Hoa hậu Bồ Đào (26)

Nghi cũng nằm với bạn hữu, hút gió một bản nhạc vui rồi nín lặng. Khi tiếng ngáy của lũ bạn chàng đã đều, chàng ngẩng đầu lên, đưa mắt tìm Hiếu. Thấy cô gái mặc toàn đồ đen ngồi dựa gốc cây, chàng định bụng rằng Hiếu ngủ ngồi, nên rón rén bước lại gần cây sấu hoang và nhẹ nhàng ngồi xuống, chỉ ngồi chồm hổm thôi cho thân mình chàng khỏi chạm thêm những chiếc lá khô nó sẽ kêu lêu, làm giựt mình người đẹp.

Hiếu nhắm mắt lại, giả đò ngủ quên. Nàng đợi như vậy độ ba phút đồng hồ mà không nghe tiếng động nào khác hơn lá tre dưới gió.

Mở hi hí đôi mắt, Hiếu thấy Nghi ngồi đó mà nhìn nàng. Chàng mặc âu phục và chiếc quần tây chẹt chắc làm chàng rất khổ trong điệu ngồi chồm hổm, nên chi Hiếu lại giả vờ giựt mình chợt tỉnh, lột kiếng mát ra mà hỏi:

-Anh không ngủ trưa sao?

-Không. Ít khi có dịp nhìn thiên nhiên, tôi muốn hy sinh giấc ngủ ngày để tận hưởng…

-Em thấy ở đây đồng khô cỏ cháy, không có gì đáng cho một họa sĩ ngắm cả.

-Ở đâu cũng có cái gì để cho ta ngắm, nhứt là nếu ta thích vẽ, bởi vì người vẽ cần vẽ những thứ đáng vẽ hơn là những thứ đẹp mắt. Gốc rạ từ đất ruộng khô nứt nẻ, chĩa lên trời, đáng vẽ lắm cô Bích-Lệ à.

-Vậy sao, em cứ ngỡ…

-Ngỡ rằng phải vẽ cảnh đẹp? Nhưng cảnh đẹp ở đây cũng không thiếu. Mời cô bước xuống kia với tôi.

Bờ sông ở chỗ nầy tuy cũng cao hơn mặt nước nhiều lắm, nhưng không đứng sững như các chỗ khác, mà đất bị sụp xuống thành nhiều cấp. Trên mỗi cấp bực đất, người ta trồng những thứ rau cải khỏi giữ, như là tía tô, tần dài, trồng thật nhiều để bán cho các hiệu thuốc Bắc và kỹ nghệ lục diệp tố. Ở những bực chót, họ trồng một thứ cỏ dài lá, rất ưa nước, vì ở đó bị ngập khi nước lớn lên.

Bấy giờ đã quá ngọ, nên nơi nầy mà người địa phương gọi là NÀ được bóng bờ tre trên kia che mát.

Tía tô đã lên cao đến bụng người, và họ ngồi trong ấy, ngoài không ai thấy cả.

Nước sông xanh lơ, trông cứ thèm tắm, thèm uống, và mây trắng trôi trên trời sâu, cũng trôi dưới dòng nước đó, ngon như là kem lỏng dầm trong nước đậu xanh.

Bên kia sông, gần bờ, một bầy ngỗng năm bảy con thả trôi chầm chậm theo dòng, làm nổi rõ sự yên tĩnh của một buổi trưa nắng gay gắt.

-Bích-Lệ nghĩ gì?

-Em không nghĩ gì hết.

Nghi cũng ngỡ là mình không nghĩ gì hết, nhưng chợt nhận ra là mình đang nghĩ nhiều quá. Cũng như cảnh ở đây, trông cứ ngỡ là yên tĩnh, nhưng Bích-Lệ lắng tai nghe… Bích-Lệ lắng tai và quả nghe thật. Ở đây chim kêu nhiều quá mà nàng không dè. Đầu tiên, nàng nghe chim vịt kêu rất buồn trên những cây nhông mọc dựa mé nước. Tiếng kêu của loại chim nầy rất quen thuộc đối với nàng, vì cạnh nhà nàng là bờ rạch và cây cối ở các bờ rạch hay rù quến loại chim mà nàng chỉ biết tiếng kêu sầu thảm mà chưa hề thấy hình dáng ra sao cả.

Một thứ tiếng chim khác kêu vang một góc trời, mà Nghi cho biết đó là tiếng của chim vu-cốt. Đâu đây vẳng nghe có tiếng gõ mõ liên hồi và Nghi lại giải thích rằng đó là chim thầy chùa đang tụng kinh trưa.

-Chim gì mà tiếng kêu nghe xa quá là xa vậy anh Nghi, và hiu hắt buồn…

-Không phải chim ở xa, mà tại ta nghe như vậy. Đó là chim hít-cô…

Trời xanh ngắt, quạ hay ngang qua đó, tiếng kêu thô lỗ và man rợ quá, đuổi Hiếu ra khỏi giấc mơ một thế giới mông lung, một thế giới bay bổng như chim như mây, như đàn diều-hâu đang vẽ những vòng lớn trên cao, thật cao.

Anh đã nói gì khi nãy? Ờ, anh nói rằng anh không nghĩ gì, nhưng chợt nhận ra là anh đang nghĩ nhiều quá. Anh nghĩ gì? Nghi mơ một nếp nhà tranh ở đây, và một người bạn. Cả hai người sẽ sống biệt lập với thế giới quay cuồng dưới kia, dưới Sài-gòn bận rộn của chúng ta, không nhớ ngày hôm qua, cũng không bận tâm đến ngày mai, chỉ biết hôm nay, có bây giờ, có giờ phút mà họ đang sống.

-Bích-Lệ cũng mơ như vậy.

-Bích-Lệ mơ như vậy từ bao giờ?

-Mới mơ đây thôi.

-Nghi thì khác. Đó là một giấc mơ mà Nghi nuôi nấng từ lâu rồi, nhưng nay mới thấy rằng giấc mơ ấy có thể biến thành sự thật được vì…

Chàng bỏ lửng câu nói, thầm mong cho Hiếu hỏi vặn họa may chàng sẽ có can đảm nói liều mạng những tiếng sau cùng. Nhưng Hiếu không hỏi vì nàng đã hiểu và nhứt là không dám nghe Nghi nói hết ý nghĩ của chàng ra.

Nàng đang bước trên đường tình, những bước mơ hồ kỳ ảo như là bước đi trong mây khói, thì thình lình giựt mình chợt tỉnh, nhớ lại tình trạng thật về nàng và tự hỏi có nên tiếp tục đi tới thêm hay không.

Trọng đã để lại những dấu thật mờ, gần bị xóa hẳn, nhưng vẫn còn trông thấy được. Thiện căn nơi nàng kêu lên để tố cáo về sự bội ước lời giao hẹn còn mới ràng ràng.

Không, nàng không yêu Trọng nữa, nghe rõ lòng mình như vậy và tin rằng mình có quyền đổi ý vì Trọng đã hành hạ tinh thần nàng. Tuy nhiên nàng vẫn không dám dứt khoát mặc dầu từ bao lâu nay, sau buổi cãi vã ấy, nàng không trở lại thăm Trọng nữa để Trọng có dịp làm lành.

Có phải chăng nàng không dám dứt khoát bởi bị thiện căn rầy rà lôi thôi vì sự Trọng hành hạ tinh thần nàng chỉ là cái cớ thôi, cái cớ rất nhỏ, không vững lắm mà lý trí của nàng cố đưa ra để tha thứ cuộc thay dạ đổi lòng của nàng?

Đổi ý, thay dạ đổi lòng là quyền của tất cả mọi người, nhưng cái quyền ấy chỉ có những cá tính thật mạnh như là Hoàng mới dám công khai sử dụng mà thôi.

Một cô Hiếu yếu đuối tinh thần như thế nầy, phải bịa ra những tội lỗi hay phải phóng đại tội lỗi của người khác để trấn an mình, mà vẫn chưa an lòng.

“Tại sao mình không can đảm như Hoàng? Tại sao mình lại chê bai Hoàng khi chị ấy dám sống theo ý muốn, theo quyền lợi? Không dám sống đời sống mình ao ước, rồi sẽ lùi lại sống gượng đời sống mà mình thấy không hạp với sở nguyện của mình à? Không, không thế nào được nữa rồi. Mình đã trót thấy những chơn trời huy hoàng, không làm sao mà đóng cửa sổ lại để chỉ nhìn được căn buồng tối tăm lúc trước.

“Người nghệ sĩ đang ngồi bên cạnh mình giờ đây, khác với Trọng một trời một vực, từ diện mạo hiên ngang đến tâm hồn rắc rối kỳ lạ một cách nên thơ. Và tất cả bạn hữu của hắn, tất cả những người quen thuộc của hắn, tất cả những người hoạt động, sống trong cái xã hội mà hắn sống cũng khác rất xa những người quây quần chung quanh Trọng, mà mình lại hợp với những người nầy hơn là những người kia!”

Hình như cả hòn đảo nầy chỉ có một bến trâu độc nhứt nầy hay sao mà trâu tựu về đây rất nhiều vào giờ nắng gắt. Đôi bạn thấy dưới kia chỗ họ đóng phim khi nãy lúc nhúc gần hơn một trăm con trâu vừa lớn vừa bé chúng nằm nước chật cả nơi đó. Trâu quậy đục nước quá nên bọn mục đồng không tắm, chúng tùng tam tụ ngũ trên cồn để chơi những trò gì không rõ và một đứa thổi sáo.

Lần đầu tiên, Hiếu được nghe tiếng sáo chăn trâu. Nó hay lạ kỳ, hay hơn cả sáo của những nhạc công tên tuổi mà nàng được nghe ở hát máy, hoặc trên làn sóng đài phát thanh! Cái buồn của tiếng sáo chăn trâu cũng khác hẳn tính cách của cái buồn tiếng sáo nhạc công thật sự.

Ở đây sáo gợi ngậm ngùi man mác, tiếc thương nhè nhẹ xa xôi, chớ không gây đau khổ mạnh của thứ sáo thổi theo lề lối.

Hiếu nghe xa, xa lắm, niềm tiếc thương ấy và tưởng như chính lòng mình đang ngùi thương như vậy, mười năm sau buổi trưa hè nầy, tiếc thương cho mối tình không dám ló mặt giữa Nghi và nàng, chỉ vì nàng thiếu can đảm.

Mười năm sau, nàng là vợ của thầy ký Trọng. Một buổi trưa trong xóm, một buổi trưa mà mái tôn phụ với mặt trời đã đốt cháy không khí của nếp nhà ván hẹp, và đốt cháy nhan sắc nàng, nàng sẽ nghe đâu đó một hơi sáo tương tợ như vầy, và sự tiếc thương sẽ…

-Ngày mai ta được nghỉ xả hơi một bữa, chiều lại Bích-Lệ đi ăn cơm với Nghi được không?

-Anh có quen với con Suzie chớ?

-Quen, rồi sao?

-Nếu nó rủ thì má cho em đi, bằng không, em chẳng biết nói sao để bỏ cơm nhà. Nói xong câu ấy, Hiếu giựt mình và hối hận lắm.

Nàng đã phản bội Trọng rõ ràng, vì trước kia, nàng chỉ nói với Trọng “má em” thôi, chớ không cho Trọng dự vào hân hạnh được xem má của nàng là má chung. Mãi về sau, Trọng mới được hưởng lối nói thân mật “má” chung ấy. Nghi chưa chi mà đã thắng hẳn Trọng trong bước đầu giao thiệp giữa đôi trai gái với nhau.

-Có Suzie đi càng hay, nhưng xì-cút-tơ của Nghi đèo hai người, bất tiện lắm.

Không bao giờ trí óc Hiếu làm việc bằng bây giờ. Nàng cố bắt thông minh của nàng làm việc thật nhiều để tìm cho nàng một mưu mẹo để đi với Nghi. Nàng không dám phản bội Trọng, nhưng cứ nhắm mắt mà bước đến chỗ phản bội ấy mỗi khi một bước ngắn, vì như thế đỡ sợ hơn là chạy u một mạch đến cái nơi rực rỡ muôn màu sắc, quyến rũ ghê hồn, nhưng nàng lại thấy là trái đạo làm người.

Bỗng một tia sáng lóe lên trong trí nàng khiến nàng mừng rỡ hết sức.

-Hay là như thế nầy. Lối ba giờ trưa, anh đợi em trước nhà thương thuốc chó. Em sẽ đưa anh đến chơi nhà một người bạn.

-Bạn trai chớ? Nghi hỏi xong cười để xóa e ngại của mình.

-Không, bạn gái.

-Rồi sao nữa? Nghi chỉ muốn ngồi song đôi với Bích-Lệ như vầy, không có ai làm chứng hết.

-Rồi sẽ hay mà. Ăn cơm hay không là tùy chị Hoàng ấy.

-Chị Hoàng nào?

-Người bạn gái mà ta sẽ đến chơi.

-Sao ta lại thuộc quyền của chị ấy?

-Chị Hoàng sẽ đến nhà em, rủ em đi ăn…

-Nhưng Nghi lại không thích bị một người thứ ba quấy rầy.

-Không, chị ấy rủ, nhưng chỉ sẽ không đi.

-À, hiểu rồi.

Cũng như những lần đầu gặp gỡ Trọng, không có gì rõ rệt xảy ra cả, không có lời nào thốt ra để tỏ những gì họ muốn tỏ, tự nhiên họ ngầm hiểu ý của nhau, và ý ấy lần lần đi tới, không xuất hiện đột ngột, hay vô lý, nó tự nhiên lố dạng, như một người đang đi tự nhiên phải đến một nơi nào, không sao khác được.

Tự nhiên là Nghi mời Hiếu đi ăn, tự nhiên Hiếu muốn nhận lời, tự nhiên rồi Hiếu phải tìm cách để đi cho được, và tự nhiên họ hiểu nhau trong sự tùng đảng ấy. Hễ tùng đảng là đã bắt đầu sát cánh nhau rồi, khỏi cần phải giao ước gì hết.

Ánh mặt trời đã bắt đầu đuổi xua bóng mát dưới lùm cây vì vòm lá không còn ngăn được bóng nghiên nữa.

Tia nắng xế đầu tiên soi thẳng vào mặt Hai, khiến hắn giựt mình thức dậy. Giấc ngủ nặng ở một nơi hanh nắng, khiến hẳn sặc sừ một lát, trong lúc ấy có lẽ hắn định thần để tìm xem sao hắn lại ở đây. Khi nhớ được mọi việc, hắn bật cười khan một mình rồi đưa hai chơn ra tống cho mỗi thằng một đạp, khiến cả bọn giựt mình nhảy nhổm, anh nào anh nấy lồm cồm ngồi dậy ngơ ngác nhìn nhau một hồi rồi cười xòa với nhau.

Bỗng Hùng dáo dác rồi nói:

-Nguy to rồi, cọp ních thẳng Nghi rồi!

-Không phải cọp, một thứ hoa ăn thịt người mà có lẽ tụi bây đã nghe nói mọc ở trong rừng Phi-châu, đã nuốt nó đó chớ.

-Tao không hiểu.

-Thì hoa hậu cũng vắng mặt không thấy sao?

-Nghi ơi! Bớ ba hồn chín vía mầy Nghi!

Thức nhái giọng chăn trâu mà réo bạn, khiến Hiếu từ dưới nà, nghe văng vẳng điệu gọi kỳ cục ấy, cười ngất dài.

-Các anh ấy đã thức dậy, ta đi lên thôi.

Nghi uể oải đứng lên và thấy vẻ lo sợ trên mặt bạn, chàng nói:

-Không có gì đâu mà Bích-Lệ ngại. Ta không ngủ trưa thì đi hóng mát, đó là điều tự nhiên. Bích-Lệ không tự nhiên, tụi nó sẽ nghĩ quấy thì không tốt.

Hiếu vẫn biết thế, nhưng không sao nàng tự nhiên được, bởi nàng chưa thoát hẳn vỏ gái thơ của nàng, xem trai gái đưa nhau đi nói chuyện riêng như vầy thật là xấu xa lắm.

Nàng ngỡ bọn kia cũng cùng quan niệm như nàng và họ đang xầm xì dữ lắm về nàng. May quá, nàng chỉ phải sượng sùng có mấy giây thôi vì cả bọn ấy, không ai có một lời nào, một cái nhìn nào mỉa mai, nghi ngờ gì hết.

Họ làm một tiệc nước dừa do bọn mục đồng tiếp tế rồi kéo nhau xuống ghe.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: