Sài Gòn: Cây xanh đã hiếm, còn bị xâm hại đủ kiểu

Nhiều cây xanh bị cắt ngang thân chết đứng tại khu vực công viên chung cư Đồng Diều, quận 8, Sài Gòn – Ảnh: Tiền Phong

Những ngày nắng, dân Sài Gòn ra đường thật khó tìm được bóng mát để trú chân. Có những đoạn đường trước rợp bóng cây xanh, giờ trụi lủi, nắng như đổ lửa trên đầu. Cây xanh đã hiếm, thế mà còn bị xâm hại đủ kiểu.

Tiền Phong ngày 18 Tháng Tám đặt vấn đề: Tỷ lệ mảng xanh trên đầu người ở TP.HCM vẫn còn khá thấp song cây xanh vẫn đang tiếp tục bị xâm hại, thậm chí đốn hạ không thương tiếc.

Một trong những ví dụ là hàng cây cổ thụ quanh tuyến đường cư xá Nam Hải và đường 715 Tạ Quang Bửu (phường 4, quận 8, Sài Gòn) đang xanh tươi, rợp bóng mát, bất ngờ bị đơn vị quản lý cắt ngang thân. Đến nay, hàng cây cổ thụ đã bị chết đứng.

Bà Hương Giang, kinh doanh đồ ăn sáng tại chung cư Đồng Diều, cho biết, trước đây, xung quanh chung cư, công viên và dọc tuyến đường cư xá Nam Hải có hàng cây cổ thụ xanh tốt, cao hàng chục mét, có những cây thân to hai người ôm mới xuể. Tán cây lớn che phủ, cho bóng mát quanh năm, giúp việc đi lại và buôn bán của người dân thuận lợi.

Thế mà đột nhiên chẳng hiểu vì sao, đơn vị quản lý đã đưa công nhân đến cắt ngang toàn bộ hàng cây xanh. Sau khi cắt, có nhiều cây chết luôn, không thể đâm chồi lại được, một số cây có mọc loe ngoe vài lá trên thân nhưng gốc bị khô, bong tróc hết lớp vỏ.

Đã vậy, những cây chết khô còn không được thu dọn, có nguy cơ gãy đổ khi mưa đến, đe dọa sự an toàn của người dân.

Gốc một cây xanh ở quận Tân Bình, TP.HCM bị đổ xi măng và… lót gạch – Ảnh: Tuổi Trẻ

Khi Tiền Phong đặt câu hỏi thì ông Hồ Hữu Hải, Trưởng phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết: Cây xanh tại cư xá Nam Hải được công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng (INTRESCO) đầu tư và quản lý, chăm sóc. Các cây xanh bị cắt ngang thân là do chủ đầu tư thực hiện vào khoảng Tháng Mười 2022.

Không chỉ bị chủ đầu tư bức tử, cây xanh tại Sài Gòn còn bị đốn hạ phục vụ thi công các công trình, dự án, như hàng cây cổ thụ bao gồm 258 cây trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), bị đốn hạ và di dời đầu năm 2018 với lý do thi công cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) kết nối quận 1 và TP.Thủ Đức.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết, sau khi thi công cầu Thủ Thiêm 2, chủ đầu tư dự án đã tiến hành trồng lại cây xanh ở khu vực theo hồ sơ thiết kế, nhưng đến giữa Tháng Tám, hàng cây xanh này tuy đang phát triển nhưng con đường vẫn trơ trụi, nắng chói chang.

Chắc chắn phải mất ít nhất vài chục năm sau thì hàng cây đang trồng mới có thể tạo bóng mát.

Hàng chục cây điệp trơ thân, mất đi hoàn toàn chức năng cho bóng mát trong khuôn viên chung cư Phú Mỹ Thuận (huyện Nhà Bè) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tương tự, hàng cây xanh ở đường Lê Lợi (quận 1) cũng bị đốn hạ để thi công dự án metro số 1; hàng cây xanh ở bến Bạch Đằng cũng bị đốn hạ khi chỉnh trang công viên ở đây. Vào ban ngày, nhất là giữa trưa, ai có việc đi ngang hai khu vực này nếu ngồi trên xe gắn máy phải hứng trọn sự gay gắt của ánh nắng sẽ thấm thía hậu quả của việc mất mát các hàng cây.

TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, cho biết diện tích cây xanh/người ở TP.HCM hiện nay khá thấp (dưới 1m2/người), do đó, khi xây mới các công trình hay khi quy hoạch cần phải tập trung tăng diện tích mảng xanh. Lý tưởng nhất của một thành phố theo ông Sơn là trong bán kính 15 phút đi bộ, người dân có thể tìm được công viên bất kỳ để nghỉ chân.

Đúng là điều lý tưởng từng có ở Sài Gòn trước Tháng Tư 1975, nhưng nay, với TP.HCM thì… quá xa vời, nếu không muốn nói là… xa xỉ!

Tuổi Trẻ ngày 12 Tháng Tám cũng nêu thực trạng đối xử với cây xanh ở TP.HCM hiện nay: Đổ bê tông kín gốc không cho cây nhận nước;  đóng đinh, đóng khung sắt vào thân cây; cắt tỉa cây xanh trơ thân, trụi lá…

Ghi nhận của Tuổi Trẻ trưa 11 Tháng Tám, hàng loạt cây xanh dọc các tuyến đường Tân Lập, Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức), Bạch Đằng, Quách Văn Tuấn, Cộng Hòa (quận Tân Bình)… đang bị “giày vò” bởi dây điện, dây đèn LED, dây thép quấn quanh…

Thậm chí, vô số chiếc đinh lớn đã hoen gỉ và các khung sắt được đóng thẳng vào thân cây để treo bảng quảng cáo, biển hiệu, lốp xe máy… Những chiếc khung sắt lộ thiên trên cây không khác gì “cái bẫy” với người đi đường.

Một bảng hiệu cắm sâu vào thân cây trên đường Tân Lập (TP.Thủ Đức) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Không chỉ vậy, nhiều cây xanh còn bị cắt tỉa trơ trụi, chỉ còn thân cây và vài cành lớn khiến người dân tiếc nuối, ví dụ như khu chung cư Phú Mỹ Thuận (huyện Nhà Bè). Nhiều cư dân ở đây phản ảnh hàng điệp với khoảng 30 cây đang cho bóng mát thì bị công ty Công Viên Cây Xanh cắt tỉa trụi lủi.

Khuôn viên chung cư hiện chỉ sót lại những thân cây cao khoảng năm mét, một số cây đã bắt đầu mọc lại vài lộc non. Dù vậy, phần lớn cây xanh tại đây vẫn chưa lành lặn nổi sau một thời gian bị cắt tỉa, khi nhựa cây liên tục chảy ra từ các vết cắt.

Đầu Tháng Tám 2023, lần lượt các báo ở Sài Gòn như Người Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ đều lên tiếng về việc 30 gốc cây giáng hương trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) đoạn gần phi trường Tân Sơn Nhất đã bị bịt kín gốc bằng lớp bê tông bít kín.

Hôm 7 Tháng Tám, công ty Công Viên Cây Xanh TP.HCM đã đập bỏ một phần lớp bê tông này chung quanh gốc cây, trả lại khoảng hở dưới gốc cho cây sinh trưởng.

Mặc dù công ty này giải thích lớp bê tông đổ xung quanh gốc cây là loại bê tông thấm nước, có độ rỗng nhất định, nhưng khi đập bỏ một phần bê tông xung quanh gốc thì lộ ra có những cây đã bị biến dạng phần gốc.

Tráng bê tông thấm nước kiểu gì mà khi báo chí lên tiếng gỡ bỏ một phần bê tông thì gốc cây trên đường Trường Sơn đã bị biến dạng – Ảnh: Thanh Niên

Thanh Niên ngày 7 Tháng Tám dẫn số liệu tổng hợp của công ty Công Viên Cây Xanh từ 1 Tháng Giêng đến 31 Tháng Bảy 2023, Sài Gòn có 719 cây xanh bị xâm hại, trong đó có 490 cây xanh bị xâm hại do thi công công trình, chiếm 68%, tức được nhà cầm quyền cấp phép!

Công trình gì? Hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, vỉa hè, đường dây cáp điện, chiếu sáng, viễn thông ngầm, đường ống cấp nước, thoát nước, chống ngập và các công trình xây dựng chung cư, trụ sở văn phòng, trường học, lắp đặt trụ quảng cáo.

Có 142 cây xanh bị xâm hại có chủ đích như: Chặt hạ, bứng mất cây hoặc dời sang vị trí khác; đổ hóa chất độc hại gây chết cây; chặt trụi cành nhánh; ngăn cản trồng cây theo quy định.

Bên cạnh đó, có 80 cây xanh bị xâm hại do thiếu ý thức như: Xe đụng hoặc va quẹt, đốt rác làm cháy tán cây, treo đèn trang trí trên cây, đóng đinh vào cây để treo bảng quảng cáo…

68% cây xanh ở TP.HCM bị bức tử để nhường đất cho công trình – Đồ họa: Thanh Niên

Và số cây xanh ít ỏi còn lại ở Sài Gòn vẫn tiếp tục bị xâm hại hằng ngày.

Theo “Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030” được Ủy ban TP.HCM thông qua, trong giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM tăng tối thiểu 150ha đất công viên.

Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3 – 4m2/người (?)

Nghe thì hay, nhưng e rằng đó chỉ là đề án “vẽ” (giống như con đường tiến lên XHCN), vì thực tại, đất dành cho công viên ở Sài Gòn luôn bị xà xẻo để mở rộng đường.

Nhiều năm trước là công viên Tao Đàn (quận 3) bị tách đôi để mở đường Trương Định, nối quận 1 với quận 3; công viên Gia Định (quận Gò Vấp) bị tách đôi để mở đường, nối ngã năm Nguyễn Thái Sơn với đường Hồng Hà, dẫn vào phi trường Tân Sơn Nhất.

Và mới đây nhất là công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) bị xà xẻo để mở rộng đường Trần Quốc Hoàn nối ra Cộng Hòa!!!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: