Lừa đảo mạo danh đang hoành hành, làm sao để chống?

(Hình minh họa: Azamat E/Unsplash)

Bạn từng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu chuyển tiền cho chính phủ, như FTC hoặc Cục An Sinh Xã Hội hay ngân hàng, Amazon hoặc Microsoft không? Đó là là bọn lừa đảo!

Nhờ vào các chiến thuật mới hết sức tinh vi, các vụ lừa đảo bằng cách mạo danh đang gia tăng với tốc độ kinh khủng, đáng báo động.

Trong số hàng triệu báo cáo về lừa đảo mà Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission-FTC) nhận được mỗi năm, mà trong năm 2023 là 2.6 triệu, loại phổ biến nhất cho đến nay là lừa đảo mạo danh chính phủ hoặc doanh nghiệp nào đó.

Chỉ riêng nửa đầu năm 2024 đã có 360,000 báo cáo về lừa đảo mạo danh, với số tiền bị lừa lên đến $1.3 tỷ  và mức thiệt hại trung bình là $800. Theo ước tính của FTC và Better Business Bureau, trên thực tế con số thiệt hại lớn hơn gấp nhiều lần, vì không quá 5% nạn nhân lừa đảo báo cáo.

Trước tình hình lừa đảo gia tăng, Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (Ethnic Media Services-EMS) tổ chức cuộc họp qua Zoom vào trung tuần Tháng Chín với sự có mặt của các chuyên gia chống lừa đảo để giúp mọi người bảo vệ túi tiền của mình.

“Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm,” Emma Fletcher, nhà nghiên cứu dữ liệu cấp cao của FTC cho biết.  “Nhiều người mất hàng chục, hàng trăm nghìn đôla. Thực sự lo ngại về khối lượng báo cáo mà chúng tôi nhận được về các vụ lừa đảo lấy hết tiền. Không ít người rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của họ, thậm chí cả tài khoản hưu trí cũng đem đưa hết cho bọn lừa đảo, đến khi nhận ra thì đã muộn rồi.”

Số vụ lừa đảo cứ tăng dần hàng năm. Vào năm 2020, số tiền mà bọn lừa đảo mạo danh chính phủ thu được là $175 triệu, sang tới năm 2023 là $618 triệu; lừa đảo mạnh danh doanh nghiệp thu $195 triệu vào năm 2020, còn năm 2023 chúng thu được tới $751 triệu.

“Sự gia tăng đáng kể trong các báo cáo từ những người đã mất số tiền khổng lồ này có liên quan đến những thay đổi rất đáng lo ngại trong các chiến thuật mà bọn lừa đảo đang sử dụng,” Fletcher cho biết. Những vụ lừa đảo này thường liên quan đến các phương thức chuyển khoản ngân hàng như Zelle hoặc các phương thức thanh toán bằng tiền điện tử như máy ATM Bitcoin, được nhiều kẻ lừa đảo gọi là “federal safety lockers” (két an toàn liên bang).

Kati Daffan, trợ lý giám đốc thuộc bộ phận Thực Hành Tiếp Thị tại FTC, Columbia County, giải thích lý do tại sao lại rất khó để theo dõi tiền sau một giao dịch gian lận.

Tại hội thảo, phóng viên Sunita Sohrabji chia sẻ ‘kinh nghiệm xương máu’ mà nạn nhân chính là người thân trong gia đình. “Con gái tôi bán xe đạp của mình qua Facebook Marketplace,” Sohrabji kể. “Có người nhắn tin nói họ muốn mua xe đạp nhưng sẽ chuyển tiền qua Zelle. Họ kêu con tôi chuyển thử trước cho họ $400 để chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt, ngay sau khi trả tiền mua xe, họ cũng sẽ trả lại $400 cho cháu. Tất nhiên, làm gì có chuyện đó.”

Đây là lần đầu tiên con gái Sohrabji dùng Facebook Marketplace, và chắc chắn sẽ lần cuối cùng.

“Với vô số tin nhắn, email, đơn giao hàng, ngày đến hạn và hóa đơn dịch vụ nhạy cảm về thời gian hàng ngày mà chúng tôi nhận được, đặc biệt là trên phương tiện truyền thông, có rất nhiều thứ mà bạn phải kiềm chế và kiểm chứng lại,” Elena Kuznetsova, một phóng viên của Slavic Sacramento cho biết thêm.

“Đã có các phiên điều trần của Quốc Hội về Zelle và vai trò của các tổ chức tài chính khi xảy ra gian lận,” Kati Daffan cho biết. “Đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp ngay lúc này. Chúng tôi khuyến khích mọi người báo cáo với chúng tôi và ngân hàng của mình. Nếu họ không hài lòng với cách ngân hàng giải quyết, họ cũng có thể nộp báo cáo lên Consumer Financial Protection Bureau (Cục Bảo Vệ Tài Chính Người Tiêu Dùng).

Theo quy định mới của FTC có hiệu lực kể từ Tháng Tư, việc mạo danh chính phủ hoặc doanh nghiệp là hành vi vi phạm, cho phép FTC đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để tìm cách trả lại tiền cho nạn nhân và ban hành các hình phạt dân sự đối với những kẻ lừa đảo.

(Hình minh họa: Azamat E/Unsplash)

Kati Daffan cũng chia sẻ các mẹo để nhận biết gian lận, bao gồm xác định các đường dây mà chỉ những kẻ lừa đảo mới sử dụng.

Daffan đưa ra ví dụ: “Chúng tôi đang theo vụ này chưa kết thúc, đó là một người giả vờ nói là có liên hệ với Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, sẽ nói với mọi người: ‘Đây là thông báo khẩn cấp và bạn có thể được xóa nợ miễn thuế’ để dụ người tiêu dùng gọi điện cho họ. Sau đó, những người tiếp thị qua điện thoại, tự nhận là có liên hệ với chính phủ, thuyết phục ai đó ghi danh chương trình xóa nợ và thu hàng trăm đôla phí trả trước..”

Daffan nói thêm rằng các dấu hiệu lừa đảo bao gồm thúc giục nạn nhân hành động ngay lập tức; yêu cầu họ nói dối ai đó, chẳng hạn như nhân viên giao dịch ngân hàng hoặc môi giới; đe dọa bạn sẽ bị bắt giữ hoặc bị trục xuất và bảo họ không được cúp máy trước khi tiền được rút hoặc chuyển.

Ngoài ra, xu hướng là các vụ lừa đảo theo nhóm sẽ làm khó phân biệt giữa mạo danh doanh nghiệp và chính phủ.

Fletcher cho biết: “Những vụ lừa đảo này thường bắt đầu bằng cách mạo danh một doanh nghiệp; chẳng hạn như ngân hàng của bạn nói rằng có khoản phí đáng ngờ trong tài khoản của bạn. Nhưng khi bạn phản hồi, tình hình xoay chuyển theo chiều hướng phức tạp hơn. Tài khoản của bạn gặp rủi ro, vì vậy họ kết nối bạn với một cơ quan chính phủ. Mục đích là tạo ra cảm giác báo động cao độ.

Vào năm 2021, FTC phát hiện người lớn từ 18 đến 59 tuổi có khả năng báo cáo mất tiền do gian lận cao hơn 34% so với người lớn tuổi, với mức mất trung bình là $ 500.

Tuy nhiên, người lớn tuổi báo cáo số tiền mất trung bình cao hơn: $ 800 cho những người ở độ tuổi 70 và $1,500 cho những người từ 80 tuổi trở lên.

Nếu bạn là nạn nhân, hoặc biết ai bị lừa đảo, hãy báo cáo tại reportfraud.ftc.gov.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: