Không khí Hà Nội ô nhiễm… thứ tư trên thế giới

Hà Nội ô nhiễm thứ 4 thế giới trong sáng 28 Tháng Mười Một, 2023 – Ảnh: VNN

Đó là kết quả xếp hạng do ứng dụng Air Visual đưa ra vào sáng 28 Tháng Mười Một năm 2023. Các ứng dụng quan trắc khác cũng đưa ra kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm ở Hà Nội ở ngưỡng rất xấu, thậm chí nguy hại đến sức khỏe mọi người.

Air Visual là ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới. Ứng dụng này ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội lúc 7 giờ sáng ngày 28 Tháng Mười Một là 225 – ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), xếp thứ 4 trong danh sách gần 100 thành phố, chỉ sau Delhi của Ấn Độ, Lahore và Karachi của Pakistan – những thủ phủ ô nhiễm nhất thế giới nhiều năm qua.

Kết quả ghi nhận của Air Visual khá tương đồng với hệ thống theo dõi chất lượng không khí trong nước.

Ứng dụng VN Air của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội sáng nay ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI là 214 tại điểm đo Long Biên. Nhiều khu vực khác của miền Bắc cũng ghi nhận chất lượng xấu đến rất xấu đến nguy hại như Bắc Ninh.

PAM Air – ứng dụng theo dõi chất lượng không khí có số điểm đo lớn nhất Việt Nam ghi nhận sắc tím bao trùm khắp Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, cá biệt một số điểm lên tới ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hiểm nhất đến sức khỏe con người với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà).

Trong đó, hầu hết các quận, huyện như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Gia Lâm, Đông Anh đều ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng rất xấu (chỉ số AQI từ 200-300). Riêng điểm đo ở Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng nâu (chỉ số AQI trên 300).

Ô nhiễm không khí kéo dài nhiều ngày qua ở Hà Nội – Ảnh: VNN

Cũng theo kết quả quan sát của các ứng dụng, không khí Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm đã nhiều ngày qua, và tình trạng này tiếp tục gia tăng một cách đáng ngại.

Trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ nhận định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có thể kéo dài đến khoảng Thứ Năm (30 Tháng Mười Một). Đầu Tháng Mười Hai, nhờ ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh yếu tràn xuống, chất lượng không khí ở thủ đô có thể cải thiện một phần.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, miền Bắc đang trong mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất năm.

Nguồn gây ô nhiễm không khí được xác định đến từ nguồn giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ.

Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống.

Hiện nay, nhà nước vẫn loay hoay khuyến cáo người dân nên tự bảo vệ lấy bản thân và gia đình, chứ chưa có chính sách lâu dài nhằm giảm ô nhiễm không khí một cách hiệu quả.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: