LTS: Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, trong những ngày gần đây có loạt bài nói chuyện về giáo dục đang gây xôn xao trong xã hội. Một trong những ý mà bà khiến cho giới cầm quyền Việt Nam lúc này cảm thấy khó chịu, bởi bà có một nhận định cụ thể rằng, dù chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã mất, nhưng nền giáo dục của chế độ này để lại vẫn vượt bậc so với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ý kiến này của bà không có gì mới mẻ, tuy nhiên lời nói thật là điều gây xôn xao và được bình luận ở nhiều nơi, bao gồm cả những người chống đối nhận định này cũng như ủng hộ.
Bài viết của cây bút Lâm Bình Duy Nhiên là một trong những nhận định thú vị về sự kiện này, phơi bày tình cảnh cay đắng của những trí thức trước 1975 đã chống đối chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà hôm nay chỉ có thể thở dài tiếc nuối Với chính quyền độc tài mà mình ủng hộ
Từ khá lâu, nhiều người khen ngợi hay tỏ vẻ khâm phục bà Bùi Trân Phượng (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen). Nhưng riêng cá nhân, tôi lại thấy bà là người đi hai hàng, gió chiều nào, theo chiều ấy!
Ở bà, thỉnh thoảng có vài nhận xét, được cho là cấp tiến hay mang tính phản biện về nền giáo dục nước nhà. Nhưng nó chỉ lưng chừng, úp úp mở mở và bà ta chẳng dám chỉ trích thẳng nhà nước.
Bà được cho là “nhà quản lý giáo dục giỏi” của Việt Nam và từng được đi du học tại Pháp dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ! (À, cũng chính chế độ này cho bà học bổng và cơ hội du học tại nước ngoài).
Bà nhận định như thế này, trong một clip mang chủ đề “Học để làm gì? Bản chất sự học là đây”
“Cái xã hội mà mình đã sống qua trước 75 là một xã hội mà mình đã không đồng tình với nó về nhiều mặt rất cơ bản. Mình là người đã tham gia cuộc đấu tranh chống lại xã hội đó, chính quyền đó. Nhưng mà, đứng về mặt học hành thì cái môi trường xã hội đó nó vẫn tốt hơn cho việc học của mình gấp triệu lần so với cái môi trường mà mình chứng kiến từ năm 75 đến nay”.
Bà muốn chê giáo dục Việt Nam ngày nay nhưng vẫn phải “mượn” sự lên án, chống đối thể chế Việt Nam Cộng Hòa. Cái kiểu, ừ tôi chống “ngụy” à nha, mọi người thấy không? Một hình thức như tự bảo vệ chính mình!
Có tâm, có tầm nhưng cũng cần có cái dũng của kẻ làm giáo dục. Lên tiếng để nhằm thay đổi diện mạo lạc hậu và độc tài của một nền giáo dục thì có gì phải ngại hay sợ?
Danh tiếng, bổng lộc giờ này, khi đã 74 tuổi rồi, còn gì nữa mà phải gìn giữ để tiếp tục luận điệu hai hàng?
Hay đó là chỉ là cái hèn của một nhà quản lý giáo dục trong một nền giáo dục độc tài toàn trị? Một nền giáo dục chỉ biết đào tạo bừa bãi vô số học hàm, học vị hay chạy theo thành tích, giải thưởng nhưng đóng góp thiết thực cho xã hội chỉ là con số không tròn trĩnh!