CHUYỆN ĐÔNG LÀO: Nghĩ mãi không ra

Nơi phát hiện ra các hài cốt tiểu sành ở ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội. (Hình: ANH HÙNG/Tuoitre)

Mấy hôm nay, dư luận Việt Nam bàn tán nhiều về việc trong quá trình thi công cống thoát nước tại ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội), các công nhân phát hiện hàng trăm bộ hài cốt đựng trong các tiểu sành kích thước 20cm x 80cm, xếp san sát nhau ở độ sâu khoảng 1m.

Có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Theo TS Nguyễn Viết Chức thuộc Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Thăng Long, để biết nguồn gốc cho các bộ hài cốt có thể ứng dụng công nghệ phân tích AND để xác định.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng số hài cốt có liên quan tới nghĩa sĩ Tây Sơn, khoảng cuối thế kỷ 18. Theo ông, độ phân hủy của hài cốt phụ thuộc vào điều kiện môi trường đất. Ở mức độ tiêu hao gần như không còn nhiều như thế thì có thể nghĩ tới một khoảng thời gian rất xa trước đây.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng số hài cốt này khó có thể là của những nạn nhân đói năm 1945: “Những người thiệt mạng vì đói là những người khó khăn nên không thể được chôn cất trang trọng. Họ thường được vùi xuống chứ không có áo quan.” Ông nhận định hài cốt trong các tiểu sành tìm thấy tiêu đến mức không nhìn thấy hình hài chứng tỏ được chôn cất từ rất lâu.

Về phần mình, TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đồng ý với nhà sử học Dương Trung Quốc rằng đây không phải hài cốt của những người chết đói năm 1945 bởi theo nhiều tư liệu lịch sử, xác họ thường được chất thành đống rồi được đào hố chôn tập thể. Ông cũng loại bỏ khả năng đó là hài cốt của những người chết vì dịch bệnh bởi các nạn nhân chết do dịch bệnh thường chết rải rác, chôn theo từng khu. Ông không tán thành ý kiến rằng số hài cốt này là thuộc nghĩa trang của dân. Vì theo ông, nếu là nghĩa trang của dân thì những người đã khuất đến từ các dòng họ, dòng tộc khác nhau, mối dòng tộc sẽ có hoa văn riêng. “Dường như các tiểu quách tìm thấy ở ngõ 167 Tây Sơn khá giống nhau về hình thức, kích thước,” ông nói.

Quá trình thi công cống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn, lực lượng công nhân phát hiện gần 150 bộ hài cốt. (Hình: Đình Sơn/VietnamNet)

TS Nguyễn Lân Cường cũng bác bỏ khả năng số hài cốt là của quân Thanh. Ông cho rằng gò Đống Đa cũng chỉ tìm thấy thi thể vùi dưới đất chứ không được chôn trang trọng trong tiểu. Ông nghiêng về khả năng đó là di hài của các chiến binh Việt: “Sau khi họ hy sinh, người dân cải táng đưa vào tiểu rồi sắp xếp, chôn tại khu vực này. Cụ thể là chiến binh nào, trận đánh nào thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng.” Theo ông, nhiều bộ di cốt nằm trong đất hàng ngàn năm vẫn còn khá đầy đủ các bộ phận vì trong đất có muối khoáng giúp giữ lại các phần xương. Tuy nhiên, những bộ hài cốt ở ngõ 167 Tây Sơn đã tiêu khá nhiều. Lý do là bởi các bộ xương được cải táng đưa vào tiểu. Khoảng không tồn tại vi khuẩn đã phá hủy các di cốt.

Về vấn đề này, có người dân cho rằng các tiểu xếp ngay ngắn cẩn thận cho thấy nhiều khả năng là mộ qui tập vô thừa nhận từ các nghĩa trang khác về. Nhưng cách nay cũng phải mấy trăm năm chứ không thể 50 – 70 năm được.

Một ý kiến khác cho rằng nhiều khả năng những bộ hài cốt này được qui tập từ công trình xây dựng trường Đại học Thủy Lợi những năm 60 thế kỷ trước về chôn cất ở nghĩa trang này. Khu vực này trước là cánh đồng nghĩa trang. Việc sắp xếp tiểu thành hàng thế này là mới đây.

Nhiều người nghiêng về khả năng ở đó có một dự án xây dựng lớn nào đấy. Chủ xây dựng đào và cho xương vào tiểu nhưng vì ngại tốn kém và thủ tục phiền hà nên họ xếp gọn và chôn lại.

Cuối cùng có một vị thở dài: “Rõ chán, giáo sư tiến sĩ cho lắm vào mà sờ đến vấn đề gì cũng đoán mò đoán mẫm!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: