tính những nhân vật này, xin quý vị hãy xem lại vài tư liệu lịch sử sau:

Năm 1952, Hồ Chí Minh gửi cho Stalin một bức thư bằng tiếng Nga có nội dung (dịch theo nguyên văn) như sau:

Đồng chí Stalin thân mến:

Xin gửi ngài chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Chương trình hành động được lập bởi chính tôi dưới sự giúp đỡ của đồng chí Lưu Shao Shi, Văn Sha San. Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn.

Gửi lời chào cộng sản.

Hồ Chí Minh, 31/10/1952

Đã viết là làm. Không chỉ phê duyệt lệnh hành hình, Hồ Chí Minh còn viết một bài báo sắc bén nhằm trấn an dư luận cho sự khởi đầu hết sức nhẫn tâm của “Cải cách ruộng đất”: Đấu tố và hành hình bà Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long, một người thân thiết, một ân nhân lớn của Hồ Chí Minh và đảng của ông ta, nhưng lại là đại địa chủ – giai cấp cần phải trừ diệt, theo lý thuyết cộng sản, và đặc biệt, theo chỉ thị của các đồng chí Stalin, Mao Trạch Đông.

Bài báo sách động dư luận của Hồ Chí Minh có đầu đề: Địa chủ ác ghê, với những lời chữ như thế này:

Thánh hiền dạy rằng: « Vi phú bất nhân ». Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:

Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:

– Giết chết 14 nông dân.

– Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.

– Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.

– Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân 

– Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.

– Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào !

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:

– Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.

– Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.

–  Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.

– Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.

– Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.– Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.

Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:

Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,

Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!

Ngày nay, chúng ta đã biết, những hài tội trong bài báo này tất cả đều là bịa đặt.

Ảnh ghép bài báo của HCM, gia đình và bia mộ bà Nguyễn Thị Năm. (Ảnh tác giả gửi)

Bây giờ, xin thưa ngay với quý độc giả, trích đoạn đầu bài là rút từ hồi ký Đêm giữa ban ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên – người hiện còn sống, nhân vật “bố” là ông Vũ Đình Huỳnh, không chỉ là một người tâm phúc của chế độ như bà Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long, ông còn là thư ký riêng cho Hồ Chí Minh; “chúng nó” là lực lượng “công an nhân dân” do Hồ Chí Minh lập nên. Cho tới tận lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối im lặng như không biết người thư ký của mình đã bị “chở đi”. Sau hơn 8 năm, cả tù lẫn quản thúc, ông Vũ Đình Huỳnh được thả về sống tại nhà trong sự theo dõi thường trực của “công an nhân dân” cho tới khi qua đời, năm 1990. Tuy nhiên, ông Vũ Đình Huỳnh không phải là công thần duy nhất bị chế độ cộng sản “chở đi” như thế. Ông Vũ Đình Huỳnh, cùng gần ba chục nhân vật khác, trong đó có cả con trai cả của ông, là nạn nhân trong vụ Đảng Cộng sản Việt Nam thanh trừng những đồng đảng, đồng sự có quan điểm đi theo Liên Xô, thay vì Trung Cộng, vào năm 1967. 

Tháng Bảy 2017, có lẽ để đánh dấu nửa thế kỷ xảy ra thảm khốc, hậu duệ của ông Vũ Đình Huỳnh và của một số nạn nhân khác, cùng vài nạn nhân vẫn sống sót đã cùng đứng tên trong một lá đơn kêu cầu làm rõ, minh oan cho bản thân hay thân nhân của họ với lời lẽ rất lễ độ, nhũn nhặn. Song, cho tới hôm nay, lá đơn này, cũng như hàng ngàn lá đơn khác của họ trong hơn nửa thế kỷ qua, đều nhận được cùng một phản hồi y như nhau: IM LẶNG. 

Để thấy được phần nào sự oan nghiệt, cay đắng của nạn nhân, sự tàn ác của chế độ mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa/Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chúng ta hãy cùng đọc lại một số trần tình trong lá đơn hết sức nhũn nhặn vừa nói:

Người được coi là ‘đầu vụ’ là ông Hoàng Minh Chính. Ông bị qui tội vì đã gửi cho hội nghị Trung ương hai bản kiến nghị, bản thứ nhất phê phán Bộ Chính trị đã từ bỏ nguyên tắc đồng thuận với bản Tuyên bố Moskva 1960, bản thứ hai phê phán đường lối quốc tế sai trái của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu, ông bị bắt tù 6 năm rồi quản chế tại gia. Lần thứ hai ông bị bắt giam từ 1981 đến 1987. Lần thứ ba từ 1995 đến 1996. Tổng cộng ông bị 12 năm tù giam và 8 năm quản chế. Là một sĩ quan thương binh, trong thời gian đó, ông phải chịu nhục hình và những hành vi xúc phạm nhân phẩm.

Các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh bị qui là hai người trong “ba kẻ đầu vụ”. Cả hai cùng với ông Trần Minh Việt,… bị giam 6 năm và chịu thêm 3 năm lưu đầy biệt xứ, ở những địa phương khác nhau. Khi bị bắt, họ bị giam tại xà lim Hỏa Lò, bị cùm chân và trong phòng giam không có ánh sáng. Nơi giam cầm các ông trong nhiều năm đều là các khu biệt giam, không được giao tiếp với bất kỳ ai.
Ông Đặng Kim Giang cũng bị bắt lần thứ hai năm 1981, trên đường đi đến khu biệt giam ở Nam Định thì lên cơn nhồi máu cơ tim phải đưa thẳng vào bệnh viện công an và bị giam giữ tại đây cho đến khi bệnh tình nguy kịch, trả về nhà một thời gian thì mất.

Ông Phạm Viết, năm 1967 đang nghỉ công tác dài hạn để điều trị bệnh tim thì bị bắt, giam vào xà lim Hỏa Lò. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ ông Viết người từng bị bắt ba lần khi hoạt động nội thành Hà nội trong kháng chiến chống Pháp, là người phụ nữ duy nhất trong vụ này đã bị tù 2 năm rưỡi vì tội không giao nộp bản luận văn phó tiến sĩ ‘Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam’ của ông Trần Minh Việt viết tại trường đảng Liên Xô. Bản này lúc đó bị vu cho là ‘bản cương lĩnh chính trị của tổ chức chống Đảng.’

Thương tâm nhất trong vụ này là ông Phạm Kỳ Vân, phó tổng biên tập tạp chí Học Tập. Ông Kỳ Vân bị bắt khi đang điều trị sơ gan cổ chướng, bệnh tình trở nên trầm trọng, ông được tha về để chết. Vợ ông bị chết đuối, con gái đi Thanh niên Xung phong hy sinh trên đường Trường Sơn, con gái khác chết khi sinh nở. Người con trai út tuyệt vọng treo cổ tự vẫn. Cả gia đình không một người nào còn sống.” 

Cứ theo y văn lá đơn, chúng ta sẽ biết, một phần, những nhân vật kể trên đã từng giữ danh phận gì trong chế độ Hồ Chí Minh:

– Hoàng Minh Chính, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, Viện trưởng Viện Triết học.

– Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ.

– Trần Minh Việt, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố Hà Nội. Vụ trưởng vụ Tài vụ Bộ Công nghiệp nhẹ. 

– Phạm Viết, Phó tổng biên tập Báo Thời Mới (sau sáp nhập vào tờ Thủ đô Hà Nội thành tờ Hà Nội Mới).

– Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, vợ ông Phạm Viết.

– Phạm Kỳ Vân, Phó tổng biên tập Tạp chí Học Tập.

– Đặng Kim Giang, Thiếu tướng phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội, Thứ trưởng Bộ Nông Trường.

Họ đều là những công thần cộng sản chịu hàm oan từ cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Những ngày này, nếu lên mạng, chúng ta lại thấy hàng loạt bài viết, đơn thư kêu cầu, kêu oan cho ông Nguyễn Văn Chưởng – người bị kết tử hình trong một vụ án đầy khuất tất xảy ra cách đây 16 năm. Nhiều người, kể cả giới luật sư và trang mạng có tiếng đấu tranh, cũng bày tỏ hy vọng vào các thiết chế của chế độ cộng sản do Hồ Chí Minh lập ra như luật pháp, tư pháp, quốc hội, hiến pháp, chủ tịch nước để cứu mạng cho ông Nguyễn Văn Chưởng. 

Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ những thống thiết minh oan cho ông Nguyễn Văn Chưởng, song tôi tuyệt đối không tin những kêu cứu này có thể cứu được ông Nguyễn Văn Chưởng, trừ khi lời kêu có thể làm… sụp chế độ hiện hành.

Đương nhiên, có thể có người vẫn tin tưởng vì lý luận rằng ông Nguyễn Văn Chưởng chẳng dính dáng tới « chính trị ». Lý luận này không hoàn toàn vô lý. Song, sự tin tưởng này đồng nghĩa với việc chấp nhận tiếp tục sống với một chế độ có thể biến chính đương sự thành một Nguyễn Văn Chưởng mới. 

(09/08/2023)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: