Boeing đã bán linh hồn của họ như thế nào?

Từng tạo dựng tên tuổi khổng lồ trong ngành hàng không như một trong những nhà sản xuất máy bay số một thế giới, Boeing đang dính vào vô số rắc rối (ảnh: Stephen Brashear/Getty Images)

Boeing – một đại công ty, từng và vẫn là biểu tượng sức mạnh nền công nghiệp khổng lồ của nước Mỹ – đang sính vính lâm vào tình cảnh hỗn loạn, như thể nó đang rơi tự do. Ngày 25 Tháng Ba 2024, Boeing loan bố CEO David L. Calhoun chính thức rút lui vào cuối năm nay. Sự ra đi của David Calhoun chắc chắn không giải quyết được tất cả vấn đề mà Boeing đang vướng phải…

Chuyện gì đang xảy ra?

Chiếc điện thoại trong phòng 511, khách sạn Holiday Inn ở Charleston, South Carolina, reng liên tục mà không có phản hồi. Hôm đó là Thứ Bảy, 9 Tháng Ba 2024, và các luật sư Rob Turkewitz và Brian Knowles đang nóng lòng gặp John Barnett, nhân chứng chống lại Boeing. Làm việc tại nhà máy Boeing ở South Carolina từ năm 2011 đến năm 2017, John Barnett 62 tuổi đã chứng kiến ​​nhiều vụ vi phạm an toàn. Barnett cáo buộc, sau khi ông công khai lên tiếng, Boeing trừng phạt ông bằng cách không thăng chức và buộc đương sự phải nghỉ hưu sớm…

Khi Barnett không trả lời điện thoại, Turkewitz và Knowles gọi đến khách sạn và yêu cầu nhân viên tìm chiếc bán tải Dodge Ram màu cam của đương sự. Chiếc Dodge được tìm thấy trong bãi đậu xe. Bên trong, Barnett nằm chết gục, ngón tay vẫn đặt trên cò súng. Cái chết của John Barnett hiện tiếp tục được điều tra…

Tạm gác loạt thuyết âm mưu liên quan John Barnett trước khi cuộc điều tra có kết luận chính thức, thử xem những rắc rối của Boeing đến từ đâu. Giá cổ phiếu công ty đã giảm gần một phần ba trong năm nay. Trang web đặt vé Kayak cho biết việc khách hàng bỏ chọn các chuyến bay 737 Max đã tăng 15 lần kể từ đợt bùng nổ vào Tháng Giêng. Các cơ quan quản lý và công tố viên đang đào sâu hoạt động nội bộ của công ty. Trong toàn ngành hàng không, cảm giác khủng hoảng trở nên sâu sắc đến mức ngay cả sau khi Boeing tuyên bố David Calhoun rời khỏi ghế CEO, sự bất an vẫn lan rộng.

Boeing đang biến họ từ biểu tượng của chất lượng hàng đầu thế giới thành hình ảnh của sự thiếu thận trọng trong quản lý. Họ cắt giảm sản xuất, sa thải công nhân có kinh nghiệm để tiết kiệm, dồn sức tìm cách nâng giá cổ phiếu thay vì đầu tư nghiên cứu-phát triển sản phẩm…

Justin Green, đối tác của công ty luật Kreindler & Kreindler LLP, đại diện cho 34 gia đình hành khách thiệt mạng trên chiếc 737 Max của một hãng hàng không Ethiopia, nói:

“Gót chân Achilles của Boeing là theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn và giá cổ phiếu. Về lâu dài, nó sẽ giết chết công ty.”

David Calhoun sẽ rời ghế CEO vào cuối năm 2024 (ảnh: Aaron Schwartz/NurPhoto via Getty Images)

Nguyên nhân đến từ văn hóa quản trị công ty

Trong nửa sau thế kỷ 20, Boeing đã phát triển cực mạnh nhờ cam kết quyết liệt về chất lượng kỹ thuật. Những năm 1960, Boeing đánh cược lớn vào dòng 737 và 747, góp phần tạo ra sự bùng nổ ngành du lịch hàng không và giúp Boeing trở thành kẻ thống trị không thể tranh cãi. Boeing nghiền nát mọi đối thủ. Châu Âu hoảng loạn đến mức thành lập một tập đoàn gồm các nhà sản xuất nhỏ, gọi là Airbus, để đấu với Boeing. Tuy nhiên, Boeing vẫn vô địch thiên hạ. Năm 1997, Boeing nuốt chửng đối thủ nội địa McDonnell Douglas.

Tuy nhiên, như phân tích của The New York Magazine ngày 2 Tháng Tư 2024, chính sự sáp nhập Boeing-McDonnell Douglas đã chứa đựng mầm mống những vấn đề hiện tại. McDonnell Douglas được điều hành bởi Harry Stonecipher, từng là học trò của Jack Welch (một huyền thoại của lịch sử doanh nghiệp Mỹ với những kỳ tích lập được cho tập đoàn General Electric). Harry Stonecipher tán thành quan điểm rằng nhiệm vụ đầu tiên và duy nhất của một công ty là tối đa hóa giá trị cổ đông – hay nói một cách đơn giản là làm cho giá cổ phiếu công ty tăng lên trong ngắn hạn. Với chủ trương như vậy, một công ty sẽ không có mối quan tâm nào khác, từ những ảnh hưởng đối với môi trường, phúc lợi nhân viên, đến thậm chí khả năng tồn tại lâu dài của chính công ty.

Sau khi McDonnell Douglas được mua lại, Harry Stonecipher trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn Boeing mới và đồng thời giữ ghế giám đốc điều hành (CEO). Dưới sự chỉ đạo của Stonecipher, Boeing bắt đầu phát triển máy bay thân rộng 787. Lần đầu tiên trong lịch sử, công ty giao việc thiết kế các bộ phận cho những nhà thầu phụ để tiết kiệm chi phí. Quá trình này là một thảm họa. Sau khi Stonecipher bị buộc thôi việc từ vụ quan hệ tình cảm ngoài luồng với một viên chức điều hành, năm 2005, Boeing thay Stonecipher bằng một học trò khác của Jack Welch, cũng từ tập đoàn GE: James McNerney.

Để hỗ trợ giá cổ phiếu công ty, Boeing dưới quyền McNerney đã đổ hàng tỷ đôla vào việc mua lại cổ phiếu thay vì đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm duy trì tính cạnh tranh. McNerney quyết định không đầu tư nghiên cứu-chế tạo máy bay mới thay thế 737. Thay vào đó, Boeing điều chỉnh và cập nhật mẫu hiện có và gọi là 737 Max – bằng cách trang bị động cơ lớn hơn; đồng thời lắp hệ thống MCAS (Maneuvering Characteristics Augmentation System) giúp điều chỉnh độ cao máy bay mà không cần sự can thiệp phi công.

Trong nhà máy Boeing ở Everett (tiểu bang Washington) – ảnh: Stephen Brashear/Getty Images

McNerney cũng áp dụng nhiều chiến lược cắt giảm sâu chi phí. Dưới sự giám sát của ông, Boeing mở dây chuyền sản xuất máy bay không có công đoàn (non-unionized aircraft production line) đầu tiên; và khởi xướng chương trình “Hợp tác để thành công” (“Partnering for Success”) vốn mục đích chỉ nhằm ép các nhà thầu phụ giảm giá từ 15% trở lên. Dù có không ít ý kiến rằng việc ép các nhà cung cấp sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng linh kiện nhưng McNerney vẫn làm. Nếu các nhà thầu phụ phàn nàn, họ có thể bị mất hợp đồng, chẳng hạn trường hợp nhà sản xuất thiết bị hạ cánh United Technologies Aerospace Systems.

McNerney nghỉ hưu năm 2015, tự tay chọn người kế nhiệm – Dennis Muilenburg. Trong ba năm tiếp theo, giá cổ phiếu Boeing tăng hơn gấp đôi, khi hãng trúng loạt hợp đồng cung cấp máy bay mới cho khắp thế giới. Bloomberg News cho biết, Muilenberg và McNerney “có lý do cá nhân để nhấn mạnh đến năng suất và cắt giảm chi phí” vì thù lao của họ gắn liền với điều này. Hai người đã nhận tổng cộng $209 triệu trong bảy năm.

Ngày 28 Tháng Mười 2018, chiếc 737 Max do một hãng hàng không Indonesia vận hành gặp nạn. Bốn tháng sau, chiếc Max của một hãng hàng không Ethiopia cũng bị lỗi. Cả hai trường hợp được xác định là trục trặc hệ thống MCAS. Chuyện không nhỏ, khi cái giá phải trả là 346 mạng người! Đội bay Max bị đình chỉ gần hai năm, khiến Boeing thiệt hại hàng tỷ đôla. Năm 2019, Airbus vượt qua Boeing trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Cùng năm đó, hội đồng quản trị Boeing sa thải Muilenburg và thay thế bằng David Calhoun.

Chỉ cần trở lại là chính mình như từng

Khi hoạt động du lịch hàng không toàn cầu ngừng hoạt động bởi COVID-19, suy thoái ảnh hưởng nặng nề, và Boeing phải sa thải phần lớn lực lượng lao động giàu kinh nghiệm. Điều này giúp tiết kiệm ngân sách trong thời gian ngắn, nhưng làm mất đi nguồn nhân lực kinh nghiệm, vốn là cốt lõi lợi thế cạnh tranh của Boeing. Người ta không thể thay thế yếu tố hiệu quả và những bí quyết kỹ thuật trong vòng hai hoặc ba năm, khi mất đi những người có kinh nghiệm 20-30 năm! Khi đại dịch kết thúc, Airbus đã chuẩn bị để ứng phó tốt hơn so với Boeing. Cuối năm 2023, sổ đặt hàng của Airbus nhiều hơn Boeing 40%.

Tất cả khó khăn đổ ập xuống càng khiến Boeing dễ mắc sai lầm, bởi quy trình công việc không được thực hiện đúng cách và các thủ tục cần thiết cho việc sản xuất không được xử lý và tuân thủ đúng bài bản. Chưa kể các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng toàn cầu mà Boeing phải đối mặt.

Du lịch hàng không hiện đại luôn được xem là phương thức vận chuyển an toàn nhất. Bởi vì, khi có sự cố, một quy trình rà soát thường hình thành để rút kinh nghiệm; và người ta cũng thực hiện những thay đổi để giảm khả năng mắc phải sai lầm tương tự. Hầu như mọi vụ tai nạn hàng không đều xảy ra sau một chuỗi sai sót, bất kỳ sai sót nào trong số đó cũng có thể ngăn chặn.

Nhân vật thường bị đổ lỗi là CEO. Trong trường hợp Boeing, đó là David Calhoun, người tiếp quản việc quản lý từ CEO tiền nhiệm Dennis Muilenberg. Sau khi Muilenberg mắc sai lầm trong việc ứng phó hai vụ tai nạn 737 Max vào năm 2018 và 2019, Calhoun đã làm rất ít để ngăn chặn sự trượt dốc của công ty. Thay vì đặt ra kế hoạch phục hồi, David Calhoun thậm chí tạo thêm sai lầm, khi loại bỏ bộ phận hoạch định chiến lược! Hội đồng quản trị Boeing cuối cùng phải đẩy Calhoun ra, cùng với hai lãnh đạo cấp cao khác: Chủ tịch Hội đồng quản trị Larry Kellner; và Stan Deal, người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại.

Một chiếc Boeing 737 MAX 8 trong một cuộc thử nghiệm (ảnh: Stephen Brashear/Getty Images)

Thay đổi lãnh đạo chỉ là bước khởi đầu. Nó không giải quyết được tất cả vấn đề. Boeing đã có sự thay đổi lãnh đạo vào năm 2019, khi Calhoun thay thế Muilenburg, và điều đó chẳng đưa công ty đi đến đâu. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng vấn đề Boeing cần làm bây giờ là thay đổi “văn hóa làm việc” chứ không chỉ thay đổi con người.

Boeing có thể nhìn về quá khứ để học từ chính họ: Trở lại việc tập trung đầu tư vào các kỹ sư, cam kết đào tạo và giữ chân lực lượng lao động lành nghề kinh nghiệm, đầu tư chế tạo máy bay mới với công nghệ mới. Boeing cần loại bỏ tư tưởng tôn thờ lợi nhuận ngắn hạn và học lại sự tận tâm với giá trị lâu dài. Chỉ thông qua việc tái tổ chức triệt để như vậy, Boeing mới có thể xây dựng lại niềm tin.

Trên Fortune ngày 2 Tháng Tư 2024, nhà bình luận Shawn Tully viết, chính lối văn hóa quản trị đặt lợi nhuận lên hàng đầu của ba CEO tiền nhiệm Stonecipher, McNerney và Muilenburg đã làm suy yếu nền tảng văn hóa làm việc từng tập trung vào kỹ thuật và sự chú ý không ngừng đến việc kiểm soát chất lượng, vốn mang lại giá trị uy tín cho Boeing. Chỉ cần Boeing trở lại là… Boeing như vốn dĩ, họ sẽ lại cất cánh, thay vì rơi tự do.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: