Thế là chính quyền của nhà độc tài Bashar al-Assad đã sụp đổ trước sức tiến như vũ bão của các lực lượng nổi dậy ở Syria, đứng đầu là phe HTS với thủ lĩnh là Abu Mohammad al-Jolani. Chỉ trong 10 ngày, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của phiến quân đã đập tan chế độ do Nga chống lưng ở Syria.
Sự sụp đổ này cũng kết thúc 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad. Phiến quân rầm rập tiến vào thủ đô Damascus trong tiếng reo hò của hàng ngàn người dân. Có thể nói những tiếng reo hò đó là lời chào đón hòa bình trở lại với đất nước sau mấy mươi năm nội chiến liên miên.
Khi phát động cuộc xâm lược vào Ukraine, Tổng Thống Vladimir Putin không ngờ rằng Nga lại có thể sa lầy ở đất nước nhỏ bé này mà lúc đầu ông ta tưởng có thể nuốt chửng trong một vài ngày. Và rằng Putin cũng không ngờ rằng vì sa lầy ở Ukraine mà giờ đây Nga bị mất Syria, bởi quá khó cho Nga để tiếp tục trợ giúp quân Assad mà không làm suy yếu quân đội Nga ở Ukraine. Ukraine và Syria là hai nước rất xa nhau về mặt địa lý và tưởng chừng chẳng dính dáng gì tới nhau, nhưng hóa ra lại có liên quan mật thiết với nhau như anh em ruột thịt.
Với nguồn lực quân sự tập trung chủ yếu tập trung ở Ukraine, Nga không thể tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể tới Syria so với năm 2015, thời điểm Nga can thiệp quân sự để hỗ trợ chế độ Assad. Với sự sụp đổ của chính quyền Assad, Nga chưa thắng ở Ukraine nhưng đã thua ở Syria. Và cái thua ở Syria thực là đòn rất đau và là thất bại nặng nề về địa chính trị đối với Moscow. Bao công lao sức lực mà Moscow dành cho Syria hàng chục năm qua giờ đã tan thành mây khói.
Mất Syria đồng nghĩa với việc Nga sẽ mất hai căn cứ quan trọng. Đó là căn cứ không quân Hmeymim tại tỉnh Latakia và căn cứ hải quân tại Tartus. Tartus vốn là trung tâm sửa chữa và tiếp tế duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải. Cùng với căn cứ không quân Hmeymim, căn cứ Tartus giúp Nga tăng cường chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Theo các chuyên gia quân sự, căn cứ Tartus cải thiện đáng kể vị thế địa chính trị của Nga ở Trung Đông. Với các tàu chiến và tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Kalibr được đặt tại Tartus, Nga có thể dễ dàng kiểm soát tình hình Trung Đông và Địa Trung Hải. Hai căn cứ hải và không quân này đóng vai trò quan trọng đối với Nga trong việc duy trì hình ảnh một siêu cường. Mất hai căn cứ này, hình ảnh siêu cường Nga sẽ trở nên méo mó, vì Nga sẽ không thể tiếp tục khẳng định mình là một trụ cột ở Trung Đông.
Hiện không ai thực sự biết Assad đang ở đâu. Ông ta đang ở Nga hay nước nào khác, hay vẫn còn ở trong nước. Thậm chí có tin rằng ông ta đã chết khi chiếc máy bay chở ông ta đào thoát bị bắn rơi. Nhưng việc ông ta ở đâu, còn sống hay đã chết không quan trọng. Điều quan trọng là từ nay Syria đã sạch bóng ngoại xâm. Nga, Iran và các thế lực khác không còn dám can thiệp vào nội bộ đất nước này. Đất nước Syria là của người Syria.
Khi các lực lượng chống Assad tiến vào thủ đô Damascus, thủ lĩnh HTS là Abu Mohammad al-Jolani đã tức thì ra lệnh cấm phiến quân trả thù những người từng cộng tác với chế độ Assad. Ông ta tuyên bố sẽ thi hành một chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc để xây dựng một “Syria mới,” là nơi mọi người dân Syria chung sống hòa bình: “Chúng ta đã bước qua trang mới của quá khứ đen tối và mở ra một chân trời mới cho tương lai.” Ông Jolani cũng kêu gọi người dân Syria khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng đất nước.
Mong rằng dưới chế độ mới, người dân Syria sẽ thực sự được sống trong tự do và hạnh phúc. Mong rằng lời tuyên bố hòa hợp hòa giải dân tộc của ông Jolani là xuất phát từ tận đáy lòng. Mong rằng đất nước Syria của ông sẽ không mọc lên nhà tù cải tạo nào để giam giữ những người từng cộng tác với chế độ Assad, con em của những người này sẽ không bị phân biệt đối xử khi thi cử hay xin việc làm, và sẽ không có người dân Syria nào phải liều mình vượt biên, vượt biển để tìm tự do.
Nghĩa là mong sẽ không có chuyện cái cột đèn đi được thì nó cũng đi!