Kênh đào “Đế chế Phù Nam” hay tiếng chuông báo tử cho đồng bằng sông Cửu Long

Một góc đồng bằng sông Cửu Long (ảnh: baochinhphu.vn)

Thông tin về dự án có tên “Kênh đào Đế Chế Phù Nam” do Campuchia cùng với các nhà thầu Trung Quốc chuẩn bị tiến hành, chính thức thông báo lên Ủy hội sông Mekong 8 Tháng Tám 2023 vừa qua, cùng với bài phỏng vấn do đài RFA thực hiện với tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center.

Những tiếng cảnh báo lọt vào những lỗ tai điếc

Sự việc đang khiến cộng đồng, đặc biệt giới trí thức và các nhà bảo vệ môi trường quan tâm. Lời nhận xét có phần bi quan của Brian Eyler coi dự án này như “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài” không phải là phóng đại. Tiến sĩ Brian Eyler còn là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ” xuất bản năm 2020. Tác phẩm về môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội… có thể coi như một khúc bi ca tiếc thương sự kết thúc của dòng sông vĩ đại, Mekong, đang tới gần. Tham vọng của con người và những tác động thô bạo vào thiên nhiên đã và đang bức tử con sông từ ngàn đời nay đem lại nguồn sống cho hàng chục triệu người.

Hai mươi năm trước khi Brian Eyler viết “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ”, ông Ngô Thế Vinh đã xuất bản hai bộ sách đồ sộ bao hàm nhiều nội dung về môi sinh, lịch sử, xã hội, địa chính trị văn hóa liên quan tới các cộng đồng dân cư dưới hạ lưu dòng Mekong, cũng như dự đoán chính xác về tác động hủy hoại của hệ thống 14 con đập bậc thềm khổng lồ ở Vân Nam và 11 con đập dòng chính hạ lưu.

Bộ sách đầu tiên là “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 2000 đã gây một tiếng vang trong cả giới học thuật lẫn chính trị, năm 2001 được tái bản lần thứ nhất và tuyệt bản. Không hiểu vì lý do gì, bộ sách đồ sộ và giá trị này đã không được cấp phép tái bản ở trong nước? Cuốn sách thứ hai là “Mekong dòng sông nghẽn mạch” xuất bản năm 2007 là những phóng sự và điều tra sống động tiếp nối.

Có thể nói, những tác phẩm của Brian Eyler hay của ông Ngô Thế Vinh là những lời cảnh tỉnh, dự báo có tầm nhìn xuyên thế kỷ với những nghiên cứu chuyên sâu, phóng sự đa dạng, đa chiều liên quan đến hệ sinh thái của dòng Mekong. Kể từ “Cửu Long cạn dòng” được xuất bản năm 2000 cho đến nay, đã có thêm nhiều các dự án thủy điện và kênh đào khác được hoàn thành trên thượng nguồn và lưu vực con sông, ngày một đẩy nhanh hơn tiến trình hủy diệt môi sinh, tác động tiêu cực tới đời sống, sinh kế của các cộng đồng bản địa dọc hai bên con sông hùng vĩ và hào phóng này.

Dự án “kênh đào đế chế Phù Nam” của Campuchia không phải là con kênh đào đầu tiên lấy nước từ dòng Mekong để phục vụ cho các mục đích kinh tế của quốc gia mà con sông đi qua. Trước đó ba thập niên, dự án kênh đào Kong Chi Mun với tổng phí tổn lên tới US$4 tỷ từ năm 1992 đã lấy đi 300m3/s trong tổng số lưu lượng 1600 m3/s vào mùa khô của ĐBSCL hiện nay. Tiếp đó, một dự án khác có tên KOK ING NAN, gián tiếp lấy nước từ hai phụ lưu lớn của sông Mekong là sông Kok và sông Ing ở vùng Chiang Rai thuộc Bắc Thái Lan, có giá trị dự án $1.5 tỷ, được JICA (Japan International Cooperation Agency) hỗ trợ cấp vốn nghiên cứu thiết kế.

Đó là đường hầm khổng lồ dài hơn 100km để chuyển 2.2 triệu m3 nước mỗi năm từ sông Mekong vào con sông Nan – một phụ lưu của sông Chao Phraya nhằm cấp nước tưới cho vùng châu thổ quan trọng nhất của Thái Lan đang khô hạn. Tuy nhiên, cả hai dự án này không thể gây ra tác động lớn như kênh đào Đế chế Phù Nam. Theo tính toán, con kênh đào này cần đến 7.7 triệu m3 nước để lấp đầy. Như vậy, một khối lượng nước rất lớn sẽ bị lấy đi trước khi dòng Mekong chảy vào lưu vực thuộc địa phận Việt Nam.

Miền Nam Việt Nam sẽ chết!

Trong những năm gần đây, các báo cáo về khí tượng thủy văn đã minh chứng thực tế là đồng bằng sông Cửu Long đã và đang “đói lũ” trầm trọng. Việc lũ không còn về theo tự nhiên, mức lũ thấp hơn nhiều so với dự báo và gần như không còn phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lượng thủy sản tự nhiên suy giảm rõ rệt. Không có lũ về, nước mặn xâm nhập vào đất liền sâu hơn, dữ dội hơn. Còn về lâu dài, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm nhanh hơn khi không có phù sa bồi đắp cùng với nạn khai thác cát bừa bãi.

Ngày 30 Tháng Chín 2023, tờ Thanh Niên dẫn trích một đánh giá của ông Sepehr Eslami, trưởng nhóm tư vấn liên doanh Deltares (Hà Lan) trong bài phóng sự “ĐBSCL trước nguy cơ hết cát”, cho thấy thực trạng đáng sợ khi mà giai đoạn 2017-2022, mỗi năm hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL đã lấy đi 35-55 triệu m3.

Trong khi đó, lượng cát do phù sa bồi đắp từ sông Mekong chỉ còn 2-4 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó là lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông khoảng 0.6 triệu tấn/năm. Có một mâu thuẫn không thể có giải pháp khi nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục qui hoạch phát triển các đô thị lớn như Sài Gòn theo hướng Đông và Đông Nam, hướng ra biển và lấy toàn bộ cát nạo vét từ các dòng sông để tôn nền cho các khu đô thị mới, dẫn đến tình trạng ngập úng trong đô thị khi triều dâng và mưa lớn, cũng như khiến toàn bộ các khu đô thị này có nguy cơ chìm nhanh hơn mọi dự báo bởi tình trạng xói lở nghiêm trọng.

Cuối Tháng Chín 2023, các bức không ảnh cho thấy rõ đập thủy điện Tiểu Loan đã tích đầy nước với tổng lượng khoảng 14.3 tỉ m3. Trong khi dòng chảy tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan ngay phía dưới các con đập đang thiếu hụt đến 65%. Mực nước sông từ Viêng Chăn ở Lào đến ĐBSCL gần như đang ở mức thấp kỷ lục.

Mức độ ngập lũ của vùng đồng bằng Mekong hiện chỉ bằng một nửa so với bình thường. Như vậy, lượng nước của sông Mekong chảy vào vùng châu thổ ĐBSCL không chỉ bị các đập thủy điện giữ lại mà còn tiếp tục bị trực tiếp lấy đi bởi các con kênh đào như Kong Chi Mun, KOK ING NAN hay “đế chế Phù Nam” tới đây. Điều này sẽ sớm dẫn đến một thảm họa về sinh thái khi Việt Nam là quốc gia yếu thế nhất vì ở vị trí cuối cùng ở hạ nguồn của dòng sông.

Không chỉ có vậy, ngoài những tác động về môi sinh, môi trường và kinh tế xã hội mà dự án này gây ra thì có những rủi ro kinh tế, địa chính trị khác tất nhiên Trung Quốc và Campuchia sẽ không bao giờ đề cập đến, ẩn sau mục đích chính của con kênh đào “Đế chế Phù Nam”.

Việc hoàn thành kênh đào “Đế chế Phù Nam” là mảnh ghép cuối cùng trong việc hoàn tất tuyến đường nội thủy cho phép các đoàn tàu chở dầu loại 500-700 tấn có thể đi từ biển Campuchia, ngược dòng Mekong lên đến Vân Nam thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào tuyến đường biển qua eo Malacca như hiện nay.

Âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc

Đây là một kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh. Dự án “Cải thiện thủy lộ thượng nguồn sông Mekong” được ký kết giữa bốn nước tham gia là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào vào Tháng Tư 2001 cho phép các đoàn tàu trọng tải 500-700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao (Simao), Vân Nam xuống tới Chiang Khong, Chiang Sean của Thái Lan và xa hơn nữa tới Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng, trên đường về sẽ chở theo khoáng sản và nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước.

Ngày 29 Tháng Mười Hai 2006, tờ Tân Hoa Xã có bài về việc hai con tàu chở 300 tấn dầu từ một giang cảng Chiang Rai ở Bắc Thái Lan ngược dòng Mekong đã tới một giang cảng phía Tây Nam tỉnh Vân Nam (các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng đều có hệ thống đập dâng cho phép tàu thuyền ngược dòng đi qua). Chuyến đi lịch sử này đánh dấu quyết tâm của Bắc Kinh đi tìm con đường thứ hai để chuyển dầu từ Trung Đông vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những thỏa thuận với Miến Điện, Thái Lan, Lào về việc vận chuyển một lượng dầu hạn chế khoảng 1,200 tấn/tháng từ năm 2006. Đến nay, với “kênh đào đế chế Phù Nam” đi qua trên đất Campuchia sẽ hoàn tất tuyến thủy lộ chiến lược này. Tuy vậy, các cộng đồng dân cư và truyền thông chính thống thì không được hay biết gì.

Nếu thế kỷ 20 mọi cuộc chiến đều liên quan đến dầu mỏ thì thế kỷ 21 cuộc chiến đều vì nguồn nước. Mekong, con sông vĩ đại bởi sự hào phóng của nó, là cái nôi nuôi dưỡng sự sống cho bao nhiêu dân tộc sống ở dưới nguồn từ hàng ngàn năm qua, giờ đây đã kiệt quệ và nhiễm độc.

Với hệ thống 14 đập thủy điện bậc thềm khổng lồ, Trung Quốc có khả năng kiểm soát 55% nguồn nước của Mekong và giữ lại 70% lượng phù sa. Thủy điện đã đem lại sự thay đổi chóng mặt, điện khí hóa đem lại sự thịnh vượng cho Vân Nam, nơi có trữ lượng khoáng sản phong phú lớn nhất thế giới. Thế nhưng cái giá nghiệt ngã phải trả từ việc phá hủy nghiêm trọng môi sinh, môi trường thì các quốc gia dưới nguồn lãnh đủ. Từ việc cạn kiệt nguồn nước tưới vào mùa khô, không còn tôm cá, cho đến dòng Mekong trở thành rãnh nước thải của hàng ngàn nhà máy trên cao nguyên đổ xuống hạ nguồn.

Việc “đế chế Phù Nam” hoàn thành trong tương lai không xa sẽ thay đổi đáng kể địa chính trị khu vực khi mà con sông Mekong trở thành tuyến nội thủy của Trung Quốc, do Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát. Việt Nam, quốc gia yếu thế nhất, đương nhiên cũng dễ bị tổn thương nhất. Ngoài việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt môi sinh, môi trường, nguồn lợi thì những lợi ích kinh tế trước mắt từ việc thông thương với Campuchia qua tuyến thủy lộ truyền thống sẽ mất đi. Cửu Long sẽ thực sự cạn dòng khi không còn lũ, và thậm chí nước ngọt không đủ cho nhu cầu tưới tiêu tối thiểu.

Trong lịch sử cổ đại, chẳng phải người Hán đã từng chặn dòng Thác Lý Mộc trong cuộc bao vây Lâu Lan – một trong những quốc gia cổ đại thịnh vượng trên Con Đường Tơ Lụa, hình thành vào khoảng thế kỷ 2 TCN – khiến cho toàn bộ quốc gia này diệt vong hay sao?

Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người nông dân quyền tự quyết về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài năm tới. ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính quyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: