LTS: Tác giả bài viết tinh tế chỉ ra rằng hàng năm, Báo Giác Ngộ – tiếng nói đại diện cho Giáo Hội Phật giáo tay sai – có trò “bưng bô” quen thuộc là hay làm ảnh bìa báo Xuân có ảnh của chủ tịch nước đương thời. Thế nhưng, tình thế chính trị ở Việt Nam hỗn loạn, với 4 chủ tịch lên xuống bất thường nên năm nay, đứng đầu Giáo hội tay sai là Thích Trí Quảng có vẻ chủ trương “xả xui” bằng ảnh của Phật Di Lặc. Bên cạnh đó, thói chạy theo xu nịnh quan quyền của giới chức Giáo hội tay sai cũng bị tác giả Đàm Ngọc Tuyên bóc trần trong bài viết này.
Sa môn bất bái vương giả”, còn Pháp chủ Thích Trí Quảng thì sao?
Báo Xuân Ất Tỵ 2025, tờ Giác Ngộ đăng bức hình Đức Phật Di Lặc lên trang bìa, khiến nhiều người đặt câu hỏi, sao không thấy đăng hình Chủ tịch nước đương nhiệm – ông Lương Cường, chụp cùng Pháp chủ đương quyền Thích Trí Quảng – như cái cách mà họ đã từng những mùa xuân trước đó?
Cụ thể, báo Xuân Quý Mão 2023, tờ Giác Ngộ đăng bức ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc và Pháp chủ, trong lần Chủ tịch nước lúc bấy giờ, đến Saigon chúc Tết Thích Trí Quảng vào ngày 16 tháng Giêng 2023, tức ngày 5 tháng Chạp 2022 Âm lịch.
Còn báo Xuân Giáp Thìn 2024, trang bìa tờ Giác Ngộ, là bức ảnh Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thích Trí Quảng, cùng hai vị sư khác, mà trong ảnh, cả ba sư đều cười ngoác cả mồm. Nụ cười khiến cơ mặt căng toạc ra, to còn hơn khi địa chủ được mùa. Tuy nhiên, đó là dịp ông Thưởng đến chúc nhau nhân Lễ Phật đản 2023, vào ngày 26 tháng Năm, cùng năm.
Xuân năm này, có lẽ người buồn nhất là Pháp chủ Thích Trí Quảng, bởi dường như kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch nước Lương Cường chưa đến thăm, để Pháp chủ còn có hình đặng mà đăng báo Xuân. Ngạc nhiên hơn, là vì sao Pháp chủ không lặn lội ra Hà Nội chầu chực được yết kiến quan chức cấp cao, thì cũng có hình ảnh kia mà?
Bởi, điều đó không phải là chưa từng có tiền lệ đối với vị Pháp chủ có nhiều năm tuổi Hội này. Mà có thể nói Pháp chủ hành động rất trơn tru khi cầu cạnh thế quyền. Như chiều muộn trong nhá nhem đêm tối, ngày 29 tháng Mười Một 2022, Thích Trí Quảng và tùy tùng lần mò đến chầu chực ở Phủ Thủ tướng.
Hỏi đêm hôm ấy đêm gì? Đó là đêm Thích Trí Quảng vừa lên ngôi vương Pháp chủ, liền dẫn theo Thích Thanh Nhiễu, Thích Giác Quang, Thích Thiện Pháp và Thích Thiện Nhơn, những sư đỏ quyền lực top 10 hiện nay, chủ động đến bái kiến thăm và cảm ơn ông Thủ tướng Phạm Minh Chính và những quan lớn khác.
“Sa môn bất bái vương giả”, là một câu nói nổi tiếng trong lịch sử, thể hiện quan điểm về mối quan hệ giữa tôn giáo và quyền lực chính trị. Câu này được hiểu là “Sa môn (tu sĩ Phật giáo) không cúi lạy trước vua chúa.”
Câu nói này được ghi lại trong sử sách thời nhà Hán ở Trung Quốc. Khi vua Hán Minh Đế triệu tập các vị tăng sĩ Ấn Độ đến truyền bá Phật giáo, họ từ chối cúi lạy trước nhà vua vì cho rằng sa môn (người xuất gia) chỉ kính lễ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), không cúi lạy trước bất kỳ thế lực trần thế nào.
Điều này, nhằm tôn trọng phẩm giá của người tu hành: Sa môn tượng trưng cho sự giác ngộ và thoát khỏi ràng buộc thế gian, nên họ không chịu sự chi phối của quyền lực trần tục.
Ngoài ra, “Sa môn bất bái vương giả” còn là quan điểm bình đẳng: Trong tư tưởng Phật giáo, tất cả chúng sinh đều bình đẳng, không có phân biệt cao thấp giữa người thường và vua chúa. Cũng như vấn đề độc lập giữa tôn giáo và chính trị: Phật giáo không lệ thuộc vào quyền lực chính trị mà hướng đến giá trị tâm linh và giải thoát.
Câu nói này trở thành biểu tượng của sự kiên định về niềm tin và tinh thần độc lập của người tu hành trước những áp lực từ quyền lực thế gian.
Cho nên, với những nụ cười thỏa hiệp cùng quyền lực thế gian, những lần đi đêm bái kiến quan quyền của những nhà sư đỏ hiện nay, không khỏi khiến những Phật tử biết tự trọng, và những nhà sư có liêm sỉ, càng phải nhớ về câu nói “Sa môn bất bái vương giả”, để rồi tự thẹn.
Nhưng đối với Pháp chủ Thích Trí Quảng cùng tùy tùng dưới trướng của ông, thì dường như, với pháp tu “Đạo pháp Xã hội chủ nghĩa”, đã thấm nhuần, ngấm vào não tủy, chảy rần rật trong huyến quản, thông qua những gì họ đang “hành pháp”, cho thấy câu “Sa môn bất bái vương giả” không dành cho họ, cũng vậy cho cả lòng tự trọng và liêm sỉ.