1.
Hôm 28 Tháng Mười Một, tại một cuộc họp báo ở Kazakhstan, Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông Trump vẫn chưa an toàn.
Có lẽ ông Putin cho rằng tổng thống tân cử Donald Trump vẫn có thể đối mặt với các vụ mưu sát khác sau khi từng bị ám sát hụt mấy lần trong thời gian tranh cử tổng thống. Sự “lo lắng” mà ông Putin dành cho ông Trump khiến nhiều người phải nhún vai: “Chuyện an toàn của ông Trump đã có nước Mỹ lo. Putin nên lo cho chính mình.”
Cũng trong cuộc họp báo đó, ông Putin nói ông kỳ vọng vào ông Trump trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang xấu đi. Vị tổng thống Nga này khen ông Trump là một nhà chính trị “thông minh và nhiều kinh nghiệm,” đồng thời chỉ trích chính sách của ông Biden đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước.
Nói nịnh ông Trump bằng những lời như thế, có lẽ ông Putin hy vọng ông Trump sẽ giúp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine theo hướng có lợi cho Nga. Dù chưa rõ ông Trump sẽ làm gì để kết thúc cuộc xung đột một cách nhanh chóng như ông Trump từng hứa, mọi người vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào ông, chứ không chỉ ông Putin mới kỳ vọng. Vấn đề là dù đến mười ông Trump “thông minh và nhiều kinh nghiệm” cũng sẽ không thể đáp ứng kỳ vọng đó của mọi người một khi ông Putin không hề có thực tâm muốn nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm này.
Tới giờ này, Putin và các đồng chí của ông ta vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với tình hình tại Ukraine khi đòi hỏi mọi thỏa thuận hòa bình phải bao gồm việc Kyiv từ bỏ ý định gia nhập NATO và chấp nhận nhượng các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng của Ukraine. Trong khi đó, Moscow lại không hề tỏ ra sẵn sàng có bất kỳ nhượng bộ nào đối với Ukraine. Hòa bình chỉ đến khi cả hai bên đều chấp nhận có nhượng bộ lẫn nhau, chứ không chỉ một bên.
Rốt cuộc, người ta có thể kỳ vọng vào ông Trump nhưng lại khó có thể kỳ vọng vào một kẻ luôn ham muốn đất đai của nước khác như Putin. Và như thế, e rằng hòa bình sẽ không đến với Ukraine một cách dễ dàng và nhanh chóng.
2.
Tổng Thống Putin mới đây gởi lời xin lỗi tới cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel về sự cố chó cưng 17 năm trước.
Trong lời xin lỗi, ông Putin phủ nhận từng cố tình dùng con chó tên Koni của mình để dọa bà Merkel trong cuộc gặp giữa hai người năm 2007. Ông hứa hẹn rằng chuyện này sẽ không tái diễn nếu bà Merkel tới thăm Nga một ngày nào đó.
Trong quyển hồi ký vừa xuất bản của mình, bà Merkel viết rằng trong cuộc gặp đó, bà đã không thoải mái khi con chó Koni cứ đi loanh quanh trong phòng họp, có lúc tới sát người bà ngửi ngửi, còn ông Putin lại tỏ ra thích thú mà không can thiệp. Bà cựu thủ tướng Đức cho rằng ông Putin đã có ý hù dọa bà khi thả con chó giống Labrador đó vào phòng họp.
Vậy là 17 năm sau cuộc gặp với ông Putin, bà Merkel vẫn chưa quên chuyện bực mình đó, vẫn xem việc ông Putin thả chó là một sự hù dọa. Hoàn toàn có thể tin lời bà Merkel về việc này, dẫu ông Putin phủ nhận. Bởi sự hù dọa người khác dường như là một phần của con người ông ta.
Tới giờ này, ông Putin vẫn đang tiếp tục trò hù dọa thiên hạ, không phải bằng chó, mà bằng vũ khí hạt nhân. Cái nết đánh chết không chừa!
3.
Tình hình Syria đang xấu đi cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Asssad khi trong cuộc tấn công mới đây, phiến quân đã chiếm được đường cao tốc M5 nối các thành phố Hama và Aleppo.
Với việc mất quyền kiểm soát cao tốc chiến lược này, lực lượng chính phủ không thể đưa quân tiếp viện tới. Điều này sẽ giúp phiến quân nhanh chóng mở rộng các vùng lãnh thổ đã chiếm được. Và thực tế là ngay sau khi chiếm được cao tốc M5, phiến quân đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát tại nhiều khu vực rộng lớn ở Aleppo, còn quân chính phủ thì vội vã rút đi.
Aleppo là thành phố lớn thứ hai của Syria, từng được giải phóng khỏi các phe phái chống chính phủ trong một chiến dịch phối hợp chung giữa các lực lượng quân sự Nga và Syria cuối năm 2016. Đối với quân chính phủ và cả phiến quân, Aleppo là chìa khóa để kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria và các khu vực lân cận.
Đạt được các thắng lợi đáng kể trong thời gian gần đây, phiến quân được cho là đang sử dụng các chiến thuật hiện đại, bao gồm máy bay không người lái và các nhóm cơ động để tấn công các mục tiêu chiến lược. Báo chí Nga cáo buộc Ukraine đã trực tiếp hỗ trợ cho phiến quân cả ngàn FPV và huấn luyện họ cách sử dụng. FPV là viết tắt của First Person View, là loại drone được trang bị hệ thống camera và truyền tải hình ảnh trực tiếp.
Tình hình rõ là đang ngày càng tồi tệ cho chính quyền Assad do Nga hậu thuẫn. Aleppo rơi vào tay phiến quân thì sẽ là thất bại nghiêm trọng đối với chính quyền Assad. Để cứu vãn tình hình, Nga cần có các biện pháp khẩn cấp. Nhưng chính quyền Assad khó có thể trông chờ gì ở Nga khi Nga đang bị sa lầy ở Ukraine và thậm chí còn phải cần tới sự hỗ trợ quân sự của Bắc Hàn. Lực lượng quân Nga ít ỏi ở Syria lúc này gần như chỉ để làm kiểng. Vài cuộc không kích của Nga nhằm vào phiến quân chỉ có thể gây khó cho đối phương nhất thời, chứ khó ngăn được đà tiến của họ, vì phần lớn năng lực không quân của Nga đã dồn cho mặt trận Ukraine. Vả chăng, mối quan tâm thực sự đối với Moscow hiện tại không phải là Syria mà là Ukraine.
Ngoài Nga là hậu thuẫn chính, chính quyền của TT Bashar al-Assad còn có sự hỗ trợ của một số quân Iran ở Syria. Nhưng lực lượng này cũng đang bị các cuộc không kích của Israel dập cho tơi tả, chẳng thể giúp gì cho ông Bashar al-Assad. Chính vì thế, giới quan sát nghi ngờ về lời tuyên bố của TT Assad khi ông ta khẳng định Damascus có khả năng đẩy lùi phiến quân “với sự giúp đỡ của các đồng minh”.
Có cảm tưởng cái thời của Bashar al-Assad không còn kéo dài bao lâu nữa.