Yêu cầu dẫn độ bà Nhàn từ Đức về Việt Nam thất bại, vì sao?

Trang 3 nhật báo TAZ (báo in) đưa tin xác nhận bà Nhàn đang tị nạn ở Đức.

Cuối Tháng Mười, Bộ Trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang dẫn đầu một phái đoàn cao cấp sang thăm và làm việc tại Bộ Nội Vụ Liên Bang Đức. Chuyến thăm này đáng lẽ phải được tiếp đón bởi người đồng cấp của ông Quang, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Nancy Faeser. Tuy nhiên, trái với thông lệ ngoại giao thông thường, bà Faeser ủy quyền cho Thứ Trưởng Hans-Georg Engelke, tiếp đón. Cuộc hội đàm diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ.

Nữ phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Đức phát biểu về chuyến thăm một cách khái quát: “Trọng tâm là các vấn đề hợp tác song phương và quốc tế, đặc biệt là các vấn đề an ninh và đấu tranh chống tội phạm, như chống ma túy và buôn bán người.” Bà cũng cho biết thêm rằng: “Tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng đã được thảo luận.”

Tuy nhiên, dư luận Việt Nam cho rằng, một trong những nội dung của cuộc gặp gỡ này được cho là xoay quanh trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Dư luận đồn đoán Bộ Trưởng Quang muốn đề nghị phía Đức bắt giữ và dẫn độ bà Nhàn về Việt Nam để đổi lấy việc Việt Nam sẽ thả Nguyễn Xuân Thanh và trao trả cho Đức.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được tờ báo TAZ của Đức xác nhận là đã có mặt tại Đức từ giữa năm 2023 và hiện đang sinh sống tại một thành phố lớn. Hành trình lẩn trốn của bà được cho là bắt đầu từ Nhật Bản, sau đó đến London, nơi con gái bà được cho là đang sinh sống, trước khi đến Đức. Hiện tại, bà Nhàn đang được mật vụ Đức bảo vệ nghiêm ngặt, một phần do ảnh hưởng từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017. Sự việc này đã tạo ra tiền lệ khiến Đức đặc biệt thận trọng trong việc bảo vệ bà Nhàn.

Về thông tin trao đổi Nguyễn Xuân Thanh lấy bà Nhàn, Bộ Nội Vụ Đức từ chối bình luận. Khi được hỏi về chi tiết cuộc hội đàm, họ trả lời: “Xin hãy thông cảm rằng chúng tôi không thể kể ra chi tiết hơn về nội dung của cuộc nói chuyện kín, riêng giữa hai bên.” Điều này càng làm dấy lên sự tò mò và nhiều đồn đoán về nội dung thực sự của cuộc hội đàm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được biết đến là một nữ thương gia ngoại thương tài năng, thông thạo nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ), tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và một chút tiếng Trung. Bà là giám đốc điều hành của Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC, một công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, nhưng cũng hoạt động trong các dự án xây dựng trong nước.

Bà Nhàn cũng là nhân vật có tiếng tăm trên trường quốc tế, là phụ nữ đầu tiên của châu Á và Việt Nam được Viện Hàn Lâm Quốc Tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (IASS) trao tặng hai danh hiệu: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và giải thưởng ngôi sao Vernadski. Năm 2018, bà được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân Chương Mặt Trời Mọc – một trong những huân chương cao quý nhất của nước này.

Bà Nhàn cũng được cho là có mối quan hệ tốt với Israel và từng được truyền thông Israel cho rằng là người môi giới trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam.

Hiện tại, bà Nhàn đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn tới thiệt hại ước tính lên tới 350 tỷ đồng. Tính đến hôm nay, bà Nhàn bị xét xử trong bốn vụ án với số năm tù bị tuyên và bị đề nghị lên đến 76 năm tù. Tuy vậy, tổng số năm tù mà bà Nhàn phải thụ án chỉ là 30 năm, theo quy định của Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015. Tài sản của bà ở Việt Nam cũng đã bị phong tỏa và tịch thu, trong đó có một biệt thự bên hồ ở Hà Nội.

Tại sao ông Lương Tam Quang vẫn xin dẫn độ bà Nhàn dù biết rằng không thể?

Từ Tháng Năm 2022, Việt Nam nỗ lực truy tìm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với áp lực cao. Thậm chí, có thông tin cho rằng Bộ Công An đã từng tìm cách bắt cóc bà Nhàn về Việt Nam, bất chấp các rủi ro pháp lý to lớn với chính phủ Đức.

Cuối Tháng Chín 2024, xuất hiện thông tin cho rằng Bộ Trưởng Lương Tam Quang, nhân dịp chuyến công tác sang Nga, đã liên lạc và nhờ sự phối hợp của Cơ Quan Tình Báo Nga (GRU) và Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga (FSB) bắt giữ bà Nhàn. Đồng thời, Bộ Công An Việt Nam cũng được cho là đã kích hoạt cơ sở nằm vùng tại Hungary của Cục Tình Báo (B04) và tăng cường nhân sự thâm nhập vào Đức thông qua các con đường du học, học nghề và tu nghiệp sinh.

Theo báo TAZ, một số cơ quan an ninh Đức nhận thấy mối đe dọa thực sự đối với bà Nhàn khi mật vụ Việt Nam biết bà ở Đức. Cảnh sát Đức liên lạc trực tiếp với bà và cảnh báo về nguy cơ bà bị mật vụ Việt Nam truy lùng. Đồng thời, Bộ Ngoại Giao Đức cũng đưa ra lời cảnh báo với phía Việt Nam:

“Chính Phủ Liên Bang Đức đã nói rõ với Chính phủ Việt Nam rằng vụ bắt cóc [Trịnh Xuân Thanh] năm 2017 là hoàn toàn không thể chấp nhận được, nó không tôn trọng luật pháp Đức và trong mọi trường hợp không được phép xảy ra lần nữa. Bộ Ngoại Giao Đức và Đại Sứ Quán Đức tại Việt Nam tiếp tục trao đổi thường xuyên với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này.”

Những động thái này cho thấy kế hoạch bắt cóc bà Nhàn theo cách thức tương tự vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 10 năm trước đã hoàn toàn phá sản.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Đức của Bộ Trưởng Lương Tam Quang vào cuối Tháng Mười vừa qua, báo chí Việt Nam đưa tin hai bên đã “nhất trí phối hợp đấu tranh chuyên án, điều tra, xác minh và truy bắt số đối tượng truy nã liên quan đến công dân hai nước.” Hai bên cũng “nhất trí thúc đẩy ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, hiệp định dẫn độ tội phạm và hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.’

Có thể thấy, chuyến đi của ông Quang không chỉ nhằm mục đích thử “dâng quà trao đổi” giữa ông Thanh và bà Nhàn với phía Đức, mà còn để xúc tiến các hiệp định dẫn độ, tạo cơ sở pháp lý để yêu cầu Đức dẫn độ bà Nhàn về Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay cả nếu hiệp định dẫn độ giữa Đức và Việt Nam được ký kết, chính quyền Đức vẫn sẽ rất thận trọng. Đức là một nhà nước dân chủ pháp quyền, tôn trọng quyền con người, trong khi Việt Nam không có một hệ thống tư pháp độc lập. Điều này khiến việc thuyết phục Chính Phủ Đức dẫn độ bà Nhàn trở nên vô cùng khó khăn.

Sở Tư Pháp Liên Bang Đức từng từ chối đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn từ phía Việt Nam hồi năm 2023, sau khi biết bà Nhàn đang tị nạn ở Đức, theo TAZ. Giới chức chính phủ Đức cho biết, kể từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017, tất cả các yêu cầu dẫn độ về Việt Nam, trên nguyên tắc chung, đều bị từ chối.

Hơn nữa, theo báo TAZ, chính phủ Đức còn cho rằng vụ án của bà Nhàn có động cơ chính trị, liên quan đến Thủ Tướng Phạm Minh Chính. Các phương tiện truyền thông Israel cho rằng đằng sau lệnh bắt giữ bà Nhàn là cuộc tranh giành quyền lực giữa lãnh đạo Đảng và Thủ Tướng Chính về việc mua vũ khí. Israel đã trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, bao gồm các phương tiện bay không người lái (drone), hệ thống phòng không, xe tăng và hỏa tiễn, và bà Nhàn là người môi giới các thương vụ quan trọng này. Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lúc bấy giờ lại muốn giao dịch mua vũ khí với các đối tác truyền thống là Nga và Trung Quốc, một phần vì người của phe ông có lợi ích kinh tế trong vai trò môi giới tại các quốc gia này, và một phần vì Nga là đối tác không thể thiếu trong việc đào tạo Hải Quân Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: