Sự biến mất bí ẩn của nữ phi công tài ba Amelia Earhart

Amelia Earhart (1897-1937), hình chụp năm 1937. (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Sau hơn 80 năm, sự biến mất của nữ phi công tài ba Amelia Earhart vẫn còn là dấu chấm hỏi đầy uẩn khúc và gây tranh cãi.

Sáng ngày 2 Tháng Bảy năm 1937, Amelia Earhart và hoa tiêu của cô, Fred Noonan, cất cánh từ Lae, New Guinea, trên một trong những chặng cuối cùng của kế hoạch di chuyển vòng quanh thế giới.

Điểm đến tiếp theo của họ là đảo Howland ở trung tâm Thái Bình Dương, cách đó khoảng 2,500 dặm. Chiếc Itasca – tàu tuần tra của U.S. Coast Guard (Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ), đợi sẵn ở đó để hướng dẫn nữ phi công nổi tiếng thế giới hạ cánh xuống đảo san hô nhỏ bé, không có người ở.

Nhưng sự chờ đợi của họ trở nên vô vọng. Earhart không đến Đảo Howland. Đối mặt với bầu trời u ám, đường truyền vô tuyến bị lỗi và nguồn cung cấp nhiên liệu giảm nhanh chóng trên chiếc phi cơ Lockheed Electra hai động cơ, Earhart và Noonan mất liên lạc với Itasca.

Bất chấp sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ có quy mô chưa từng có, bao gồm các tàu và máy bay của Hải quân và U.S. Coast Guard lùng sục khoảng 250,000 dặm vuông, họ vẫn không tìm thấy Lockheed Electra. Earhart và hoa tiêu của cô biến đi đâu?

Trong báo cáo chính thức vào thời điểm đó, Hải quân kết luận rằng Earhart và Noonan đã hết nhiên liệu, lao xuống Thái Bình Dương và chết chìm dưới đại dương. Lệnh của tòa án tuyên bố Earhart đã chết một cách hợp pháp vào Tháng Giêng năm 1939, 18 tháng sau khi cô biến mất.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, cuộc tranh luận nổ ra về những gì thực sự xảy ra vào ngày 2 Tháng Bảy năm 1937 và sau đó. Một số giả thuyết thay thế xuất hiện và hàng triệu đôla được chi ra để tìm kiếm bằng chứng tiết lộ sự thật về số phận của Earhart.

Amelia Earhart (1898-1937), phi công người Mỹ, phụ nữ đầu tiên vượt Đại Tây Dương, đứng bên chiếc phi cơ của mình. (ảnh: Getty Images)

Lý thuyết Castaway

Trong lần truyền sóng vô tuyến cuối cùng của nữ phi công, được thực hiện lúc 8:43 sáng giờ địa phương vào buổi sáng 2 Tháng Bảy, Earhart cho biết cô đang bay “trên đường 157 337… theo hướng bắc và nam”, tập hợp tọa độ định hướng mô tả một đường chạy qua Đảo Howland.

Năm 1989, một tổ chức có tên International Group for Historic Aircraft Recovery (TIGHAR) (Nhóm Quốc tế về Phục hồi Máy bay Lịch sử) thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên tới Nikumaroro, một đảo san hô vòng xa xôi ở Thái Bình Dương, một phần của Cộng hòa Kiribati.

và Richard Gillespie, giám đốc TIGHAR, tin rằng khi Earhart và Noonan không tìm thấy Đảo Howland, họ tiếp tục đi về phía nam dọc theo đường 157/337 khoảng 350 hải lý và hạ cánh khẩn cấp xuống Nikumaroro (khi đó được gọi là Đảo Gardner). Theo lý thuyết này, họ sống bị trôi dạt lên hòn đảo nhỏ bé không người này, và cuối cùng chết tại đó.

AAmelia Earhart và Fred Noonan tại phi trường Honolulu, Hawaii, ngày 20 Tháng Ba năm 1937. (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Tư liệu cho thấy, vào ngày 9 Tháng Bảy năm 1937, tức một tuần sau khi Earhart mất tích, phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ bay qua Đảo Gardner, và không thấy dấu hiệu nào của Earhart, Noonan hay chiếc máy bay mà Earhart điều khiển. Nhưng họ lại báo cáo là đã nhìn thấy dấu hiệu của “sự sống” mặc dù không có ai sống trên đảo san hô kể từ năm 1892.

Năm 1940, các quan chức Anh phát hiện được một phần bộ xương người từ vùng đất xa xôi của Nikumaroro; một bác sĩ sau đó đo xương và kết luận, đó là xương của đàn ông. Vào năm 1998, TIGHAR cũng phân tích về rất ít số xương này, vì hầu hết không còn được lưu giữ, và tuyên bố rằng rất có thể đó là xương của một phụ nữ gốc Âu châu, có chiều cao của Earhart khoảng (5.7 – 5.8 feet).

Vào năm 2018, một phân tích pháp y về các phép đo xương được các nhà nhân chủng học từ University of Tennessee (hợp tác với TIGHAR) thực hiện, cho thấy “các xương có nhiều điểm giống với Earhart”, theo một nghiên cứu và được trường đại học tuyên bố vào thời điểm đó.

Vị trí đảo Saipan trên bản đồ, cách Tokyo khoảng 2,450 dặm về phía nam. (ảnh: Getty Images)

Bị quân Nhật bắt làm tù binh?

Một giả thuyết khác cho rằng khi không đến được Đảo Howland, Earhart và Noonan buộc phải hạ cánh xuống Quần đảo Marshall do Nhật Bản nắm giữ. Theo giả thuyết này, người Nhật đã bắt Earhart và Noonan rồi đưa họ đến đảo Saipan, cách Tokyo khoảng 2,450 dặm về phía nam, nơi họ tra tấn họ vì bị cho là gián điệp cho chính phủ Hoa Kỳ. Họ có thể bị hành quyết và chết tại đây sau thờn bị giam giữ. Sau đó họ chết khi bị giam giữ.

Kể từ những năm 1960, giả thuyết Earhart và Noonan bị Nhật bắt giữ có vẻ được chú ý bởi tính hợp lý, và theo lời kể của người dân đảo Marshall-những người sống vào thời điểm “nữ phi công người Mỹ” bị giam giữ ở Saipan vào năm 1937, những lời kể mà họ đã truyền lại cho bạn bè và con cháu của mình.

Một số người ủng hộ giả thuyết này cho rằng Earhart và Noonan thực chất là gián điệp của Mỹ và nhiệm vụ vòng quanh thế giới của họ là nhằm che đậy những nỗ lực bay qua và quan sát các công sự của Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Ở thời điểm đó, Nhật Bản vẫn chưa phải là kẻ thù của Mỹ, trước khi diễn ra trận tấn công Trân Châu Cảng.

Một số người cho rằng Earhart không chết ở Saipan sau khi bị bắt mà được thả và hồi hương về Hoa Kỳ dưới một cái tên giả. Bắt đầu từ những năm 1970, một số người ủng hộ giả thuyết này đã lập luận rằng một phụ nữ ở New Jersey tên Irene Bolam thực chất là Earhart.

Nhưng Bolam một mực mạnh mẽ phủ nhận tuyên bố này, gọi chúng là “trò bịp bợm được ghi chép quá kém”, nhưng dù vậy, người ta vẫn cứ tin Bolam là Earhart, sau khi bà qua đời vào năm 1982.

Nữ phi công Amelia Earhart (1898 – 1937) bắt tay đại sứ Mỹ tại Anh Andrew Mellon (1855 – 1937), sau khi hoàn thành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên, hạ cánh xuống Bắc Ireland. (ảnh: New York Times Co./Getty Images)

Bí ẩn kéo dài

Kể từ năm 1989, TIGHAR thực hiện ít nhất hàng chục chuyến thám hiểm tới Nikumaroro, thu thập các đồ tạo tác từ những mảnh kim loại (có thể là các bộ phận của chiếc phi cơ) cho đến một lọ kem trị tàn nhang bị vỡ,  nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy phi cơ của Earhart đã hạ cánh ở đó.

Hơn 80 năm tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và sử học, giả thuyết vụ tai nạn và chìm tàu vẫn là lời giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất về số phận của Earhart. Nhưng qua ba chuyến thám hiểm kể từ năm 2002, công ty thám hiểm biển sâu Nauticos đã sử dụng sóng siêu âm để quét khu vực ngoài khơi Đảo Howland gần nơi phát ra thông điệp vô tuyến cuối cùng của Earhart, bao phủ gần 2,000 hải lý vuông, mà vẫn không tìm thấy dấu vết mảnh vỡ của tàu Electra.

Cho đến khi mảnh vỡ đó, hoặc một số bằng chứng rõ ràng khác, được tìm thấy, bí ẩn xung quanh chuyến bay cuối cùng của Amelia Earhart mới được sáng tỏ. Còn đến thời điểm này, sự biến mất khỏi vũ trụ của nữ phi công tài ba vẫn còn trong vòng bí ẩn.

***

Amelia Earhart là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử ngành hàng không, đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim, sách và vở kịch. Sinh năm 1898 tại Kansas, Earhart trở nên nổi tiếng nhờ những thành tích nổi bật với tư cách là một nữ phi công đầu tiên vượt Đại Tây Dương bằng phi cơ (1928), đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thực hiện chuyến bay thẳng xuyên lục địa xuyên nước Mỹ vào Tháng Tám năm 1932.

Amelia Earhart đã chứng minh cho mọi người trên toàn cầu thấy phụ nữ có thể đạt đến tầm cao như thế nào. Rất tiếc là câu chuyện của bà có một kết thúc bi thảm và bí ẩn.

(theo History)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: