So sánh với Nhật Bản, Việt Nam ‘nâng’ mình lên, ‘dìm’ bạn xuống

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. (Hình minh họa: VnExpress)

Gần đây, nhận định về kinh tế, xã hội Nhật Bản, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam nói, dù là một cường quốc kinh tế với dân số hơn 120 triệu người, nhưng dân Nhật không được hưởng trọn vẹn sự thịnh vượng đó.

Theo ông Nhân, người dân Nhật đang đối mặt với cuộc sống khó khăn, không đủ điều kiện để lập gia đình và nuôi hai con, dẫn đến tình trạng “giàu nước nhưng không giàu dân.” Ông cũng cảnh báo về bài học “giàu mà không tái tạo được con người” từ các nước phát triển, và nhấn mạnh Việt Nam cần thận trọng trên con đường hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

“Nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu, mà sẽ rất lo… Vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, có nhược điểm ta cần tránh, đó là khi đất nước càng giàu, thu nhập bình quân đầu người cao nhưng không tái tạo được con người cho đất nước mình,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nhân.

Liệu nhận định của ông Nhân về tình hình Nhật Bản có hoàn toàn chính xác?

Nhật Bản được biết đến là quốc gia an toàn, phát triển với hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Từ giáo dục, y tế đến hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật, chính phủ đều có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, giúp người dân yên tâm hơn trong cuộc sống.

Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, các gia đình Nhật Bản gần như không phải lo lắng về chi phí học tập cho con cái. Trẻ em được miễn học phí mầm non, học phí tiểu học và trung học cơ sở cũng ở mức thấp do là bậc học bắt buộc. Tổng chi phí học tập từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông tại trường công lập chỉ vào khoảng 5,420,000 yen (tương đương 1.1 tỷ VNĐ, chiếm khoảng 1/12 thu nhập trung bình năm của một hộ gia đình (khoảng 5,600,000 yen, tương đương 1.18 tỷ VNĐ. Ngoài ra, chính phủ còn hỗ trợ chi phí ăn trưa, đồ dùng học tập và có các tình nguyện viên hỗ trợ đưa đón, đảm bảo an toàn cho trẻ em trên đường đến trường.

Các gia đình có con nhỏ cũng được nhận trợ cấp hàng tháng từ chính phủ, được bảo hiểm y tế chi trả đến 70% viện phí, người cao tuổi và người khuyết tật cũng được chính phủ chu cấp và chăm sóc chu đáo với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội toàn diện này đi kèm với mức thuế và bảo hiểm xã hội cao. Người dân Nhật phải đóng thuế thu nhập (hơn 20%), thuế địa phương (10%) và bảo hiểm xã hội bắt buộc (12-13%), chiếm gần một nửa thu nhập hàng tháng. Do đó, mặc dù cuộc sống tương đối ổn định và ít phải lo lắng về các rủi ro bất ngờ, họ thường chỉ đủ chi tiêu hàng tháng, khó để dành. Nhiều người lo ngại về cuộc sống sau khi nghỉ hưu, khi chỉ có thể dựa vào khoản lương hưu hạn chế.

Mặc dù Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ xếp thứ 29. Thậm chí, thu nhập của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Vì vậy, nhiều người Nhật, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu, cảm thấy cuộc sống của họ đang trở nên khó khăn hơn, “nghèo đi” so với trước đây. Còn người có thu nhập thấp phải vật lộn để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nhật Bản. (Hình minh họa: Janes Diaz/Unsplash)

CSVN không phải là Nhật Bản 

Cả Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau như mật độ dân số cao và đều đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Tại Nhật Bản, hơn 29% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ sinh con tại quốc gia này cũng đã xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng chăm sóc người cao tuổi của thế hệ trẻ sẽ ngày càng tăng.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11.9% tổng dân số và dự kiến sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050. Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036, chuyển từ xã hội “đang già hóa” sang xã hội “già.”

Điều này không quá bất ngờ khi xét đến bối cảnh xã hội Việt Nam được nắm quyền bởi cộng sản. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng $4,000/năm, thấp hơn gần 8 lần so với Nhật Bản, nhưng mức đóng thuế thu nhập cá nhân lại rất cao. Theo luật, doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp một phần thuế thu nhập cá nhân thay cho người lao động. Nếu tính cả phần thuế do doanh nghiệp nộp thay, tổng mức thuế mà người lao động phải gánh chịu có thể lên tới gần 50%. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng nhiều khoản thu khác mà người lao động không được thông tin rõ ràng, chẳng hạn như Quỹ Phòng chống Thiên tai của VCCI.

Trong khi đó, hệ thống phúc lợi xã hội tại Việt Nam lại vô cùng yếu kém. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả 30% chi phí khám chữa bệnh. Hệ thống giáo dục công lập thiếu trường lớp, nhiều lớp học có sĩ số lên tới hơn 50 em, trong khi các vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn trầm trọng về cơ sở vật chất. Tình trạng tham nhũng trong việc nâng giá sách giáo khoa cũng diễn ra phổ biến. Nhiều trường học còn thu thêm các khoản phí bất hợp lý như tiền điều hòa, tiền đồng phục,… khiến việc học hành trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình.

Văn hóa Việt Nam coi trọng việc con cái chăm sóc cha mẹ già, nhưng lương hưu lại rất thấp, tạo thêm áp lực cho thế hệ trẻ. Nhiều người trẻ không sẵn sàng sinh con do lo ngại về gánh nặng kinh tế khi phải nuôi dạy con cái trong bối cảnh cuộc sống hiện tại đã đầy khó khăn.

Ngụy biện về già hóa dân số

Như lời ông Nguyễn Thiện Nhân, là “khi đất nước càng giàu, thu nhập bình quân đầu người cao, nhưng không tái tạo được con người cho đất nước mình.” Điều này đúng cho nước Nhật nhưng lại không đúng cho Việt Nam. Phải chăng ông Nhân cố tình lảng tránh những vấn đề cốt lõi của Việt Nam khi so sánh với tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản?

Trong khi Nhật Bản là một quốc gia phát triển, người dân được hưởng đầy đủ phúc lợi từ sự giàu có của đất nước, thì người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN đang phải đối mặt với thực trạng “chưa giàu đã già.” Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách thuế khóa tận thu “trá hình” đối với người dân, trong khi hệ thống phúc lợi xã hội lại vô cùng yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan khiến ngân sách quốc gia bị thất thoát, lãng phí. Tất cả những điều này tạo nên áp lực khổng lồ cho thế hệ trẻ, khiến họ e ngại việc sinh con và lập gia đình.

Thực tế, việc tỷ lệ sinh giảm không phải là vấn đề tiêu cực hay tích cực tự thân. Đây là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, các gia đình có xu hướng lựa chọn sinh ít con hơn. Hơn nữa, tỷ lệ sinh giảm không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Năng suất lao động hoàn toàn có thể được cải thiện với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ giảm của tỷ lệ sinh.

Để giải quyết bài toán kép “tái tạo con người” và phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi tư duy từ hô hào suông sang hành động thiết thực, tập trung đầu tư vào giáo dục và an sinh xã hội.

Việc xây dựng một hệ thống giáo dục chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và kỹ năng, đồng thời, thiết lập một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, sẽ tạo ra tâm thế cởi mở và tinh thần dấn thân cho thế hệ trẻ. Khi cuộc sống được đảm bảo bởi chính phủ và xã hội, người dân sẽ sẵn sàng tham gia học tập, nâng cao trình độ và cải thiện năng suất lao động.

Mô hình phúc lợi xã hội ở các nước phương Tây, điển hình là Đức và các nước Bắc Âu, là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ mật thiết giữa phúc lợi xã hội và năng suất lao động, cũng như sự phát triển khoa học công nghệ. Tại các quốc gia này, phúc lợi xã hội luôn được ưu tiên hàng đầu, tạo điều kiện công bằng cho người dân phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và giải quyết vấn đề già hóa dân số, Việt Nam cần ưu tiên nâng cao năng suất lao động thông qua đầu tư vào giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ. Đồng thời, đảm bảo phân phối thu nhập một cách công bằng và hợp lý hơn, hướng tới một xã hội thịnh vượng, công bằng và văn minh.

Có thể thấy, những lo ngại của ông Nhân về vấn đề già hóa dân số, khi so sánh với Nhật Bản, giống như một cách ngụy biện, đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nội tại của CSVN. Phải chăng ông Nhân đang cố tình “nâng” mình lên bằng cách “dìm” nước bạn?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: