Hoảng sợ trước làn sóng công nghệ mới

Minh họa: desola-lanre-ologun-unsplash

Lo lắng về sự thay đổi công nghệ đang gia tăng, đặc biệt là từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh. Các nhà nghiên cứu và nhà trị liệu đã thử nhiều cách để đối phó với triệu chứng tâm thần này.

Căng thẳng vì công nghệ là có thực

Wall Street Journal thuật: Khi Ben Plomion nhận công việc mới, ông nhanh chóng nhận ra, kỹ năng công nghệ của mình đã lạc hậu so với thời đại. Ở tuổi 46, ông già hơn hầu hết các đồng nghiệp một hai chục năm và chỉ thành thạo thế hệ phần mềm cũ. Trong khi ông dùng phần mềm thuyết trình PowerPoint hoặc Google Slides thì các đồng nghiệp trẻ lại làm việc với một ứng dụng mới có tên Canva.

“Tôi mất rất nhiều công sức khi phải học lại những thứ tưởng đã học xong” – ông than thở. Plomion, giám đốc tiếp thị của một công ty khởi nghiệp ở Los Angeles chuyên về công nghệ tiền điện tử (crypto technology), không phải người sợ cái mới mà chỉ cảm thấy choáng ngợp trước tốc độ thay đổi. Và càng chóng ngợp hơn khi xuất hiện ChatGPT và hàng ngàn ứng dụng AI khác. “Khi tự hỏi phải bắt đầu từ đâu, phải chọn công cụ gì, tôi gần như bị đóng băng vì không chắc chắn, thiếu tự tin và thiếu quyết đoán” – ông nói.

Nỗi lo lắng về sự thay đổi công nghệ trong công việc đã gây khó khăn tại nơi làm việc từ lâu nhưng chưa bao giờ lộ rõ hơn hiện nay, đặc biệt là khi AI đe dọa làm đảo lộn mọi trật tự. Trong thế giới công ty, có những câu hỏi rất quen thuộc: Liệu tôi có thể cập nhật các kỹ năng của mình không? Công việc của tôi sẽ thay đổi thế nào trước tiến bộ công nghệ? Nhưng có lẽ căng thẳng nhất là câu hỏi: Liệu công nghệ mới có thay thế được tôi, có lấy mất công việc của tôi?

Tất cả những câu hỏi đó đã tạo ra sự căng thẳng và lâu ngày dẫn đến tuyệt vọng, bất an và tự trách móc bản thân. Không chỉ công việc bị ảnh hưởng mà cuộc sống cá nhân và sức khỏe cũng thế.

Các nhà tâm lý đã nghiên cứu hiện tượng này trong nhiều thập niên và hiểu biết khá sâu về nguồn gốc của kiểu sợ hãi này, cách chúng ảnh hưởng đến con người và làm cách nào để người lao động và công ty giảm bớt căng thẳng vì công nghệ. Để biết mức độ lo lắng do công nghệ cao gây ra, hãy xem báo cáo “Khảo sát về hy vọng và nỗi sợ hãi của lực lượng lao động toàn cầu năm 2022” (2022 Global Workforce Hopes and Fears Survey) do PwC thực hiện trước khi ChatGPT trở nên phổ biến.

Báo cáo cho thấy 30% trong số hơn 50,000 người lao động được hỏi đã bày tỏ sự lo ngại công nghệ có thể thay thế họ trong vòng ba năm tới. 39% than phiền là họ không được đào tạo đầy đủ về công nghệ tại nơi làm việc. 35% có những băn khoăn tiêu cực về AI, chẳng hạn như sợ công nghệ này ảnh hưởng đến công việc và vị thế của họ hoặc đòi hỏi những kỹ năng mà họ quá già để tiếp thu.

Nhiều người hoang mang về hỗn loạn thị trường nghề nghiệp trong tương lai gần. Một nghiên cứu toàn cầu công bố vào Tháng Ba của Goldman Sachs ước tính: “AI sáng tạo có thể tự động hóa 300 triệu việc làm toàn thời gian” (dù báo cáo trấn an rằng, hầu hết các công việc ở Mỹ chỉ bị AI thay đổi chứ không bị thay thế).

Lo lắng là phản ứng “nguyên thuỷ” của con người

Theo Ofir Turel, giáo sư hệ thống thông tin tại Đại học Melbourne, nguồn gốc của nỗi sợ hãi bắt nguồn từ phản ứng nguyên thủy của con người khi gặp điều gì mới lạ. Ông nói: “Tổ tiên của chúng ta bị đe dọa bởi những loài động vật mới, những bộ lạc mới đến nỗi phải di chuyển đến lãnh thổ khác”. Các công nghệ mới cũng gây ra tình trạng bất an như thế, cho dù chỉ cần làm gián đoạn một thói quen nhỏ.

Nicole Lipkin, nhà tâm lý học lâm sàng ở Philadelphia lý giải: “Bộ não con người được thiết kế để đi từ A đến Z theo lộ trình hiệu quả nhất. Điều đó có nghĩa là chúng ta có xu hướng thích giữ mọi thứ như cũ”. Sophia Xepoleas, nhà chiến lược quảng cáo công nghệ ở Oakland, nhớ lại sự miễn cưỡng của bà khi phải bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu ứng dụng mới quản lý dự án Asana. “Tôi phải rèn luyện lại bộ não của mình” – bà nói.

Varun Grover, giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học Arkansas, lưu ý: “Công nghệ còn đe dọa bản sắc cá nhân của mỗi người, trong đó có ‘năng lực chuyên môn’. Công nghệ đe dọa lấy mất bản sắc này, đe dọa vai trò chuyên môn đang đảm nhận và quyền lực tại nơi làm việc. AI còn đẩy mối đe dọa đi xa hơn khi nó đạt được trình độ chuyên môn cao hơn con người”.

Thay vì chạy trốn, hãy học cách đối đầu

Cho đến nay, hiếm khi căng thẳng công nghệ đạt đến mức độ lo lắng hoặc trầm cảm lâm sàng dù vẫn có thể dẫn đến các hành vi không lành mạnh. Ví dụ, phản ứng tự nhiên trước căng thẳng là chạy trốn khỏi công nghệ khó.

Mindy Shoss, giáo sư tâm lý học công nghiệp tại Đại học Central Florida, nói: “Khi gặp tình huống khó, nhiều người có xu hướng dùng chiến lược né tránh”. Trong công nghệ, chiến lược này có nghĩa là từ chối tìm hiểu hoặc sử dụng một phần mềm mới và tiếp tục dùng ứng dụng cũ đã quen. Để vượt qua loại hành vi này, các nhà nghiên cứu khuyên cần thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức để loại bỏ những đối phó tiêu cực.

“Ví dụ, khi phải đối mặt với công nghệ mới, khó khăn, cảm giác thiếu năng lực hoặc chưa cố gắng đủ sẽ xuất hiện – Vaile Wright, giám đốc cấp cao về đổi mới chăm sóc sức khỏe tại Hiệp hội tâm lý Mỹ nói – Nhưng thay vì chạy trốn, chúng ta hãy tìm hiểu lý do tại sao lại thấy công nghệ mới là khó và hãy tự hỏi nó thực sự là mối đe dọa cho nghề nghiệp! Hãy tự trấn an: Ta sẽ không bị sa thải nếu chưa nắm vững công nghệ mới này; và tự nhủ: trước đây ta đã từng vượt qua những khó khăn như thế”.

Wright cho biết đã có sẵn những bài tập tự trợ giúp như cuốn “The Dialectical Behavior Therapy Skills Workbook” hoặc các đề xuất từ Hiệp hội Các liệu pháp hành vi và nhận thức (Association for Behavioral and Cognitive Therapies). Lipkin xem những tư duy tiêu cực quá mức như “nếu tôi không học được điều này trong một tuần, tôi sẽ bị sa thải” là rất nguy hiểm. Xepoleas khuyên: “Tái thích nghi là cách giảm áp lực công nghệ. Chúng ta không cần phải nắm vững mọi công nghệ mới để thu được lợi ích từ nó. Sau khi chiến đấu với ứng dụng Asana, tôi bắt đầu thấy nó hữu ích”.

Tìm nơi khuây khoả cũng là một cách để giải tỏa lo lắng, chẳng hạn tản bộ công viên hoặc nghe nhạc cổ điển sau ngày làm việc. Plomion chọn môn lướt sóng vào các buổi sáng. “Trở về từ biển và đi thẳng đến văn phòng, tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Thậm chí háo hức tìm hiểu các công cụ AI thay vì né tránh chúng”. Wright gọi phương cách này là “xây dựng khả năng làm chủ” để tự tin hơn với công nghệ mới. Trong khi khoảng một phần ba số người tham gia cuộc khảo sát của PwC bày tỏ lo ngại về công nghệ mới, thì khoảng một nửa lại mong đợi những điều tích cực từ chúng, chẳng hạn dùng AI để làm việc và học tập hiệu quả hơn hoặc tìm cơ hội việc làm mới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: