Hiếu nghe lạ quá. Giờ qua những cơn xúc cảm lúc đầu, nàng nhìn kỹ lại bạn. Hoàng vẫn đẹp vẫn quyến rũ, khêu gợi như bao giờ. Nhưng sao mà như là nó quê hơn, thô hơn trước nhiều. Trước đây, nàng đã thấy Hoàng bảnh không biết bao nhiêu!
Hiếu nghĩ ngay đến Trọng, Hoàng và Trọng cả hai đều thình lình bị biến đổi đi như vậy trước con mắt “đã thấy nhiều” của nàng.
Hoàng bị những Suzie, những Lilie lấn áp cũng như Trọng bị Hùng bị Yùl, bị họa sĩ vô danh làm cho lép vế.
Trên đường đời, bạn hữu buổi đầu của nàng rơi lại dọc đường từng người một, còn nàng, không biết sẽ chạy theo kịp lũ bạn mới hay không. Nếu không, có nên dừng chân lại, đi lùi lại với bọn nầy hay chăng?
Trời ơi, không thể được nữa rồi! Hiếu không thích vẻ quê kệch của Trọng, của Hoàng, không ham đời sống nhỏ nhoi của một cô vợ bé không dám ra mặt. Nhưng mà còn mối tình giữa nàng và Trọng? Hiếu đã được đi học, và đã thấm nhuần đạo lý nhà trường dạy cho và gia đình trao cho. Nàng quí trọng sự trung kiên, nàng ghê tởm sự bội ước. Thành ra tình yêu Trọng tuy không còn bồng bột như buổi đầu, Hiếu vẫn thấy rằng không thể phụ Trọng được.
Nhưng sao lại kỳ như thế? Tại sao nàng không kéo được Trọng theo nàng, cho cả hai đều xứng với nhau về nếp sống? Một là Trọng không khứng để cho nàng lôi kéo hai là… hai là…
Hiếu đã thấy những người đàn ông nhà giàu kéo lên những cô gái cắt cỏ và mấy cô ấy đều chạy theo kịp đờn ông của họ. Hình như phái nữ thoát vỏ dễ hơn nam phái sao mà! Truyện cổ tích Tây phương thường nói đến những ông hoàng biến những cô chăn cừu ra những bà hoàng, nhưng chưa hề nghe nói bà hoàng nào biến được một anh chăn cừu ra một ông hoàng.
Hiếu xem đồng hồ lại thì đã gần sáu giờ rồi, không còn mong đi thăm ai mà về kịp bữa cơm tối. Nàng từ giã bạn ra về, hẹn sẽ lại thăm Hoàng nhưng không nôn nao gặp Hoàng để học hỏi như trước, vì nàng đã đốt giai đoạn gặp được thầy hay hơn Hoàng một bực về sự sống, về nếp sống, về ăn diện, về giao du.
***
Hiếu đứng nơi bàn của người tùy phái mà đợi đã hơn hai mươi phút rồi, mỏi rụng cả chơn cẳng mà không thấy Trọng ló mặt ra. Trước nàng đợi như vậy là thường và không nghe sao cả, trừ một chút sốt ruột. Nhưng từ ngày mà bao nhiêu người sang trọng săn đón nàng, nàng chỉ để lộ ý muốn ra nơi mắt là họ vội vàng phục dịch nàng tức thì, từ ngày ấy, nàng đã bắt đầu quen với ân huệ được vị nể. Nên chi nàng bực mình hết sức và càng phút càng oán tức Trọng.
Nghĩ ra, nàng không có lỗi gì cả, chỉ lơi thăm bạn thôi. Mà theo phép thì chính Trọng phải đi thăm nàng, gái mà đến thăm trai là một ân huệ, chớ không phải một bổn phận. Trọng có quyền gì đòi hỏi hơn nữa đâu.
“Mình không bội ước trong khi mình đã thấy bao người hơn hắn, sao hắn lại không biết cho mình về điểm đó và hành động như là mình đã lầm lỗi rồi. Mình lên, hắn không lên. Nhưng mình có ngơ mặt với hắn đâu như hắn đã lo sợ và nay lại trả thù?”
Hiếu vùng vằng toan đi về thì thoáng thấy Trọng, bước ra hành lang. Trong giây phút nàng do dự lắm, muốn làm bộ đi luôn cho bỏ ghét, nhưng nghĩ chắc Trọng cũng đang hờn nàng, nàng mà đi luôn thì chắc là dứt hẳn. Sau đó, muốn làm lành mà trở lại đây thì sẽ bẽ bàng biết bao.
Vì thế mà nàng đứng lại, nhìn thẳng vào Trọng, mặt hầm hầm. Trọng cố bình thản, tươi cười, nhưng mỉa mai chường mặt ra rõ rệt trên cả người chàng. Chàng hỏi:
-Hổm nay bận đóng phim à?
Trọng có thể nói: “Bận giao thiệp, bận mua sắm” nhưng rủi ro, chàng lại nói đến việc đóng phim mà Hiếu chưa được làm thật sự, chỉ đóng rất dở một đoạn quảng cáo thôi.
Nàng hiểu lầm rằng Trọng chế nhạo nàng bất tài, nên càng tức hơn, nàng sẵng giọng:
-Em bận gì mặc em, anh không có quyền biết. Còn anh, nãy giờ anh bận gì?
-Anh bận gì cũng mặc kệ anh, em không có quyền biết.
-Em có quyền. Em đến thăm anh là làm ân huệ cho anh. Em phải được tiếp rước, chớ không phải chịu hình phạt đứng rục tù như thế nầy.
-Làm ân huệ? A ha, em làm ân huệ. Anh cám ơn em lắm đó, nhưng em đã kể ơn thì thôi vậy, xin em đừng làm ân huệ nữa.
-Vậy hả? Anh không cần em thật hả?
-Anh không dám nói câu đó. Nhưng nếu kể ơn thì tốt hơn đừng làm ơn.
-Em không kể ơn, nhưng ít ra anh cũng phải biết thiện chí của người khác.
-Thiện chí hay ác chí? Bắt đầu gây sự là em, chớ nào phải anh.
-Em gây sự? Phải, nhưng vì đâu mà em gây sự? Em dại quá, em ngu quá, nói thật ý nghĩ của em ra để bị bắt bí. Em bắt đầu gây sự bằng cách chôn chân người khác như thầy giáo phạt học trò đứng bích-kê!
Hiếu đã to tiếng, và bạn đồng sở của Trọng đều đứng cả dậy để xem gì xảy ra sau trận đấu khẩu ấy. Nếu là người sành đời thì Trọng đã hãnh diện với bạn hữu mà bị gái đẹp làm tình làm tội. Nhưng chàng chưa hề sống nên lại thấy đó là một sỉ nhục, nên tức lắm, chàng cũng to tiếng:
-Thôi đi cô, tôi hiểu vì sao cô thay đổi như vậy. Tôi đã tiên đoán và dư hiểu nhơn tình. Tôi ngạc nhiên tự hỏi cô còn đến đây để làm gì hôm nay.
Hiếu tím mặt, nghẹn ngào rất lâu mới nói được:
-Vậy à? Té ra thầy không biết tôi đến đây làm gì à? A ha… nhơn tình… thật là cái nhơn tình khốn nạn. Vậy thì cứ xem là tôi đến đây để ăn mày một chỗ làm với đồng lương chết đói của một tư chức như thầy. Và ăn mày không được, tôi đi đây.
Cả hai đều có nặng lời với nhau, và những câu nói của Trọng, tuy không trắng trợn như của Hiếu, vẫn chát chúa đối với người bạn tình.
Tuy nhiên đó chỉ là một cơn sóng gió nhè nhẹ. Giữa những cặp nhân tình, những đôi vợ chồng mới, họ còn dằn vật cấu xé với nhau dữ dội hơn thế nhiều. Trong những trường hợp ấy, luôn luôn nàng chừa cho chàng một con đường rút lui, để chàng có lối thoát thân bằng cách làm lành trước.
Hiếu, trái lại, hành động theo tiềm thức. Những gì nàng nghĩ về Trọng, nàng đè nén nó vào tận đáy tiềm thức của nàng để có một thái độ bên ngoài đúng theo luân lý, đúng theo đạo làm người. Nhưng bên trong thì tiềm thức cứ âm thầm làm việc, rình rập những cớ có thể tha thứ một thái độ trái ngược lại.
Và cái cớ mong đợi đó là đây: Trọng đã khai chiến, thì âu là ta cứ đánh lại, nói là để tự vệ; rồi sau vài mươi hiệp bất phân thắng bại, ta sẽ rút lui mà không cho phép địch thủ đuổi theo và như vậy, ta sẽ chặt đứt cây cầu liên lạc mà lương tâm ta và cả địch thủ cũng không có lý do phiền trách.
Vì thế mà nói xong mấy tiếng: “Tôi đi đây”, Hiếu ngoe nguẩy bỏ đi ngay và vội vàng chạy ra ngoài chặn một chiếc taxi để đề phòng Trọng theo kịp nếu hắn có xuống nước ngọt vào phút chót. Trọng không xuống nước vì tự ái sai lầm của chàng quá mạnh trước bao nhiêu bạn đồng sự đang tò mò chứng kiến trận phong ba nãy giờ. Chàng đứng chết sững nơi đó mà thẫn thờ, biết rằng cô gái mà chàng đã yêu với tất cả tấm lòng trinh bạch của chàng, đã vĩnh viễn vuột khỏi tay chàng rồi.
Chàng đau, ôi chàng đau! Cơn đau của mối tình đầu tan vỡ chắc chắn là to hơn bất kỳ cơn đau nào của tâm hồn. Cũng may là nhờ khôn ngoan, chàng đã xin mẹ đình chỉ lại việc lên Sài Gòn để tiếp xúc với thầy Bảy Nam hầu hỏi cưới Hiếu cho chàng. Nếu không dè dặt như vậy, thì nay mẹ chàng sẽ buồn biết bao!
Chiếc taxi chạy được một đỗi xa, Hiếu day lại nhìn không thấy Trọng rượt xì-cúp-tơ theo, nàng mới hết hồi hộp. Thế là một trang tình sử trong tập vở đời nàng đã lật qua. Chính tay nàng đã tự ý lật trang ấy, không muốn đọc lại mãi một đoạn văn không đẹp, kể một câu chuyện không hay.
Tuy nhiên, khi lật xong trang vở, nàng nghe đau xót vô ngần, tuy không ân hận gì cả. Căn bản tốt của gái nhà lành kêu ầm lên để khiển trách cuộc bội ước vừa xảy ra. Hơn thế, chưa yêu ai khác, Hiếu còn nuối tiếc mối tình đầu nó đã để vết trong lòng nàng. Nàng quằn quặn đau, thương cho ai khi hình dung niềm đau của người ấy. Trọng yêu nàng biết bao nhiêu và nàng tin chắc hắn đang khổ và sẽ khổ không biết bao nhiêu!
Nhưng mà, không thể được. Nàng không còn tự mãn được với cuộc đời nhỏ nhoi của một gia đình tư chức khiêm tốn được nữa rồi, cuộc đời mà trước đây, nàng mong ước, và xem đó là một cuộc đời lý tưởng của một thiếu nữ con nhà nghèo như nàng.
Hiếu nghe cảm giác thoát nợ mà cũng nghe cảm giác phạm tội ác, nên vừa nhẹ lòng vừa nặng trí, không an được. Nàng thấy phải ghé thăm Hoàng, người đã theo dõi mối tình của nàng, người kinh nghiệm về yêu đương, có thể an ủi nàng, cho dẫu là bằng lời khiển trách thậm tệ.
May quá, Hoàng có ở nhà, chớ cửa nhà không đóng kín mít như mấy lần trước mà nàng muốn tạt vào đó. Vừa thấy bộ mặt thua bạc của Hiếu, Hoàng nói:
-Rồi, vừa qua cơn sóng gió với Trọng. Hiếu chưng hửng hỏi:
-Sao chị biết ?
-Chớ em thì còn có mối sầu nào khác nữa. Em vừa khinh miệt chị hôm tuần rồi, tức là còn trung thành với Trọng, lại đang làm tiền vào như nước thì phi…
-Khổ lắm chị ơi!
-Tình là dây oan đó mà em. Rồi bị bỏ rơi thêm nhiều lần nữa em sẽ quen đi, chai lòng, chai dạ, không còn biết đau nữa.
-Nhưng không phải anh ấy bỏ rơi em.
-Chính em là thủ phạm à? Ha… ha… thế, em còn hơn chị một bực đó. Lần đầu, chị chỉ là nạn nhân thôi em à.
-Tại anh ấy nặng nhẹ em, khinh rẻ em.
-Ừ, thì phải có lý do chớ.
-Em khổ lắm chị ơi, chị làm thế nào để…
-Để xem. Nếu em cứ còn nghe khổ mãi từ tháng nầy sang tháng khác, như chị vào mấy năm trước, thì tức là em còn yêu hắn. Chừng đó chị sẽ tính cho. Bằng như mà em an lòng được nay mai thì là em chỉ khổ vì chính em là kẻ gây hấn thôi. Như thế, khỏi phải thắc mắc.
-Chính anh ấy đã gây hấn, ảnh không thèm ra cho em thăm.
-Phải, nhưng em có thể mắng hắn rồi tha thứ hắn. Dứt tình mới thật là gây hấn đó em à.
-Tội em nặng lắm không chị?
-Nặng gì mà nặng. Hắn có phải chữa hoang đâu mà em lo.
-Đạo làm người…
-Đạo làm người dạy ta không nên bội ước. Nhưng thiên hạ bội ước còn tàn nhẫn hơn ta nữa, thì tội ta sẽ nhờ thế mà mờ đi.
-Em không mong thế, em chỉ muốn tin rằng em không có tội.
-Thì cứ tin như vậy.
-Nhưng em có tội hay không?
-Không, em có quyền không yêu Trọng nữa.
-Mà tội nghiệp anh ấy lắm…
-Thế thì chẳng những không tội, lại có công, có công thương xót người khác.
-Chị thật là con quỷ.
-Nhưng em lại rất thích nghe con quỷ ngụy biện rất có lý để mà an lòng. Chị hỏi thật em, đã có ai thay thế cho Trọng chưa?
-Không, em không hề phản bội Trọng.
-Chỉ mới có bội ước thôi hử?
-Đúng như vậy.
-Thôi bỏ, nói chuyện khác. Em đã bội ước thì cố mà tránh cho khỏi bị tội phản bội. Nếu bị thế, sẽ hối hận nhiều hơn là những người chỉ là nạn nhân thôi. Lúc nầy em đẹp lắm, hổm nay chị quên khen em về điểm đó. Em trang điểm khéo lắm, đi đứng cũng bảnh lắm. Em học mau quá.
-Thật ra em không có học.
-Không học thì tập, thì gần người ta, họ truyền qua cho. Bây giờ em mới thật xứng đáng làm hoa hậu, hôm trước em quê lắm.
-Chị à, sao em ghé đây hai lần mà không lần nào gặp ổng hết vậy chị?
-Tối ổng mới đến. Ổng bận làm ăn suốt ngày.
-Ổng thế nào chị ?
-Ổng già lắm.
-Cố nhiên. Nhưng có thể bền không, liệu ổng có tính chuyện lâu dài với chị hay không?
-Chỉ có trời là biết.
-Chị à, sao mà em nghe kỳ quá, như là không thỏa trong dạ về cuộc đời. Em tưởng tượng đời vui hay buồn, sướng hay khổ. Nhưng giờ chung đụng với đời thì thấy khác hẳn, thấy những cảnh không vui, cũng không buồn như cảnh chị đây chẳng hạn và lối sống của tụi nó.
-Là tại lúc trước mình tưởng tượng đời qua các tiểu thuyết, hoặc chàng và nàng cưới nhau, hoặc họ xa nhau rồi đau khổ, chớ trong ấy không có nàng nào lấy chồng già như chị hết, cũng không có nàng nào lòng rỗng như tụi con Suzie, con Lilie, lũ bạn mà em kể tâm trạng kỳ lạ cho chị nghe.
Có tiếng giày ngoài trước, Hoàng nói:
-Tiếng giày của ổng. Sao nay ổng lại đến vào giờ nầy kìa.
-Hoàng ơi!
-Dạ!
-Anh vô được chớ?
-Không được. Em đang trò chuyện với mèo.
-Mấy chơn?
-Hai chơn.
-Đực hay cái?
-Vô đây thì biết.
Ông ấy hỏi thế, nhưng cứ vô.
-À, vậy mà làm anh hết hồn. Chào cô em.
Hiếu khó chịu quá, không biết phải kêu người ấy bằng gì, vì ông ta tuổi có vẻ còn cao hơn tuổi của ông Trung nữa là khác.
Nàng chỉ cúi đầu chào trong khi bạn nàng giới thiệu:
-Người bạn thân nhứt của em, cô Bích-Lệ, hoa hậu Bồ Đào.
-A, nghe danh mà nay mới biết cô. Hoàng có bạn sang quá mà tôi không dè.
Ông ấy có bộ mặt không dễ ghét, nhưng cũng khó mà thương. Hiếu tự hỏi không biết Hoàng làm sao mà ăn ở được với một người như vậy.
Ông ta nói:
-Anh đến để rủ em đi ăn cơm, sẵn gặp cô Bích-Lệ đây, quí hóa quá, anh muốn mời cô Bích-Lệ dùng bữa với ta, nhờ em nói vào một tiếng.
-Phải a, hay lắm. Hoàng reo lên, ta chưa ăn cơm chung ở hiệu lần nào hết. Bích-Lệ ơi, đi với chị nhé.
Hiếu nói riêng với bạn, tránh phải xưng hô khó khăn với ông ấy:
-Hiếu xin cho khi khác, Hiếu về kẻo má trông. Hẹn vài hôm nữa nha chị?
-Tiếc quá, cô Bích-Lệ không vui lòng đi ăn với vợ chồng chúng tôi.
Hiếu nghe câu nói ấy, lấy làm khó chịu, nhưng cũng đáp được, một cách trống không:
-Tôi xin lỗi, xin cho khi khác.
“Vợ chồng” Hoàng đưa nàng ra tận cửa, Hoàng không có mặc cảm nào cả, nói năng, đi đứng với ông ta y như là với một anh chồng xứng đôi vừa lứa.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP