Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi chiến tranh Ukraine là “chiến tranh ủy nhiệm” và cho rằng thật là “khe khắt” khi Phương Tây không cung cấp đủ vũ khí cho người Ukraine.
“Phương Tây tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm nhưng lại không trao cho người được ủy nhiệm năng lực để làm việc đó,” ông Johnson thẳng thừng nói. Ông cũng cho rằng việc dùng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nhẽ ra phải được triển khai sớm hơn.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Ukraine là Dmitry Kuleba nói rằng Kyiv không có đủ phương tiện để giành ưu thế trước Nga và có thể sẽ thua trong cuộc xung đột. Có thế xem ý kiến của các ông Kuleba và Johnson là một sự xác nhận rằng Phương Tây luôn sợ cái gọi là “leo thang chiến tranh,” xem đó là một điều khủng khiếp, cần hết sức tránh.
Dù đánh giá cao Tổng thống Biden, ông Kuleba vẫn cho rằng việc chậm trễ trong việc chuyển giao một số hệ thống vũ khí là vì tư duy chiến tranh lạnh của Mỹ khiến ông Biden lo sợ xảy ra một cuộc chiến hạt nhân với Nga.
Phải thừa nhận rằng trong cuộc xung đột hiện nay, Nga đang ở thế thượng phong. Chẳng sung sướng gì khi phải thừa nhận điều đó. Và để xảy ra điều đó chính là do Phương Tây luôn ngán ngại phải đối đầu trực tiếp với Nga. Cái tư duy chiến tranh lạnh đã khiến Phương Tây bị đóng băng, không kịp thích ứng với tình hình mới. Sự tan băng diễn ra quá chậm đã dẫn tới việc Ukraine bị Nga lấn lướt trên chiến trường.
Câu hỏi đặt ra là Phương Tây sẽ hành động như thế nào trong thời gian tới để giúp Ukraine thoát khỏi tình trạng bị Nga o ép như hiện nay. Ông Boris Johnson có lý khi cho rằng vấn đề không phải là leo thang chiến tranh, mà là sự không thành công trong việc leo thang đủ nhanh. “Đó là cơn ác mộng đối với Ukraine,” ông nói.
Tổng Thống Zelensky trước đây luôn khẳng định Ukraine sẽ không nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Nhưng mới đây, ông có thay đổi lớn trong lập trường về lãnh thổ và hòa bình, khi cho biết sẽ cân nhắc việc nhượng các lãnh thổ của Ukraine hiện đang bị Nga chiếm đóng để đổi lấy việc các phần lãnh thổ tự do của Ukraine được đặt dưới “chiếc ô NATO,” và rằng sau đó Ukraine có thể giành lại phần lãnh thổ đang trong tay Nga qua con đường ngoại giao
Đây là lần đầu tiên ông Zelensky đưa ra quan điểm này. Có thể xem đây là một sự thừa nhận của ông Zelensky rằng Ukraine khó có thể chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất bằng vũ lực, ít ra là vào lúc này. Đồng thời có thể xem tuyên bố mới nhất này của vị tổng thống Ukraine là một sự thừa nhận rằng Ukraine khó có thể thắng trong cuộc xung đột với Nga trước một Phương Tây lừng khừng, dám chơi nhưng không dám chịu.
Phó Đại Sứ Nga tại LHQ là Dmitry Polyansky nói rằng bất kỳ quyết định nào của ông Trump về cắt giảm viện trợ cho Kyiv sẽ là “án tử” đối với quân đội Ukraine. Chính Tổng Thống Zelensky từng cho rằng Ukraine sẽ thua nếu Mỹ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine. Vậy liệu chính quyền của Tổng Thống Donald Trump sẽ kết “án tử” đối với Ukraine hay không?
Một lần nữa, người ta lại nhớ tới lời của ông Biden rằng “Mỹ giúp Ukraine là giúp chính mình.” Hy vọng ông Trump sẽ đồng quan điểm với ông Biden về vấn đề này.