SACRAMENTO, California (NV) – Sau khi Tối Cao Pháp Viện cấm áp dụng chính sách đặc cách trong đại học (Affirmative Action), nhiều sinh viên đang thay đổi cách chọn trường, và nhiều đại học đang thay đổi cách tuyển sinh viên để có sự đa văn hóa.
Theo hai tác giả Carolyn Jones và Mikhail Zinshteyn trong một bài viết trên báo mạng CalMatters hôm 3 Tháng Mười Một, đối với nhiều sinh viên gốc thiểu số, quyết định cấm chính sách đặc cách, hay những chính sách ưu tiên cho người thiểu số, làm họ cảm thấy chán nản trong mùa nộp đơn cho đại học.
Để tuyển nhiều sinh viên hơn, các đại học tư ở California đang tăng cường nỗ lực thu hút sinh viên và gửi ra thông điệp cho biết họ vẫn coi trọng sự đa văn hóa tuy không còn chính sách đặc cách nữa.
Vào Tháng Sáu năm nay, Tối Cao Pháp Viện bỏ phiếu 6-3, cấm mọi đại học ở Hoa Kỳ dùng chủng tộc làm một yếu tố để cân nhắc tuyển sinh viên. Các đại học công lập ở California không tuyển sinh viên bằng chính sách đặc cách trong vòng 30 năm, nhưng các đại học tư ở tiểu bang này và nhiều đại học công lập ở tiểu bang khác sử dụng chính sách đó để tuyển sinh viên thiểu số, tạo sự đa văn hóa trong khuôn viên trường.
Các đại học tư nhân bất vụ lợi ở California có tổng cộng 180,000 sinh viên cử nhân, và những sinh viên đó muốn lớp học ít người và có cuộc sống tại đại học dễ chịu hơn.
Ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết, Hiệp Hội Đại Học Tự Do California, đại diện cho hơn 80 đại học tư nhân bất vụ lợi ở California, cho rằng phán quyết đó có thể dẫn đến việc các đại học tư mất đi sự đa văn hóa, cũng như ảnh hưởng đến nhiều sinh viên thiểu số thuộc gia đình có thu nhập thấp.
Hệ thống đại học University of California (UC) từng gặp phải vấn đề giảm sự đa văn hóa sau khi tiểu bang thông qua đạo luật do cư dân bỏ phiếu vào năm 1996, cấm các đại học công lập dùng chủng tộc làm yếu tố để tuyển sinh viên hay tuyển nhân viên.
Vài năm sau khi đạo luật đó được thông qua, hệ thống UC bị giảm sự đa văn hóa rất nhiều, khiến hệ thống này đầu tư $500 triệu vào các chương trình giao tế để tuyển sinh viên thiểu số, nhưng vẫn không hiệu quả như chính sách đặc cách.
Học kỳ mùa Xuân và Thu 2024 sẽ cho thấy phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ảnh hưởng đến số sinh viên ghi danh cho đại học tư nhân ra sao.
Có một cách mà một số đại học tư tuyển sinh viên là đưa học sinh trung học đến thăm trường và tạo quan hệ thân thiết với các nhà tư vấn trung học.
Pomona College, một đại học tư nhân khó vào ở Los Angeles, tăng số trường trung học được đến thăm đại học này từ 17 lên 25, tăng số học sinh đến thăm từ 650 lên 900. Đại học này còn trả hết chi phí đi ăn uống và đi lại.
Pomona College có tổng cộng 1,700 sinh viên, và 25% là cư dân California nên muốn tìm cách tuyển sinh viên trong tiểu bang.
Tuy Pomona College không dùng chủng tộc làm yếu tố để tuyển sinh viên nữa, nhưng đại học này vẫn cho phép những người nộp đơn nói về chủng tộc ảnh hưởng đến học vấn và cách giao tiếp của họ ra sao.
Đại học Stanford University từng dùng chính sách đặc cách để tuyển sinh viên, và bây giờ muốn sinh viên biết kế hoạch trợ cấp học phí hào phóng, trả hết tiền học, tiền chỗ ở, và tiền mua sách cho sinh viên có thu nhập thấp. Sinh viên chỉ cần làm việc bán thời gian để trang trải một số chi phí khác.
Sáu đại học tư khác dùng công cụ MyinTuition để ước tính sinh viên nhận được trợ cấp học phí bao nhiêu sau khi trả lời vài câu hỏi.
Đại học University of Southern California (USC) cho biết đang có một cách hiệu quả để tuyển sinh viên là dựa vào sự đa chủng tộc của các trường trung học, địa điểm, và có lịch sử liên quan tới USC trong quá khứ hay không.
Ngoài tuyển sinh viên, sự đa văn hóa hay chủng tộc trong khuôn viên đại học cũng rất quan trọng như có các chương trình hay sự kiện nói về chủng tộc hay sắc dân, cho trợ cấp tốt và có môi trường thân thiện hơn.
Tổ chức Black Students of California United cho biết đó là những yếu tố quan trọng để tuyển sinh viên thiểu số.
Một số chuyên gia tư vấn cho hay sinh viên thường bị hội chứng giả mạo (imposter syndrome), có nghĩa là lo lắng, thấy mình không thành công, và cảm thấy như đang “giả mạo.” Vì vậy, họ khuyên sinh viên nên tự hào vì những gì mình đạt được và nên bất chấp phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.
Nhiều tổ chức văn hóa cũng đang đưa ra những thông điệp tương tự, giúp sinh viên thiểu số cảm thấy thoải mái hơn trong những năm đại học.
Đối với một số đại học, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện gần như không ảnh hưởng đến cách tuyển sinh viên vì trong nhiều thập niên họ không dùng chủng tộc làm yếu tố tuyển sinh viên. Thay vào đó, họ thường cho học sinh đến thăm đại học và hợp tác với nhiều trung học.
Đối với sinh viên và học sinh thiểu số, họ cảm thấy phán quyết không thay đổi cách họ nộp đơn vào đại học. Họ vẫn nói về sắc dân của mình và gia đình vì đó là một phần quan trọng của bản thân.