Đường dốc xuống bến khá lài, thế mà khi trâu vừa để chơn vào đường hầm ấy, Hiếu cũng hoảng hồn vía vì thình lình chúi nhủi, suýt té. Hùng hát lên mấy câu thơ của Tú Xương, theo một điệu nhạc ứng khẩu: Cởi trâu thế mà vững. Có ngã cũng không đau, khiến cả đoàn phì cười, và Hiếu quên thối chí, cố ngồi ngay ngắn trở lại.
Nắng lồng bóng tre, rải hoa trắng lên áo đen của nàng, trên lưng đen của bầy trâu, và người xem phim chắc chỉ thấy bóng dáng lờ mờ của bầy trâu xuống bến thôi.
Khi trâu ra khỏi đường hang thì Hiếu gặp nắng chan hòa cồn đất. Mặt cồn mô như mu rùa, nhưng sánh với đường dốc khi nãy là bằng phẳng lắm rồi. Hiếu nghe dễ chịu lạ khi trâu hết chúi mũi nên nàng ngẩng lên và cười sung sướng.
-Hay lắm!
-May thật là may!
Bọn thanh niên đã chạy trước xuống hết cả dưới nầy, và họ reo lên như vậy. Đành rằng nhà đạo diễn nhảy dù căn dặn cô đào chánh hơn mười lần rằng khi từ trong bóng tối ra ngoài nắng, phải ngước lên mà cười như vậy, nhưng cả bọn đều đinh ninh rằng cô minh tinh gượng ép ấy không làm được, và cảnh đó phải quay đi quay lại ít lắm là năm lần.
Hiếu ngạc nhiên hết sức mà thấy họ đã biến ra những người thợ trét ghe, quần đùi và đánh trần đưa lưng hứng nắng. Nhạc sĩ Hùng ốm nhom, triển lãm cả ba sườn và Nghi lực lưỡng như một nông phu.
Hai ra hiệu nhắc cho Hiếu nhớ mà nói mấy câu cần có trong phim, không nói đúng như trong phân cảnh cũng được, miễn môi nhóp nhép đại để những lời na ná như thế để người ta quay. Hiếu phải nói như đang đối thoại với nhơn tình của nàng là anh thợ trét ghe, Nghi: “Chào anh Nghi. Liệu xong việc kịp đám kỳ yên hông? Bữa nào hạ thủy? Ừ, trâu còn ăn mót được độ tuần lễ nữa thì cỏ đồng khô hết, phải ở nhà ăn rơm”.
Một cây tre quì, như một cánh tay hạ xuống, buông lá bay lất phất vờn chiếc nón trũm của Bích-Lệ. Cảnh nầy mà quay thành công thì đẹp lắm. Ca-mơ-ra lại chĩa qua phía anh thợ trét ghe Nghi. Anh thợ ngưng công việc để đối thoại với cô tình nhơn chăn trâu.
-À, cô Dẻo! Kịp chớ, tụi tôi làm đêm làm ngày vì tụi tôi là học trò lễ, kỳ yên không có mặt tụi tôi không được. Đúng bữa rằm, bữa ấy nước rong đầy mà, dễ hạ hơn. Đồng khô rồi mà còn cỏ sao cô?
Có lẽ chính vì nhờ thiếu tập dượt mà cả hai đều đóng được tự nhiên, khỏi vướng phải cái ngượng nghịu, cái sượng sùng khi bị thầy dượt bắt bẻ nhiều lần. Bấy giờ đàn trâu đi tiến bước ra đến giữa cồn, len lỏi trong những chiếc ghe kê cao lên, và cô nữ mục đồng phải chạm trán với anh thợ mà cô không ưa.
Theo trong phân cảnh thì khi thấy mặt anh thợ ấy do Sanh đóng, Bích-Lệ phải sa sầm nét mặt lại. Nhưng Hiếu đã quên mất những lời căn dặn trên xe vì từ sáng đến giờ nàng đã qua không biết bao nhiêu là xúc cảm thì trí óc làm sao mà giữ được lời dặn bảo nào.
-Buồn đi! Quạu đi cô Bích-Lệ!
Chợt nhớ lại bổn phận, Hiếu thôi mỉm cười nhưng mặt nàng vẫn vui tươi, cái vui vừa đối thoại đơn phương với Nghi.
Cảnh nầy phải quay đi quay lại ba lần. Và cảnh anh thợ dễ ghét tán tỉnh cô chăn trâu cũng phải quay nhiều lần vì Sanh không dễ ghét lắm, hóa trang cho xấu xí rồi mà trông vẫn còn đẹp trai và rất hấp dẫn.
Ca-mơ-ra quay cảnh cuối cùng từ trên bờ, rất dễ dàng, là cảnh đàn trâu đi lần xuống nước, mỗi con uống đầy một bụng rồi ra sâu, giầm mình cho mát.
Cảnh quay từ trên chiếc tam bản mới là thiên nan vạn an, vì đưa cho được bộ ca-mơ-ra qua chiếc tam bản, và giữ cho tam bản khỏi chòng chành trong khi lũ trẻ quậy nước đùng đùng không phải dễ làm.
Người quay phim cần quây phía trước cảnh trâu nằm nước và chăn trâu tắm lội.
Sự thật thì trâu không ra xa quá. Chúng chỉ quỳ xuống lần lần nhưng người xem có cảm giác rằng chúng chìm xuống chỗ sâu. Khi nước lên gần tới lưng trâu thì trẻ con đứng cả dậy trên lưng trâu, Hiếu cũng làm y theo lũ trẻ và bấy giờ, bị bao nhiêu cặp mắt nhìn thẳng vào cặp giò trắng và khéo tạc, nổi bật lên màu vải đen, màu lưng trâu xám, nàng mới chợt nghe nhột nhột, khó chịu.
Nàng toan tìm thế để trượt té cho tự nhiên để người ta quay cho đúng với truyện phim, nhưng lưng trâu sao mà bây giờ lại quá vững một cách đáng giận. Trâu không nằm yên, mà cựa quậy và nó chòng chành như chiếc xuồng ba lá, nhưng nàng lại bình chân như vại, khác hẳn với khi trâu đi trên bờ.
Hiếu nghiệm ra rằng sự vững hay không vững là do cả ở nơi lòng nàng có sợ hãi hay không, chớ không do cái chỗ đứng, chỗ ngồi. Khi nãy cảm giác rằng mình ngồi trên cao, sợ té đau rồi thấy lưng trâu mô quá, khó ngồi. Giờ sao mà cái mô ấy lại bằng như là mặt ván.
Trẻ con nhảy từ lưng con trâu nầy qua lưng con trâu khác, nhiều đứa nhảy không tới, rơi lủm chủm xuống sông làm bắn nước lên tung tóe. Tất cả mọi người có mặt đều cho đó là một cảnh hay trong phim, và họ hồi hộp lo cho Hiếu làm hỏng đi, vì thấy nàng cứ đứng đó mà cười.
Ba đứa bé lớn tuổi hơn hết nhảy qua lưng trâu của Hiếu để níu lấy người chị thành phố trá hình thôn nữ nhưng vẫn cứ xinh đẹp như thường trong bộ bà ba vải đen rách. Chúng rắn mắt, mà cũng là để làm thân với người đẹp mà chúng ưa. Đây là cảnh không có tiên liệu trong phân cảnh, nhưng lại hay một cách may mắn. Làm việc không phương pháp có khi gặp những dịp may như vậy.
Anh phụ trách ca-mơ-ra say sưa cố ghi hình ảnh một cô Bích-Lệ cố trì cho khỏi té nhưng không được. Nàng vừa cười vừa bịn lại một lúc ngắn thì ngã quay xuống nước cùng với ba đứa trẻ kia.
Cảnh cuối cùng không có Hiếu trong đó. Câu chuyện ở đoạn ấy như thế nầy: anh thợ trét ghe vô duyên, ganh tị tới Nghi sau cuộc gặp gỡ buổi sáng mà Bích-Lệ đã làm hắn sượng sùng bằng sự lãnh đạm thờ ơ của nàng. Các anh thợ nầy đều là con cháu của các chủ ghe, nên về đêm, họ thay phiên nhau mà ngủ cồn để giữ ghe. Đêm ấy tới phiên hắn canh công trường trét ghe, và nhơn biết được đôi tình nhơn kia hẹn hò nhau ở lùm cây kế cận đường hầm, hắn mang đồ bổi đến để đốt mấy mươi chiếc ghe khô ấy rồi khi lửa bắt cháy hắn chạy lên bờ, thình lình nhảy đến xé áo của Nghi trong lúc Nghi và Bích-Lệ thấy cháy, toan chạy xuống bãi để chữa lửa.
Đoạn hắn chạy về làng loan báo rằng đang ngủ, nghe cháy, giựt mình thức dậy thì thấy kẻ gian tẩu thoát và hắn đã đoạt được bằng cớ để truy tầm căn cước kẻ phá hoại. Thế là, sau cuộc điều tra, Nghi bị tù tội vân vân.
Cảnh đốt ghe, họ quay trong ánh sáng thường để về sau làm mờ phim lại. Vật bắt lửa là một hóa chất cháy rất mau, nhưng bạo phát, bạo tàn, không gây hỏa hoạn thật. Họ sẽ quay một đám cháy thấy tổng quát, ở nơi khác trong khung cảnh giả tạo.
Công việc làm nhanh chóng hết sức, mới quá ngọ độ nửa tiếng đồng hồ là đã xong xuôi cả, và họ thu xếp đồ đạc lên ghe để ăn trưa rồi về.
Bữa ăn dọn trên một tấm bố rộng trải ngay dưới cỏ trong lùm cây, nơi mà Hiếu đã hai lần thay y phục. Ở đây bóng râm mát và nhờ đất nằm cao nên hứng gió nhiều hơn ở dưới ghe.
Hai thật xứng đáng là một tay thủ lãnh; hắn đã tiên liệu tất cả mọi việc, kể cả các chi tiết nhỏ là nước uống ở một nơi lạ. Hắn cho chở theo cả một kết la-ve đề phòng tìm không được nước uống đủ đảm bảo về mặt vệ sinh.
Bữa ăn chỉ có bánh mì thịt quay thôi, nhưng trông sang trọng nhờ những chai la-ve ướp lạnh ở một nơi đèo heo hút gió như vậy. Hùng đã lấy vải đen nhúng nước, bọc những chai la-ve ấy rồi phơi nắng. Vải đen ướt hút sức nóng của mặt trời rất mạnh, tạo được một sự lạnh tương đối đủ mát giọng người uống.
Hai ngước mặt lên trời, ngậm miệng chai rồi nuốt ừng ực một hơi đoạn khà khà sung sướng, hắn nói:
-Một lần đi, một lần tốn kém, ta may mắn hết sức mới thành công được trong kỳ quay đầu tiên nầy. Từ đây khỏi đi xa vất vả như vầy, những ngoại cảnh khác ta sẽ quay trên cầu Bang-Ky. Cô Bích-Lệ giỏi lắm, mà tụi bây đứa nào cũng làm tròn bổn phận hết, vậy ta lại nâng chai lên một lần nữa để mừng cho sự may mắn nầy…
Bấy giờ, một em bé chăn trâu chạy bay trên cánh đồng ngập nắng và lởm chởm rạ khô. Mọi người đều ngước cổ nốc rượu, trừ Nghi, chàng cứ thỉnh thoảng day ra sau mà nhìn cảnh đồng và khi thấy thằng bé chạy tới, chàng mừng rỡ hết sức.
Chú mục đồng con chạy đến nơi, vừa thở hổn hển vừa trao cho Nghi một trái bầu khô kêu lọc ọc. Chàng day qua cười với Hiếu đang ngồi bên cạnh và nói:
-Nghi biết nãy giờ Bích-Lệ khát nước lắm…
-Em nuốt bánh mì không trôi anh ơi.
-Ừ, Nghi biết thế, tin chắc rằng Bích-Lệ uống bia không được, nên đã cho tiền thằng bé từ lúc sớm để nó về xóm tìm nước trà cho Bích-Lệ.
-Vậy à, té ra đây là nước trà?
-Ừ, nước trà Huế, uống cho mát.
Hiếu đang khát nước ran cả cổ, vội mở nút bầu ra rồi không kể cái cử chỉ xem không được nơi một người con gái, giữa đám đông, nàng cũng ngước mặt lên trời ngậm miệng bầu mà nốc.
Hùng vỗ tay mà khen:
-Anh kép chánh thật lo chu cháo cho cô đào chánh. Hai chưng hửng và bối rối nói:
-Trời ơi, tôi quên mất rằng Bích-Lệ có thể không uống được bia, bậy quá.
Hiếu uống xong trà nóng thì nghe mát cả người một cách kỳ lạ. Lần đầu tiên nàng được một người con trai săn sóc đến một cách âm thầm kín đáo, nhưng sự thầm lặng ấy nói lên rất to những gì giấu kín nơi lòng người con trai kia, cũng như lần tặng hoa, chàng như đã thì thầm rất nhiều giữa cái câu đơn sơ: “Một họa sĩ không tên, không tuổi…”
-Trà Huế mà không pha nước lạnh, chắc đắng lắm, phải không cô Bích-Lệ?
-Không, anh à, còn trái lại nữa là khác.
Quả thật thế, nàng nghe mát như có gió thổi vào trong ruột nàng, nàng lại có cảm giác rằng nước ấy ngọt cái chất ngọt của những lời tỏ tình.
“Còn trái lại nữa”, mấy lời ấy, người ngoài không để ý đến, nhưng Nghi nhận thấy ngay những ý bỏ lửng và hai người, kể từ phút đó, đã hiểu lòng dạ nhau rồi.
Nắng trưa, gió thổi hiu hiu và chất rượu của bia làm cho các thực khách nghe nặng mí mắt hết sức. Cả bọn đều thoả thuận với nhau đánh một giấc rồi dậy sẽ về, chớ không đi ngay như đã dự liệu trước bữa ăn. Họ ngả người trên cỏ, đưa tay lên gối đầu rồi anh nào anh nấy ngáy khò khò sau mấy phút vì họ quá mệt mỏi sau một buổi xê dịch và làm việc vất vả.
Hiếu chỉ ngồi dựa một gốc sấu hoang riêng biệt đằng xa, nhìn cánh đồng cháy qua đôi kiếng màu của nàng. Nàng ngồi như vậy không biết bao lâu, không nghĩ gì cả mà chỉ lắng nghe mệt mỏi của thân thể thôi.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP