Mũi Hảo Vọng nằm trong bán đảo Cape Peninsula là phần đất cuối cùng của phía Tây Nam Châu Phi tiếp giáp với biển.
“Two Ocean” là danh từ mà du khách thường gặp khi đến du ngoạn vùng phía Nam của Nam Phi (South Africa) với các tên như “Two Ocean Aquarium,” “Two Ocean Restaurant”… “Two Ocean” hay “Hai Đại Dương” được ám chỉ là nơi gặp gỡ giữa hai biển lớn Atlantic Ocean (Đại Tây Dương) và Indian Ocean (Ấn Độ Dương), nằm vào khoảng giữa hai mũi đất cực Nam của Nam Phi là Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và Cape Agulhas.
Tuy rằng Cape Agulhas mới chính là cực Nam xa nhất của Châu Phi, nhưng có lẽ từ các truyền thuyết, nhất là truyền thuyết “The Flying Dutchman” (Người Hòa Lan Bay) cộng lẫn với sức mạnh thiên nhiên như bão táp, gió mạnh tại khu vực này, vì thế người ta gán cho Mũi Hảo Vọng là mũi đất xa nhất của Nam Phi, nơi giao lưu của hai dòng hải lưu lạnh Benguela bên phía Tây và hải lưu ấm Agulhas bên phía Đông bán đảo.
Truyền thuyết “The Flying Dutchman” là câu chuyện kể lại năm 1641, một chiến thuyền Hòa Lan của thuyền trưởng Hòa Lan Hendrick van der Decken đã bị nhấn chìm tại đây do bão táp nhưng ông van der Decken đã có lời nguyền rằng ông sẽ ở lại khu vực Cape đợi cho đến ngày phán quyết.
Từ đó, lời nguyền này tạo ra truyền thuyết con thuyền ma chịu số phận phải đi quanh quẩn trong vùng biển Mũi Hảo Vọng mà không bao giờ cập được vào bờ biển Cape. Sau này, có những thủy thủ của các đoàn thuyền khác khi đi ngang qua đây đều nói chắc rằng họ đã nhìn thấy con thuyền ma, phát ra ánh sáng ma quái vào những ngày dông tố tối trời.
Nhưng truyền thuyết chỉ là truyền thuyết, còn phong cảnh thiên nhiên Mũi Hảo Vọng nói riêng và thắng cảnh Cape Peninsula nói chung quả là rất đẹp. Khoảng cách Cape Town đến Mũi Hảo Vọng chỉ khoảng gần 40 cây số, nhưng các dốc núi suốt từ phía Tây bán đảo cho đến Cape Point được tạo hóa thiết kế cho một vách núi cao, phần trên của núi lúc nào cũng như hướng về phía biển, không khác gì những cành cây liễu được hơi nước kéo nghiêng về phía hồ.
Dãy núi Table Mountain nối tiếp nhau từ Cape Town đến tận Mũi Hảo Vọng trở thành khu vực công viên quốc gia hoang dã Table Mt. National Park; ở đây du khách có dịp nhìn thấy các loài thú hoang dã như loài khỉ to lớn Chacma Baboon, loài ngựa vằn, linh dương, Penguin và cả đà điểu Châu Phi (nếu mình có duyên may mắn gặp chúng).
Khỉ Chacma Baboon vùng này chắc không xa lạ lắm với du khách nên có những con chạy theo và phóng ngồi trên xe để xin ăn. Nhưng quý vị chớ vì “lòng hảo tâm” hay vì “tò mò” mà cho thức ăn đến bất cứ các loại thú hoang dã nào ở Châu Phi. Đó là điều cấm kỵ khi chúng ta du ngoạn Phi Châu, đôi khi chính mình đã tạo ra cơ hội để các loại thú hoang dã hại mình.
Mũi Hảo Vọng và Cape Point đều có phong cảnh hữu tình, nhưng gió mạnh thường xuyên ở mũi đất này. Xe đưa bạn đến tận phần đất cuối Mũi Hảo Vọng, gió lồng lộng của biển, tiếng vỗ của sóng vào đá, hình ảnh trắng xóa của các ngọn sóng cao bên cạnh màu nước biển xanh biếc, từng đàn chim bay kín cả một vùng trời. Đây có phải là nơi mà nhà thám hiểm Bartolomeu Dias người Bồ Đào Nha đã đến vào năm 1486, nhưng ông đã phải quay trở về vì bão táp biển cả của nơi này, vì thế Dias đã đặt tên nguyên thủy cho nó là “Mũi Bão Táp” (Cape of Storms).
Có ai đã đến Great Ocean Road, một thắng cảnh tuyệt vời của vùng Victoria xứ Úc, cũng có một con tàu chìm vì đụng phải đá ngầm nhưng ở Great Ocean Road có lẽ thời tiết hiền hòa hơn. Ngược lại, phong cảnh Mũi Hảo Vọng với gió, sóng, âm thanh, màu sắc của trời, biển và những cánh chim biển lại cho tôi cảm giác ngây ngất hơn, tâm tư mình sống động hơn tại mũi đất này.
Trên đỉnh cao của Mũi Hảo Vọng hơn 200 mét là một tháp hải đăng khá lớn. Đứng từ trên đây du khách có thể ngắm nhìn Mũi Point (Cape Point) cách đó chỉ hơn cây số chạy dài thẳng nối liền với biển. Dưới chân tháp là bãi biển Dias Beach, bãi biển được đặt tên của nhà thám hiểm Bồ Đào Nha. Chung quanh đó là Table Mountain National Park công viên quốc gia hoang dã, đồi núi nối tiếp nhau, phong cảnh đẹp và quan trọng nhất là chưa bị bàn tay con người tàn phá và hầu như rất ít thay đổi trong suốt thời gian người ta khám phá ra Mũi Hảo Vọng.
Ngoài ra phải nói thêm về tiệm ăn “Two Ocean Restaurant,” một nhà hàng có các món ăn ngon và có một không gian tình tứ thơ mộng. Quả là “lãng phí” nếu một ai đó không biết tận hưởng cái không gian thơ mộng đó! Không gian lãng mạn đó như có thể đưa ta “tìm lại từ đầu” của cái giây phút lưu luyến thời xuân trẻ, cái thời mà “phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng” thơ mộng xa xưa. Đứng nơi đây, phóng tầm mắt ra xa du khách bắt đầu thấy các town phố nhỏ xa tắp dưới chân dãy núi nằm bên phía biển Indian Ocean. Các dải mây trắng len lỏi giữa các ngọn núi như cảnh thần tiên, trông ra không phải nơi đâu cũng có. Vẻ đẹp thiên nhiên lúc nào cũng chỉ xuất hiện trong những sát na mà tâm ta thưởng ngoạn.
Cape Peninsula không những chỉ cho du khách thắng cảnh Cape Town, Cape of Good Hope mà còn cho du khách những phong cảnh khó quên của các phố nhỏ bên bờ biển phía Tây (bên Atlantic Ocean) cũng như bên bờ biển phía Đông.
Hout Bay là một phố cảng cách Cape Town chừng hơn 30 phút xe. Xa hơn một chút là điểm Chapman’s Peak cao có đến hơn 500 mét, điểm này nằm trên Chapman’s Peak Drive, một đoạn đường được đục thủng bên núi dọc theo bờ biển. Từ đây nhìn về vịnh Hout Bay với đỉnh núi Sentinel cao lớn, dốc đứng sừng sững bên cạnh vịnh Hout và đảo Seal Island tạo thành một thắng cảnh bình yên rất đẹp.
Tại cảng Hout Bay, một chuyến cruise đi xem các loại hải cẩu sinh sống trên đảo nhỏ Seal’s Island và cũng là dịp cho du khách thưởng ngoạn phong cảnh từ biển nhìn ngược về thành phố Hout Bay. Những quầy hàng quà tặng bày bán dọc theo phố cảng nhưng quả thực không rẻ chút nào.
Bãi biển Kommetjie tại Noordhoek dài rộng với bãi cát trắng thoai thoải, hiếm có mấy bãi biển được như vậy, nhưng đẹp như thế mà mùa Hè vẫn không thấy tài tử giai nhân nào đến đây tắm biển. không thấy ai dám xuống biển để thử cái lạnh của biển Atlantic. Dòng hải lưu Benguela rất lạnh chảy qua đây đã làm chùn chân tất cả những ai muốn đọ sức với thiên nhiên.
Nhưng rất lạ, trong khi dòng hải lưu bên Tây lạnh giá thì dòng hải lưu Agulhas bên phía Đông của Cape Peninsula lại ấm hẳn lên, có khi ấm hơn hẳn cả đến 10 độ C. Vì vậy mà khách du lịch muốn tắm biển thì họ đổ dồn về bãi biển Muizenberg, ấm hơn và an toàn hơn.
Đồng thời khu biển Boulders là nơi trú ngụ của hơn 2,000 con chim cánh cụt African Penguin. Loại African Penguin tương đối lớn hơn khá nhiều so với loại Penguin của đảo Philip bên Úc. Du khách có thể ghé qua “giang sơn” của chúng thăm vào bất kỳ giờ nào mà mà văn phòng ở đây còn mở cửa.
Trong khi loại Penguin bên Úc nhỏ hơn, có lẽ chỉ cao bằng một nửa của African Penguin nhưng đặc biệt nhất là du khách chỉ được ngắm các đàn Penguin Úc vào lúc trời chập choạng tối. Đây là lúc đàn Penguin lục tục kéo nhau từ biển trở về tổ của chúng sau một ngày đi săn mồi ngoài biển.
Điểm đặc biệt khác ở các loại Penguin là chúng hình như không bao giờ về lầm nhà của chúng cả. Thấy chúng đi lững thững, ai cũng ngỡ chúng không biết đường về. Nhưng có đứng quan sát sinh hoạt của Penguin, mình mới nhận thấy rằng có lẽ con người mới dễ đi lầm nhà hơn là chim cánh cụt!
Ngoài các thắng cảnh thiên nhiên, Cape Peninsula vẫn còn có nhiều nơi rất nên đến thưởng ngoạn như thành phố nhỏ xinh xắn dễ thương Simon’s Town với những món quà kỷ niệm tuyệt hảo, khu vườn nổi tiếng Kirstenbosch National Botanical Garden được xếp vào khu vườn có hạng trên thế giới. Muốn dạo hết một khu vườn thì có lẽ du khách cũng phải mất đến cả ngày ở đây.
Còn khu vực Drakenstein Paardeberg và Riebeek West thì chắc chắn không ai muốn đến vì đây là nhà tù, nơi nổi tiếng vì đã từng giam giữ Nelson Mandela (vị tổng thống da đen Nam Phi sau này) cho đến ngày ông được thả ra khỏi trại.
Cape Peninsula là một nơi không thể thiếu trong hành trình du lịch của những du khách sành điệu.