Syria. (Hình minh họa: Ali wassouf/Unsplash)

1.

Tại hội nghị quốc tế về Syria tổ chức ở Jordan hôm 14 Tháng Mười Hai, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU và các nước Ả rập đã ra tuyên bố chung, nhất trí rằng chính phủ mới của Syria cần tôn trọng quyền lợi của các nhóm thiểu số. Với việc hai nước từng chống lưng cho chế độ Assad là Nga và Iran không được mời tham dự hội nghị này, có thể hiểu là họ sẽ không được can dự vào tiến trình hình thành một nước Syria mới và sẽ không được tiếp tục gây ảnh hưởng lên Syria như đã từng.

Cùng lúc đó, thủ lĩnh phe nổi dậy Syria là Abu Mohammad al-Jolani đưa ra các tuyên bố đầu tiên kể từ khi chế độ Assad sụp đổ. Qua đó, Syria không có ý định tham gia xung đột với Israel, và rằng Iran là kẻ thù chính của đất nước. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi Israel trên thực tế chưa hề làm gì gây hại cho các lực lượng nổi dậy trong cuộc chiến của họ chống lại chính quyền Assad. Trong khi đó, Iran là bên đã hỗ trợ tích cực nhất cho chế độ Assad trong cuộc chiến. Theo al-Jolani, Iran đã gây ra mối đe dọa không chỉ với Syria, mà còn với toàn khu vực.

Với Nga, al-Jolani nói rằng chính quyền mới của Syria đã cố gắng tránh khiêu khích người Nga và cho Nga cơ hội xem xét quan hệ với Syria. Nói như thế, nước Syria mới sẵn sàng lập quan hệ với Nga, miễn là Nga không gây hại cho an ninh nước này.

Trong khi nhiều nước còn hoài nghi về chính quyền mới của Syria do từng có mối quan hệ với các nhóm cực đoan, và Hayat Tahrir al-Sham vẫn còn nằm trong danh sách các nhóm khủng bố, thì tuyên bố của al-Jolani rằng chính phủ mới của Syria sẵn sàng hợp tác với Phương Tây có thể được xem là tín hiệu tốt đẹp. Bởi một quan hệ tích cực với Phương Tây sẽ là nhân tố quan trọng cho sự hồi sinh về kinh tế và chính trị của Syria.

Nói tóm lại, với các tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo al-Jolani và với tuyên bố chung của hội nghị quốc tế về Syria ở Jordan, những ai quan tâm tới Syria có quyền tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của một nước Syria mới, mà sẽ góp phần đáng kể vào nền hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.

2.

Trong khi Nga được cho là đang giữ liên lạc với phe đối lập Syria nhằm duy trì căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus, thì EU ra điều kiện hợp tác với chính quyền mới ở Syria. Đó là họ phải loại bỏ các căn cứ Nga.

EU muốn rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà khối này đã áp đặt lên Syria thời Assad sẽ phụ thuộc vào “những bước đi và hành động thực tế” của chính quyền mới do phe đối lập Syria lập ra.

Vậy có thể nói EU đang muốn chính quyền mới của Syria phải chọn một trong hai, hoặc Nga hoặc EU, chứ không thể cả hai. Thiết nghĩ, việc chọn lựa này đối với chính quyền mới của Syria xem ra chẳng có gì khó khăn, nếu không nói là quá dễ dàng.  Đó là họ sẽ từ chối mong muốn của Nga. Bởi tại sao lại phải thỏa mãn kẻ đã hậu thuẫn chế độ Assad và chống lại cuộc nổi dậy của các lực lượng đối lập.

Và trước điều kiện mà EU đặt ra, chính quyền mới của Syria đã nhanh chóng ra tuyên bố rằng Nga không có lý do tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria. Có thể xem tuyên bố này là gáo nước lạnh tạt vào mặt Moscow để họ tỉnh ra rằng thời của Nga ở Syria đã qua rồi, muốn níu kéo cũng vô ích.

Mặt khác, lãnh tụ Hayat Tahrir al-Sham là al-Jolani khẳng định sẽ không để lãnh thổ Syria bị lợi dụng cho các cuộc tấn công chống lại Israel. Đây hẳn là lời trấn an Israel sau khi nước này tung ra hàng trăm cuộc oanh kích dữ dội nhằm phá hủy các kho vũ khí trên đất Syria mà chế độ Assad để lại. Bởi HTS hiểu rằng gây oán với Israel sẽ đồng nghĩa gây oán với Phương Tây.

Trong một diễn biến mới nhất, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Cận Đông là Barbara Leaf đã gặp lãnh đạo phe đối lập Syria al-Jolani và thông báo rằng Washington hủy bỏ việc treo thưởng cho việc bắt giữ ông ta. Rõ ràng đây là tín hiệu rất tích cực cho cá nhân ông al-Jolani và chính quyền mới của Syria. Theo bà Leaf, Washington ủng hộ một tiến trình chính trị hướng đến một chính phủ toàn diện, tôn trọng quyền lợi của mọi người dân Syria.

Dẫu những người đứng đầu nước Syria mới có mềm mỏng thế nào đi nữa thì họ cũng khó có thể xem Nga là bạn. Nếu họ không xem Nga là kẻ thù thì đã là tốt cho Nga lắm rồi. Trong khi đó, việc đáp ứng yêu cầu của EU hẳn sẽ giúp Syria vươn mình ra thế giới và thành công trong công cuộc tái thiết của nước này sau 13 năm kiệt sức vì chiến tranh.

Khi ra điều kiện đó, rõ ràng EU muốn chính quyền mới của Syria phải dứt khoát ngả theo Phương Tây. Và rằng Phương Tây không thừa tiền để giúp một kẻ đi hai hàng. Là kẻ thua cuộc, Nga không thể đòi hỏi gì nhiều. Không vớt vát được gì ở Syria, Nga sẽ là kẻ thua toàn tập ở đất nước này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: