(Hình minh họa: Ricardo Díaz/Unsplash)

Trong thông điệp đầu năm 2025 gởi đến người dân Trung Quốc, Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Không ai có thể ngăn cản Trung Quốc thống nhất với Đài Loan.”

Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là lãnh thổ của mình nhưng chính phủ Đài Loan nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của họ và Trung Quốc phải tôn trọng sự lựa chọn của người dân đảo quốc này.

Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cũng tiếp tục gây căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung. Bắc Kinh luôn xác định Đài Loan là một lằn ranh đỏ mà Mỹ phải tôn trọng nếu muốn giữ cân bằng mối quan hệ giữa hai nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Kinh, dù rất thiết tha với việc thống nhất với Đài Loan, lại không tiến hành đánh chiếm đảo quốc này bằng vũ lực như họ luôn hăm dọa? Câu trả lời hẳn là vì Trung Quốc đang vướng bận quá nhiều việc để tiến hành việc đó, đặc biệt là sự sa lầy của Nga ở Ukraine đang là tấm gương đáng sợ cho Bắc Kinh. Trung Quốc rất có thể cũng sẽ rơi vào tình trạng sa lầy như Nga nếu tiến đánh Đài Loan.

Rốt cuộc, việc Bắc Kinh luôn hăm dọa đánh Đài Loan dường như chỉ để nhắc nhở Mỹ và các nước ủng hộ Đài Loan rằng Đài Loan mãi mãi là của Trung Quốc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn…

Ngoài ra, có một ý kiến rất có lý rằng ông Tập Cận Bình đằng mồm nói muốn thống nhất Đài Loan nhưng trong bụng lại toan tính chiếm lại những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã mất vào tay Nga trong thế kỷ 19. Hiện nay trong nội bộ nhà cầm quyền Bắc Kinh, đang có nhiều tiếng nói thúc giục ông Tập sớm thực hiện việc này vì theo họ, không phải lúc này thì còn lúc nào, khi Nga đang suy yếu và sa lầy ở Ukraine.

Về phần mình, Nga không phải là không biết nguy cơ đó nhưng chẳng thể làm gì được khi toàn bộ năng lực quân sự của Nga đang dồn hết vào chiến trường Ukraine. Nếu Moscow rút quân ở chiến trường này về trấn giữ các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang muốn chiếm lại thì khác nào chấp nhận buông Ukraine, nghĩa là xôi hỏng bỏng không.

Sẽ là khó hiểu nếu Bắc Kinh không động binh nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ của mình đang nằm trong tay Nga. Không phải lúc này thì còn lúc nào?

Trong khi đó, trong thông điệp đầu năm 2025 gởi đến người dân Nga, Tổng Thống Vladimir Putin nói: “Mọi chuyện sẽ ổn.” Hẳn đây là cách trấn an người dân của ông Putin giữa lúc giá cả tăng cao và lãi suất 21% của ngân hàng trung ương đang gây áp lực lên các doanh nghiệp và người mua nhà.

“Chúng ta tự tin mọi chuyện sẽ ổn và chúng sẽ chỉ tiến về phía trước,” ông Putin nói. Nhưng liệu nước Nga sẽ tiến về phía trước như thế nào khi mà những gánh nặng từ cuộc chiến ở Ukraine đang đè nặng lên nền kinh tế Nga. Có cảm tưởng nước Nga, dưới sự lèo lái của ông Putin, đang tiến về phía trước bằng cách đi thụt lùi. Liệu những lời trấn an chung chung của ông Putin có trấn an được người dân Nga hay không?

Trong thông điệp đầu năm này, ông Putin không đề cập cụ thể tình hình chiến trường cũng như dự đoán cục diện chiến sự Nga-Ukraine vào năm 2025. Điều này cho thấy ông chủ Điện Kremlin không còn nhiều tự tin vào một chiến thắng của Nga đối với Ukraine như ông ta từng hăm hở trước đây. Ông Putin trấn an người dân nhưng rất có thể tinh thần của ông ta lại đang bất an. Và rất có thể ông ta đang lo lắng Nga sẽ bị “bạn hiền” Trung Quốc bất ngờ động binh chiếm lại những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã mất vào tay Nga trong thế kỷ 19. Nếu điều đó xảy ra thì xem như Nga bó tay hoàn toàn, vô phương đối phó.

Có thể nói quan hệ Nga-Trung là mối quan hệ khó lường. Bắt tay nhau, ôm nhau không có nghĩa là hai đứa mình yêu nhau.

Chưa biết xung đột Nga-Ukraine liệu sẽ kết thúc trong năm 2025 như nhiều người kỳ vọng hay không, nhưng biết đâu trong năm này, trong khi xung đột Nga-Ukraine còn tưng bừng lửa khói, thì thế giới lại chứng kiến một cuộc xung đột mới nổ ra!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: