Một buổi sáng khi Thanh đang ngồi trong nhà đọc vớ vẩn vài tờ báo. Bất chợt một người đàn ông với chiếc xe Honda, khá sang trọng dừng trước cửa nhà, vẻ mặt mừng rỡ như quen thuộc Thanh từ lâu, bước vào nhà ông ta hỏi Thanh:
-Ông là ông Thanh phải không?
Thanh ngẫn ngơ nhìn ông khách lạ với nhiều thắc mắc, nhưng cũng trả lời:
-Vâng, có chuyện gì liên quan đến tôi vậy ?
-Tôi đang kiếm ông đây, người nhà tôi ở ngoại quốc, nói tôi phải tìm đến ông để đưa cho ông món tiền tương đương với 200 dollars Mỹ (khá to vào cuốn thập niên 1970)
Nói xong ông ta móc trong cặp ra một bịch tiền, cùng một tờ giấy và cái bút:
-Xin ông viết cho tôi vài hàng vào tờ giấy này để tôi gửi đi, báo tin là ông đã nhận tiền rồi.
Thanh giương mắt nhìn ông ta với tất cả ngạc nhiên. Thật chậm rãi, Thanh nói rõ ràng từng chữ:
-Ông lầm người rồi! Tôi chẳng có ai quen biết thân thiết ở ngoại quốc, đến độ họ gửi tặng cho tôi món tiền to lớn như thế đâu. Ông nên về mà hỏi lại người quen của ông để không gây ra rắc rối cho ông và cả cho tôi nữa.
-Ông Thanh, tôi không lầm đâu. Chẳng nhẽ sai địa chỉ còn sai cả hình dạng mà người quen tôi viết cho tôi nữa sao ?
Ngần ngừ một tí, ông ta nói rất nhẹ, đủ để Thanh nghe:
-Ông có phải là phóng viên cho một tờ báo, ngày xưa ở Sài Gòn không? Trong một lần đi săn tin cho tờ báo, ông bị tai nạn giao thông mà bị mất chân trái có đúng không? Tôi không lầm đâu ông Thanh à. Ông cứ nhận đi…
Thanh vội vã ngắt lời ông ta:
-Nhưng lạ quá. Tôi chắc với ông, tôi không có người thân thiết nào tốt đến độ gửi tiền bạc khơi khơi cho tôi như vậy đâu . Tôi nhận rồi, người quen của ông tìm ra lầm lẫn thì làm sao tôi có tiền mà trả lại cho ông được ? Thôi, ông mang về đi, hỏi người quen ông cho chắc chắn vẫn hơn.
-Ông Thanh à, tôi biết chắc chắn tiền này gửi cho ông mà. Ông đừng lo, mọi sự sai lầm nếu xảy ra tôi chịu trách nhiệm.
Thấy Thanh vẫn còn ngần ngại, chưa quyết định. Ông ta ghé sát vào tai Thanh nói nhỏ:
-Theo tôi nghĩ hội cựu ái hữu phóng viên tàn phế ở hải ngoại giúp đỡ ông đó…
Thanh ngẩn ngơ với lời giải thích quá hợp lý của ông ta. Quay sang nhìn mẹ như hỏi ý kiến. Bà Chánh hơi gật đầu nói với Thanh:
-Ông ta đã nói chắc như vậy thì con cứ nhận đi
Rồi quay sang người đàn ông, với giọng rất minh bạch, bà Chánh nói:
-Nếu có gì lầm lẫn, sai traí, mong ông đừng đổ trách nhiệm lên đầu chúng tôi nhé.
-Bác và anh Thanh đừng lo, cháu không đến nỗi ngu muội đưa một món tiền quá lớn ra làm trò đùa, vô căn cứ đâu.
Đúng như vậy, món tiền đó, phải gọi là vĩ đại cho hoàn cảnh cùng túng của xã hội Việt Nam vào thời điểm quá khó khăn đó, nó đã giúp Thanh đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề sinh sống cho Thanh và mọi người trong gia đình.
Rồi lạ kỳ lại tiếp nối. Khoảng 3 tháng sau lại cũng người đàn ông đó đến, lần này thì chẳng còn gì để bàn cãi, tranh luận đúng sai nữa. Thanh cũng bình thản nhận tiền khi ông ta cho biết, một nhóm cựu phóng viên của làng báo chí ngày xưa tự ý đóng góp gửi về cưu mang những đồng nghiệp không may mắn trong nước.
Sau đó, cứ khoảng 3 hay 4 tháng, Thanh lại nhận được những món tiền giúp đỡ tương tự. Khi ít, khi nhiều, khi bằng ngoại tệ, khi bằng tiền Việt. Người đưa tiền cho Thanh cũng thay đổi luôn. Lúc thì một Việt kiều có dịp về thăm quê hương mang đến, lúc thì một kẻ trung gian chuyển phát tiền ăn lời… Đặc biệt là chẳng ai nói rõ tên, địa chỉ của ân nhân hay hội đoàn giúp đỡ, dù Thanh gặng hỏi. Cuối cùng Thanh chỉ nói được vài lời cảm ơn hay viết lá thư tỏ bày cảm động biết ơn sự giúp đỡ cao đẹp của ân nhân, đưa cho người phát tiền nhờ họ chuyển cho ân nhân mà thôi.
Sự giúp đỡ liên tục như vậy kéo dài suốt gần 15 năm trời. Gia đình Thanh đã nhờ sự giúp đỡ kỳ lạ như vậy mà dư giả, có vốn để làm ăn. Cuộc sống của gia đình Thanh thay đổi hoàn toàn, từ thiếu ăn khổ cực đến nhàn nhã sung túc. Với 12 người lớn bé, cùng chui rúc trong một căn nhà lụp xụp khoảng 60 mét vuông trong xóm, đã được thay bằng một căn nhà 3 tầng lầu khang trang ở mặt đường lộ để cho cô em gái mở tiệm may ở tầng trệt
Bước sang thập niên 1990, Mẹ đã già yếu, Thanh cũng đã gần 50. Sức khoẻ sau lần bị tai nạn giao thông cũng đã xuống rất nhiều. Thanh và mẹ cũng chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ phần nào cho gia đình cô em gái hay chăm sóc việc học cho vài đứa cháu mà thôi.
Một buổi chiều, Thanh đang ngồi đọc báo trong phòng khách. Chị thợ may dẫn vào một cô gái, khá sang trọng, còn trẻ khoảng trên dưới 20 tuổi. Vừa trông thấy Thanh, cô ta mừng rỡ chào hỏi :
-Bác Thanh, bác có khoẻ mạnh không ?
Nhìn thấy nét ngỡ ngàng, xa lạ của Thanh, cô ta cười nói tiếp:
-Bác không nhận ra cháu sao?
Thanh cau mày, cố lục lọi trí nhớ để tìm ra sự quen biết với cô ta, nhưng đành chịu . Anh nói với cô ta:
-Xin lỗi cô, tôi chẳng nhận ra cô là ai cả!
Cô gái mỉm cười có vẻ thích thú vì vẻ ngẩn ngơ của Thanh:
-Cháu là Hồng Yểm đây!
Thanh ngẩn ngơ, nhìn thật kỹ cô gái, lúc đó anh mới tìm được một vài điểm quen thuộc của cô bé Hồng Yểm đã hơn 17 năm ngày trước. Cô bé gái 4, 5 tuổi con của Vân, đứa bé mà anh đã từng ẵm bế, thân thương. Nhưng cũng ngay lúc đó cảm giác uất hận, đau đớn đổ dồn đến xoáy buốt tâm hồn Thanh, hình ảnh người đàn bà phản bội, bạc tình, lừa dối lại hiện ra trong trí nhớ. Phải cố trấn tỉnh, Thanh mới không phát ra những lời sỗ sàng, xua đuổi cô gái ra khỏi nhà. Thanh nhíu lông mày nhìn cô gái trong ánh mắt lạnh lùng, bực bội, anh sẵng giọng nói với cô ta:
-Vâng, chào bà. Tôi đã nhận ra bà rồi!
Chẳng để cho cô gái trả lời Thanh đay nghiến tiếp:
-Bà đến đây để làm gì vậy? Tôi nhờ bà nói với mẹ của bà, tôi chẳng còn gì để mẹ con bà lợi dụng nữa đâu, xin để cho cuộc sống của tôi được yên ả!
Giơ chiếc chân trái tàn phế về hướng cô gái, anh tiếp:
-Bà thấy không, với cái thân thể tàn tật, khiếm khuyết này làm sao tôi xứng đáng với cái danh giá cao sang của mẹ con bà được!
Dù nhìn thấy nét mặt đau khổ, ngẩn ngơ của cô gái, Thanh cũng không bớt được cơn giận dữ, anh phẩy tay về phía cô gái:
-Thôi bà để tôi yên. Bà về đi, nhờ bà nói với mẹ của bà, tôi không còn dại khờ để bị lừa đảo, phản bội lần nữa đâu! Xin mời bà ra khỏi nhà tôi!
Cô gái thẫn thờ, đau khổ nhìn sự tức giận của Thanh. Mãi một lúc sau, với nét mặt ướt đẫm vì giòng lệ đang chảy ra từ đôi mắt, cô gái nói thật nhẹ trong tiếng khóc:
-Bác Thanh! Mẹ cháu không còn nữa, vừa mất hai tháng nay. Mẹ cháu đã sống trong hối hận, trong đau khổ suốt hơn 17 năm vừa qua, từ ngày rời xa bác.
Với giọng nói lạnh lùng, Thanh đay nghiến:
-Thật buồn cho mẹ của bà. Nhưng việc mẹ của bà chết hay sống có gì để liên quan đến tôi chứ?
Cô gái lại nói như năn nỉ:
-Bác Thanh, bác hãy bình tỉnh lại để hiểu và tha thứ cho mẹ cháu.
Vừa nói, cô ta vừa mở chiếc xách tay, rút ra một lá thư đưa tận tay Thanh với thái độ buồn bã cô ta nói rất nhẹ:
-Bác hãy đọc lá thư này của mẹ cháu gửi cho bác, trước khi mất. Sau khi đọc xong, nếu bác còn nghĩ rằng mẹ cháu là người đáng nguyền rủa, cháu không đủ tư cách làm đứa cháu của bác như mẹ cháu mong muốn. Cháu sẽ rời xa bác ngay, vĩnh viễn không bao giờ làm phiền đến bác nữa!
Cầm lá thư trong tay, Thanh định xé tan nó trước mắt cô gái để tỏ lòng thù hận mà anh đã tích chứa trong 17 năm vừa qua. Nhưng khi ngước lên nhìn khuôn mặt đau khổ đầy nước mắt của cô gái. Ký ức lại kéo Thanh trở về với hơn 2 năm trời ấm cúng, hạnh phúc với mẹ con cô ta. Anh đã từng bế ẵm cô ta trong tay mình với biết bao nhiêu nồng nàn, ấm cúng như tình cha con. Cái tên Nguyễn Thị Hồng Yểm của cô ta cũng chính do anh đặt ra để kỷ niệm lần giận hờn ngây ngô thủa ấu thơ của Thanh và mẹ cô ta… Tất cả những cái đẹp đẽ, kỷ niệm xa xăm đó đã lần lượt trở lại, hiện ra trước mắt Thanh, làm Thanh ngần ngừ tí chút trước khi mở lá thư ra đọc:
Cali, ngày… tháng… năm 1994
Anh Thanh thương mến,
Đã hơn 17 năm qua rồi. Thời gian qua đi, em đã tưởng rằng nó đã quá đủ dài để chôn vùi được những kỷ niệm thuở ấu thơ và hơn hai năm yêu nhau ngọt bùi, hạnh phúc của chúng mình từ ngày anh bị thương vào bệnh viện.
Nhưng hôm nay đứng trước một mất mát cuối cùng của đời mình. Em lại muốn tâm sự với anh, khơi lại những buồn đau, giận ghét trong lòng anh vì sự bạc tình, bất nghĩa của em đối với anh. Nhưng em cũng muốn kể lể, giải thích cho anh những lý do đau lòng và hình như rất hợp lý mà em đã chọn lựa để xa anh hơn 17 năm về trước.
Như anh đã biết, em đã mất cha từ ngày còn bé, lúc mẹ em vẫn còn xuân trẻ. Mẹ đã ở vậy, dành hết tình thương cho 3 đứa con gái mà em là út. Rồi năm 1975 xảy đến làm đảo lộn tất cả nếp sống của gia đình em. Mẹ em và hai chị đã ra đi, em còn sót lại để rồi định mệnh đẩy đưa chúng ta lại gặp, lại sống với nhau như vợ chồng!
Sang bên xứ lạ, quê người, mẹ em buồn khóc, không thể nào quên được em, vì thế hai người chị đã tìm đủ mọi cách để làm sao cho em phải đến được Mỹ. Lúc đó trực tiếp đi Mỹ dưới dạng bảo lãnh cho người thân, ruột thịt… chưa được xét đến vì vậy gia đình em đã phải dùng con đường kết hôn với một người quen, anh ta có quốc tịch Pháp rồi sau đó tìm đường đi Mỹ.
Em đã lưỡng lự rất nhiều trước khi quyết định bởi vì em thật sự yêu anh, không muốn rời xa anh bởi vì bên anh em đã tìm thấy hạnh phúc, niềm hạnh phúc mà em ước mơ, chưa bao giờ có được. Nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh lo buồn, bệnh hoạn của mẹ. Em đã phải chọn lựa lỗi lầm với anh, nhận lấy sự hối hận ray rứt cho đến ngày hôm nay, ngày em sắp sửa nhắm mắt vĩnh viễn rời xa cuộc đời khổ đau và quá nhiều ngang trái của em.
Em quyết định xa anh để được gần mẹ và hai người chị của em, dù em đã hình dung ra những khổ đau khi chọn lựa vì em phải mãi mãi mất anh. Nhưng khi sang được Pháp, rồi qua một số thủ tục em và người chồng mới cưới đến Mỹ định cư đúng như tính toán. Khi sang Mỹ em mới thực sự hiểu rõ thế nào là ý nghĩa thực của hai chữ yêu đương. Em không thể nào quên được anh, nhớ anh ban ngày và thường gặp anh trong mơ ban đêm. Còn người đàn ông quốc tịch Pháp bên cạnh em chỉ là chiếc bóng mờ nhạt, không tình cảm, để rồi kết qủa là sự chấm dứt sau hơn một năm chung sống.
Sau khi ly dị chồng, em đi làm việc và cùng bé Hồng Yểm trở về sống với mẹ em, nhưng cũng chỉ được vài năm, mẹ em bị bệnh mà mất. Em đã đi làm việc, cố gắng dành dụm, tìm cách gửi tí chút về giúp đỡ anh. Em biết rằng nếu nói thật, chắc chắn anh sẽ không nhận sự giúp đỡ của em, vì vậy em đã ngụy tạo ra một lý do hợp lý để cho anh an lòng chấp nhận những món tiền của em gửi về.
Anh Thanh thương mến, suốt hơn 17 năm qua em đã sống trong ân hận vì đã gây đau khổ cho anh. Nhưng chính lúc này đây em tự hỏi nếu hoàn cảnh lập lại giống như vậy một lần nữa. Em có dám vì yêu anh mà rời xa người mẹ kính yêu, đã một đời hy sinh cho em được không? Có lẽ là không anh Thanh ạ! Chính vì vậy em viết lá thư này đến anh, chỉ mong anh thông hiểu và tha thứ cho em đã vì hoàn cảnh mà em đã phải lựa chọn mà gây ra đau khổ cho anh.
Anh thương, anh có bao giờ nghĩ rằng suốt 17 năm vừa qua em đã bao nhiêu lần muốn viết thư, muốn liên lạc với anh để xin anh tha thứ và cho em lại được gần anh không? Anh có hình dung ra, đã có vài lần về nước, em đã đứng xa xa nhìn về căn nhà của anh, trông thấy anh thấp thoáng mà lệ chảy rồi em xót đau và lại im lặng ra đi. Chỉ vì em nghĩ rằng sự hận ghét vẫn còn đầy ắp trong lòng anh và nỗi ngượng ngùng, xấu hổ vẫn chưa nguôi trong trí nhớ của em… Những cảm giác đó đã làm em ngại ngùng, không đủ can đảm tìm đến anh, mặc dù em vẫn yêu anh.
Em đã tưởng rằng cuộc sống của mình sẽ mãi mãi buồn đau trong trạng huống ngăn cách, ăn năn đó. Nhưng mấy tháng trước sau một lần bị bệnh, em phải vào bệnh viện và khám phá ra bệnh ung thư gan đã đến thời kỳ tuyệt vọng đang chuẩn bị loại em ra khỏi cõi nhân gian. Hôm nay, đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, em cố dành sự bình thản viết là thư này cho anh, nhờ Hồng Yểm đưa tận tay anh. Lá thư cuối cùng viết cho anh để rồi em sửa soạn vĩnh viễn ra đi. Lá thư cũng mong anh chấp nhận tha thứ cho em những lỗi lầm mà em đã vì hoàn cảnh mà phải đem đến cho anh những khổ đau giận ghét trong 17 năm qua. Em cũng mong ước anh chấp nhận, coi Hồng Yểm là đứa cháu của anh như ngày xưa mà anh đã từng ẵm bế thương yêu nó . Nó sẽ thay em, giúp đỡ cưu mang anh như một đứa cháu trả nghĩa cho người bác mà mẹ nó yêu thương nhưng vì hoàn cảnh mà gây nên lầm lỗi!
Anh Thanh thương, những kỷ niệm thời ấu thơ và bóng hình anh sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa trong trí nhớ và tâm hồn em, dù cho chúng ta miên viễn xa nhau .
Thương anh
Vân
Đọc xong lá thư, Thanh thẫn thờ buông mình, ngồi xuống chiếc sofa. Anh không ngờ, suốt 15 năm vừa qua. Nhờ những đồng tiền anh đã nhận được, đã nuôi sống, tạo hạnh phúc, ấm êm cho đại gia đình anh qua cơn đói khổ buổi giao thời, lại là mồ hôi, sức lực của Vân. Người đàn bà mà không bao giờ anh quên dù với lòng hận ghét. Bây giờ đứng trước sự thật, lòng tốt và tình nghĩa của Vân đã hiện rõ làm anh hối hận, cảm động.
Thanh ngước đầu nhìn ra phía ngoài đường, từ khoé mắt anh hai dòng lệ chảy dài xuống gò má, với âm thanh buồn bã anh nói:
-Vân, anh cám ơn em. Tội nghiệp em quá!
Hồng Yểm yên lặng nhìn xúc cảm đau đớn hiện rõ trên nét mặt Thanh. Cô bé nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh Thanh, nắm lấy cánh tay Thanh, đưa mắt nhìn Thanh như cầu khẩn:
-Bác Thanh, bác tha lỗi cho mẹ cháu nhé!
-Cháu Hồng Yểm, Nguyễn Thị Hồng Yểm! Mẹ cháu chẳng có lỗi lầm gì với bác cả. Chính bác mới là người có lỗi, bác đã không hiểu tấm chân tình của mẹ cháu đã dành cho bác gần 20 năm qua. Bác đã lầm lẫn, đã lấy thù hận đền đáp lại lòng tốt của mẹ cháu dành cho bác.
Đưa mắt nhìn rất kỹ Hồng Yểm, Thanh nói tiếp:
-Chỉ vì hoàn cảnh và định mệnh oái oăm đã đẩy mẹ cháu và bác ra xa nhau mà thôi. Còn cháu, cháu sẽ mãi mãi là người cháu mà bác thương yêu như mẹ cháu mong chờ.
Im lặng một chút, đưa ánh mắt buồn bã nhìn xa xa dõi theo những chiếc xe gắn máy đang lượn lách trên con đường trước cửa nhà. Thanh nói nhẹ vu vơ:
-Vân, em đã sai lầm, em đã nhìn không chính xác về anh rồi Vân ạ, để rồi những lần em về Việt Nam, em đã ngại ngần không liên lạc, gặp gỡ lại anh. Vân ơi! Em đâu có biết được rằng, sự giận ghét của anh làm sao có thể so sánh được với tình yêu sâu kín, nồng nàn mà anh luôn luôn dành cho em được?!
Bà Chánh im lặng ngồi ở góc phòng, dù không đọc lá thư của Vân nhưng tất cả những diễn tiến đã cho bà hiểu rõ vấn đề. Bà không hề lầm lẫn về Vân đứa con gái mà bà thương yêu từ ngày còn ấu thơ, bà biết chắc chắn nó không phải là dạng người mang cá tính của một người phản bội mà dễ quên kỷ niệm. Bà cũng biết và hiểu rất rõ về Thanh đứa con trai duy nhất của bà. Nó nói rất đúng, sự giận ghét trong lòng nó làm sao có thể sánh được với tình yêu mà nó ấp ủ trong tim được? Buồn bã, bà Chánh chép miệng nhắc lại câu nói của Thanh:
-Hoàn cảnh và định mệnh đã đẩy hai chúng nó xa nhau!
(Switzerland, Zürich Mai, 2024)
-Hết-
-Nguyễn Thị Hồng Yểm (1)
-Nguyễn Thị Hồng Yểm (2)
-Nguyễn Thị Hồng Yểm (kỳ cuối)