Có những ký ức mà người ta thường không muốn nhớ lại, vì đã bị nó ám cả đời, xen cả vào giấc mơ. Kể lại, đó là cách mà thằng Tèo chữa lành.
Những năm cuối của thập niên 70 và thập niên 80, cái đói thời ngăn sông cấm chợ ở miền Nam đã ảnh hưởng đến nhiều con người, trong đó có gia đình thằng Tèo và thằng Tèo. Ba thằng Tèo vì muốn cứu đói cho 6 đứa con và bản thân đã làm những chuyện kỳ cục, ảnh hưởng đến tâm lý thằng Tèo.
Hậu quả là thằng Tèo càng ngày càng sợ tiếp xúc với con người. Mỗi khi tiếp xúc với người lạ xong là thằng Tèo bị nhức đầu dai dẳng. Thằng Tèo cũng ít cười vì càng cố gượng cười thì nó càng bị nhức đầu thêm. Mỗi khi nhức đầu thì dòng ký ức tuổi thơ lại hiện lên càng làm rối tâm trí.
Ngôi nhà vách ván mái tôn nền đất ngang chừng 5 mét, dài chừng 15 mét nằm trong mảnh đất ngang 7 mét dài 40 mét, bên con lộ 22 ở một tỉnh miền Đông. Trong sân đất trước ngôi nhà có cây xoài và cây mít. Hàng rào trước nhà là những bụi tùm nụm. Trong sân sau có cái giếng sâu hoắm. Xa xa phía sau là những bụi chuối, bụi tre gai. Hông nhà bên trái lại có thêm một cây mít. Hàng rào bên hông này là những bụi cây lưỡi hổ và cây trà (gọi là cây trà nhưng không phải loại cây cho lá để làm trà uống) mọc um tùm. Hông nhà bên phải có cây ổi và những dây mồng tơi, bụi bù ngót.
Đó là ngôi nhà của 6 đứa trẻ và một người lớn, đứa lớn nhất là con gái 13 tuổi, đứa nhỏ nhất là thằng Tèo 3 tuổi. Ngôi nhà thường xuyên vắng người lớn vì lý do cũng dễ hiểu. Sau khi mẹ nó mất vì bệnh nặng vào Tháng Tư 1978, cũng là lúc nó sắp được 3 tuổi, ba nó thường xuyên đi thăm hai bà vợ hờ. Một bà cách nhà nó chừng 30 cây số, còn một bà cách nhà nó chừng 5 cây số.
Lúc đi, ba nó biện minh là “Tao đến nhà mấy bả ăn cơm để đỡ một miệng ăn. Rồi tao coi nhà mấy bả có gì ăn được thì tao mang về cho tụi mày ăn.” Có khi gần nửa đêm ba nó mang về một lon Guigoz đựng cơm không, với mấy miếng đường tán. Tụi nó ngồi quanh cái bàn gỗ mục trong ánh đèn dầu leo lét, chia cơm ra ăn với đường tán. Có hôm vớt vát, ba nó mang về vài cái bánh bò, bánh ít hay mấy trái lý. Mà đâu phải ngày nào mấy bà vợ hờ của ba nó cũng chứa ổng, lúc đó ba nó đi tìm bạn nhậu, nhậu để say mà cũng là để no.
Về phần tụi nó, bữa ăn là những món luộc từ những cây trái có trong sân nhà: mùng tơi hay bù ngót, trái mít non gọt vỏ, măng, trái chuối non, cây chuối non. Khi nào trong nhà không còn gì để luộc, tụi nó ăn luôn cả trái chanh non, xoài non chua lè chua lét hay trái ổi non chát ngắt chấm muối hột.
Có hôm thằng Tèo đói quá đi không nổi nữa nên bò từ giường này qua giường nọ nằm chờ có cái gì đó để ăn sau khi đã uống liên tục những ca nước lã để cho căng bụng từ sáng đến tối. Vậy mà ba nó về cũng không có gì để ăn. Đã vậy, ông còn quát chửi giọng hậm hực: “Tao đã dặn bao nhiêu lần rồi là trong nhà luôn luôn phải thủ sẵn một muỗng gạo, một muỗng cà phê gạo cũng được, khi nào đói quá thì nấu với một nồi nước rồi chia nhau ra húp, có hơi gạo cũng đỡ đói. Tại sao tụi bây không nghe lời tao hả?”
Gạo. Đó là một thứ hiếm khi có trong nhà thằng Tèo. Một tháng chỉ vài ngày rải rác là có gạo để nấu cháo, hay “sang” lắm là nấu cơm ăn với rau má sống chấm nước tương hột quậy thật lỏng với nước lã thì mới đủ cho 6 đứa. Thằng Tèo chỉ ước gì ngày nào cũng có cơm ăn với rau má sống chấm nước tương hột như vậy. Đó là những ngày khách trả tiền cho ba thằng Tèo vì đã mua chịu của ông thuốc trị bệnh.
Ba thằng Tèo trước Tháng Tư 1975 là y tá cho một bệnh viện đa khoa tỉnh nên ông cũng biết cách trị những bệnh thông thường. Vợ mất. Ông nghỉ việc. Mà chắc không bệnh viện nào dám giữ ông lại làm việc vì ông đã trở nên điên điên khùng khùng.
Tèo nhớ ông có những cái tật khó hiểu là khi ông đứng thì ông cứ cà hẩy cà hẩy và lấy bàn tay sờ tới sờ lui cái hạ bộ. Khi nói một tiếng ông thường chêm vào những tiếng “nè! nè!” nghe điếc con ráy. Ông phun nước miếng liên tục mà ông thích phun vào mặt những đứa con. Khi ông cần con dao hay cầm cái rựa thì ông quơ lên hạ xuống như muốn bổ vào đầu đứa con nào đứng hay ngồi gần đó. Khi ông cầm ấm nước sôi thì cũng muốn chế vào mặt đứa con nào đứng gần.
Các đứa lớn tỏ ra không sợ hay chúng sợ mà không dám nói. Riêng thằng Tèo cảm thấy rất khó chịu khi ba nó làm những hành động như vậy. Nó phản đối bằng cách cằn nhằn. Ông đâm ra bực bội và đánh thằng Tèo không thương tiếc.
Chỉ có những người không có tiền mới đến nhà thằng Tèo mua thuốc. Nếu ba thằng Tèo không có ở nhà thì chị Hai thằng Tèo bán những phần thuốc đã được ba nó phân ra sẵn cho người lớn và trẻ em, có ghi tên từng loại bệnh. Dĩ nhiên là người ta mua chịu, đến khi nào có tiền thì người ta mới đem trả. Một nửa tiền, ba nó đem mua thuốc bù vào để bán tiếp. Còn nửa kia, ông đem mua gạo, rau má, tương hột, củi. Đó cũng là lúc ước mơ của thằng Tèo thành sự thật: ước mơ có cơm ăn với rau má sống chấm nước tương hột quậy lỏng với nước lã.
Thằng Tèo có khi đói quá mà quên mất anh chị của nó. Có lần, nó ngấu nghiến ngốn đến ba tô cơm. Thằng anh thứ Tư của nó tức quá viết lên vách bằng phấn trắng để méc ba: “Tèo ăn ba tô cơm”. May mà ba nó cũng làm lơ với câu mách lẻo đó. Năm tháng dần trôi qua, dòng chữ ấy trở nên vàng đục mà câu chuyện về cái đói của nhà thằng Tèo vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Vào cái thời ngăn sông cấm chợ, thiên hạ ai cũng thiếu ăn thiếu mặc nhưng chắc rằng nhà thằng Tèo nằm trong số nhà bị đói rũ rượi. Anh chị thằng Tèo lần lượt xa nhà để kiếm miếng ăn qua các công việc: chị Hai đi sơn mành trúc, anh Ba đăng ký đi bộ đội, anh Tư đi làm ở lò rèn, chị Năm đi làm công nhân, chị Sáu đi ở đợ bán cà phê. Còn lại thằng Tèo sống ở nhà với ba. Lúc này thằng Tèo đã 12 tuổi.
Ở cái tuổi sắp dậy thì mà nó ốm tong ốm teo nên người ta thường gọi nó là thằng Tèo Teo. Tèo Teo sau những năm tháng đói khổ và phải chịu đựng những thói xấu của ba nên nó cũng trở nên khùng khùng điên điên. Nó hay cà giựt cà giựt như người mắc bệnh kinh phong giựt. Ở trường, bạn học cùng lớp thường rút băng ghế cho nó té rồi đổ thừa rằng “Tèo tự giựt nên té ghế đó cô/thầy” để thoát tội với thầy cô giáo.
Ở nhà, thằng Tèo vẫn bị đói dù cho thỉnh thoảng anh chị nó có gửi một ít tiền hay gạo về nhà nhưng vẫn không đủ ăn. Ba thằng Tèo vẫn đi đi lại lại với các bà vợ hờ và vẫn đi tìm bạn nhậu, thậm chí nhậu nhiều hơn, la hét nhiều hơn, đánh nó nhiều hơn. Thời gian này cũng không còn ai mua thuốc chịu của ba nó. Cho nên hễ nhà hết gạo thì Tèo ăn tầm bậy tầm bạ những thứ quanh nhà hay là nhịn đói qua đêm luôn. Vì đói thường xuyên, thằng Tèo lúc nào cũng cảm thấy trong người mệt mỏi, lơ mơ, yếu ớt, không có sức lực. Chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua khi trời chuyển mưa lớn thì thằng Tèo lảo đảo.
Hôm nào ba thằng Tèo ở nhà thì có mấy bà bán sương sâm, bán bánh bò đi ngang nhà ghé vào “giao lưu tình cảm” với ba nó, rồi múc cho nó chén sương sâm hay cho nó cái bánh bò. Cảnh ba nó “nhấp nhô” trên giường ở lối đi với những người đàn bà lạ đập thường xuyên trước mắt nó. Có hôm ba nó mang về một người sư nữ. Bà ta bắt nó hôn bà thì mới cho nó một trái cam. Thằng Tèo hôn xong muốn ói vì mùi dầu gió tỏa ra từ da thịt quyện cùng mùi mồ hôi của bà ta.
Rồi không biết từ bao giờ, ba nó quen cả cánh tài xế. Thỉnh thoảng, đám tài xế ấy đưa phụ nữ đến “hành sự” cũng trên chính chiếc giường đó. Xong “việc” đám tài xế cho nó ít tiền. Với số tiền đó nó có thể mua gạo mua củi nấu cơm ăn được vài hôm.
Một buổi sáng vào năm học cuối cấp ba, thằng Tèo còn đang ngủ trên chiếc giường lắc lẻo vì “giường” là cánh cửa được kê bằng 4 khúc củi ở bốn góc thì bất chợt có một người đàn ông thò đầu vào mùng khều khều chân nó. Nó hết cả hồn quấn mền thật chặt hỏi “Có gì không chú?” Người đàn ông đáp “Có ba con ở nhà không?” Nó trả lời “Dạ, không. Ba con đi vắng từ hôm qua.” Đó là người đàn ông thỉnh thoảng tạt vô nhà nó rồi cũng “ôm ôm ấp ấp” với ba nó và cho nó ít tiền.
Cái tết thiếu thốn cuối cùng trong nhà thằng Tèo là năm 1993. Tết năm đó, nhà thằng Tèo không có bông, không có bánh mứt, không có bánh tét, không có nồi thịt kho tàu… như những gia đình khác. Mùng 1 tết, 6 anh chị em nhà thằng Tèo ngồi quanh cái chảo kho quẹt trên cái giường mà thằng Tèo nằm ngủ để ăn cơm. Những đôi đũa cùng chọt vào chảo kho quẹt làm nó rơi xuống đất. Cả 6 đứa mặc kệ cái chảo đang nằm trên nền đất, tiếp tục bước xuống đất ngồi quanh cái chảo kho quẹt để ăn cơm tiếp.
Những cái tết sau năm đó, ngôi nhà ở quê của thằng Tèo vắng bóng nó, vì sau khi học xong đại học, nó quyết chí ở lại Sài Gòn sinh sống.
Xuân lại về, gió mát rười rượi phả vào mặt thằng Tèo đang chạy xe máy giữa chốn Sài Gòn để tiếp tục tìm kiếm cái ăn cái mặc. Thấp thoáng ở những góc đường đã xuất hiện những cây bông mai bằng nhựa vàng chói được quấn dây đèn nhấp nháy. Trong cảnh sắc giả tạo, thằng Tèo lại nhớ về thời xa xưa, về những cái tết không có cái ăn bên gia đình. Dù đã hơn 30 năm trôi qua, những cảnh đói ăn ở quê vẫn hiện rõ trong tâm trí thằng Tèo như một cuốn phim quay chậm.
Xa quê hơn 30 năm, sống giữa chốn thành Hồ “hoa lệ” này, thằng Tèo thấm thía câu người ta thường bông đùa trên mạng: Thành Hồ có “hoa” cho người giàu, còn “lệ” cho người nghèo!