Một hợp chất được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt và dừa có tên là prunin laurate (Pru-C12) có hiệu quả chống lại vi khuẩn gây bệnh nướu răng.
Theo nghiên cứu Global Burden of Disease, bệnh nướu răng ảnh hưởng đến khoảng 45% đến 50% người lớn trên toàn cầu ở dạng nhẹ và bệnh nướu răng nghiêm trọng ước tính ảnh hưởng đến 11.2% dân số trưởng thành trên thế giới.
Bác Sĩ Nigel Carter, tổng giám đốc điều hành Oral Health Foundation, nói với Newsweek rằng những con số thật có thể cao hơn và “có tới 80% người trên toàn thế giới mắc bệnh nướu răng ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.” Rõ ràng là bệnh này thường gặp hơn và thường tiến triển nặng hơn ở người cao tuổi, vì đây là một quá trình chậm và âm thầm.
Khi vi khuẩn như Porphyromonas gingivalis (P. gingivalis) – chủng vi khuẩn được các nhà khoa học tại Osaka Metropolitan University nghiên cứu – xâm nhập vào các kẽ răng và nướu, tình trạng nhiễm trùng có khả năng xảy ra, cuối cùng dẫn đến sâu răng và mất răng.
Bác Sĩ Carter giải thích: “Mảng bám là vấn đề chính ở đây. Mảng bám liên tục hình thành trên răng sau khi một người vệ sinh răng. Đó là chất nền cho sự tích tụ dính bị vi khuẩn xâm chiếm. Vì vậy, đó là nguyên nhân gây ra cả sâu răng và bệnh nướu răng.”
Duy trì việc vệ sinh răng miệng tốt là điều quan trọng để phá vỡ sự tích tụ này, nhưng các nhà khoa học Osaka cho biết hầu hết các sản phẩm có bán trong các cửa hàng đều gây kích ứng cao.
Ví dụ như một số loại nước súc miệng chứa cồn và hóa chất tổng hợp có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng khác sau này và gây kích ứng hoặc khó chịu khi sử dụng, đặc biệt là ở người cao tuổi – những người có nhiều khả năng mắc bệnh nướu răng nhất và trẻ em – những người cần chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa các vấn đề về nướu răng khi họ lớn lên.
Đây là lý do tại sao các tác giả nghiên cứu đã thử nghiệm bảy hợp chất có nguồn gốc tự nhiên để xác định hiệu quả của chúng đối với P. gingivalis. Họ thấy rằng Pru-C12 là hiệu quả nhất.
“Pru-C12 không có vị và không gây dị ứng,” Giáo Sư Shigeki Kamitani, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết. “Nếu tính an toàn của nó đối với con người được xác nhận trong tương lai, thì nó là một giải pháp kháng khuẩn giá rẻ.”
Tuy nhiên, Carter cho biết nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng không gây kích ứng như các nhà khoa học ngụ ý. Ông nói với Newsweek rằng kem đánh răng có xu hướng không chứa các thành phần khắc nghiệt ngăn cản mọi người sử dụng chúng và nước súc miệng không phải là một phần thiết yếu của thói quen vệ sinh răng miệng.
“Hầu hết các loại nước súc miệng hiện nay đều không chứa cồn,” ông cũng giải thích rằng nhiều sản phẩm bán chạy nhất đều có thành phần là tinh dầu, như chiết xuất kháng khuẩn được thử nghiệm trong nghiên cứu ở Osaka.
Theo Carter: “Mục tiêu chính trong bất kỳ phương pháp chăm sóc răng miệng nào là phá vỡ lớp màng mảng bám đó. Mảng bám lâu hơn 24 giờ mới thực sự bắt đầu gây ra vấn đề, lý do tại sao chúng ta luôn nói rằng hãy đánh răng hai lần một ngày bằng kem đánh răng có fluoride và bạn cũng có thể có chất kháng khuẩn trong kem đánh răng. Nước súc miệng là một biện pháp bổ sung cho biện pháp đó. Nó cũng có ích, nhưng mọi người cần sự phá vỡ cơ học của mảng bám thông qua việc đánh răng, để mảng bám không trưởng thành và bắt đầu gây ra vấn đề. Việc sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn giúp tăng thêm khoảng 15% khả năng loại bỏ mảng bám, vì vậy phần lớn việc loại bỏ mảng bám được thực hiện bằng bàn chải đánh răng.”
Pru-C12 là một hợp chất được chiết xuất từ vỏ bưởi hoặc dừa. Trước đây, người ta đã phát hiện ra rằng nó có đặc tính kháng khuẩn nhưng chưa được thử nghiệm trên P. gingivalis để có khả năng sử dụng chống lại bệnh nướu răng.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nó có hiệu quả cả trong ống nghiệm và trên chuột đối với vi khuẩn, và nó không gây kích ứng, vì vậy các nhà khoa học cho rằng nó được phát triển thành các sản phẩm vệ sinh răng miệng hiệu quả trong tương lai, với điều kiện là nó thành công khi được thử nghiệm trên người.
Carter chia sẻ rằng phát hiện của họ không khuyên mọi người nên ăn bưởi và dừa để cải thiện sức khỏe răng miệng. “Những gì họ đã làm ở đây là sử dụng chiết xuất. Họ đang xác định dừa và bưởi là những loại trái cây có khả năng chứa thứ gì đó được chiết xuất để sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng.”