Hầu như ai cũng quan tâm đến cách sao để sống một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Từ sách dạy nấu ăn đủ dưỡng chất, đến các bài báo nghiên cứu, hàng trăm bài viết mà mọi người đều truy cập được trên Google, lượng thông tin và lời khuyên dường như trở nên quá tải.
Các chuyên gia dinh dưỡng của CNBC cung cấp đến bạn những cách tiếp cận đơn giản nhất và những thay đổi dễ dàng nhất, nếu bạn mong muốn được trường thọ.
Valter Longo, nhà nghiên cứu về tuổi thọ suốt 20 năm qua, cho biết kế hoạch ăn uống là yếu tố quan trọng nhất đối với tuổi thọ. Rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về các cộng đồng sống lâu nhất thế giới nhắm vào loại thực phẩm có ảnh hưởng tốt đến tuổi thọ. Trong đó, khẩu phần ăn Địa Trung Hải là cách ăn mà các chuyên gia về tuổi thọ khuyên theo đuổi nhất.
Theo Longo và Dan Buettner, chuyên gia về tuổi thọ, và là người chuyên phỏng vấn các “bách niên giai lão” ở những “vùng xanh” về kế hoạch ăn trường thọ, đưa ra những thức ăn nên dùng hàng ngày, gồm các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, các loại đậu, đặc biệt là đậu Hà Lan, một lượng rau lá xanh. Quan trọng là không ăn thịt đỏ.
Longo khuyên nên ngừng ăn trong 12 tiếng mỗi ngày. Thí dụ bạn sẽ ăn lúc 8 giờ sáng và ăn thêm một bữa vào 8 giờ tối, hoặc chỉ ăn hai bữa lúc 7 giờ sáng và 7 giờ tối. Buettner cũng không ăn trong khoảng thời gian 10 hoặc 12 tiếng.
Một số chuyên gia về tuổi thọ khuyên mọi người nên tập thể dục hàng ngày, luôn vận động thông qua hoạt động thể chất cường độ thấp.
Theo nghiên cứu về người sống thọ nhất thế kỷ ở New England, tập thể dục hai lần một tuần và tập thể dục nhịp điệu ba lần một tuần, thậm chí chỉ cần 10 phút mỗi ngày, là những việc giúp tăng cơ hội sống đến 90 tuổi của mỗi người.
Buettner chia sẻ trong bộ phim tài liệu trên Netflix của mình, “Live to 100: Secrets of the Blue Zones”, rằng ở các vùng xanh, người ta ít hoạt động thể chất, nhưng những người sống thọ nhất thế kỷ vẫn di chuyển hàng ngày. Thông thường, cư dân của các vùng xanh đi bộ từ nơi này đến nơi khác, tự tay xây dựng mọi thứ và chăm sóc khu vườn của riêng mình, đó là cách họ hoạt động thể chất cường độ thấp mỗi ngày.
Đến cuối năm 2023, Buettner phỏng vấn 263 người sống thọ nhất thế kỷ. Ông cho biết, tất cả những người sống thọ nhất thế kỷ này, trừ năm người, đều thuộc một cộng đồng có đức tin. Những người đi nhà thờ, đền chùa hoặc thánh đường Hồi Giáo sống lâu hơn từ bốn đến 14 năm so với những người không theo tôn giáo nào.
Cũng theo Arthur C. Brooks, một chuyên gia hàng đầu về hạnh phúc, người giảng dạy một khóa học trực tuyến miễn phí về cảm giác vui vẻ tại Harvard, những người có đức tin hoặc triết lý sống cũng hạnh phúc hơn những người không có đức tin hoặc triết lý sống nào. Ông giải thích, khi bạn theo một tôn giáo hoặc thực hành tâm linh, điều đó giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Theo một nghiên cứu kéo dài 86 năm của Harvard, đến nay vẫn đang tiếp tục, việc có các mối quan hệ tích cực trong cuộc sống là điều “số một” hỗ trợ mọi người sống lâu hơn và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, vun đắp các mối quan hệ đó cũng quan trọng không kém, mà các nhà nghiên cứu gọi là “thể lực xã hội.”
Các mối quan hệ xã hội cũng được xem như một giá trị của những người sống trăm tuổi ở vùng xanh. “Những người ở vùng xanh coi trọng bạn đời của mình, vun đắp các mối quan hệ và ưu tiên cho họ,” Buettner cho biết. “Có những người bạn phù hợp, bí quyết lớn nhất khiến những người ở vùng xanh này làm những điều đúng đắn và tránh xa những điều sai trái.”
Ở Okinawa, Nhật Bản, một trong những vùng xanh có nhiều người sống trăm tuổi, ikigai, có nghĩa “hạnh phúc khi luôn bận rộn” – một giá trị rất lớn. Giá trị này lớn đến mức một cuốn sách có tên “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” (Ikigai: Bí quyết sống lâu và hạnh phúc của người Nhật) là một trong những cuốn sách phổ biến nhất về tuổi thọ và là cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới.
Ikigai mang ý nghĩa về việc tìm kiếm mục đích của bạn, cam kết thực hiện nó hàng ngày và đó chính xác nằm trong những gì Buettner khuyên mỗi người nên làm để trường thọ: “Những người có ý thức về mục đích sống lâu hơn khoảng tám năm so với những người không có định hướng.”
Có bảy thực hành dẫn đến “hạnh phúc và khỏe mạnh khi về già, thay vì kết thúc trong buồn bã và ốm đau.” Một trong những thực hành đólà nuôi dưỡng tư duy phát triển bằng cách đầu tư vào học tập suốt đời. Tiến Sĩ George E. Vaillant, cựu giám đốc và một trong những người tiên phong của nghiên cứu, nói với tờ Harvard Gazette vào năm 2001: “Lão hóa một cách vui vẻ và khỏe mạnh, thay vì buồn bã và ốm yếu, đều nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người.”
Vậy, bạn muốn cứ mãi buồn bã và ốm yếu, hay vui vẻ và khỏe mạnh tới 100 tuổi?