Khi thanh thiếu niên vào đại học và phải rời khỏi ngôi nhà thời thơ ấu trong một thời gian dài, cha mẹ và người giám hộ sẽ trải qua cảm giác buồn bã, nhớ nhung và lo lắng tột độ. Những cảm xúc này thường là dấu hiệu của hội chứng “vắng nhà.”
Rachel Glik, một cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép, chia sẻ với CNBC Make It: “Hội chứng vắng nhà là cảm giác tự nhiên và hữu cơ mà nhiều người, nhiều bậc phụ huynh, cảm thấy khi một đứa trẻ, đặc biệt là người con út, rời khỏi nhà.”
Hội chứng này không phải là chẩn đoán lâm sàng, Glik giải thích, nhưng đôi khi kéo dài trong nhiều tháng.
Một số dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang gặp phải hội chứng vắng nhà là:
Cảm giác buồn bã, cô đơn, chán nản hoặc lo lắng
Mất hứng thú với những thứ họ từng thích
Cảm thấy như họ đã mất đi bản sắc hoặc mục đích sống của mình
Trở nên bận tâm với người con đã rời khỏi nhà
Cảm giác tuyệt vọng về tương lai.
Sau đây là một số gợi ý từ Glik dành cho những cha mẹ đang gặp phải hội chứng vắng nhà:
Cách tốt nhất để chuẩn bị tinh thần là lên kế hoạch trước cho việc con của bạn sẽ vắng nhà trong một thời gian dài. Bà khuyến khích rằng cha mẹ càng sớm “đối phó” bằng cách chuẩn bị cho việc con bạn không thể tránh khỏi việc rời khỏi tổ ấm thì càng tốt.
Glik cho biết: “Hãy chuẩn bị tinh thần bằng cách bảo đảm rằng bạn có khả năng chăm sóc bản thân, các mối quan hệ của mình và có những việc khác đang diễn ra trong cuộc sống để thực hiện quá trình chuyển đổi tốt hơn.”
Theo Glik, đây là những cách để bạn đối phó với hội chứng vắng nhà:
Lưu ý đến cách bạn nhìn nhận việc con mình rời khỏi nhà. Theo Glik, “đó không phải là lần cuối bạn gặp con mình. Trên thực tế, đó là sự tiếp tục của mối quan hệ.”
Tìm một “người con mới.” Nếu bạn là người nuôi dưỡng trẻ em, hãy cân nhắc trở thành người cố vấn cho những người trẻ tuổi khác hoặc làm tình nguyện viên với trẻ em. Bạn cũng có thể áp dụng cách tiếp cận ẩn dụ và khám phá một dự án đam mê mới.
Hãy đón nhận cảm xúc của mình khi nó đến và cảm thấy biết ơn về thời kỳ nuôi dạy con cái của bạn. “Trân trọng những trải nghiệm khi bạn trở thành cha mẹ, và điều đó sẽ lấp đầy một phần khoảng trống trong tim,” Glik khuyên.
Đặt tâm trí vào các mối quan hệ khác trong cuộc sống. Nếu bạn có vợ/chồng, hãy dành nhiều thời gian hơn cho nhau và thử những điều mới mẻ mà nếu phải chăm sóc con thì bạn có lẽ không làm được, như đi chơi với bạn bè thường xuyên hơn.
Hãy cởi mở với sự phát triển. Khám phá khía cạnh tích cực của chương mới này và khai thác những gì bạn thích với tư cách là một cá nhân.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia được đào tạo là rất quan trọng trong một số trường hợp, tùy thuộc vào những gì bạn đang trải qua. “Nếu bạn nhận thấy mình mất hứng thú với những điều khác trong cuộc sống và bạn không cảm thấy hy vọng hay phấn khích về tương lai hoặc chương tiếp theo này, thì đó là một số dấu hiệu cho thấy bạn cần thêm sự hỗ trợ,” Glik mách bảo.
Hãy nhìn vào mặt tích cực của việc con vắng nhà
Ngôi nhà tự dưng trống trải, không phải là điều hoàn toàn tệ, mà nó còn là cơ hội dẫn đến một chương mới và thú vị cho bạn.
Kari Cardinale, đối tác và giám đốc nội dung tại Modern Elder Academy, một trường đào tạo về trí tuệ tuổi trung niên, hướng dẫn một trong những chương trình đầu tiên hướng đến phụ huynh và người giám hộ của sinh viên đại học về cách vượt qua giai đoạn con cái không ở gần với cha mẹ tại Arizona State University.
Cardinale tin rằng giai đoạn con cái không ở gần cha mẹ, là “thời điểm quan trọng để tập trung vào những sở thích mà họ có, cho dù đó là đi du lịch và gặp gỡ những người khác, hay làm nghệ thuật hoặc thể dục,” và nhận ra rằng “họ có nhiều tự do hơn” để theo đuổi những sở thích đó.
Bà nói thêm rằng “tham gia vào những hoạt động đó với những người khác và bắt đầu xây dựng một nhóm những người bạn mới mà bạn có thể nuôi dưỡng trong nhiều thập kỷ tới,” là điều cần thiết.
Cardinale gợi ý hãy sắp xếp cho các hoạt động như đi du lịch đến một nơi nào đó mà bạn chưa từng đến trước đây, leo núi hoặc thậm chí học một ngôn ngữ mới.
Glik kết luận: “Bạn càng cảm thấy bản thân mình mãn nguyện, thì quá trình thay đổi càng dễ dàng.”