Trọng! Một thế giới hiện lên, cái thế giới mà đời đối với Hiếu còn đầy bí mật, đầy quyến rũ. Thôi dĩ vãng đã ngủ yên được rồi đây với hạnh phúc của người mà nàng làm đau khổ. Từ đây, nàng khỏi phải bị hối hận nào đeo đuổi theo để ám ảnh nàng nữa.
Tái khởi hành trên đường đời, Hoàng nói nghe hay quá! Tiểu thuyết hay dùng thành ngữ “làm lại cuộc đời” đã sáo quá rồi.
Tái khởi hành với một người bạn đường, đồng cảm nghĩ, đồng địa vị, đồng hoài bão, và sẽ cùng nhau chết rụt trong cái xó quê nầy, hay ở xó quê nào khác!
Kể ra thì cũng ngậm ngùi cho một mỹ nhân đã từng nổi danh tài sắc một thì. Nhưng không thể vừa ham sống tưng bừng lộng lẫy, vừa mong ước một cảnh già con đàn cháu đống, vừa ham muốn cuộc đời nhiều sóng tình gió bạc, vừa mong ước khỏi đau đớn ê chề lúc xuống chơn.
Chỉ có hai con đường, phải chọn một, không sao khác được.
Bức thơ kế đó, Hiếu đoán rằng cũng sáo như mấy bức thơ sau nầy của Tài. Tài chỉ ăn nói như thường được trong bức thơ đầu thôi, rồi thì tuần nào hắn cũng gởi về một áng văn lâm ly, thống thiết trong đó rất nhiều cảnh mùa phượng nở, nhiều cảnh lá vàng rơi lác đác đặc sắc nhứt ở cái điểm người đọc không sao hiểu nổi hắn muốn nói cái gì.
Có lẽ hắn không muốn nói cái gì cả, không có gì trong lòng để nói ra cả, nên hắn mới văn hoa kiểu cách như vậy, che giấu cái trống không bằng văn sáo và văn rỗng.
K.B.C… ngày…
Cô Nghĩa thân mến.
Cô Nghĩa ơi, thật không biết nói sao để tỏ hết lòng thâm cảm của tôi đối với mấy bức thơ của cô nó như là những ngọn lửa sưởi ấm lòng chiến sĩ nơi biên thùy xa vắng nầy vào những chiều mưa, trên biên giới.
Hiếu mỉm cười, lẩm bẩm: “Lại sáo và rỗng nữa. Nghe đâu thì hắn làm việc ở tỉnh lỵ, nhưng lại thích nói đến biên thùy, và nói đến chiều mưa vì biên thùy và mưa chiều, hắn thấy rất nên thơ”.
Cô Nghĩa ạ, từ ngày được quen với cô, tôi đã hết nghe cô đơn như lúc trước. Đọc thơ cô tôi cảm giác như là một người bạn đồng tâm ở bên cạnh tôi.
Tôi ước ao phải chi người bạn đồng tâm ấy gần tôi hơn chút nữa, gần thật sự thì tôi mới được an ủi đúng mức đó cô ơi!
“À, đoạn nầy thì không sáo bởi hắn có cái gì để mà nói ra, nhưng ba tiếng sau “đó cô ơi” lại là giọng tuồng”.
Nhưng cô Nghĩa ạ, tôi chỉ sợ tấm thân nầy đã quá dãi đầu mưa nắng, dạn gió dày sương, không còn được cái phong độ thanh nhã của tao nhân mặc khách để mà xứng với một bực thiên kim tiểu thơ, trâm anh đài các.
Nhưng mà tôi nghĩ nàng tiểu thơ kiều diễm ấy không kiêu hãnh, không tự cao nên tôi cũng đỡ thắc mắc phần nào, hơn thế còn bạo gan nói rõ nỗi lòng tôi.
Cô Nghĩa ơi, tôi là một cái cây mọc giữa sa mạc. Cây nầy vừa được vài giọt mưa đào tưới cho đỡ cằn cỗi và rất khát những trận mưa khác để được sum sê đời đời. Nếu như lời cầu đảo của tôi mà không được bà tiên ban cho phép mầu khiến vũ thần làm việc thì chắc chắn cây nầy khô héo lần lần cho đến một ngày kia thì rụi hẳn.
Người quan tái NGUYỄN-NGỌC-TÀI
Không phải là bức thơ tỏ tình nầy dở nên Hiếu không bối rối, không xúc động đến ra nước mắt sung sướng. Ngày trước, Trọng có biết nói gì giỏi hơn đâu, thế mà nàng đã nghẹn ngào, đã thổn thức, toàn thân mọc ốc chỉ vì một tiếng “cố” giọng run run của chàng.
Ấy, chỉ vì Hiếu đã sống, đã sống nhiều quá rồi. Một năm qua mà như cuộc đời người đã qua. Giờ thì phải là những tình cảm dữ dội mới mong lay chuyển nàng được chớ còn những tiếng thì thầm của yêu đương thơ mộng chỉ làm nàng mỉm cười thôi.
Bức thơ trả lời của nàng hôm nay rất khó viết. Không thể nói tầm ruồng như hắn bằng lời lẽ văn hoa để rồi không nói gì cả, y như Tài. Giờ hắn đã đặt vấn đề, đã hỏi cái gì rõ rệt. Có muốn lẩn tránh, cũng phải khéo léo lắm để khỏi mích lòng người ta.
Và Hiếu phải tốn hơn một tiếng đồng hồ mới xoay xong bức thơ không từ chối đội mưa mà cũng chẳng hứa hẹn tưới cây ở sa mạc. Người con gái, khi còn thơ, rất thích được chinh phục. Nhưng khi họ đã bị sóng dập gió vùi nhiều quá rồi, họ rất là không ưa cái thứ đó, bởi vì không còn kẻ chinh phục nào đủ bản lãnh đối với họ. Những lời tỏ tình khéo léo nhứt chỉ còn được xem là những câu lải nhải nhàm tai, và những săn sóc nồng hậu nhứt chỉ còn được xem là trò khỉ của một thằng ngốc hay một thằng đểu giả.
Trái lại họ đâm ra thích chinh phục. Hiếu chưa nghĩ đến việc “làm lại cuộc đời”. Nàng tìm sinh kế và khí hậu đã giúp sống lại tấm lòng nàng. Hiện nàng cần một đời tình cảm chớ chưa bị bài toán “cuộc đời” làm rối trí.
Cái đời tình cảm ấy nàng phải tự tạo lấy cho nàng chớ những anh chàng Tài kia không sao rung động nàng được. Cho đến cả Nghi, nếu giờ mà hắn có yêu trở lại nàng đi nữa, chưa hẳn hắn tái chinh phục được nàng.
Nàng phải tự tạo đời tình cảm đó, vì thiếu tác giả có khả năng mà cũng chính vì nàng đã đến giai đoạn thích thủ vai chủ động.
Vai tiêu cực chắc chắn là người đồng nghiệp đã run rẩy, đã ú ớ trước mặt nàng chớ không ai khác được. Quen nhau trên hai tháng rồi mà Châu vẫn chưa dạn lên được.
Chàng đã dám nói một vài câu ngắn với Hiếu, nhưng chỉ để hỏi thăm những điều rất cần thiết thôi. Những đồng nghiệp khác thì rất vui vẻ bặt thiệp, nhưng họ lại là những ông già đáng cha, đáng chú nàng.
Cô giáo trẻ, người đã có một đời sống náo nhiệt, rất cần một người bạn trai mà kẻ viết thơ không đủ điều kiện làm cho nàng thỏa mãn.
Giờ ra chơi buổi học sáng hôm đó. Châu trốn trong lớp chàng dạy, như thường lệ, để sửa bài học trò. Hiếu không đến phòng họp, mà qua đó tìm chàng. Nàng bước vào lớp, vừa cười vừa khen:
-Anh Châu siêng quá! Đêm làm gì mà sửa bài bây giờ?
-Cho đỡ tốn dầu đèn cô à!
-Chà, hà tiện dữ như vậy? Để dành tiền cưới vợ có phải không? Châu chỉ tía tai mà không đáp.
-Anh Châu nè, em chịu tiền dầu, anh sửa giùm em một mớ bài được không?
-Tôi sẵn lòng lắm. Nhưng sợ ông hiệu trưởng…
-Anh cố nhái tuồng chữ của em thì có trời mà biết.
-Cô trao tập cho tôi, học trò nó thấy, nó đồn đãi ra.
Không, em bắt chúng nó làm bài trên giấy rời, góp lại chỉ thành một xấp mỏng thôi, không ai thấy đâu mà lo. Chỉ lo anh tố cáo em thôi.
-Sao tôi lại tố cáo cô.
-Nếu vậy thì quí lắm. Nhớ ráng nhái tuồng chữ em cho thật giống nha, em sẽ đền ơn anh bằng một bữa cơm canh chua.
Trống đánh gọi học trò trở vào học, họ chia tay nhau, Hiếu bước đi mấy bước còn ngoái lại đưa một ngón tay lên cái miệng tru nhỏ lại của nàng và nói:
-Xuỵt! Bí mật! Chớ dĩ hơi cho ai biết!
Giờ học sau đó, học trò rất ngạc nhiên mà thấy thầy của chúng dễ dãi hơn mọi hôm nhiều.
Thầy Châu rất sung sướng vì được giữ chung một bí mật với một cô gái mà thầy thấy là đẹp. Sự tùng đảng như kéo hai người xích lại gần nhau hơn, và ý nghĩ rằng họ sẽ chung số phận việc làm sái nguyên tắc mô phạm ấy bị đổ bể, khiến thầy nghe được thân hơn với cô nữ đồng nghiệp mà thầy chưa dám yêu vì bị mặc cảm.
Hiếu không có bận gì cả, và dư sức sửa bài cho học trò của nàng. Nhưng đó là chiến thuật quái ác mà sự tinh ranh tự nhiên của con gái giúp cho nàng tìm ra ngay để chinh phục người con trai không bao giờ có gan bước tới nầy.
Hôm sau, thầy Châu lại văn phòng ông hiệu trưởng để uống trà và đàm đạo trong lúc ra giờ chơi, khiến ai cũng ngạc nhiên cả, trừ người đồng lõa của thầy.
Hôm ấy, thầy không hề trao lời với Hiếu, mà Hiếu cũng chẳng nói gì với thầy. Nhưng người nầy biết chắc rằng người kia chỉ nghĩ đến mình và chỉ thấy có mỗi một mình mình trong phòng ấy thôi.
Mối tình đầu, cho dẫu là nhiều khi nông cạn, vẫn đánh dấu đậm nơi lòng người. Hiếu thật tình không yêu Trọng nữa, cũng không ân hận gì cả, nhưng hình ảnh một người con trai nhút nhát, yêu rất nhiều trong thầm lặng cứ còn rõ nét trong trí nàng và nàng rất có cảm tình với hình ảnh đó, vì nó nhắc nhở nàng những rung động đầu tiên rất êm dịu của nàng. Mà Châu là hình ảnh của Trọng.
Rồi kể từ hôm ấy thì mỗi lần tan học, Châu chần chờ nán lại năm ba phút để nói vài câu chuyện không đâu với Hiếu; mỗi buổi sáng, thầy đi sớm hơn thường lệ đánh một vòng chợ, để tình cờ gặp Hiếu bước ra khỏi nhà trọ rồi đôi bạn cùng đi đến trường, theo sau một đoàn công-voa hộ tống càng ngày càng đông vì bấy giờ có cả nam binh hộ tống nữa, học trò của chính thầy, nhập bọn với học trò của Hiếu.
Như thể mãi cho đến chúa nhựt đầu tiên của tuần lễ âm mưu (âm mưu sửa bài giùm đồng nghiệp) thì lời hứa của Hiếu được thực hiện.
Nàng không bảo trước gì hết nên Châu cứ gởi người đi chợ như thường. Đến lúc chàng lui cui rửa thịt để ướp thì Hiếu đến nơi với nào cá, nào bạc hà, me vắt, mắm nêm.
Mấy con chó ít làm ồn hơn trước, nhưng đủ rậm đám để báo động anh đầu bếp tập sự nầy. Vừa thoáng thấy Hiếu, anh rầu thúi ruột, bởi bận tiếp khách thì còn ai mà nấu ăn. Nhưng ra tới cổng, thấy giỏ cá, rau anh biết ngay là đồng nghiệp anh đến để đáp ơn anh.
Châu bối rối trở lại như lúc đầu, bởi gặp mặt nhau trước đông người, khác xa hội kiến tay đôi. Thành ra thầy không phản đối được một tiếng lấy lệ về vụ mất công của Hiếu.
-Họ đi chợ giùm anh chưa?
-Rồi.
-Em nghe nói thì anh chỉ cứ ăn thịt từ ngày nầy đến tháng khác vì không dám rớ tới con cá. Như vậy thịt đó anh để dành bữa khác mà ăn, không thiu thúi gì đâu. Em đãi anh một bữa canh chua cá rô với mắm nêm cho anh đổi vị.
Hiếu đi thẳng ra cái chòi nhỏ cất dựa gốc mít, sau tha-la. Mặc áo bà ba ở trong, nàng ra áo dài được trước mặt bạn, rồi tìm dao để làm cá ngay.
Châu xấn rấn bên nàng, không phụ được, mà cũng chẳng biết nói gì.
-Anh gốc rễ ở đâu anh Châu?
-Tôi ở dưới Tham-Lương.
-Nói vậy cũng trên đường về của em. Bao lâu anh mới về thăm nhà một lần?
-Cứ đầu tháng là tôi về thăm má tôi, với lại để cho má tôi một ít tiền.
-Còn tiền dư, anh cất đâu?
-Cất trong mình.
-Xuỵt đừng có nói lớn, ăn cướp đánh chết.
Đôi bạn cười xòa trong một trận cười chung đầu tiên, từ khi họ quen nhau, Châu đã dạn lần ra, nói:
-Nói chơi với cô, chớ tiền dư, tôi gởi má tôi cất.
-Đã đủ cưới vợ chưa?
-Nếu cưới con gái Tham-Lương thì đủ.
-Con gái Tham-Lương rẻ à?
-Không. Nhưng họ làm lụng chớ không xài phí.
-Như vậy, sao chưa cưới vợ?
Má tôi muốn lắm, mà tôi thì không thích cưới vợ Tham-Lương.
-Sao vậy?
-Tôi cũng không biết nữa. Mà tôi còn phải học cô à.
-Học tới già sao?
-Không, tôi học để thi vào trường Quốc-gia Sư-Phạm để được làm giáo viên trong ngạch, lương cao hơn.
-Sao anh lại nói là thi tú tài II?
Ấy, vì cứ rớt mãi các kỳ thi tuyển vào trường đó nên tôi phải học thi tú tài cho đỡ buồn. Mà có lẽ tôi sẽ phải đi thật trong con đường học chơi đó, vì tôi sẽ đậu tú tài toàn phần rồi sẽ học cái gì nữa đó không rõ, chớ không phải làm thầy giáo như tôi mơ ước.
-Anh thích làm thầy giáo lắm hả?
-Tôi mê cái nghề nầy, chớ không phải chỉ thích mà thôi.
Hiếu tự hỏi không biết nếu Châu biết nhiều nghề khác ít nhọc hơn, ít trách nhiệm hơn, mà kiếm tiền nhiều hơn như nghề của những anh cuộc-chê của ông bố của Long, không làm gì động tới móng tay mà hưởng thụ nhiều quá, thì liệu Châu còn mê nghề dạy trẻ nữa hay không.
Tuy nhiên, nhờ những cái mê say khiêm tốn đó mà xã hội có cán bộ, và muôn triệu gia đình nho nhỏ mới có cơ sở vững chắc để làm nòng cốt cho quốc gia, chớ nếu gái cứ mê say làm hoa hậu như nàng và trai cứ mê say làm anh hùng hào kiệt thì hỏng bét.
Năm ngoái, chắc Hiếu không thể nào nói chuyện lâu hơn năm phút với một thanh niên hạng của Châu. Nhưng giờ thì nàng vẫn vui dạ được như thường, như là nói chuyện với Suzie, với Lilie, với Hùng với Nghi.
Hơn thế, nàng nghe một sự an ủi vô biên những giây phút gần anh trí thức nhà quê nầy y như là một kẻ lỡ bước đầu hôm trên đường xa lại mắc một đám mưa to, rất sung sướng mà được chủ một lò rèn nát cho tá túc một đêm.
Nàng đã lùi về sống với hàng ngũ của nàng mà trong hàng ngũ nầy, phần tử ưu tú là những thanh niên như Châu vậy.
Một câu chuyện hay, hay là không, tùy lúc, tùy tâm trạng người nghe. Năm kia, nàng ham được Suzie và Hoàng tiết lộ bí mật của cuộc đời. Đầu năm ngoái nàng thích nghe Nghi kể những chuyện phiêu lưu kỳ thú ở những nơi xa lạ. Cuối năm ngoái, nàng mê say chuyện làm ăn bạc triệu của ông bố của Long. Nhưng giờ thì hoài bão nho nhỏ của những cuộc đời tối tăm lại vượt lên, giương hào quang sáng rỡ.
Họ ăn cơm với cá rô nướng, canh chua cá rô và mắm nêm cửa mà Hiếu nài được của một người quen, thứ mắm nêm nầy ngon hơn mắm nêm hòn nhiều mà không sao tìm thấy ở chợ.
Châu từ một năm nay đã phải ăn toàn là thịt; chàng cứ ngỡ, hễ xa mẹ thì phải chịu khổ như vậy nên nhẫn nại chịu số phận, không mong mỏi một sự thay đổi nhỏ nào.
Bữa cơm ngon hôm nay thình lình gợi cho chàng một ý nghĩ giản dị, giản dị đến như là trẻ con: xa mẹ cũng có thể ăn ngon được, nếu có một bàn tay phụ nữ trông bếp núc cho.
-Cô Nghĩa ơi!
-Dạ.
Lần đầu tiên chàng dám mở miệng trước, chớ không phải chỉ đáp lời như từ mấy tháng nay, nhưng gọi cô bạn mới xong, chàng đâm hoảng, tự nhiên quên hết những gì chàng định nói.
Chàng muốn khen tài làm bếp của Hiếu và than cho phận mình không được hưởng những sung sướng nho nhỏ của một người có gia thất.
Hiếu tránh cho bạn sự ngượng nghịu nên mau miệng lấp chỗ lặng thinh của Châu:
-Anh ăn có vừa miệng hay không?
-Ngon không thua gì các món ăn má tôi nấu.
Trưa thứ ba. Hiếu lại tiếp được bức quân thư thứ mấy rồi nàng không còn nhớ nữa.
K.B.C… ngày… Cô Nghĩa mến,
Thứ hai là lễ Lao-Động. Đầu tháng mà được nghỉ hai ngày liên tiếp, chắc cô sẽ về thăm hai bác dưới Sài-gòn. Tôi cũng xin nghỉ phép và xuống thủ-đô trong hai ngày đó.
Có một câu chuyện rất quan trọng cần nói với cô tôi xin cô cho tôi gặp mặt sáng thứ hai vào lúc tám giờ rưỡi tại hiệu phở Minh hẻm Pasteur, rạp chiếu bóng Casino đi lên một đỗi, chắc cô biết.
Tôi sẽ đón cô tại đầu hẻm, để cô khỏi mất công tìm kiếm, rồi ta vào ăn phở sáng để có chỗ đàm đạo.
Thưa cô Nghĩa, đây là câu chuyện quan trọng nhứt đời tôi mà chỉ có cô là người tôi cần trao gởi nó. Nếu cô không vui lòng cho tôi gặp mặt thì chắc là cô sẽ nghe tin dữ cho gia đình tôi sau đó.
Cô Nghĩa ơi, từ lâu rồi, tôi muốn ngỏ lời với cô về một câu chuyện, mà vẫn ngại ngùng không thể viết ra những gì sôi nổi trong lòng tôi.
Nay đã đến nước tôi không còn đè nén đau khổ của tôi được nữa, nên tôi đánh bạo xin cô cuộc hội kiến nầy, rồi sau đó dầu phải chết đi tôi cũng cam tâm.
Nhưng cô Nghĩa ơi, thà là cô ra lịnh cho tôi chết chớ còn bắt tôi chết một cách gián tiếp bằng sự lánh mặt của cô thì xuống tới âm cảnh, tôi vẫn còn ấm ách không rõ được ý kiến của cô thế nào.
Cô Nghĩa ạ, xin cô rủ lòng thương xót cho kẻ cô đơn nầy mà tuổi xanh chưa hề được một phút vui vẻ vì không được một tâm hồn bạn sưởi ấm lòng.
Sự tình cờ đã đưa hai ta đi ngược chiều trên đường đời và may mắn gặp cô, tôi đinh ninh là tôi không còn phải lê bước tìm kiếm gì nữa.
Nhưng cũng còn rủi may của số phận. Tuần nầy tôi đánh ván bài lớn của đời tôi. Được hay thua, ngày lễ Lao-Động tôi sẽ biết, mà tôi thì thuộc vào hạng người không sống sót được sau một trận thảm bại.
Cô Nghĩa ơi, nếu cô nhờm tay không nỡ giết một người thanh niên như tôi, thì tôi van xin, cầu khẩn được gặp mặt cô hôm đó.
Bằng như mà cô xem kẻ hèn mọn nầy không xứng đáng được cô tiếp kiến thì xin vĩnh biệt ngàn năm vậy.
Một người đau khổ NGUYỄN-NGỌC-TÀI
Năm kia, được một bức thơ như thế nầy thì cho dẫu không cảm tình với người viết thơ, Hiếu cũng đã hốt hoảng chạy bay đến nơi mà người ấy xin gặp mặt nàng, bởi vì nàng đã tin bằng lời rằng hễ nàng không đến thì người ấy sẽ chết mất, thì nàng sẽ mang tội với trời đất biết bao. Nhưng mấy năm kinh nghiệm làm cho nàng chỉ mỉm cười thôi lúc đọc xong những bức thơ lối ấy.
“Anh chàng nầy xem thì bảnh thế, dạn dĩ, bặt thiệp thế, nhưng lại còn vụng dại, còn khờ khạo quá trên đường tình. Có lẽ hắn cũng đã nhiều kinh nghiệm, nhưng chỉ kinh nghiệm đối với hạng gái quá ngây thơ và kém thông minh thôi. Thơ hắn rõ ràng như ban ngày là thơ tỏ tình, người được thơ mà đến nơi hẹn, tức là chấp thuận lời tỏ tình của hắn.
“Nhưng người được thơ là mình mà mình có đâu nhận tình của hắn một cách dễ dàng quá như thế, chỉ sau mười mấy bức thơ nói chuyện bâng quơ. Nếu hắn quả kinh nghiệm nhiều, ắt hắn phải nhận thấy ngay rằng mình là một cô gái già giặn trường đời rồi, và sở dĩ mình chịu thơ từ qua lại với hắn chỉ vì lịch sự thôi, và cũng vì không muốn mích lòng con của chủ nhà trọ, chỉ có thế thôi.”
Mỉm cười xong, Hiếu lại châu mày. Sẽ khổ với anh chàng nầy. Hắn không chết đâu, và hắn sẽ gởi thơ nữa mà những bức thơ sau nầy sẽ khó chịu vô cùng.
Không được đáp lời, hắn sẽ mò về đây, thật là bực mình! Gia đình nầy rất tốt bụng, nhưng làm sao tránh được sự bẽ bàng khi con họ thất bại trong cuộc chinh phục của hắn và không khí trong nhà nầy sẽ bị đầu độc.
Hiếu chưa nghĩ đến hôn nhơn một cách quyết liệt. Nàng nghe lòng nàng như lắng trong lại, và tiếp nhận được những tình cảm trong lành trong đó có tình yêu. Nhưng nàng cũng chưa yêu hẳn ai, Châu thì chỉ bị chinh phục vì nàng cần tình bằng hữu thôi.
Nhưng giờ thì nàng thấy đời nàng cần vững chãi hơn.
Chòng chành như nón không quai,
Như thuyền không lái, như ai không chồng.
Cũng may là kẻ ngấp nghé ở xa, lại không có thế lực, nếu như hắn là một tay cường hào địa phương thì nàng sẽ khổ đến đâu!
Chỉ vì nàng còn trẻ, dễ coi, mà lại sống độc thân. Lấy chồng là yên chuyện, cả về mặt đó và mặc khác. Chỉ phiền có một điều!
Không, Hiếu không xấu hổ mà định trao cho một thanh niên toàn thiện như Châu, một tấm thân không còn trong sạch nữa. Nàng sẽ bù lại cho người chồng tương lai của nàng chỗ khuyết điểm ấy bằng một tình mến yêu chơn thật, một cuộc nỗ lực lo tròn bổn phận để gây hạnh phúc cho đời chàng. Nhưng không hiểu chàng đủ độ lượng bao dung, đủ tâm hồn khoáng đạt để mà tha thứ, nhứt là để mà quên để yêu hay không?
“Nhứt định là phải thú thật với chàng bí mật về dĩ vãng của mình, vì mình không muốn đánh lận một người hiền từ, trong trắng như vậy.
“Trong lúc còn yêu bồng bột, còn vương cái lãng mạn của tuổi trẻ, chắc chắn chàng sẽ tha thứ. Nhưng quên được luôn những trang đời không hay của mình là một chuyện khác!
“Mình không muốn đầu độc đời một người đáng kính và dễ mến như vậy. Khổ ơi! Nhưng mà… thế nào mình cũng sẽ biết thực trạng của tấm lòng chàng nếu không, mình không phải là gái kinh nghiệm nữa”.
Hiếu đi lấy giấy viết, không phải để hồi đáp bức thơ mà nàng đọc khi nãy và vẫn còn cầm trên tay, mà để viết cho một người ở xa kia:
Trà-Võ, ngày…
Chị Hoàng mến yêu,
Ắt hẳn chị bằng lòng, vì em có thể sắp lấy chồng đây, điều mà chị cứ xúi giục em mãi làm như là không chồng, không làm cô giáo được vậy.
Ta đã chiến bại trên đường đời, thì lấy chồng khiêm tốn là phải, phải không chị?
Vậy em sẽ lấy một người mà từ nhỏ đến lớn, chỉ đi Sài-gòn có năm bảy lần gì đó thôi, và lần chót là năm ngoái đây, đi thi tú tài phần nhứt.
Em mặc kệ cái lũ thằng Hùng, thằng Nghi, thằng Long, thằng Tú, thằng Đan, thằng Sanh. Chúng nó biết vào nhà hàng gọi bồi thế nào cho oai, nhưng em lại không ăn được cái tài vặt ấy, cũng không mát lòng được với những tài lặt vặt khác của lũ nó như là lái xe, uống rượu mạnh, thuộc lòng tên và mặt các minh tinh.
Có lẽ rồi em sẽ chết bỏ xương ở đây, không bao giờ thèm đi thăm Sài-gòn của các chị, các anh cả, giữa mớ con đàn, cháu đống của em về sau và nước Việt-Nam và loài người không biết rằng có em. Nhưng cũng chẳng kém gì họ biết trong hai tháng một hoa hậu Bồ-Đào, rồi họ quên cô ta mất đi.
Nói thế, chớ cũng không lấy chồng dễ dàng lắm đâu mà chị vội mừng, tuy mười phần em đã chắc chắn thành công hết chín rưỡi.
Chị Hoàng ơi, em còn nhớ chị đã nói: “Những cô gái quá đẹp khó lấy chồng”. Em không còn quá đẹp nữa, mà cũng vẫn cứ khó như thường. Và vì thế mà em mới thấy rằng chị nói rất lý chỉ vì cái khó bây giờ là hậu quả của cái khó lúc còn quá đẹp.
Lúc còn quá đẹp, em đã già kén nên chẹn hom. Nhưng em dại dột kén sắc, kén địa vị, kén tiền tài. Giờ khôn ra, em kén cái khác, nên cũng lại đụng đầu với sự khó khăn nữa.
Nếu em bằng lòng làm thiếm hạ sĩ nhứt thì em sẽ làm dâu được ngay nhà em ở trọ. Nhưng anh chàng ấy xem ra, sẽ bỏ rơi em trong vòng một năm.
Chị Hoàng ơi, có người đã nói với em về một ván bài đời thật lớn. Ngày mai, em sẽ đánh ván bài đó với một người. Em cờ bạc, nhưng sòng phẳng, chớ không gian lận mà cũng không thích sử dụng nước bài cao nào.
Em sẽ đánh cây mụ “cơ” ra, chàng bắt trúng là cả hai đều được. Còn như chàng không có nước cơ thì… không phải em ăn như trong bài cắc-tê đâu nhé, mà em sẽ thua đậm chị à.
Em đã bị tiêu tùng, chỉ còn mong được ở cây mụ “cơ” với trái tim đỏ thôi.
Nếu thua, em không tự tử đâu mà chị lo. Bao nhiêu ván trước bị tiêu tùng tuốt hết mà còn đủ can đảm mò lên đây để tái khởi hành trên đường đời huống chi là ván nầy.
Vậy chị chuẩn bị quà cưới đi nhé. Khách Sài-gòn có lẽ chỉ có hai gia đình trừ gia đình em ra: gia đình chị và gia đình Trọng, nếu Trọng quả thật không giận em nữa và vui lòng đi đám cưới nhà quê nầy.
Em chặt đứt cây cầu nối liền em với Sài-gòn, cái Sài-gòn riêng của bọn con Suzie, sống không thật mà rất hào nhoáng làm cho em phải ngửa nghiêng một lúc. Nhưng cái Sài-gòn của anh Trọng thì em vẫn quí mến như thường.
Nhưng cái Sài-gòn của Trọng, của ba em, nào có khác Chợ Võ bao nhiêu và những hoài bão trong lành, giản dị, vừa sức thực hiện của con người.
Em yêu đời hơn bao giờ cả chị Hoàng ơi!
Em cưng muôn thuở của chị.
HIẾU
_________________________
– HẾT –