Tinh gọn bộ máy, CSVN giải quyết số tài sản công dôi dư ra sao?

Dự án bất động sản ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. (Hình: Tuoitre)

Từ chuyện hàng trăm trụ sở đơn vị hành chính cấp huyện và xã trên khắp Việt Nam bị bỏ hoang lãng phí sau khi sáp nhập, nay giới lãnh đạo CSVN gặp thêm bài toán tương tự, cần giải quyết sao trong tương lai đối với các trụ sở cơ quan hành chính bị dôi dư do sắp thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị…

Hồi đầu Tháng Mười Hai, truyền thông CSVN đồng loạt thông tin rất nhiều trụ sở đơn vị hành chính cấp huyện và xã ở tỉnh Hà Tĩnh bị dôi dư, bỏ hoang, hết sức lãng phí.

Có thể kể đến: trụ sở Ban Chỉ Huy Quân Sự huyện Cẩm Xuyên, rộng mấy trăm mét vuông (m2) thuộc đất quốc phòng, bị bỏ hoang chín năm do chuyển sang địa điểm mới. Cơ sở vật chất của trụ sở xuống cấp, tường bị bong tróc, nứt vữa, xung quanh cỏ dại mọc um tùm…

Hoặc, nằm kế bên trụ sở Ban Chỉ Huy Quân Sự huyện Cẩm Xuyên là trụ sở Viện Kiểm Sát huyện Cẩm Xuyên, dãy phòng làm việc được xây dựng kiên cố cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang với thời gian tương tự, lâu ngày không có người quét dọn nên rác rến lấp đầy cả sân và tường bị vẽ bẩn, mất mỹ quan…

Hay trụ sở hành chính xã Cẩm Huy, sau khi sáp nhập vào thị trấn Cẩm Xuyên, bốn năm nay bị bỏ hoang, nhéch nhác, có chổ cỏ cây mọc chắn hết lối đi…

Ngoài xã Cẩm Huy, khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập cho 80 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có nhiều trụ sở đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Như trường hợp của trụ sở xã Thạch Hương, vào năm 2020, ba xã gồm: Thạch Hương, Thạch Lâm và Thạch Tân sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở xã Thạch Hương có diện tích rộng hàng ngàn m2 mới xây dựng khoảng vài năm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước tầm 8 tỷ đồng bị bỏ hoang hết sức lãng phí.

Được biết, vào ngày 24 Tháng Mười Hai, 2018, Bộ Chính Trị CSVN ban hành Nghị quyết số 37 về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã do có trên 55% đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước Việt Nam không bảo đảm tiêu chí về diên tích tự nhiên và quy mô dân số. Theo nghị quyết này, dự kiến giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, cả nước Việt Nam sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện; 1,327 đơn vị hành chính cấp xã. Trước đó, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, cả nước Việt Nam đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện; 1,056 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau khi thực hiện việc sáp nhập, số lượng trụ sở dôi dư ra khá nhiều, đáng nói là có nhiều trụ sở mới xây xong với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, nằm ở vị trí “đất vàng” của trung tâm huyện-xã buộc phải để không nhiều năm liền do chưa có phương án sử dụng.

Vào Tháng Sáu, 2022, tôi có dịp về xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, đây là xã một thời được xếp là xã trung tâm của huyện Tây Trà.

Vào Tháng Tư, 2020, huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng, kể từ đó cho đến nay, hàng loạt trụ sở đơn vị hành chính huyện Tây Trà như: Huyện Ủy Tây Trà, Tòa Án huyện Tây Trà, Kho Bạc Nhà Nước, UBND huyện Tây Trà, Trạm Khuyến Nông, Mặt Trận Tổ Quốc huyện Tây Trà, Nhà Văn Hóa Thông Tin… được đầu tư xây dựng hàng trăm tỉ đồng, nằm ở trung tâm xã Trà Phong bị bỏ hoang, lâu ngày không sử dụng hoặc sử dụng không hết chức năng nên xuống cấp nghiêm trọng, có nơi người dân tận dụng làm nơi phơi lúa, chăn thả trâu bò, nuôi gia cầm.

Tây Trà là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, cuộc sống của người dân rất khó khăn, thiếu đất để sản xuất-trồng trọt. Chưa kể, việc sáp nhập huyện khiến việc đi lại của người dân từ xã Trà Phong đến trung tâm huyện Trà Bồng gặp nhiều trở ngại vì phải vượt qua hàng chục km đường núi.

Tình trạng dôi dư, bỏ hoang trụ sở đơn vị hành chính cấp huyện và xã sau khi sáp nhập không chỉ xảy ra ở Hà Tĩnh hay Quảng Ngãi mà còn ở Thanh Hóa, TP.HCM cùng nhiều địa phương khác của Việt Nam.

Vào Tháng Mười Một vừa qua, trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc Hội CSVN, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay đã xử lý được 90% trụ sở, còn 10% với gần 1,000 trụ sở chưa được xử lý, trong đó có gần 500 trụ sở đang bỏ hoang.

Chưa hết, sắp tới đây Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN và Bộ Chính Trị CSVN tiến hành tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, dự kiến sẽ có rất nhiều trụ sở cơ quan hành chính bị dôi dư và bỏ hoang giống như trường hợp của các trụ sở đơn vị hành chính. Đây nói chung là những tài sản công, giới chóp bu CSVN chuẩn bị phương án giải quyết ra sao sau khi thực hiện chủ trương Tinh gọn bộ máy?

Bởi lẽ, hô hào chống tham nhũng nhưng khi phân tích kỹ ra thì thấy lãng phí nhiều khi còn gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước còn hơn cả tham nhũng. Tham nhũng là tài sản của Nhà nước đi vào túi đối tượng tham nhũng, thiệt hại có thể thu hồi. Còn lãng phí thì tài sản của Nhà nước không vào túi đối tượng nào, mất đi không thể thu hồi, vô phương kiểm soát.

Câu hỏi được dư luận đặt ra nhiều nhất, thay vì bỏ hoang lãng phí các trụ sở thì tại sao lãnh đạo CSVN ở các địa phương lại không tiến hành tổ chức các buổi thanh lý, bán đấu giá? Hoặc chuyển đổi công năng?

Câu trả lời có nhiều nguyên nhân được nêu ra, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu và trước mắt: Một là, khó tìm được cơ quan định giá tài sản công; Hai là, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản công thì phải chờ cấp trên phê duyệt lại mục đích sử dụng, điều chỉnh quy hoạch và hàng loạt thủ tục hành chính khác.

Đây được cho là hai nguyên nhân khó làm, rắc rối và nhạy cảm nên dẫn đến việc nhiều lãnh đạo địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu có tâm lý e ngại, không muốn làm, né tránh trách nhiệm.

Bằng chứng là chiếm đến 80%  vụ khiếu nại, khiếu kiện hằng năm ở Việt Nam là liên quan đến lĩnh vực đất đai, đây là số liệu do Ban Chỉ Đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam vừa mới nêu ra.

Chưa dừng, còn có thêm một thực tế nghịch lý đang diễn ra nữa là, trong khi ai cũng thấy nhiều trụ sở công dôi dư, bỏ hoang hoặc chưa được bố trí sử dụng lại hiệu quả thì tại các trụ sở sau khi sáp nhập lại không đủ chỗ, phòng-ban chức năng để làm việc nên buộc Chính Phủ phải trích xuất ngân sách đầu tư, xây dựng thêm, như vậy đã lãng phí lại thêm phần tốn kém.

Câu chuyện làm sao để quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, tránh lãng phí, góp phần phát triển kinh tế -xã hội ở Việt Nam là vô cùng nan giải, Trung Ương chưa tìm ra giải pháp, địa phương cứ chờ và từng ngày hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước trôi theo thời gian một cách đau lòng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: