Có một sự trùng hợp đáng kinh ngạc là sau khi Tô Lâm đi Cà Mau mừng sinh nhật Nguyễn Tấn Dũng thì các thân tín của ông Trọng đều bị kỷ luật, còn Đinh Thế Huynh, một người từng dự định lật đổ ông Trọng bỗng nhiên xuất hiện trở lại.
Sinh nhật ông Dũng và sự trở lại của “người tử tế”
Ngày 16 Tháng Mười Một, truyền thông Việt Nam loan tin Tô Lâm đi Cà Mau, tham dự chương trình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 – 2024). Sau đó ngày 17 Tháng Mười Một thì họ Tô tiếp tục dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Công khai trên truyền thông là vậy, nhưng dư luận biết rằng ngày 17 Tháng Mười Một là sinh nhật ông Nguyễn Tấn Dũng. Và Cà Mau quê hương, nơi ông Dũng được sinh ra. Cho nên khi nghe tin Tô Lâm đi Cà Mau thì người ta biết ngay là đi mừng sinh nhật ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ trưởng của Tô Lâm ngày xưa.
Nguyễn Tấn Dũng và Tô Lâm đã cười rất tươi trong đám tang ông Trọng. Sau khi ông Trọng chết thì chỉ trong 3 ngày, từ 15 tháng Tám tới 17 tháng Tám, người ta thấy Nguyễn Tấn Dũng ngồi cùng Tô Lâm hai lần tại trụ sở Trung Ương Đảng ở Hà Nội và tại Chương trình Kỷ niệm 55 năm ngành công an ở Sài Gòn. Từ lúc đó, dư luận râm ran tin đồn ông Dũng sẽ trở lại chính trường, hoặc ít nhất là phe ông Dũng sẽ đảo ngược lại tình thế sau khoảng thời gian nằm gai nếm mật.
Dấu hiệu đầu tiên cho sự trở lại này là ngay sau sinh nhật Nguyễn Tấn Dũng hai ngày, ngày 19 tháng Mười Một, con trai út của ông Dũng là Nguyễn Minh Triết (Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam) đã bay sang Campuchia dự chương trình Gặp gỡ lãnh đạo thanh niên Việt Nam – Campuchia. Nguyễn Minh Triết đã gặp con trai trẻ nhất của Hun Sen là Hun Many (ông Hun Sen còn một người con gái út). Hun Many đang là Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Công tác Công cộng, Chủ tịch Hội Liên Hiệp thanh niên Campuchia.
Động thái này cho thấy Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị đưa con trai út lên cao bằng cách mở đường ngoại giao với gia đình Hun Sen. Xét về tương quan thì cả hai ông cựu thủ tướng Việt Nam và Campuchia đều có kinh nghiệm, mối quan hệ chính trị, nền tảng không kém gì nhau. Hai đều có sự chuẩn bị kỹ cho các con của mình. Con trưởng của Hunsen đang là thủ tướng Campuchia, con trai cả của ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị thì đang làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, rất có thể sẽ vào Uỷ viên Trung ương đảng khoá sau.
Mối thâm thù đại hận giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng
Quả thật, nếu hỏi ai là người cay cú Nguyễn Phú Trọng nhất, thì câu trả lời chắc chắn là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng là người thường xuyên công kích ông Dũng nhất, ngay từ năm 2012, Nguyễn Phú Trọng đã từng nghẹn ngào rớt nước mắt khi không kỷ luật được đồng chí X.
Để rồi tới năm 2016, sau khi tiễn ông Dũng về vườn làm “người tử tế”, thì ông Trọng đem cả dàn phe cánh ông Dũng vào lò. Từ quan lớn như Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, tới doanh nhân như Trầm Bê, Hà Văn Thắm…
Từng là lính dưới trướng ông Dũng, Tô Lâm vốn cũng không ưa gì Nguyễn Phú Trọng, dù đã từng thề trung thành với ông Trọng. Đó chỉ là tình thế bắt buộc để được trở thành thanh bảo kiếm sắc bén của ông Trọng. Chứ từ vụ bò dát vàng, bị cả phe “sỹ phu Bắc Hà” bêu rếu là Tô Lâm đã nuôi hận rồi. Đặc biệt là khi ông Trọng tính giao ghế tổng bí thư lại cho Vương Đình Huệ thì Tô Lâm lại càng quyết tâm muốn triệt hạ phe ông Trọng.
Trước khi ông Trọng chết, thì từ đầu năm nay phe cánh ông Trọng cũng đã lần lượt bị Tô Lâm cho về vườn. Nhưng đáng chú ý nhất là sau sinh nhật của Nguyễn Tấn Dũng thì ngày 20 tháng Mười Một, Tô Lâm đã cho kỷ luật cảnh cáo Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể, và tạm treo án cho Võ Văn Thưởng do “đang điều trị bệnh”.
Dĩ nhiên đây chỉ là ba thuộc cấp nổi bật của ông Trọng, vẫn còn một dàn thân tín ông Trọng đang xếp hàng chờ Tô Lâm xử. Và án kỷ luật vẫn chưa chắc là bản án cuối cùng với những thân tín của ông Trọng. Nếu Nguyễn Tấn Dũng kiên quyết muốn báo thù, hạ nhục phe ông Trọng, thì mọi thứ mới chỉ là bắt đầu.
Thừa gió bẻ măng: Phạm Minh Chính cũng muốn truy cùng diệt tận phe ông Trọng
Ngoài ra một diễn biến đáng chú ý trong vụ này là bài viết trên facebook của bà Trần Thị Sánh, chị dâu ông Phạm Minh Chính. Ngày 21 tháng Mười Một, bà Sánh viết “Đọc tội của ông Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Văn Thể cũng giống tội của ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Đinh Tiến Dũng, bà Trương Thị Mai… Đó là vi phạm quy định của Đảng, vi phạm những điều Đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, giá như Bộ Chính trị và Uỷ Ban Kiểm tra nói rõ hơn tội của từng ông bà để dân biết thì tác dụng sẽ lớn hơn”.
Với cương vị chị dâu của Phạm Minh Chính, bà Sánh vốn được coi là phát ngôn viên không chính thức của thủ tướng. Nên những bài viết của bà này thường được dư luận quan tâm để biết quan điểm của gia đình ông thủ tướng trong các sự kiện thời sự tại Việt Nam. Cho nên việc bà Sánh ghi rõ tên từng quan chức, yêu cầu công khai sai phạm, cho thấy phía ông Phạm Minh Chính cũng muốn báo thù phe ông Trọng chứ không muốn bỏ qua.
“Ví dụ như các ông bà đó gây hậu quả nghiêm trọng ở dự án nào, thấy thoát bao nhiêu tiền, tham nhũng bao nhiêu tiền, ai đưa tiền hối lộ, lợi ích nhóm ra sao? Làm đến tứ trụ triều đình, suốt ngày dạy dỗ, răn dạy dân, rồi tôi cùng xương thịt với đồng bào tôi … mà lại vi phạm pháp luật, vi phạm những điều Đảng viên không được làm …thì chẳng còn gì để nói nữa … Vì vậy, dư luận cho rằng kỷ luật cảnh cáo các ông bà này là quá nhẹ, không tương xứng với tội của họ, là chưa thuyết phục và chưa làm những kẻ khác chùn tay … Kỷ luật nhẹ như vậy là vẫn có vùng cấm đấy, thưa TBT Tô…”. Nguyên văn trong bài viết này bà Sánh chỉ ghi họ, không ghi toàn bộ tên ông Tổng bí thư Tô Lâm.
Từ ngày 16 tới 21 Tháng Mười Một thì Phạm Minh Chính đang đi Nam Mỹ, không thể tới Cà Mau được, nhưng đương kiêm thủ tướng vẫn gửi hoa chúc mừng sinh nhật cựu thủ tướng. Đây là một tín hiệu cho thấy ông Chính cũng muốn bắt tay liên minh với ông Dũng. Phạm Minh Chính cũng có mối hận phe Nguyễn Phú Trọng khi ông Trọng phanh phui vụ AIC, truy nã bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được đồn đoán là bồ nhí ông Chính. Có thông tin ông Trọng muốn làm vụ AIC để đánh ông Chính. Với mối thâm thù như vậy thì việc Phạm Minh Chính muốn truy tận gốc phe ông Trọng cũng không khó hiểu.
Người khỏe bỗng dưng bệnh nặng, kẻ đang bệnh bỗng khỏe lại
Một diễn biến bất ngờ khác là việc ông Đinh Thế Huynh xuất hiện trở lại ngay sau sinh nhật của Nguyễn Tấn Dũng. Chiều ngày 22 Tháng Mười Một, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vì những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cho Đinh Thế Huynh, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương đảng. Ông Huynh xuất hiện với thần thái rạng ngời, khoẻ mạnh, trái ngược với tin đồn rằng ông bị bệnh nằm liệt giường từ năm 2017 tới nay.
Đinh Thế Huynh vốn là người được Nguyễn Phú Trọng chọn để kế thừa ghế Tổng bí thư. Nhưng sau đó ông Trọng phát hiện bộ ba Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, Đinh La Thăng muốn tìm cách ép ông Trọng phải từ chức Tổng Bí thư vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ. Từ đó Đinh Thế Huynh bị quản thúc, phải cáo bệnh để giao ghế lại cho Trần Quốc Vượng.
Cứ ngỡ Đinh Thế Huynh đã gần đất xa trời, nhưng ngay sau sinh nhật Nguyễn Tấn Dũng thì ông Huynh đang bệnh thì lại khoẻ mạnh rạng ngời. Còn Võ Văn Thưởng, đang trẻ khỏe thì lại phải điều trị bệnh nặng. Rõ ràng là gió đã đổi chiều, những cựu thần thời ông Dũng bắt đầu quay lại và những đại thần của ông Trọng thì rục rịch chuẩn bị vào chính cái lò mà ông Trọng xây.
Tháng Giêng năm 2026 sẽ là đại hội đảng lần thứ XIV, 13 tháng trước mặt sẽ là giai đoạn đấu đá khốc liệt để giành ghế, chia phe trong nội bộ CSVN. Dư luận vẫn đang chờ những diễn biến bất ngờ tiếp theo.
Liệu Võ Văn Thưởng có kịp khỏe trở lại để nhận án kỷ luật? Vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc có vào lò hay được hạ cánh an toàn? Lương Cường, Phạm Minh Chính có cố thủ được trong tứ trụ? Ai sẽ thay Phan Văn Giang, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú? Nguyễn Tấn Dũng sẽ sắp xếp cho hai con trai là Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết vào vị trí nào trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng?