Barbra Streisand, 81 tuổi, một trong những ngôi sao điện ảnh-ca nhạc huyền thoại thế giới, vừa ra mắt hồi ký “My Name Is Barbra”. Trong cuộc phỏng vấn BBC trước khi quyển hồi ký phát hành (dự kiến ngày 7 Tháng Mười Một 2023), Barbra Streisand đã tiết lộ nhiều điều, trong đó có quan hệ của bà với Sydney Chaplin (con trai của vua hề Charlot), khi cả hai cùng đóng vai chính trong vở nhạc kịch “Funny Girl” trên sân khấu Broadway vào thập niên 1960.
“Tôi thậm chí không muốn nói về điều này. Đó là chuyện một anh chàng phải lòng tôi. Điều này thật bất thường. Khi tôi nói với anh ấy, ‘Tôi không muốn dính dáng đến anh’, anh ấy xoay sang nhìn tôi theo một cách rất kinh khủng. Anh ấy (tuôn ra)… những lời khủng khiếp. Những tiếng thóa mạ. (Khi cùng diễn), anh ấy không nhìn vào mắt tôi. Mà ai cũng biết, khi cùng diễn, điều thực sự quan trọng là phải nhìn vào bạn diễn và tương tác với họ.”
Streisand kể rằng trải nghiệm này khiến bà hoảng sợ sân khấu đến mức thậm chí ngưng diễn trong thời gian dài. Trong suốt sự nghiệp mình, bà còn gặp nhiều diễn viên nam “có vấn đề”, chẳng hạn Walter Matthau, người từng làm nhục bà trên phim trường “Hello, Dolly!” khi hét toáng lên: “Thậm chí những cái đánh rắm của tôi cũng thể hiện tài năng hơn cả toàn bộ thân hình của cô (“I have more talent in my farts than you have in your whole body”).
“My Name Is Barbra” cũng liệt kê những quý ông bị Barbra Streisand mê hoặc, trong đó có Omar Sharif. Tài tử này mê đắm đến mức viết những bức thư dài dằng dặc năn nỉ Barbra Streisand bỏ chồng để sống với ông. Danh sách những người mê Barbra Streisand còn có Vua Charles (lúc đó là Thái tử Charles). Ông nói bà là cô gái “quyến rũ khủng khiếp” với “sức hấp dẫn giới tính không thể chịu nổi”. Ngoài ra, còn có tài tử điển trai Marlon Brando. Khi gặp Barbra Streisand, Marlon Brando đã tự giới thiệu bằng cách… hôn vào gáy bà và nói: “Em không thể có tấm lưng (quyến rũ) như vậy mà không khiến người ta không đặt vào đó một nụ hôn”.
Trong hồi ký (được viết trong gần một phần tư thế kỷ, bắt đầu từ những ghi chú bằng bút chì vào năm 1999 đến khi bản thảo hoàn thành gần 1,000 trang), Barbra Streisand cũng đề cập đến những xúc phạm về ngoại hình bà trong thời kỳ đầu mới vào nghề. Bà nói với BBC: “Ngay cả sau ngần ấy năm, tôi vẫn thấy bị tổn thương bởi những lời lăng mạ như vậy”.
Streisand kể về cái chết của cha bà (tử vong do xuất huyết não) khi bà mới 15 tháng tuổi, khiến gia đình rơi vào cảnh túng bấn tột cùng. Người cha dượng – một ông bán xe cũ – tỏ ra rất xa cách và độc ác. “Tôi không nhớ ông ấy có bao giờ nói chuyện hay hỏi han gì tôi không. Tôi chưa bao giờ được ông ấy, hoặc thậm chí mẹ tôi, chăm sóc mình. Mẹ tôi không chỉ không nhìn thấy niềm đam mê muốn trở thành diễn viên của tôi mà bà ấy còn khiến tôi thối chí.”
Streisand rời nhà năm 16 tuổi và kiếm sống bằng chân thư ký. Vào cuối tuần, cô xin làm thêm nghề nhân viên soát vé nhà hát để có thể xem những vở kịch Broadway mới nhất. “Tôi được trả $4.5 USD, hình như vậy. Tôi luôn giấu mặt vì nghĩ ngày nào đó mình sẽ được nhiều người biết đến. Buồn cười thật nhỉ. Tôi không muốn mọi người nhận ra tôi trên màn hình rồi nói, à, đó là cô gái từng soát vé và chỉ ghế ngồi cho mình”.
Ước mơ trở thành ngôi sao của Barbra Streisand trở thành hiện thực vào năm 1960, khi bà tham gia một cuộc thi tài năng với giải thưởng $50 và một bữa tối. Bà kể, đêm đó, bạn gái của diễn viên Tiger Haynes nói với bà: “Cô bé, chị thấy hình ảnh đồng đôla tỏa ra khắp người em”. Barbra Streisand giành chiến thắng, từ đó được mời diễn quanh Greenwich Village ở New York, và được đón nhận nồng nhiệt trong các câu lạc bộ và quán bar.
Bước ngoặt đột phá thực sự của bà là đóng vai Fanny Brice trong vở “Funny Girl” (1964) trên sân khấu Broadway và sau đó là vai nữ chính trong bộ phim chuyển thể từ “Funny Girl”. Bộ phim mang về cho Streisand giải Oscar đầu tiên. Barbra Streisand bước lên đài danh vọng. Bà được mời đóng chính trong “What’s Up, Doc?”, “The Owl and the Pussycat”, và “The Way We Were”…
Không chỉ điện ảnh, trong sự nghiệp thu âm, bà trở thành giọng ca đỉnh của đỉnh. Bà để lại vô số dấu ấn với những bản hit trong lịch sử âm nhạc, từ “Woman in Love”, “Evergreen”, đến “No More Tears (Enough Is Enough)”, trở thành nữ ca sĩ có đĩa bán chạy đứng thứ hai mọi thời.
Năm 1983, Streisand thử sức với nhiều vai trò cùng lúc khi thực hiện “Yentl”, bộ phim Hollywood đầu tiên có một phụ nữ vừa là nhà biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn và vừa kiêm luôn diễn viên chính. Trong suốt sự nghiệp sáng chói, Barbra Streisand là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi nằm trong danh sách “EGOT”, tức đoạt được đủ các giải Emmy (truyền hình), Grammy (âm nhạc), Oscar (điện ảnh) và Tony (kịch nghệ).
Dù thành công, trở thành một ngôi sao khổng lồ trong thế giới giải trí, với thành tích 150 triệu đĩa hát, 9 giải Quả cầu vàng, 4 giải Emmy và 2 giải Oscar (cho diễn xuất và sáng tác), Streisand nói bà vẫn thấy mình không mấy hạnh phúc khi điểm nhìn lại cuộc đời. “Tôi chỉ muốn có một cuộc sống (bình thường),” bà nói. “Tôi chỉ muốn lên xe tải của chồng [diễn viên James Brolin] và đi lang thang đó đây, hy vọng có bọn trẻ xung quanh… Ấy thế nhưng tôi lại không có nhiều niềm vui trong đời…”